Phóng viên danh dự

22.09.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Đèn lồng Cheongsachorong là chiếc lồng đèn truyền thống của Hàn Quốc, có từ lâu đời và là một biểu tượng tiêu biểu, thường xuyên xuất hiện trong dịp lễ Chuseok. (Ảnh: Freepik)

Đèn lồng Cheongsachorong là chiếc lồng đèn truyền thống của Hàn Quốc, có từ lâu đời và là một biểu tượng tiêu biểu, thường xuyên xuất hiện trong dịp lễ Chuseok. (Ảnh: Freepik)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Vào cuối tháng 9 tới đây, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á khá sẽ cùng nhau mừng đón lễ Chuseok hay còn gọi là Tết Trung thu. Đây là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, thưởng thức những món bánh ngọt hay đơn giản là dạo phố, ngắm nhìn sắc màu rực rỡ đến từ những chiếc đèn lồng.

Và với mong muốn có thể đón một cái Tết Trung thu thật thú vị, mình đã lên ý tưởng tự tay làm lồng đèn - một món đồ trang trí không thể thiếu trong dịp trăng tròn. Đặc biệt, sự xuất hiện của Cheongsachorong - lồng đèn truyền thống đến từ Hàn Quốc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của mình bởi vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần lãng mạn. Chưa kể, những câu chuyện lịch sử hay ý nghĩa sâu xa xoay quanh chiếc đèn lồng này đã thành công ghi được dấu ấn trong lòng mình.


Giới thiệu đèn lồng Cheongsachorong

Cheongsachorong là chiếc đèn lồng truyền thống của Hàn Quốc, thường có khung dạng hình hộp chữ nhật đứng được làm từ tre. Bao quanh khung lồng đèn là tấm vải hoặc lụa với hai màu chính gồm đỏ và xanh dương. Bên trong khung lồng đèn còn có chân nến để đựng nến, tiện cho việc thắp sáng. Ngoài ra còn có tay cầm được làm bằng gỗ hoặc tre.

Cheongsachorong có khung được làm bằng tre, thân đèn được làm từ vải với hai màu sắc đặc trưng đỏ - xanh dương. (Ảnh: Pixabay)

Cheongsachorong có khung được làm bằng tre, thân đèn được làm từ vải với hai màu sắc đặc trưng đỏ - xanh dương. (Ảnh: Pixabay)



Đèn lồng Cheongsachorong đã được người dân Hàn Quốc sử dụng trong các lễ cưới từ cuối triều đại Joseon. Những chiếc đèn lồng này được dùng để soi đường khi chú rể cưỡi ngựa đến nhà cô dâu và khi cô dâu đi kiệu về nhà chồng. Sở dĩ chiếc đèn lồng này được sử dụng rộng rãi trong các đám cưới là vì quan niệm cổ xưa của người Hàn cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều được tạo thành từ sự hòa hợp của âm và dương. Cho nên lồng đèn có màu đỏ tượng trưng cho phần dương và màu xanh tượng trưng cho phần âm được sử dụng như một vật không thể thiếu trong ngày thành hôn của các cặp đôi thời xưa. Và cũng bằng cách này mà Cheongsachorong dần được sử dụng rộng rãi trong các dịp lễ, nghi lễ và nghi lễ hoàng gia.

Ngày nay, đèn Cheongsachorong xuất hiện khá phổ biến, chẳng hạn như được trưng bày ở các bảo tàng, triển lãm, sự kiện giao lưu văn hóa... Ngoài ra, chiếc đèn lồng còn được dùng để trang trí ở những công trình cổ kính như nhà cổ, nhà Hanok, chùa, đền,... hay đơn giản là xuất hiện trong các ngày lễ lớn của năm tại Hàn Quốc như Chuseok. Thậm chí đèn lồng Cheongsachorong còn từng được chọn làm logo cho “Hội nghị thượng đỉnh G20 Seoul” tổ chức vào năm 2010.

Ngày nay, mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp Cheongsachorong tại các công trình cổ kính, triển lãm, bảo tàng, sự kiện giao lưu văn hóa,... (Ảnh: iclickart)

Ngày nay, mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp Cheongsachorong tại các công trình cổ kính, triển lãm, bảo tàng, sự kiện giao lưu văn hóa,... (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Lồng đèn Cheongsachorong được coi như một biểu tượng tiêu biểu, đại diện cho vẻ đẹp truyền thống của xứ sở Kim Chi. Bởi lẽ, chỉ riêng phần màu sắc của lồng đèn là đỏ - xanh dương đã có phần tương đồng với màu quốc kỳ của Hàn Quốc. Chưa kể, xanh - đỏ còn là bộ đôi màu sắc thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều đồ vật, trang phục của nước bạn. Cho nên, theo mình, chỉ riêng phần hình thức của lồng đèn đã phần nào quảng bá được hình ảnh của xứ Hàn.

