Hàn Quốc thực sự có rất nhiều món ăn phụ đa dạng từ thực vật trong văn hóa ẩm thực. Bởi thế phần nào đã tạo tiền đề giúp việc ăn chay mở rộng phạm vi của nó đối với người dân ở quốc gia này. (Ảnh: acworks / photo AC)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Thời buổi hiện đại, hiểu biết được nâng cao nên những quốc gia phát triển như Hàn Quốc cũng chú ý duy trì cuộc sống của mình trở nên lành mạnh hơn mỗi ngày. Trong đó, xu hướng ăn chay là cách hoàn hảo giúp người dân xứ Kim Chi lưu tâm đặc biệt đến sức khỏe bản thân, đồng thời nó còn khiến họ tạo nên ý thức tốt từ việc đảm bảo chất lượng môi trường trước hiện trạng biến đổi khí hậu và các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh khó lường. Vậy, người Hàn đã mở rộng xu hướng ăn chay như thế nào nhằm hưởng ứng, duy trì lối sống bền vững, thân thiện, tự nhiên hơn? Hãy cùng mình điểm qua một số thông tin liên quan tới xu hướng ăn chay vừa nêu tại Hàn Quốc bằng bài viết bên dưới nhé!
Ẩm thực xứ Kim Chi vốn được biết đến bởi nhiều món ăn xuất phát từ thịt khá thơm ngon như Samgyeopsal (thịt ba chỉ nướng đi kèm rau xanh), các món Galbi (sườn bò hoặc sườn heo) như Galbijjim (sườn rim), Galbitang (canh sườn), Bulgogi (thịt nướng), Yangnyeomtongdak (gà rán)... Điều này được chứng minh bởi số liệu của Hiệp hội phân phối và xuất khẩu thịt Hàn Quốc; theo đó, một người Hàn có lượng tiêu thụ thịt trung bình so với gạo hằng năm tăng dần từ năm 2012 với khoảng hơn 35kg thịt/người/năm, nhưng đến năm 2021 là hơn 52,5kg thịt/người/năm; trong khi lượng tiêu thụ gạo giảm từ 70kg gạo/người/năm ở năm 2012, nhưng sang đến năm 2021 chỉ còn tầm hơn 52,5kg gạo/người/năm.
Mặc dù thích thưởng thức thịt nhưng đồng thời ở Hàn Quốc cũng có vô vàn món ăn phụ hầu hết được làm từ rau, củ, quả ví dụ các món Kimchi, củ cải, hành muối, Namul, đậu hũ, rong biển... Đây là cách người Hàn bổ sung chất xơ, vitamin thực vật cần thiết cho cơ thể. Ngày nay những nhà hàng, quán ăn, shop bán thực phẩm tại các khu chợ Hàn Quốc đang bắt đầu phát triển thêm nhiều hơn nữa thực đơn liên quan đến rau, củ, quả phục vụ thực khách thích hoặc có nhu cầu ăn chay.
Một shop bán Namul ở chợ truyền thống Gwangmyeong, thuộc tỉnh Gyeonggi-do – đây là kiểu thực phẩm xứ Hàn ngon miệng phù hợp với người ăn chay hoặc thích ăn chay. (Ảnh: Traveller Tomo / photo AC)
Một yếu tố khác cần đề cập đó là việc tác động vào môi trường ngày càng sâu sắc đi kèm sự tự ý thức được bản thân phải khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng, cùng tính chất không bền vững của ngành công nghiệp chế biến thịt mà xu hướng ăn chay dần dần phát triển. Đặc biệt, nhu cầu ăn chay tăng mạnh vào thời điểm Covid-19 bùng nổ. Theo số liệu khảo sát quý I năm 2021 do GlobalData (một công ty tư vấn, phân tích dữ liệu đóng trụ sở tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh) cho biết: khoảng 55% người dân xứ Hàn coi sức khỏe là nhân tố chính trong việc cân nhắc dùng sản phẩm từ thực vật thay cho chế độ ăn chủ yếu dựa trên thịt và chế phẩm sữa động vật; hay theo Tổ chức Liên minh ăn chay Hàn Quốc (Korea Vegetarian Union) thì khoảng hơn 500.000 người Hàn đang giữ thói quen ăn thuần chay và tầm 1,5 triệu người Hàn được xác định ăn chay hoặc có chế độ ăn giàu thực vật (tăng gấp 3 lượng người ăn chay trong vòng 1 thập kỉ vừa rồi).
