Các sĩ tử tụ tập vui vẻ trước kỳ thi Suneung, cùng nhau cầu ước sự may mắn. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh
Ở các quốc gia, đặc biệt tại các quốc gia châu Á, giáo dục luôn được coi là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, là tiền đề của con đường dẫn đến thành công. Đất nước Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ. Người Hàn Quốc từ xưa đến nay luôn đề cao truyền thống hiếu học, họ quan niệm rằng được học tập tại một môi trường đại học thuộc hàng top thì sau này sẽ có một tương lai xán lạn, công việc ổn định, sự nghiệp và gia đình đều suôn sẻ. Do đó, việc đỗ vào những trường đại học hàng đầu trở thành mục tiêu quan trọng nhất không chỉ của học sinh mà còn là của các bậc phụ huynh, họ đặt trọn niềm tin và hy vọng vào kỳ thi đại học. Đó cũng chính là lý do tại sao kỳ thi tuyển sinh vào đại học là một kỳ thi khiến cả Hàn Quốc phải “nín thở”. Nếu bạn tò mò về độ “khét tiếng” của nó thì hãy cùng mình tìm hiểu về kỳ thi này nhé!
Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được gọi là Suneung (
수능) hoặc tên gọi tiếng Anh là CSAT (College Scholastic Ability Test), là một kỳ thi kiểm tra năng lực quốc gia. Kỳ thi Suneung hay CSAT có nguồn gốc từ kỳ thi công chức xưa của người Hàn, trải qua nhiều lần sửa đổi, kỳ thi này chính thức được áp dụng từ năm 1994, thường diễn ra vào tháng 11 hàng năm và kéo dài 8 giờ đồng hồ bao gồm các môn thi như quốc ngữ, toán học, tiếng Anh, khoa học,... và nhiều chủ đề khác.
Kỳ thi này được coi là cột mốc quan trọng nhất trong suốt 12 năm học tập, là bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng quyết định tương lai của cuộc sống sau này. Vào ngày kỳ thi diễn ra, bạn sẽ thấy một sự im lặng đến nín thở bao trùm toàn Hàn Quốc, thậm chí máy bay ngừng bay để đảm bảo việc tránh gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến quá trình làm bài thi. Các công ty sẽ bắt đầu ngày làm việc muộn hơn một giờ để giảm tắc nghẽn giao thông, và các phương tiện giao thông công cộng sẽ hoạt động với khoảng thời gian ngắn hơn. Cả đất nước Hàn Quốc đều hướng về kỳ thi quan trọng này. Chính vì thế, kỳ thi Suneung còn được mệnh danh là “cuộc chạy đua marathon” với 8 giờ đồng hồ “im lặng” nhất tại Hàn Quốc.
Kỳ thi Suneung là dấu mốc đánh dấu chặng đường 12 năm đèn sách và cũng là cánh cửa tiến tới tương lai. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Bạn bè và gia đình luôn chờ đợi và cầu mong cho những người thân yêu của họ làm bài kiểm tra đạt điểm cao. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Để với tới “cơ hội đổi đời” ấy, các bạn học sinh Hàn Quốc đã phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu bền bỉ chạy đua trên con đường tri thức khổng lồ. Ngay từ khi mới 6 tuổi, họ đã phải nhận thức rất rõ về con đường học tập cũng như ôn luyện cho 12 năm đèn sách. Một ngày của một học sinh Hàn Quốc sẽ bắt đầu từ sáng sớm và có thể kéo dài đến nửa đêm, với những ca học triền miên tại lớp học, và tại các “lò luyện thi” được người Hàn Quốc gọi là “Hagwon”. Mục tiêu cao nhất của họ chính là bước vào cánh cổng của bộ ba SKY - ba ngôi trường đại học quyền lực và nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc, bao gồm Trường Đại học Quốc gia Seoul, Trường Đại học Hàn Quốc và Trường Đại học Yonsei.
Bộ ba SKY quyền lực được mệnh danh là cánh cửa của tương lai trong quan niệm của người Hàn Quốc. (Ảnh: Trang web chính thức của các trường đại học)
Người Hàn Quốc còn quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là ngủ 3 tiếng thì bạn có cơ hội vào bộ ba SKY, ngủ 4 tiếng thì có thể vào các trường đại học khác còn nếu ngủ 5 tiếng thì chỉ có đỗ đại học “trong mơ”. Có thể nói, cuộc đua tri thức tại Hàn Quốc luôn khốc liệt và căng thẳng hơn bao giờ hết. Việc được ghi danh vào một trong ba ngôi trường SKY hay không sẽ trở thành một bước ngoặt lớn trên con đường tri thức, hoặc bạn sẽ thắng, hoặc bạn sẽ trao phần thắng của mình vào tay kẻ khác. Chính vì thế, phần lớn các bạn học sinh đều rất áp lực về điều này.
Nếu ở Hàn Quốc có CSAT thì ở Việt Nam kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng “khét tiếng” không kém. Ở Việt Nam, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thường diễn ra dưới cái nóng 40 độ C của mùa hè thì ở Hàn Quốc, kỳ thi Suneung diễn ra dưới cái lạnh đến âm độ của mùa đông xứ Hàn. Có thể thấy rằng, dù ở Hàn Quốc hay Việt Nam thì kỳ thi đại học luôn khắc nghiệt. Nếu như ở Hàn Quốc, các bạn sĩ tử buộc phải thi cả 6 môn trong cùng một ngày thì ở Việt Nam sẽ chỉ thi 4 môn gồm 3 môn cố định và 1 môn tự chọn và được thi trong vòng 4 ngày.
Như vậy có thể thấy so với kỳ thi trung học phổ thông ở Việt Nam, kỳ thi CSAT của Hàn Quốc áp lực và “khó thở” hơn nhiều, không chỉ về thời gian mà còn về khối kiến thức mà bạn phải tích luỹ. Dù mỗi nước sẽ có những quy chế thi khác nhau, có những “cái khó” riêng nhưng hai kỳ thi này đối với các sĩ tử sẽ là minh chứng rõ nhất cho quá trình 12 năm chinh phục tri thức, là cơ hội để ngày càng gần hơn với cánh cổng của con đường dẫn đến thành công.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.