Trái tim ngón tay đã và đang cho thấy ý nghĩa lan truyền thông điệp yêu thương mạnh mẽ của nó vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc. (Ảnh: Unsplash)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Hàn Quốc được biết tới như một đất nước Châu Á đi đầu trong việc tạo ra các xu hướng từ ẩm thực, nghệ thuật, thậm chí ngay cả phong cách sống cũng ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng nói chung. Trong đó, cử chỉ trái tim bằng 2 ngón tay đã và đang mở rộng sự phổ biến của nó vượt ra khỏi biên giới xứ sở Kim Chi thông qua làn sóng Hallyu. Nó hình thành nên một khái niệm “phi ngôn ngữ” khá tinh tế đại diện cho cảm xúc con người chứ không còn đơn giản chỉ là trào lưu nhất thời được giới trẻ áp dụng.
Trái tim ngón tay (tiếng Hàn:
손가락 하트, tiếng Anh: Finger Heart) – một loại ký hiệu tạo ra bằng cách bắt chéo ngón trỏ và ngón cái trên bàn tay con người. Tiền thân của trái tim ngón tay có thể kể đến cách người Hàn từng tạo ra trái tim lớn theo phương pháp cong hai cánh tay đặt lên đầu hoặc dùng 2 bàn tay tạo nên 2 nửa trái tim rồi chập vào nhau. Ngày nay, cử chỉ trái tim ngón tay phổ biến như kiểu tạo dáng trước ống kính thay cho ký hiệu giơ tay chữ “V” quen thuộc – loại ký hiệu đình đám một thời (nổi bật nhất trong khoảng những năm 1980-90) gắn liền với ý nghĩa chiến thắng, tinh thần thể thao, mang đến người dùng sự tự tin và quyến rũ.
Không ai biết chính xác người đã khởi xướng trào lưu trái tim ngón tay. Theo nhiều nguồn tin khác nhau lan truyền, thậm chí nổ ra tranh luận trên thế giới truyền hình và internet cung cấp, thì một vài người nổi tiếng như nữ diễn viên Kim Hye-soo, nam ca sĩ G-Dragon (thành viên nhóm BIGBANG) hay nam diễn viên hài Yang Se-hyeong thường được nhắc tới là những người bắt đầu sử dụng ký hiệu thú vị này (cả G-Dragon và Yang Se-hyeong đã chia sẻ bức ảnh lúc nhỏ của họ khi đang thực hiện cử chỉ trái tim ngón tay).
Tuy nhiên, vẫn còn kha khá ý kiến nữa cho rằng, trái tim ngón tay xuất hiện chớm nở vào những năm 90 thông qua nhiều chương trình tạp kĩ, đồng thời những thần tượng K-pop trong giai đoạn đó, ví dụ tiêu biểu như nhóm COOL hay Two Two,... từng biểu diễn kết hợp vũ đạo dùng trái tim ngón tay ở các show âm nhạc hằng tuần – lúc ấy, họ chưa có nhận thức hoàn toàn rõ ràng, đôi lúc họ sử dụng trái tim ngón tay đi kèm một vài cử chỉ khác lặp đi lặp lại để thể hiện cho lời ca khúc liên quan đến tình yêu mà họ trình bày.
Dẫu rằng xuất xứ còn mơ hồ, trái tim ngón tay dần mở rộng độ nhận diện nhờ cách mà nam ca sĩ Nam Woo-hyun (thành viên nhóm INFINITE) sử dụng nó. Trong giai đoạn khoảng những năm 2011 – 2012, Woo-hyun thường xuyên dùng trái tim ngón tay nhằm bày tỏ cảm xúc tôn trọng, tình yêu chân thành của mình đến fan hâm mộ; kể từ đó, ngày càng nhiều các thần tượng, diễn viên, Influencer khác học hỏi và làm theo khiến “trái tim ngón tay” lan tỏa sự phổ biến mạnh mẽ hơn thông qua “hiệu ứng domino”. Bản thân nam ca sĩ từng tiết lộ trên 2 chương trình truyền hình nổi tiếng là Knowing Bros và Yoo Hee-yeol’s Sketchbook rằng tuy anh không sáng tạo ra nó nhưng chính cách anh sử dụng mang ý nghĩa tích cực như vừa nêu đã giúp trái tim ngón tay tăng thêm phần nổi tiếng.
Trao đổi cảm xúc bằng hình thức “phi ngôn ngữ” thường được một số quốc gia Châu Á áp dụng trong cuộc sống. Do đó, trái tim ngón tay cũng đóng vai trò tương tự góp phần hình thành văn hóa đại chúng nói chung ở những đất nước này. (Ảnh: Unsplash)
Đối với văn hóa Châu Á, đặc biệt ở một số quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản; điệu bộ cơ thể đi kèm cử chỉ tay đã trở thành một kiểu diễn đạt “phi ngôn ngữ” thông dụng chứa đựng sự tinh tế, khiêm tốn và giản dị. Trong đó, trái tim ngón tay là một đại diện tuyệt vời hội tụ đầy đủ những ý nghĩa này. Thay vì câu nói yêu thương thoáng qua, người dùng chỉ cần đơn giản bắt chéo 2 ngón tay lại thành hình trái tim nhỏ nhắn - điều ấy còn vô hình chung bao hàm cả tình cảm trân trọng của bản thân người đó mong muốn gửi trao đến đối tượng tiếp nhận.