Bổ sung rau, củ, quả và các chế phẩm từ thực vật chẳng hạn như đậu hũ, sữa hạt… vào bữa ăn hằng ngày, hạn chế thịt, chế phẩm sữa động vật đã trở thành xu hướng ăn chay được người Hàn tích cực hưởng ứng trong việc ngăn ngừa tác động xấu tới môi trường, đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, khỏe khoắn hơn theo thời gian. (Ảnh: Pixabay)
Ngoài ra, ở Hàn Quốc nhu cầu cập nhật tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội là cực kì nhanh chóng, người dân đất nước này nhận thức rằng: việc tiêu dùng quá nhiều thịt hoặc chế phẩm từ động vật làm tăng nguy cơ Trái đất ấm lên, đồng thời còn ảnh hưởng đến phúc lợi tốt dành cho động vật. Đặc biệt, các gia đình xứ Hàn thường nuôi thú cưng và họ xem việc đối xử với chúng cũng quan trọng như một kiểu xây dựng nên mối quan hệ thân thiện, lâu bền. Điều ấy thúc đẩy phong trào sống có đạo đức, lên án những cách hành xử không lành mạnh dành cho động vật. Đây cũng là yếu tố giúp giữ vai trò tác động khiến xu hướng ăn chay phát triển ở Hàn Quốc.
Các gia đình xứ Hàn thường có thói quen nuôi thú cưng, điều này cũng ảnh hưởng tới việc hình thành xu hướng ăn chay bởi họ cho rằng đối xử có đạo đức với động vật giúp gia tăng phúc lợi cho chúng, góp phần xây dựng nên mối quan hệ thân thiện, lâu bền. (Ảnh: Pixabay)
Bởi thế, nắm bắt nhu cầu ăn chay tăng cao, các công ty / doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xứ Kimchi lần lượt ra mắt hàng loạt mặt hàng ăn chay chất lượng phục vụ người tiêu dùng, có thể lấy ví dụ tiêu biểu như: mì ăn liền thực vật của thương hiệu Ottogi, bánh mì kẹp thuần chay của Lotte Food, Pulmuone với món Kimchi không chứa hải sản muối, hệ thống siêu thị Lotte Mart có sản phẩm Gogi Daesin (sản phẩm thay thế thịt bằng protein thực vật)...
Trên mạng xã hội như YouTube, Instagram xuất hiện các YouTuber, Blogger người Hàn hướng dẫn khá cụ thể về cách tự chế biến món ăn chay tại nhà (ví dụ: Vege is, The Korean Vegan,...). Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã chu đáo đáp ứng thêm một vài loại hình khác cho người ăn chay hoặc thích ăn chay như: nhà hàng / quán ăn chay kèm theo việc giao hàng tận nơi, hay tổ chức Lễ hội thuần chay Hàn Quốc nhằm kết nối những người ăn chay với nhau (sự kiện đã gia tăng số người tham dự lên thường niên kể từ 2013).
Xu hướng ăn chay đã kéo theo việc hồi sinh nền ẩm thực đền chùa Phật giáo truyền thống tại Hàn Quốc khiến nó được phổ biến rộng rãi hơn với du khách ngoại quốc. (Ảnh: Chụp màn hình video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Xu hướng ăn chay không chỉ có lợi đến sức khỏe con người mà nó còn kéo theo sự hồi sinh của nền ẩm thực đền chùa Phật giáo truyền thống tại xứ Kimchi. Khách du lịch ngoài việc tiếp cận văn hóa đền chùa vô cùng thú vị thông qua hình thức “Temple stay” (du lịch đền chùa), thì bên cạnh đó, họ sẽ được thưởng thức, tận hưởng những món ăn chay ngon miệng trong không gian linh thiêng của chùa chiền Hàn Quốc.
Tuy vậy, ở Hàn, người ta không nhất thiết phải ăn thuần chay, nhiều người chọn lựa cách “ăn chay linh động” tức là họ không kiêng khem quá khắt khe về thịt nhưng giảm dần từ từ theo thời gian, đồng thời tăng khẩu phần rau, củ, quả nhiều hơn vào bữa ăn hằng ngày. Ăn chay linh động kế thừa hoàn hảo tính tích cực từ việc ăn thuần chay và kết hợp cân bằng giữa chế độ tiêu thụ thịt - thực vật mang lại lợi ích tốt tới sức khỏe. Tựu trung, xu hướng ăn chay phát triển thành công như hiện tại chính yếu vẫn là ý thức cởi mở đón nhận lẫn thái độ thân thiện của người dân xứ Hàn trước quyết tâm đưa việc ăn chay trở thành dấu ấn rõ nét hơn trong văn hóa đại chúng ở quốc gia này.
Ăn chay đang ngày một lan rộng tầm ảnh hưởng đến người tiêu dùng Hàn Quốc, nó nhắc nhở họ rằng hãy tạo cho mình lối sống lành mạnh, hành xử nhân đạo với động vật, quan tâm tới môi trường tự nhiên, xây dựng thế giới quan tiến bộ, từ đó tương lai sẽ thay đổi theo hướng tích cực, bền vững, lâu dài trên nhiều phương diện.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.