Không giống như một số lồng đèn khác, Cheongsachorong lại mang đến dáng vẻ đơn giản khi chỉ có phần khung và phần vải cuốn quanh. Nhưng cũng nhờ đều này mà lồng đèn lại sở hữu nét đẹp giản dị, mộc mạc. Cái hay của lồng đèn là phần vải xanh dương ở dưới có độ dài dài hơn, vượt qua độ cao của khung lồng đèn. Cho nên khi được treo trang trí ngoài trời, phần vải đó tung bay, phất phơ trong gió, tạo nên một khung cảnh nhẹ nhàng, lãng mạn và bay bổng. Bên cạnh đó, ánh sáng của lồng đèn còn mang sắc thái ấm áp, dịu nhẹ nhất khi được kết hợp với màu sắc đỏ - xanh của vải.

Cheongsachorong mang đến dáng vẻ giản dị, mộc mạc và nhẹ nhàng. Khi được trang trí ngoài trời, chiếc đèn lồng phất phơ trong gió, tạo nên một khung cảnh cực kỳ lãng mạn. (Ảnh: iclickart)

Cheongsachorong mang đến dáng vẻ giản dị, mộc mạc và nhẹ nhàng. Khi được trang trí ngoài trời, chiếc đèn lồng phất phơ trong gió, tạo nên một khung cảnh cực kỳ lãng mạn. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Hướng dẫn làm lồng đèn Cheongsachorong trang trí đơn giản tại nhà:

Trước thềm dịp Tết Trung Thu đang đến gần, mình đã thử học cách làm lồng đèn đơn giản tại nhà thông qua video trên Youtube. Không chỉ mục đích trang trí, mình cũng còn hy vọng rằng Cheongsachorong còn thể hiện những ước muốn về sự trọn vẹn và hạnh phúc.

◌ Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ làm lồng đèn Cheongsachorong:

• Nguyên liệu: 3 giấy màu đỏ, 3 giấy màu xanh, khổ A4; 1 sợi dây dài tầm 20 - 25cm, 1 đũa/thanh tre dài khoảng 20cm
• Dụng cụ: kéo, bút chì, thước, băng keo hai mặt

Nguyên liệu và dụng cụ làm Cheongsachorong khá đơn giản, các bạn hoàn toàn có thể mua tại hiệu sách, văn phòng phẩm,… (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Nguyên liệu và dụng cụ làm Cheongsachorong khá đơn giản, các bạn hoàn toàn có thể mua tại hiệu sách, văn phòng phẩm,… (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



◌ Tiến hành:

• Bước 1: Đặt 2 tấm giấy màu đỏ ngang nhau và 2 tấm giấy màu xanh ngang nhau ở dưới giấy màu đỏ. Dán bốn tấm giấy lại với nhau bằng băng keo hai mặt nhằm tạo thành một khổ giấy hai màu dạng lớn.

• Bước 2: Dùng bút chì kẻ thành các hình chữ nhật, tam giác trên mặt giấy khổ lớn. Số liệu như trên hình vẽ.

• Lưu ý: Tỷ lệ phần giấy đỏ sẽ ít hơn phần giấy xanh, độ dài cụ thể tùy theo các bạn mong muốn. Ngoài ra, những phần đánh dấu (X) màu trắng được dùng để dán keo 2 mặt và nối các phần lại với nhau.

Phần tam giác của giấy tạo mũ đèn, phần hình chữ tạo khung đèn. Số liệu chỉ mang tính chất tham khảo, các bạn có thể thay đổi kích thước tùy vào kích cỡ đèn mà các bạn mong muốn. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Phần tam giác của giấy tạo mũ đèn, phần hình chữ tạo khung đèn. Số liệu chỉ mang tính chất tham khảo, các bạn có thể thay đổi kích thước tùy vào kích cỡ đèn mà các bạn mong muốn. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



• Bước 3: Tạo hình lồng đèn.