Ngoài ra, trái tim ngón tay được xem như một sản phẩm phụ của văn hóa dễ thương “Aegyo” (tiếng Hàn:
애교) – khái niệm tương tự văn hóa “Kawaii” ở Nhật Bản. Nó minh chứng từ việc các thần tượng K-pop sử dụng rộng rãi ký hiệu trái tim ngón tay với tần suất cao trên vô số chương trình tạp kĩ hay trong những buổi concert, fansign mà họ tham gia biểu diễn nhằm mục đích “thay lời tri ân” hướng tới người hâm mộ đã cổ vũ và dành tình cảm cho họ. Thực sự phải công nhận rằng, trái tim ngón tay khiến văn hóa “Aegyo” trở nên thú vị đồng thời dễ dàng tiếp cận hơn, đặc biệt thể hiện rõ rệt khi du khách quốc tế lẫn người nổi tiếng tại phương Tây cũng bắt đầu theo đuổi cách dùng ký hiệu trái tim ngón tay để bày tỏ cảm xúc.
Một số biến thể của ký hiệu “trái tim ngón tay” học và làm theo các idol xứ Hàn. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Với độ nhận diện ngày càng lan truyền mạnh mẽ, trái tim ngón tay đã sở hữu cho mình thêm các biến thể độc đáo. Ví dụ: nữ ca sĩ Chuu (thành viên nhóm LOONA) từng thực hiện động tác chắp 2 tay thành vòng tròn, sau đó mở miệng giả vờ như cắn một chiếc bánh rồi cuối cùng tay cô tạo hình thành trái tim; hay gần đây người hâm mộ K-pop sẽ bắt gặp những bức ảnh của các thành viên nhóm Highlight – họ đã nghĩ ra cách làm trái tim ngón tay lạ lẫm hơn khi dùng 2 ngón cái từ 2 bàn tay đan chéo vào nhau để khiến kiểu ký hiệu này thêm phần mới mẻ, thay vì dùng ngón cái và ngón trỏ trên một tay như bình thường. Đôi khi, bạn còn bắt gặp cả kiểu tạo hình trái tim bằng cách cong bàn tay rồi áp vào má từ các idol xứ Hàn.
Ngoài ra, văn hóa sử dụng emoji (biểu tượng cảm xúc), trong đó tất nhiên không thể thiếu emoji “trái tim ngón tay”, dần phổ biến như cách thức được giới trẻ ưa thích nhằm kết nối về mặt tinh thần lẫn nhau ở thế giới mạng; đặc biệt, năm 2021, bộ mã chuẩn quốc tế Unicode khi phát hành phiên bản Unicode 14.0 đã chèn vào cả emoji “trái tim ngón tay” xinh xắn phục vụ nhu cầu người dùng.
Thật khó lý giải chính xác nguyên do tại sao “trái tim ngón tay” lại phổ biến rộng rãi đến thế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng “trái tim ngón tay” đã mang tới sự kết nối tinh thần, đi kèm việc bày tỏ cảm xúc theo cách vô cùng ý vị, tinh tế và đơn giản. (Ảnh: Unsplash)
Thật khó lý giải chính xác vì sao trái tim ngón tay lại nổi tiếng đến vậy. Bên cạnh việc mô tả tình cảm của bản thân người dùng, trái tim ngón tay còn là ký hiệu thể hiện sự trìu mến, đồng điệu tình cảm giữa người trao và người nhận, đồng thời nói lên tinh thần hòa bình, hữu nghị (tiêu biểu như việc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Kim Jong Un cùng một số quan chức Chính phủ từng vui vẻ học làm trái tim ngón tay trong chuyến thăm núi Baekdu với cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018), hay đơn giản hơn trái tim ngón tay chỉ là một kiểu đùa tinh nghịch, đáng yêu nhằm trêu chọc ai đó mà thôi!
Ngày nay, trái tim ngón tay không còn gói gọn như kiểu trào lưu nổi bật nhất thời được người trẻ ưa chuộng mà nó đã cho thấy một số khía cạnh ý nghĩa để vươn lên trở thành biểu tượng đại chúng chứa đựng thuộc tính văn hóa đặc trưng của người dân ở xứ sở Kim Chi. Nó giúp con người chúng ta dễ dàng kết nối cảm xúc lẫn nhau, bên cạnh đó là việc lan tỏa sự yêu thương trân trọng theo cách thức vô cùng ý vị thay thế lời nói hiệu quả.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.