Bìa truyện “Cô gà mái xổng chuồng” của tác giả Hwang Sun-mi do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành tại Việt Nam vào năm 2013. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Trần Thị Thúy Nga
Hwang Sun-mi là tác giả Hàn Quốc khá quen thuộc đối với độc giả yêu thích văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Bà đã có nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam như: Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc, Cô gà mái xổng chuồng, Phiếu bé hư, Chó xanh lông dài, Ngôi làng cổ tích.
“Cô gà mái xổng chuồng” (tựa gốc tiếng Hàn:
마당을 나온 암탉) ra mắt độc giả Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 2000, được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2013. Đây là một trong những tác phẩm được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích, luôn được lựa chọn là tác phẩm chủ đề trong nhiều cuộc thi cảm nhận văn học Hàn Quốc tại Việt Nam.
Câu chuyện kể về “một cô gà công nghiệp dám đi tìm tự do”
Mở đầu với dòng đề “Mình sẽ chẳng đẻ trứng nữa đâu!”, câu chuyện mang lại nhiều sự tò mò cho độc giả cũng như đây chính là duyên cớ để nhân vật chính phát hiện và tìm ra bản ngã của chính bản thân mình.
“Cô gà mái xổng chuồng” đan xen nhiều cảm xúc kể về nhân vật cô gà mái Mầm Lá - cái tên do chính cô tự đặt và cũng là cô gà duy nhất trong truyện có tên. Mầm Lá vốn dĩ chỉ là một con gà mái công nghiệp được nuôi trong trang trại với công việc ăn cám, đẻ trứng rồi chết. Thế nhưng cô gà này lại có sự đối ngược với các cô gà mái công nghiệp khác, cô có khát khao được thoát khỏi chuồng gà tù túng, chật chội để được tận hưởng ánh nắng mặt trời, nhìn ngắm những cảnh vật xung quanh, được tự do đi lại, được sống cùng các con vật khác trong sân vườn và đặc biệt muốn được sống một cuộc đời ý nghĩa là ấp những quả trứng do chính bản thân mình đẻ ra, được làm mẹ và nuôi nấng những chú gà con lớn lên.
Mầm Lá vui sướng khi được thoát khỏi chuồng gà tù túng và được sống tự do như bao con vật khác trong sân vườn. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Trong một lần tình cờ, Mầm Lá thoát khỏi lưới sắt và được giải thoát. May mắn được sống, cô như được sinh ra một lần nữa, hành trình đi tìm khát vọng, ước mơ thay đổi số phận của cô bắt đầu từ đây. Thế nhưng ước mơ ấy thật không dễ dàng đạt được. Để biến ước mơ trở thành hiện thực, Mầm Lá đã phải đương đầu để vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, nỗi cô đơn và cả sự sợ hãi.
Trong lần đầu ra khỏi trang trại, Mầm Lá gặp một chú vịt trời - Kẻ Lang Thang, nhờ Kẻ Lang Thang, cô gà mái mới thoát khỏi sự rình rập của Mụ Chồn quái ác. Sau đó, Mầm Lá gặp được các nhân vật ngoài sân vườn: Bác chó già, Gà trống, Gà mái vườn, Đàn Vịt Nhà,... Quãng thời gian sống trong chuồng gà được ngắm nhìn thế giới bên ngoài vườn đối với cô cũng đã thật hạnh phúc và giờ đây được thoát khỏi lưới sắt, được tự do làm điều mình muốn quả thật càng vô cùng ý nghĩa.
Nhưng rồi cuối cùng, cuộc sống sân vườn mà Mầm Lá tưởng tượng lại không giống như những gì mà cô hằng mong ước. Mầm Lá không được các thành viên trong gia đình vườn nhà chấp nhận cùng sống chung trong khu vườn nên phải đi tìm nơi ở mới. Trong lúc tìm kiếm nơi ẩn nấp tránh sự rình rập của Mụ chồn hung ác cô tìm thấy một quả trứng trong bụi hồng mà không hề biết rằng đó là trứng của Kẻ Lang Thang và cô Vịt trắng. Mầm Lá quyết định ấp trứng, nuôi lớn và đặt tên cho chú vịt trời là Đầu Xanh, dù không cùng dòng giống nhưng cô vẫn luôn yêu thương, chở che cho Đầu Xanh bằng một tình cảm thật cao đẹp.
Những câu trích dẫn hay, sâu sắc nhất từ truyện “Cô gà mái xổng chuồng”. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Sau cái chết của Kẻ Kang Thang để bảo vệ Mầm Lá ấp trứng thành công, cô nhận ra và học được nhiều điều mà trước đây mình không hề biết: “Ở mọi ngóc ngách của đồng cỏ, luôn có một sự việc nào đó diễn ra, không lúc nào ngơi nghỉ. Nếu có ai đó chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm li biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài”. Cái chết của Kẻ Lang Thang chính là tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp. Kẻ Lang Thang hy sinh để đổi lấy đứa con của mình được an toàn và liệu rằng đâu đó bên thế giới bên kia, Kẻ Lang Thang sẽ được hồi sinh, được sống với những cảm xúc vẹn tròn hơn khi thực sự được trải nghiệm làm cha, nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa con của mình.
