Phóng viên danh dự

21.06.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ngoài tương đồng về văn hóa, lối sống thì mâm cơm gia đình hay phong cách ăn uống của Việt Nam và Hàn Quốc cũng có những điểm chung nhất định. (Ảnh: Pixabay; Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)

Ngoài tương đồng về văn hóa, lối sống thì mâm cơm gia đình hay phong cách ăn uống của Việt Nam và Hàn Quốc cũng có những điểm chung nhất định. (Ảnh: Pixabay, Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có không ít những điểm chung về văn hóa, lối sống. Chẳng hạn như mâm cơm gia đình, cả hai đất nước đều có những điểm tương đồng trong cách bày biện, trong văn hóa ăn uống. Đặc biệt, đối với Việt Nam cũng như Hàn Quốc, mâm cơm gia đình chính là biểu hiện cho sự yêu thương, sự sung túc và sự gắn kết chứ không chỉ dừng lại là những bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cần thiết cho con người.


◌ Tầm quan trọng của mâm cơm và văn hóa trong ăn uống

Không đơn thuần là bữa ăn mà mâm cơm gia đình còn là nơi thể hiện bầu không khí sum họp, tề tựu của gia đình. Bên cạnh những món ăn nóng hổi thì tình yêu thương, niềm hạnh phúc và sự ấm áp đâu đó cũng hiện hữu trong các mâm cơm. Đây là nơi các thành viên đoàn tụ sau một ngày làm việc, cùng nhau dùng bữa, thưởng thức những món ngon, cùng tâm sự chia sẻ về những chuyện đã trải qua trong ngày. Cho nên những mâm cơm không chỉ đơn thuần là để ăn uống mà còn là sợi dây liên kết giữa thành viên trong gia đình với nhau.

Mâm cơm gia đình chính là cầu nối để các thành viên trong nhà gắn kết với nhau, trao yêu thương và san sẻ những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu. Trong hình là một người phụ nữ Việt đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình của bà. (Ảnh: Pixabay)

Mâm cơm gia đình chính là cầu nối để các thành viên trong nhà gắn kết với nhau, trao yêu thương và san sẻ những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu. Trong hình là một người phụ nữ Việt đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình của bà. (Ảnh: Pixabay)



Đối với Hàn Quốc, những gia đình có không gian nhỏ sẽ thường ngồi dùng cơm trên những chiếc bàn thấp và với những gia đình có không gian lớn hơn sẽ dùng bàn ăn cao hơn. Còn ở Việt Nam, đa số các gia đình sẽ trải chiếu dưới sàn nhà và ngồi vây quanh những chiếc mâm, tuy nhiên khi xã hội càng phát triển thì ngày càng có nhiều gia đình sử dụng bàn ăn thay vì trải chiếu ngồi dưới đất.

Tùy vào không gian, thói quen của các gia đình mà người Hàn sẽ lựa chọn cách thức ngồi ăn từ những chiếc bàn thấp cho đến những bàn ăn cao hơn. (Ảnh: Pixabay)

Tùy vào không gian, thói quen của các gia đình mà người Hàn sẽ lựa chọn cách thức ngồi ăn từ những chiếc bàn thấp cho đến những bàn ăn cao hơn. (Ảnh: Pixabay)



Chưa kể, vị trí ngồi ăn của các thành viên cũng thường được quan tâm đối với cả Việt Nam và Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc những thành viên lớn tuổi như ông bà hay những thành viên đóng vai trò quan trọng, trụ cột của gia đình có xu hướng ngồi ở đầu phía bàn hoặc ở những vị trí trung tâm. Những thành viên nhỏ tuổi hơn như con cháu sẽ ngồi cạnh và ngồi xung quanh. Ở Việt Nam, những người nhỏ tuổi hơn thường ngồi cạnh nồi cơm, hoặc những vị trí tiện cho việc đứng dậy đi lấy thêm đồ ăn, bát đũa. Hay trong những mâm cỗ lớn ở Việt Nam, những người lớn tuổi và đàn ông thường ngồi mâm trên, phụ nữ và trẻ em thường sẽ ngồi mâm dưới.

Ở Việt Nam, trước khi bắt đầu dùng bữa, các thành viên nhỏ tuổi hơn thực hiện mời cơm đối với người lớn như ông bà, cha mẹ,... Khi người lớn gật đầu ra hiệu hoặc bắt đầu dùng bữa thì cách thành viên còn lại mới tiến hành việc ăn uống. Còn ở Hàn Quốc, khi người lớn bắt đầu cầm đũa lên và ăn miếng đầu tiên thì những người còn lại sẽ đồng loạt nói “Jal meok get seum ni da” (tiếng Hàn: 잘먹겠습니다) có nghĩa là “Con sẽ ăn thật ngon miệng” và bắt đầu dùng bữa.

