Phóng viên danh dự

21.05.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Phong cách tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. (Ảnh: Pixabay; Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)

Phong cách tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. (Ảnh: Pixabay, Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Vào ngày 21/05 hàng năm, người dân Hàn Quốc sẽ chào đón “Ngày Vợ Chồng”. Đây là dịp để những cặp vợ chồng cùng nhau ôn lại kỉ niệm và hâm nóng tình cảm. Họ dành thời gian nhiều hơn và những hành động thiết thực để quan tâm đến bạn đời của mình. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ cùng đối phương nhìn lại hành trình gây dựng gia đình kể từ khi hai vợ chồng bước chân vào cuộc sống hôn nhân bằng một đám cưới chính thức.

Đám cưới đó chính là cột mốc mở ra một chương mới cho chuyện tình yêu đôi lứa khi từ đây, các cặp uyên ương bắt đầu cùng nhau tạo nên những tổ ấm riêng - nơi có vợ chồng, cha mẹ và con cái. Đây cũng là một sự kiện được tổ chức long trọng, mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với các cặp đôi mà còn đối với gia đình hai bên. Trước ý nghĩa quan trọng đó, không những Hàn Quốc mà ngay cả Việt Nam cũng đều coi ngày tổ chức đám cưới là một sự kiện vô cùng đáng nhớ của các cặp vợ chồng. Dù có nhiều sự khác biệt trong nghi thức tổ chức nhưng nhìn chung, cả hai quốc gia đều có những điểm tương đồng thú vị trong phong cách tổ chức ngày trọng đại này.


  Giữ gìn và đề cao nét đẹp truyền thống

Hàn Quốc và Việt Nam đều sử dụng trang phục dân tộc cho đám cưới theo phong cách truyền thống. (Ảnh: Freepik)

Hàn Quốc và Việt Nam đều sử dụng trang phục dân tộc cho đám cưới theo phong cách truyền thống. (Ảnh: Freepik)



Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều đề cao nét đẹp truyền thống trong việc tổ chức đám cưới. Đối với đám cưới truyền thống, cả hai quốc gia sẽ có những điểm tương đồng trong khâu tổ chức hay tiến hành các nghi thức.

Trang phục: Với đám cưới truyền thống, cặp đôi của hai quốc gia sẽ mặc trang phục dân tộc của đất nước mình. Ở Việt Nam, cô dâu chú rể sẽ mặc áo dài, còn đối với Hàn Quốc, các cặp đôi sẽ mặc Hanbok chuyên dành cho đám cưới. Cụ thể người nữ mặc Hwarot, tay cầm tấm vải trắng Hansam. Còn người nam sẽ mặc Danryeong, đầu đội mũ và có tạo hình khá giống với các quan nhân ngày xưa.

Cô dâu Hàn Quốc sẽ mặc Hwarot trong đám cưới truyền thống, còn chú rể sẽ mặc quan phục và đội mũ. (Ảnh: iclickart)

Cô dâu Hàn Quốc sẽ mặc Hwarot trong đám cưới truyền thống, còn chú rể sẽ mặc quan phục và đội mũ. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Địa điểm tổ chức: Đối với Hàn Quốc, đám cưới truyền thống thường được tổ chức tại nhà gái, trong sân hoặc những địa điểm mang phong cách truyền thống, cổ xưa tại Hàn Quốc. Đối với Việt Nam cũng bắt đầu việc tổ chức đám cưới tại nhà gái bằng nghi lễ rước dâu.

Bài trí: Cách bài trí đám cưới truyền thống của hai quốc gia đều hướng đến sự trang trọng, linh thiêng, gửi gắm thông điệp qua từng đồ vật bày biện. Ở Hàn Quốc, bộ đôi sẽ làm lễ trước bàn giao bôi. Trên bàn thường sẽ có một đôi uyên ương gỗ, hai cây nến, một số đĩa bánh trái,... Về phía Việt Nam, cô dâu chú rể sẽ làm lễ trước bàn thờ gia tiên. Trên bàn được bài trí bằng hoa, hương (nhang), trái cây, bên cạnh đó, còn có trà và bánh kẹo mời gia đình hai bên. Điểm thú vị là cả hai quốc gia khá chuộng những đồ ngọt, trái cây, rượu hoặc trà trong nghi thức truyền thống. Tuy nhiên, tùy vào ngụ ý của từng đồ vật hay món ăn mà mỗi quốc gia có cách bài trí cụ thể. Chẳng hạn như Hàn Quốc không thể thiếu đôi uyên ương gỗ trong đám cưới truyền thống. Còn ở Việt Nam bắt buộc phải có trầu cau và bánh phu thê trong ngày trọng đại.


