Phóng viên danh dự

24.05.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Jangseung chính là một phần hấp dẫn của nghệ thuật dân gian Hàn Quốc. (Ảnh: Pixabay)

Jangseung chính là một phần hấp dẫn của nghệ thuật dân gian Hàn Quốc. (Ảnh: Pixabay)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thị Ánh Nguyệt

Nếu như Hareubang ở đảo Jeju là thần hộ vệ với dáng vẻ nhân từ, bao dung thì trên đất liền có Jangseung – thần hộ vệ có dáng vẻ kỳ quái, mà ta không thể dễ nhìn thấy ở các quốc gia khác.

Jangseung (tiếng hàn: 장승) là cột gỗ vật tổ của Hàn Quốc và thường được dựng ở cổng làng như những vị thần bảo hộ cộng đồng dân cư của cả làng. Thông thường Jangseung có cặp mắt lồi, chiếc mũi phồng to, hàm răng nhô ra ngoài và đội mũ. Khuôn mặt Jangseung được thiết kế giống với khuôn mặt của yêu tinh để xua đuổi bệnh tật và tai họa, cũng như đem đến nỗi sợ hãi cho ma quỷ.

Jangseung rất nổi bật và khác thường nên thu hút nhiều sự tò mò của du khách khi đến với xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Pixabay)

Jangseung rất nổi bật và khác thường nên thu hút nhiều sự tò mò của du khách khi đến với xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Pixabay)



Từ thuở xa xưa người Hàn Quốc đã coi cây chính là gạch nối thiêng liêng giữa trời và đất, thần linh và con người. Các học giả Hàn Quốc cho rằng trước khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì trong triết lý dân gian của người Hàn đã có quan niệm sơ khai về tính hai mặt của sự vật cũng như tính đối lập giữa trời và đất, âm và dương được thể hiện thông qua tín ngưỡng thờ tự Jangseung, có ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Shaman.

Mặc dù ngày nay Jangseung chủ yếu được tìm thấy tại các làng dân gian hoặc trong các bảo tàng nhưng theo truyền thống thì chúng được đặt ở rìa của hầu hết các ngôi làng ở Hàn Quốc.

Ấn tượng đầu tiên về một Jangseung là nó vừa đáng sợ vừa hài hước. (Ảnh: Pixabay)

Ấn tượng đầu tiên về một Jangseung là nó vừa đáng sợ vừa hài hước. (Ảnh: Pixabay)



Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng một vị thần bảo hộ cho gia đình cũng như dân làng nên việc làm Jangseung cũng được người dân Hàn Quốc chú trọng. Để làm nên một Jangseung trước hết người đại diện cho dân làng và các nghệ nhân sẽ thực hiện một nghi thức cúng thành tâm với suy nghĩ về một Jangseung thể hiện được cá tính riêng của làng. Sau đó sẽ lựa chọn những cây phù hợp, loại bỏ những phần không cần thiết rồi người nghệ nhân sẽ vẽ phác thảo bằng mực tàu lên cây, có thể sơn hoặc không.

Một phần sức hấp dẫn của Jangseung nằm ở mối quan hệ giữa hình thức của gỗ và cách mà nghệ nhân đã sử dụng nó để chạm khắc. Họ đã nỗ lực miêu tả các vị thần dân gian theo cách quen thuộc để dễ tiếp nhận hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Thông thường Jangseung sẽ có sự thay đổi có chủ ý về các đặc điểm trên khuôn mặt như đôi mắt lồi, cái mũi to bằng nắm tay, răng thì nhô ra,... thông qua sự cường điệu ấy những nghệ nhân tài năng đã khắc họa hình ảnh một vị thần hộ mệnh, gợi nhớ đến một con quái vật hoặc một vị thần từ thế giới ngầm, đồng thời đưa ra một kiểu chân dung của những người bình thường theo cách châm biếm nhưng thân thiện.

Hình dánh khuôn mặt của Jangseung vô cùng đa dạng. (Ảnh: Pixabay)

Hình dánh khuôn mặt của Jangseung vô cùng đa dạng. (Ảnh: Pixabay)



Ý nghĩa của việc dựng lên Jangseung ngoài việc chào đón du khách, đánh dấu ranh giới ngôi làng và xua đuổi ma quỷ thì người dân Hàn Quốc xưa cũng thờ cúng Jangseung như những vị thần bảo vệ dân làng và cầu cho mùa màng bội thu. Họ tin rằng Jangseung sẽ luôn lắng nghe mong muốn và hy vọng của dân làng. Mỗi năm, dân làng sẽ tổ chức nghi lễ Jangseung, đặt lễ vật là bánh gạo và trái cây dưới vị thần bảo hộ của họ.

Jangseung thường được làm bằng gỗ nhưng đôi khi cũng được làm bằng đá. (Ảnh: Pixabay)

Jangseung thường được làm bằng gỗ nhưng đôi khi cũng được làm bằng đá. (Ảnh: Pixabay)



Ở Việt Nam thật khó hoặc không thể tìm thấy những cây gỗ có hình dáng khuôn mặt độc đáo như Jangseung. Tuy nhiên, những cây đa, cây si, cây gạo có cánh lá xum xuê vẫn được người Việt lập miếu hoặc dưới gốc cây sẽ có bát hương nhỏ để thờ. Từ đó cái cây sẽ trở thành chỗ linh thiêng – nơi có thần linh cư ngụ.

Như vậy, ta có thể thấy được điểm chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tín ngưỡng mộc thần của cư dân nông nghiệp. Nếu có dịp đến Hàn Quốc bạn hãy ghé qua các ngôi làng dân gian hoặc bảo tàng để tìm hiểu thêm về Jangseung nhé.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.