Khoảng thời gian nuôi chú vịt trời lớn lên, Mầm Lá và Đầu Xanh gặp không ít nguy hiểm, rình rập từ các cuộc săn mồi của Mụ Chồn. Sau thời gian sống phiêu bạt cùng Mầm Lá trên những cánh đồng hoang, hồ nước, Đầu Xanh lớn lên và trở thành chú vịt canh gác bảo vệ đàn vịt trời của mình. Sau đó quyết định từ biệt mẹ Mầm Lá để theo đàn bay về phương Bắc.
Mầm Lá trở thành cô gà mái già nua, sau cùng cũng chết dưới tay Mụ Chồn độc ác. Đó là quy luật sinh tồn của tự nhiên và không thể nào làm khác được. Tuy nhiên, Mầm Lá cũng biết được Mụ Chồn cũng trở thành mẹ, có tình yêu thương, bảo vệ các con chồn con được an toàn, cũng mong muốn các con mình no đủ, hạnh phúc như cô từng bảo vệ Đầu Xanh vậy. Với cô được làm mẹ là một thiên chức vô cùng cao đẹp và thiêng liêng, vậy nên Mầm Lá thấu hiểu với Mụ Chồn độc ác.
Những câu trích dẫn hay, sâu sắc nhất từ truyện “Cô gà mái xổng chuồng”. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Những cảm xúc lắng đọng và bài học ý nghĩa từ truyện “Cô gà mái xổng chuồng”
Câu chuyện mượn loài vật để nói về con người không phải là điều gì quá mới mẻ. Nhưng cách dẫn, cách kể của tác giả Hwang Sun-mi lại khiến cho người đọc vô cùng xúc động, tác giả lồng ghép nhiều bài học, nhiều thông điệp đáng suy ngẫm rút ra từ hành trình thực hiện ước mơ của Mầm Lá.
Ước mơ và hành trình thực hiện ước mơ của Mầm Lá là một cuộc hành trình dài, trong suốt cuộc hành trình ấy đã có rất nhiều chuyện xảy đến với Mầm Lá. Sau những tháng ngày mệt mỏi chán chường nhìn những quả trứng của mình đẻ bị mang đi, sau những lần tủi hổ vì bị thành viên gia đình sân vườn xa lánh, trải qua những trận truy đuổi của Mụ chồn hung ác, hay những giây phút được ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, niềm hạnh phúc được ấp trứng, được làm mẹ đã khiến Mầm Lá vỡ lẽ ra được nhiều điều và cô cũng thấu hiểu hơn về quy luật cuộc sống xung quanh.
Mầm Lá không không chấp nhận cuộc sống quẩn quanh trong chuồng chỉ để ăn cám và đẻ trứng, cô mơ ước được đi lại đó đây, được ấp trứng rồi dẫn bầy con của mình tha thẩn khắp nơi như Gà Mái nhà - thành viên của gia đình sân vườn. Ước mơ của Mầm Lá liệu có phải hoang đường? Liệu có cô gà mái công nghiệp nào có suy nghĩ như cô, có quyết tâm và nghị lực được như cô? Phải chăng đây chính là điểm nhấn mà Hwang Sun-mi tạo ra để dẫn dắt suy nghĩ của độc giả. George Bernard Shaw - nhà văn nổi tiếng người Ireland đã từng nói: Một số người nhìn sự việc đúng như chúng đang tồn tại và hỏi “tại sao vậy”? Những người khác ước mơ những điều chưa bao giờ xảy ra và nói “tại sao không”?. Quả rất đúng với cuộc đời của Mầm Lá.
Vẻ đẹp thuần khiết, hoang dại của cây hoa Mimosa được khắc họa một cách ngọt ngào là phông nền lãng mạn xuyên suốt tác phẩm. Mầm Lá biết trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên, biết thưởng thức vẻ đẹp của hoa Mimosa theo các mùa xuân, hạ, thu, đông khác nhau và cũng chính hoa Mimosa là ngọn lửa nhỏ để Mầm Lá nhen nhóm nên khát vọng muốn làm chủ cuộc đời mình, cô “cũng muốn làm điều gì đó như tán lá của cây hoa Mimosa” kia. Hoa Mimosa chứng kiến cuộc hành trình theo đuổi ước mơ tưởng chừng như viễn vông của Mầm Lá rồi cũng chứng kiến khoảnh khắc Mầm Lá trút hơi thở cuối cùng một cách mãn nguyện.