  Nghi thức trong ngày cưới

Dù đã được rút gọn nhiều nghi thức nhưng nhìn chung, đám cưới truyền thống của Hàn Quốc vẫn giữ được nét đặc trưng do truyền nhân để lại. Trước đó, nhà trai sẽ sắm sửa lễ vật, sang nhà gái hỏi cưới và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức. Đến ngày tổ chức lễ cưới, dưới sự chủ trì của chủ hôn, cô dâu và chú rể sẽ thực hiện nghi thức trước bàn giao bôi như cúi chào nhau, uống rượu giao bôi, rửa tay trong chậu rửa mặt,... Sau khi hoàn thành, cô dâu và chú rể sẽ vấn an, cúi lạy, dâng rượu cho bố mẹ và nghe lời chúc phúc từ đấng sinh thành. Cặp đôi sau đó dùng tấm vải trắng để hứng hạt dẻ và táo đỏ từ bố mẹ chồng với ngụ ý tượng trưng cho số con sẽ sinh sau này. Tiếp đến, cả hai sẽ lần lượt hành lễ và mời rượu tới các thành viên gia đình đôi bên, nhận lời chúc phúc từ họ hàng và cuối cùng, cô dâu chú rể sẽ cùng gia đình chụp ảnh lưu niệm.

Trong đám cưới truyền thống, các cặp đôi Hàn Quốc sẽ uống rượu giao bôi và kính rượu cho các bậc trưởng bối. (Ảnh: Pixabay)

Trong đám cưới truyền thống, các cặp đôi Hàn Quốc sẽ uống rượu giao bôi và kính rượu cho các bậc trưởng bối. (Ảnh: Pixabay)



Còn đối với nghi thức truyền thống trong đám cưới ở Việt Nam, thông qua sự chủ trì của chủ hôn, cô dâu cùng gia đình hai bên sẽ tiến hành thắp hương, cúng bái trước bàn thờ gia tiên. Sau đó cặp đôi sẽ uống trà giao bôi. Tiếp đến, cô dâu và bạn đời cùng nhau rót trà, mời bố mẹ và quan viên hai họ. Trước khi kết thúc, cả hai sẽ nhận lời chúc phúc từ bố mẹ đôi bên cũng như nhận của hồi môn như tín vật, trang sức,... Kết thúc nghi lễ, cô dâu chính thức theo chú rể về nhà chồng.

Các cặp đôi Việt Nam sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên và mời trà cho bố mẹ cùng quan viên hai họ. (Ảnh : Pexels, Pixbay)

Các cặp đôi Việt Nam sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên và mời trà cho bố mẹ cùng quan viên hai họ. (Ảnh: Pexels, Pixbay)



Điểm chung đám cưới truyền thống của người Hàn và nghi thức truyền thống người Việt là đều tôn trọng, gìn giữ nét đẹp được lưu truyền thông qua trang phục, vật phẩm, sính lễ,... Bên cạnh đó, phía nhà trai sẽ chủ động đến nhà gái để làm lễ với cô dâu hoặc xin rước dâu. Ngoài ra, màu sắc trong lễ cưới truyền thống được hai nước ưa chuộng đều là những màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho sự vui tươi, may mắn. Chẳng hạn như Hàn Quốc thì trang phục hay những đồ vật có trong buổi lễ chủ yếu là màu đỏ và màu xanh dương. Còn đối với Việt Nam thì màu đỏ, màu vàng hay màu hồng thường là màu chủ đạo trong lễ phục hoặc đồ trang trí cho lễ cưới.

Ngoài ra, cô dâu và chú rể của hai quốc gia sẽ hạn chế gặp mặt trước khi buổi lễ bắt đầu. Cả hai chỉ thực sự đối mặt khi nghi lễ cưới chính thức diễn ra. Chưa kể, những nghi thức như cúi chào nhau, mời rượu giao bôi của Hàn Quốc cũng rất giống với nghi lễ trao trà, mời trà và uống trà giao bôi của Việt Nam. Điều này tượng trưng cho sự tôn trọng và hòa hợp với bạn đời.

Một điểm đặc biệt mà cả hai quốc gia đều đề cao trong lễ cưới chính là sự hiếu kính với bậc sinh thành. Cả cô dâu và chú rể sẽ dành sự yêu mến, tôn trọng và biết ơn với cha mẹ thông qua việc cúi lạy, mời rượu, mời trà. Còn về phía cha mẹ cũng gửi lời chúc phúc cho cuộc hôn nhân của con cái và tặng những món quà với hàm ý hy vọng cuộc sống của con cái sẽ sung túc và hạnh phúc. Chưa kể, việc tổ chức đám cưới dưới sự chủ trì của chủ hôn, sự tham gia và chứng kiến của các thành viên trong gia đình cho thấy mối quan hệ của chú rể và bạn đời đã được xác lập công khai chính thức, dưới sự làm chứng của những người thân yêu nhất.


