“Bố con cá gai” là một trong những tác phẩm văn học Hàn xuất sắc đề cao tình phụ tử thiêng liêng. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh
Nếu bạn là người quan tâm và yêu thích văn học Hàn Quốc thì chắc chắn sẽ không còn quá xa lạ với các tên tuổi lớn như Shin Kyung Sook hay Cho Chang In, những tác giả đi đầu với những tác phẩm về tình cảm gia đình. Nếu Shin Kyung Sook có “Hãy về với cha”, một câu chuyện khiến ta nghẹn ngào thì Cho Chang In đã lấy đi nước mắt của người đọc với “Bố con cá gai”.
“Bố con cá gai” nghe thật lạ và chắc chắn rằng bất cứ ai trong đó có cả mình cũng sẽ đều thắc mắc tại sao tác giả lại đặt tựa đề sách lạ đến vậy. Nếu muốn tìm câu trả lời, bạn hãy đọc hết đến cuối nhé!
Về cuốn sách “Bố con cá gai”
“Bố con cá gai” (tên tiếng Hàn:
가시고기) là cuốn sách được chắp bút bởi nhà văn Cho Chang In, và được xuất bản vào năm 2000. Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, chạm tới trái tim của hàng triệu bạn đọc và trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất của người Hàn Quốc. Đặc biệt, “Bố con cá gai” là một trong những cuốn văn học được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc.
Tác phẩm này không chỉ nhận được nhiều giải thưởng danh giá mà còn được chuyển thể thành phim ngắn cùng tên với sự tham gia diễn xuất của diễn viên nhí nổi tiếng của màn ảnh Hàn Yoo Seung Ho. Với thành công đó, tên tuổi của nhà văn Cho Chang In ngày càng đến gần với bạn đọc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Lấy tựa đề tiếng Việt là “Bố con cá gai”, tác phẩm này đã được dịch bởi biên dịch viên Nguyễn Thị Thu Vân xuất bản tại Việt Nam vào năm 2007.
“Bố con cá gai” kể lại quá trình người bố đồng hành cùng con để điều trị căn bệnh máu trắng, suốt 2 năm trời, tủi cực, khổ sở, mệt mỏi nhưng đầy ngọt ngào. Daum, một cậu bé dũng cảm đã chống chọi với căn bệnh máu trắng từ khi lên 3 và bây giờ là cậu đã gần 10 tuổi. Cậu bé thường xuyên phải trải qua những đau đớn về thể xác, bị chọc hút tuỷ đến tê liệt cả ý thức nhưng Daum vẫn luôn ngoan và hiểu chuyện.
Ngược lại với một Daum mạnh mẽ, dũng cảm, chịu đựng giỏi là bố của Daum - Jeong Ho Yeon lại khiến cho người đọc lo lắng hơn cả Daum. Ông đã dồn tất cả tiền bạc, tài sản, đến cả những bộ phận trên cơ thể của mình thì ông cũng không màng bán đi để có tiền lo phẫu thuật cho Daum. Bố của Daum làm tất cả cho Daum. Hai bố con đã cùng nhau trải qua đủ mọi thử thách của cuộc sống và có lẽ chính bố là nguồn động lực và là chỗ dựa tinh thần vững chắc của Daum. Và khi tia hy vọng lé lên với căn bệnh hiểm ác của người con rằng đã tìm thấy tuỷ phù hợp thì một biến cố lại xảy đến với người bố khi mắc căn bệnh ung thư gan, rằng có lẽ sẽ khiến Daum và bố không thể sống cùng nhau sau này.
“Bố con cá gai” được tác giả viết dưới hai góc nhìn là dưới góc nhìn của người bố và nhìn dưới góc nhìn của cậu con trai, xen kẽ nhau suốt 6 chương sách, làm mạch truyện càng giàu cảm xúc và đa chiều.
Những điểm sáng trong tác phẩm “Bố con cá gai”
◌ Tại sao lại là “Bố con cá gai”?
“Cá gai là một loài cá kì lạ. Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng đó có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình và chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng”. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt tên tác phẩm của mình là “Bố con cá gai”. Hình ảnh cá gai bố chính là hình ảnh ẩn dụ cho người bố trong câu chuyện của tác giả Cho Chang In.