Mạch văn nhẹ nhàng, sâu lắng, trang văn có nhiều tình huống cao trào chứa đựng những thông điệp mà tác giả gửi gắm in sâu vào tâm trí người đọc một cách nhẹ nhàng. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Ngày tuyết rơi như hoa Mimosa, ngày Đầu Xanh thật sự chia tay Mầm Lá để cùng bầy đàn rời đến phương Bắc lạnh lẽo cũng chính là ngày Mầm Lá thực sự chết dưới tay Mụ chồn hung ác. Nhìn theo đàn vịt, Mầm Lá lại có mong muốn được bay, cô nhận ra hóa ra đây cũng là một ước mơ của mình sau ước mơ “được ấp trứng và chứng kiến gà con ra đời”. Nhờ có Mụ chồn, cô được bay lên, được nhìn thấy “bầu trời xanh chói lòa”, cô thấy “hồ nước và cánh đồng trong trận bão tuyết”, và nhìn thấy Mụ chồn đang cắn cổ bản thân mình.
Nếu thoáng đọc qua câu chuyện chắc hẳn ta sẽ chợt rùng mình rồi tự hỏi tại sao câu chuyện viết cho thiếu nhi lại có cảnh tượng chết chóc tàn nhẫn như vậy. Cái chết của Mầm Lá vào mùa đông lạnh giá liệu chăng có phải là dấu hiệu của một khởi đầu mới, rằng những mầm non mới, những sự sống mới lại mọc lên khi mùa xuân đến. Cái chết của Mầm Lá là sự hy sinh cho những sinh vật khác được tồn tại, đây là quy luật khắc nghiệt nhưng cũng là lẽ thường tình của thế giới tự nhiên đó là ăn thịt và bị ăn thịt. Và trong quy luật đó, ta không thể phân định rạch ròi đúng sai bởi mối quan hệ giữa kẻ đi săn và kẻ bị đi săn luôn ràng buộc với nhau. Cái hay khi tác giả khắc họa những nhân vật rạch ròi trên hai chiến tuyến đối ngược nhau đó là không chỉ Mầm Lá, Mụ chồn hung ác mà những nhân vật khác trong truyện như chú Vịt Trắng,... đều có bản năng yêu thương, hy sinh cho con mình thậm chí là với những sinh vật khác giống loài.
Hành trình thực hiện ước mơ của Mầm Lá cũng mang đến thông điệp giúp ta nhận ra rằng sống là phải có ước mơ. Dù bạn tài năng hay bình thường, xấu xí hay xinh đẹp bạn hãy mạnh dạng dám ước mơ và nhất định phải sống theo hướng tích cực để đạt được ước mơ đó.
Bên cạnh đó tình mẫu tử sâu đậm của những nhân vật được làm cha, làm mẹ trong truyện cũng đem đến cho bạn đọc những rung cảm về tình yêu gia đình, đây là cội nguồn động lực tạo nên quyết tâm phi thường. Đó là tình mẫu tử của Mầm Lá và Đầu Xanh, là gà Trống với những đứa con sắp nở của nó, hay giữa Mụ chồn quái ác và đàn con của mình. Sự kỳ diệu của tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp Mầm Lá kiên trì đối đầu với những vấp ngã, những khó khăn tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa nhưng vẫn vượt qua để rồi nhìn thấy thành quả tươi đẹp. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để theo đuổi đam mê, tự do làm những điều mình thích vậy nên hãy vững tin vào ước mơ của chính mình, hãy sống, học tập, làm việc và theo đuổi ước mơ như Mầm Lá.
Những câu trích dẫn hay, sâu sắc nhất từ truyện “Cô gà mái xổng chuồng”. (Ảnh: Tiệm sách cũ Tre, Biên tập: Trần Thị Thúy Nga)
Mạch văn nhẹ nhàng, sâu lắng, trang văn có nhiều tình huống cao trào chứa đựng những thông điệp mà tác giả gửi gắm in sâu vào tâm trí người đọc một cách nhẹ nhàng. Tác giả Hwang Sun-mi đã xây dựng bức tường đối lập giữa ước mơ và hiện thực, đưa ra các tình huống bi kịch nối đuôi nhau dồn nhân vật vào tình huống éo le, đẩy mạch truyện lên cao trào. Đây chính là mấu chốt làm nên sự thay đổi tính cách hành động của các nhân vật nhằm liên kết với cuộc đời của con người cũng luôn tồn tại nhiều tính cách, nhiều hình ảnh, màu sắc khác nhau.
Khoảnh khắc Mầm Lá chết dưới tay Mụ chồn ở cuối tác phẩm không hẳn là một kết thúc u tối hoàn toàn. Bởi lẽ tác giả vẫn còn để lại điểm sáng là Đầu xanh - là thành quả của ước mơ mà cô mạnh mẽ dám đấu tranh, dám hy sinh bản thân mình. Biết đâu trên con đường bay nhảy phiêu lưu khắp nơi kia, Đầu Xanh cũng có thể noi gương cô, noi gương cha mẹ mình sẵn sàng đối đầu với những khó khăn giông bão của cuộc đời để trưởng thành, để thực hiện những ước mơ cháy bỏng của đời mình hay thậm chí có một tổ ấm trọn vẹn và được nuôi dạy những đàn vịt con xinh xắn.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.