Điều này cho thấy điểm chung trong văn hóa hai nước là đều có tôn ti trật tự đối với các thành viên trong gia đình hay xã hội. Có một điều đặc biệt là trên mâm cơm của người Hàn Quốc thường không có văn hóa gắp đồ ăn cho nhau, nếu có thì sẽ là người lớn tuổi gắp đồ ăn cho một người không phải là thành viên trong gia đình và lần đầu đến dùng bữa, hoặc là ông bà gắp đồ ăn cho cháu chắt lâu ngày không gặp.

Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự lễ phép và tôn kính với những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ trong các bữa ăn gia đình.

Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự lễ phép và tôn kính với những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ trong các bữa ăn gia đình. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Bên cạnh đó, cả hai quốc gia vẫn đề cao phép tắc lịch sự khi ăn uống như không gây ra tiếng ồn khi ăn, nên ăn uống từ tốn, chậm rãi, và tránh hành động nói chuyện khi đang nhai cơm trong miệng. Người ăn muốn ăn món gì thì gắp đúng phần mình ăn, không xới tung đồ ăn chung để lựa miếng ngon, như vậy là bất lịch sự và thể hiện sự ích kỷ. Sau khi dùng dụng cụ ăn uống nên để ngay ngắn. Các hành động như để đũa lộn xộn hay cắm đũa vào bát cơm là điều kiêng kị đối với cả hai quốc gia.

Khi người trẻ ăn xong trước thì vẫn nên ngồi cùng với người lớn cho đến khi kết thúc bữa ăn, hạn chế rời khỏi bàn trong khi mọi người vẫn đang dùng bữa. Trừ một số trường hợp có công việc ngay sau đó thì nên xin phép mọi người trước khi rời đi. Tuy nhiên, thay vì tuân theo những phép tắc ăn uống trên thì đối với số gia đình hiện đại và phóng khoáng hiện nay, họ sẽ ưu tiên bầu không khí vui nhộn, náo nhiệt trong bữa ăn như trò chuyện rôm rả. Đây được coi là một cách để gắn kết các thành viên trong gia đình thông qua hình thức thoải mái, gần gũi nhất.

Dù có nhiều tương đồng về cách ăn uống nhưng Việt Nam và Hàn Quốc vẫn có sự khác nhau khi dùng bữa. Chẳng hạn như người Hàn sẽ không nâng bát khi ăn còn người Việt có thói quen bưng bát để gắp thức ăn và ăn uống cho tiện lợi hơn.


◌ Cách bày biện, dụng cụ ăn uống

Nhìn chung, cả hai quốc gia Hàn Quốc - Việt Nam đều sử dụng những dụng cụ như bát, đũa, thìa trong ăn uống, khác với phương Tây thường sử dụng nĩa, dao, đĩa trong các bữa ăn. Thường thì những món ăn chung được bày biện trên đĩa lớn, tô lớn; cơm được đựng trong chiếc bát nhỏ hơn, phù hợp với người ăn. Còn nước chấm sẽ được đựng trong những chiếc bát nhỏ.

Thông thường, người Việt Nam thường khi các thành viên trong gia đình đã có mặt đầy đủ trên mâm cơm thì mới bắt đầu chia đũa. Còn ở Hàn Quốc đũa và thìa phải luôn được chuẩn bị trước và đặt ngay ngắn phía bên phải của bát cơm.

Người Hàn Quốc thường sử dụng dụng cụ ăn uống làm bằng kim loại trong các bữa ăn. (Ảnh: iclickart)<br>© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.

Người Hàn Quốc thường sử dụng dụng cụ ăn uống làm bằng kim loại trong các bữa ăn. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Một điểm chung nữa là trong mâm cơm gia đình của cả hai nước đều luôn phải có canh, người Việt Nam quan niệm chỉ cần một bát canh cà thì cũng có thể xong một bữa cơm. Và người Hàn Quốc cũng vậy, họ luôn đặt một bát canh đi kèm phía bên tay trái và có thể kèm thêm một bát/đĩa phụ để gắp đồ ăn chung từ mâm vào đồ đựng riêng của cá nhân. Trong khi đó, người Việt sử dụng một chiếc bát trong suốt bữa ăn. Vì thế trên mâm cơm của người Hàn, số lượng bát đĩa có xu hướng chiếm số lượng nhiều hơn so với mâm cơm ở Việt Nam.


◌ Món chính - món phụ

Không chỉ riêng Hàn Quốc hay Việt Nam, đã là mâm cơm trên bàn ăn của người châu Á thì chắc chắn cơm là món ăn không thể thiếu, vì nó đại diện cho sự tinh hoa của đất trời. Trong mâm cơm gia đình Hàn thường sẽ có các món ăn chính và món ăn kèm (banchan) như Kimchi, đậu đen rim nước tương, cá cơm khô rim,... Món chính là những món ăn được chế biến phức tạp và được bày biện cầu kỳ hơn, ngoài ra còn có cả canh và nước chấm với những món cần thêm hương vị. Việt Nam cũng không khác Hàn Quốc khi có món chính, món phụ. Thông thường mâm cơm gia đình Việt sẽ có sự góp mặt của bộ ba món canh, món mặn và rau. Ngoài ra, với một số gia đình Việt thì đồ ăn kèm thường bao gồm những món ăn ngâm, những đồ chua như dưa muối, cà muối,...

Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều có món chính - món phụ trong các bữa ăn. Tuy nhiên, đối với người Hàn thì số lượng món ăn kèm sẽ chiếm số lượng nhiều hơn so với Việt Nam. (Ảnh: Pixabay)

Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều có món chính - món phụ trong các bữa ăn. Tuy nhiên, đối với người Hàn thì số lượng món ăn kèm sẽ chiếm số lượng nhiều hơn so với Việt Nam. (Ảnh: Pixabay)



Đồ ăn kèm ở Việt Nam thường là dưa muối, cà muối,…Còn ở Hàn Quốc sẽ là Kimchi, Đậu đen, Meolchi,…(Ảnh: Unsplash (trái) / Pixabay(phải))

Đồ ăn kèm ở Việt Nam thường là dưa muối, cà muối,... Còn ở Hàn Quốc sẽ là Kimchi, Đậu đen, Myeolchi,... (Ảnh: Unsplash, Pixabay)



Riêng đối với Việt Nam, mâm cơm trở nên hoàn chỉnh nhất khi có các món rau xanh cũng giống như việc Hàn Quốc sẽ không thể vắng mặt món Kimchi. Chưa dừng lại ở đó, thường thì mâm cơm Hàn Quốc có nhiều món và được bày biện với số lượng nhiều do đến từ các món ăn kèm. Còn Việt Nam, số lượng món vừa đủ cho gia đình, không quá nhiều và cũng không quá ít. Kết thúc bữa ăn, gia đình của hai nước thường sử dụng những món tráng miệng như trái cây, đồ ngọt,...

Mâm cơm gia đình Việt Nam sẽ không thể thiếu sắc xanh của rau và những bát canh đậm đà. Còn đối với Hàn Quốc, Kimchi và những món ăn kèm sẽ không thể vắng mặt trong các bữa ăn. (Ảnh: Pixabay)

Mâm cơm gia đình Việt Nam sẽ không thể thiếu sắc xanh của rau và những bát canh đậm đà. Còn đối với Hàn Quốc, Kimchi và những món ăn kèm sẽ không thể vắng mặt trong các bữa ăn. (Ảnh: Pixabay)



Tuy nhiên, không nhất thiết lúc nào các gia đình cũng sẽ duy trì mâm cơm bắt buộc có món chính - món phụ như vậy. Đôi khi trong những dịp đặc biệt như ngày lễ tết, sinh nhật, ăn mừng, các gia đình Hàn Quốc sẽ cùng thưởng thức thịt nướng hay hội tụ cùng nhau làm các món ăn truyền thống. Còn ở Việt Nam, những bữa lẩu ấm cúng hay nấu và ăn những món tiêu biểu của Việt Nam như xôi, nộm, giả cầy,...cũng được đa số gia đình ưa chuộng và thực hiện.

Đối với cá nhân mình, những mâm cơm gia đình, đặc biệt là những bữa cơm tối thật sự đáng quý. Đó là lúc mà mình cùng mọi người kết thúc những buổi học trên lớp, những công việc tất bật và quay trở về với tổ ấm thân thương. Chính khi đấy, tất cả thành viên sẽ quây quần và thưởng thức những món ăn do bà, do mẹ nấu và cùng nhau “tám chuyện” vui buồn trong ngày. Đặc biệt, đối với sinh viên, du học sinh sống xa nhà thì những bữa cơm đầy đủ các thành viên càng trở trên trân quý và đáng nhớ hơn cả.

Mặc dù có một số điểm khác biệt trong mâm cơm gia đình nhưng mình nhận thấy cả Việt Nam và Hàn Quốc đều coi trọng những bữa ăn có các đầy đủ thành viên trong gia đình. Các món ăn đều khá dinh dưỡng và đều mang nét đặc trưng riêng trong ẩm thực của mỗi quốc gia. Những lễ nghi phép tắc trên bàn ăn cũng được hai quốc gia trân trọng, giữ gìn và lưu truyền. Tinh thần chung, việc đề cao mâm cơm gia đình được coi là cách để mọi người kết nối với nhau nhiều hơn, biết trân trọng yêu thương, san sẻ săn sóc lẫn nhau. Để tìm hiểu thêm về mâm cơm gia đình của Hàn Quốc, mình gợi ý các bạn có thể theo dõi một số bộ phim như “High Kick” (tựa Việt: Gia Đình Là Số 1), “Reply 1988” (tựa Việt: Lời Hồi Đáp 1988),... Đây chắc chắn là những tác phẩm sẽ giúp bạn khám phá thêm về mâm cơm gia đình Hàn Quốc cùng văn hóa ăn uống của họ.

shinn11@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.