  Những điểm tương đồng trong đám cưới phong cách hiện đại

Ngày nay, đa phần các cặp đôi Hàn Quốc và Việt Nam chọn cách tổ chức đám cưới theo phong cách hiện đại. Điểm chung là các cặp đôi sẽ tiến hành thuê địa điểm như nhà hàng, những nơi tổ chức tiệc cưới hoặc tại gia..., Đó có thể là không gian kín hoặc không gian ngoài trời. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp đều được mời đến tham dự đám cưới. Trang phục chủ đạo đối với cô dâu là váy cưới và với chú rể là comple.

Hình thức tổ chức đám cưới hiện đại của hai nước giống nhau khi cô dâu được bố ruột dắt tay vào lễ đường. Sau đó, dưới sự chủ trì của chủ hôn, cả hai lập lời thề nguyện ước trước sự chứng kiến của bố mẹ và đông đảo khách mời. Bên cạnh đó, cặp đôi bày tỏ những lời muốn gửi gắm tới đối phương, trao nhẫn và tung hoa cưới. Sau khi kết thúc phần lễ thì các khách mời sẽ cùng nhau dùng tiệc để chung vui với cô dâu và chú rể. Về bữa ăn thì Hàn Quốc hay Việt Nam đều đề cao những thực đơn mang đậm nét tiêu biểu của hai quốc gia.

Với đám cưới theo phong cách hiện đại, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều có hình thức và nghi thức tương đồng nhau. (Ảnh: iclickart)

Với đám cưới theo phong cách hiện đại, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều có hình thức và nghi thức tương đồng nhau. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Cơ bản, trình tự tổ chức các nghi thức khá giống nhau, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt trong cách tổ chức đám cưới hiện đại tại hai quốc gia. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, cả cô dâu và chú rể sẽ nhận lời chúc phúc của người thân, bạn bè và lắng nghe một người nào đó có mối quan hệ thân thiết với họ hát tặng một ca khúc. Còn ở Việt Nam thì phần hát tiệc mừng sẽ được bắt đầu khi khán phòng chính thức dùng bữa.

Ngoài ra, bất kể ai muốn chung vui thì đều có thể lên sân khấu, hát tặng đám cưới bằng những ca khúc mà họ tự tin nhất. Chưa kể, nếu như ở Hàn Quốc, các cặp đôi tập trung vào việc bày tỏ tình cảm với bạn đời thông qua lời tâm sự, lời nhắn gửi thì phía Việt Nam sẽ dành thời gian nhiều hơn cho nghi thức chung tay rót rượu và cắt bánh, tượng trưng cho một lời hẹn ước đồng cảm cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.

Đối với Hàn Quốc, các cặp đôi sẽ dành nhiều lời tâm sự và nhắn nhủ tới đối phương. Còn ở Việt Nam, cô dâu và chú rể sẽ dành nhiều thời gian cho nghi thức rót rượu và cắt bánh. (Ảnh: Pexels, Pixabay)

Đối với Hàn Quốc, các cặp đôi sẽ dành nhiều lời tâm sự và nhắn nhủ tới đối phương. Còn ở Việt Nam, cô dâu và chú rể sẽ dành nhiều thời gian cho nghi thức rót rượu và cắt bánh. (Ảnh: Pexels, Pixabay)



Nhìn chung cả hai quốc gia đều coi trọng việc tổ chức lễ cưới để giúp các cặp đôi nên duyên vợ chồng. Từng nghi lễ, hình thức đều cài cắm ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu, chú rể được sung túc, viên mãn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, không ít các cặp đôi Việt - Hàn đã cùng nhau mang đến những đám cưới đan xen hài hòa văn hóa, truyền thống của cả hai quốc gia. Điều đó tượng trưng cho việc tôn trọng vẻ đẹp văn hóa của từng đất nước, góp phần tăng thêm tình bằng hữu của hai quốc gia, giúp cho người dân của Hàn Quốc cũng như Việt Nam có cơ hội hiểu thêm về truyền thống, văn hóa nước bạn.

Về cá nhân, mình nhận thấy rằng cách tổ chức đám cưới của hai nước đều có những điểm chung và điểm thú vị riêng. Ví dụ như ở đám cưới truyền thống Hàn Quốc sẽ có nhiều nghi thức và cầu kỳ hơn thì sang đến Việt Nam, các cặp đôi sẽ tăng thêm nhiều nghi thức ở khâu tổ chức đám cưới hiện đại. Và ngày nay, theo mình quan sát, đa phần các cặp đôi Hàn Quốc cũng như Việt Nam đang có xu hướng lựa chọn tổ chức đám cưới đơn giản, lược bỏ một số nghi thức không quan trọng, không cần thiết, chỉ mời những khách mời thật sự thân thiết đến chung vui. Nhưng tinh thần chung việc tổ chức đám cưới vẫn như một thông báo xác lập mối duyên vợ chồng cho các cặp đôi dưới sự chứng kiến của những người quan trọng.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.