Người bố trong câu chuyện quả thực là người gánh chịu những nỗi đau trên thế giới này: mẹ bỏ đi vì không chịu được hoàn cảnh nghèo khó, người bố ruột sau khi ra tù đã cho anh ăn mỳ tương đen nhưng ngay sau đó lại đưa cho anh thuốc chuột, tiếp đó chính mắt anh nhìn thấy bố mình bỏ mình lại ở đồn cảnh sát rồi khập khiễng bước đi. Sau bao nhiêu sóng gió anh tưởng chừng như mình có được một gia đình nhỏ thì người vợ vì không chịu nỗi hoàn cảnh nghèo khó, đã từ bỏ anh và con để chạy theo ước mơ của mình, tìm hạnh phúc mới, hay một mình anh cùng đứa con trai bé bỏng chiến đấu với căn bệnh máu trắng.
Một người bố đã hi sinh cả cuộc đời mình cho đứa con mắc bệnh máu trắng, chấp nhận bán mọi thứ, hi sinh mọi thứ để không trở thành một người giống như bố của mình. Tưởng chừng như khi vượt qua bệnh tật, cuộc đời sẽ tươi sáng hơn nhưng anh lại sớm qua đời vì căn bệnh ung thư gan.
Người bố như loài cá gai bố, một mình chăm sóc đàn con và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống thiếu vắng mẹ. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
◌ Tình cảm phụ tử của Daum và bố
Điểm sáng giá nhất trong câu chuyện chính là tình cảm phụ tử giữa Daum và người bố – một sợi dây gắn kết thần kì mà không có gì ly biệt được, kể cả cái chết. Tình cảm của “Bố con cá gai” đã được tác giả Cho Chang In miêu tả một cách rất chân thật và tinh tế đến từng dòng chữ.
Mẹ Daum đã bỏ rơi bố con cậu để theo đuổi giấc mơ vẽ tranh ở Pháp, giao lại quyền nuôi con cho người bố và để bố Daum một mình “gà trống nuôi con”, dù bố Daum đã phải từ bỏ thế mạnh làm thơ của mình để làm công việc kiếm được nhiều tiền hơn.
Để kiếm tiền lo chữa bệnh cho con, người bố đã không màng hi sinh những gì được cho là “lòng tự tôn, tự trọng nghề nghiệp” thậm chí bán đi cơ quan nội tạng của mình chỉ với hy vọng đủ tiền chữa trị cho con. Chỉ cần có một tia hy vọng, anh sẽ vội lao vào để giành giật sự sống của đứa con trai với thần chết. Không những vậy, trong suốt quá trình chống chọi với bệnh tât, người bố luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là động lực to lớn cho cậu bé Daum.
“
Thưa Đức Chúa... Xin Ngài hãy cứu sống đứa trẻ... Tôi sẵn lòng chịu thay cho đứa trẻ. Tôi là kẻ không còn niềm hy vọng nào khác ngoài đứa trẻ này. Ngài không biết nó có nhiều ước mơ đến như thế nào đâu. Và nó yêu cuộc sống này. Nó thông minh lanh lợi và có một tâm hồn vô cùng trong sáng. Hãy cho tôi được chịu trừng phạt thay cho đứa trẻ. Và xin Ngài hãy cứu sống nó. Tôi cầu xin Ngài, cầu xin...” (Trích “Bố con cá gai”).
Ngoài tình cảm thiêng liêng của người bố thì tình yêu của cậu con trai Daum dành cho bố cũng rất xúc động. Một cậu bé mới 10 tuổi nhưng lại rất ngoan và quá hiểu chuyện. Tuy cậu còn nhỏ nhưng tình cảm của cậu dành cho bố không hề nhỏ chút nào.
Tình cảm của “Bố con cá gai” đã được tác giả Cho Chang In miêu tả một cách rất chân thật và tinh tế đến từng dòng chữ. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
◌ Những phân đoạn khiến ta phải suy nghĩ
Đầu tiên, khung cảnh chia tay Daum trước khi cậu bé sang Pháp là một điểm nhấn nổi bật của câu chuyện. Đó cũng là hình ảnh mà mình xúc động nhất khi bố cá gai chào tạm biệt Daum từ một khoảng cách xa, trong một thứ ánh sáng mập mờ không rõ nét, người bố ấy phải diễn vai lạnh, tàn nhẫn để đứa con tưởng rằng người bố cậu bé hết sức yêu thương đã có hạnh phúc mới và không cần cậu nữa. Để rồi khi cậu bé quay lưng đi, người bố quỵ xuống, nước mắt không ngừng rơi và miệng không ngừng gọi tên cậu bé.
Có lẽ khi đọc đến đây, chắc chắn sẽ có nhiều người cảm thấy bất bình thay cho Daum giống mình. Mặc dù lựa chọn rời xa Daum của người bố không sai nhưng sai ở cách người bố làm. Bởi người bố luôn biết với Daum anh quan trọng nhường nào, đẩy một người ra xa có nhiều cách tại sao phải chọn cách tàn nhẫn với một đứa trẻ mới 10 tuổi như thế. Không phải người đã đồng hành cùng cậu trong tháng ngày chống chọi với bệnh tật, mà là người mẹ đã nhẫn tâm vứt bỏ bố con cậu nay quay lại nhận cậu chỉ vì phát hiện ra cậu bé có tài năng hội họa.
Liệu Daum có hạnh phúc và liệu cậu có trách khi người bố đẩy cậu cho mẹ? Hay sau này khi lớn lên, cậu có trở về quê hương, liệu cậu có biết được sự thật tại sao người bố lại rời bỏ cậu và những hi sinh của người bố khi ấy? Những câu hỏi này thực sự khiến người đọc canh cánh trong lòng.
Một chi tiết “đắt” nữa trong câu chuyện có lẽ nằm ở cái kết cuối truyện. “Đắt” bởi đây có lẽ là cái kết mà ít ai ngờ tới, rằng thay vì chỉ là chia ly về khoảng cách, tác giả Cho Chang In đã thực sự chia cắt bố con cá gai mãi mãi. Mặc dù đó không phải là cái kết mà tất cả mọi người hay mình khi đọc câu chuyện này mong đợi, một cái kết thật quá bất công cho người bố.
Mình đã trông đợi vào một cái kết có hậu “ở hiền gặp lành”, rằng sau hành trình đấu tranh với bệnh tật, sau khi cậu bé Daum ghép tuỷ thành công, hai cha con sẽ được đoàn tụ, được sống một cuộc sống hạnh phúc nhưng một lần nữa tác giả lại để cái chết chia cắt tình cha con, để Daum mất đi động lực sống duy nhất của mình. Đây có lẽ là cái kết sẽ để lại sự day dứt và thậm chí là bất bình cho người đọc. Giá mà có một kết thúc có hậu hơn.
Câu chuyện như một cỗ máy roller coaster đưa người đọc chông chênh trong nhiều cung bậc cảm xúc: từ xót xa, thương cảm đến cảm giác nhẹ nhõm khi tìm được người ghép tuỷ phù hợp cho cậu bé Daum, rồi lại u ám ở cuối truyện bởi cái kết quá đau lòng.
◌ Thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình
Người con dù còn bé nhưng rất nghị lực và dũng cảm, chịu đựng được cơn bệnh tật quái ác, cắn răng kìm nén khi thực hiện những cuộc xạ trị. Nhưng người con đau bao nhiêu thì người bố khổ gấp bội lần. Thương và lo cho con đến nỗi mình cũng bị căn bệnh quái ác ấy, và thậm chí đến khi ra đi cũng muốn những điều tốt đẹp cho con cái. Thế mới biết tình yêu của cha mẹ là vô bờ bến, không toan tính thiệt hơn, yêu và hi sinh cho con cái vô điều kiện. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái vô cùng to lớn, vì con cái họ không màng đến điều gì khác, chỉ mong con cái sẽ được khỏe mạnh bình an. Dù cho đi rất nhiều nhưng chẳng mong được báo đáp, nhìn đứa trẻ khỏe mạnh và sống hạnh phúc chính là niềm vui lớn nhất mà họ nhận được.
Mình ít khi đọc văn học Hàn, nhưng sau “Hãy chăm sóc mẹ”, “Hãy về với cha”, “Bố con cá gai” lại tiếp tục làm mình sưng mắt. Là một tác phẩm đề cao tình cảm phụ tử thiêng liêng, “Bố con cá gai” đã thành công tái hiện lên những hiện thực đầy đau thương của cuộc sống, cũng như truyền tải được đến người đọc niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào nghị lực và trên tất cả là tình cảm gia đình. Đối với mình, đây là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Hy vọng các bạn sẽ dành thời gian “Đọc cùng mình” nhé!
shinn11@korea.net
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.