- Dán băng keo hai mặt vào các phần đã đánh dấu (X) màu trắng.
- Tiến hành dán phần được đánh dấu X với mép cạnh tam giác kế bên. Kết quả tạo được phần đầu của lồng đèn có dạng như một chiếc mũ.
- Tiếp tục dán phần đánh dấu (X) với mép cạnh hình chữ nhật để tạo thành khung của lồng đèn.

• Lưu ý: trong bước này, có thể tiến hành luồn dây vào trong, cố định bằng nút thắt để dây không rơi ra khỏi đèn. Sau đó, buộc đầu dây còn lại vào đũa/thanh tre để làm tay cầm.

Phần đánh dấu (X) trắng để dán keo 2 mặt và dán các phần lại với nhau. Thành quả gồm mũ đèn hình chóp và thân đèn hình hộp chữ nhật đứng. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Phần đánh dấu (X) trắng để dán keo 2 mặt và dán các phần lại với nhau. Thành quả gồm mũ đèn hình chóp và thân đèn hình hộp chữ nhật đứng. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Trong lúc làm mũ đèn, các bạn nên luôn dây vào trong, thắt nút để cố định. Cách luồn dây này đối với mình thuận tiện hơn so với việc luồn dây sau khi đèn hoàn thiện. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Trong lúc làm mũ đèn, các bạn nên luôn dây vào trong, thắt nút để cố định. Cách luồn dây này đối với mình thuận tiện hơn so với việc luồn dây sau khi đèn hoàn thiện. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



• Bước 4: Làm phụ kiện trang trí bằng Ddakji.

Để lồng đèn thêm sinh động, các bạn có thể làm vật trang trí bằng Ddakji. Cách làm Ddakji như sau:

- Chuẩn bị hai khổ giấy hình chữ nhật kích thước 4 x 12 (cm).
- Gấp 2 đầu giấy tạo thành hai hình tam giác ngược nhau.
- Đặt giấy màu đỏ nằm ngang, giấy mày xanh nằm dọc và nằm trên giấy màu đỏ.
- Gấp 2 đầu giấy tam giác màu đỏ thành hình vuông, ôm trọn phần hình vuông của giấy màu xanh.
- Đầu giấy tam giác màu xanh ở dưới luồn vào tam giác đỏ bên trái, đầu giấy tam giác màu xanh luồn vào tam giác đỏ bên phải.
- Kết quả, ta có được một Ddakji.

• Lưu ý: Có thể tạo nhiều Ddakji với các kích cỡ khác nhau để trang trí cho lồng đèn.

Làm phụ kiện trang trí bằng Ddakji không quá khó, chỉ cần hai khổ giấy hình chữ nhật khác màu. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Làm phụ kiện trang trí bằng Ddakji không quá khó, chỉ cần hai khổ giấy hình chữ nhật khác màu. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Các bạn nên tạo nhiều Ddakji với các kích cỡ khác nhau để trang trí cho lồng đèn thêm sinh động. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Các bạn nên tạo nhiều Ddakji với các kích cỡ khác nhau để trang trí cho lồng đèn thêm sinh động. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



• Bước 5: Hoàn thiện Cheongsachorong

- Dùng tay chỉnh lại phần khung của lồng đèn sao cho vuông vắn, đến khi lồng đèn đứng vững.
- Trang trí Ddakji khi ở chính giữa đường ranh giới hai màu đỏ xanh bằng keo 2 mặt, trang trí thêm Ddakji ở các mặt còn lại của đèn lồng và dây treo.

Sau khi trang trí, các bạn chỉnh trang lại đèn cho vuông vắn. Khi đèn có thể đứng vững là các bạn gần như đã hoàn thiện đèn. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Sau khi trang trí, các bạn chỉnh trang lại đèn cho vuông vắn. Khi đèn có thể đứng vững là các bạn gần như đã hoàn thiện đèn. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Một số lưu ý khác mà mình đúc rút được trong quá trình làm Cheongsachorong:

- Nên sử dụng giấy có độ cứng vừa phải, không quá cứng và không quá mềm đề dễ định hình.
- Căn chỉnh tỷ lệ đỏ - xanh phù hợp, phần đỏ ngắn hơn phần xanh để giống với Cheongsachorong thật nhất.
- Có thể luồn dây lồng đèn sau khi hoàn thiện đèn. Nhưng nếu luồn dây trong quá trình tạo mũ đèn sẽ dễ dàng hơn.
- Số liệu trên hình chỉ mang tính tham khảo. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi kích thước để tạo nên những chiếc lồng đèn có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy vào mục đích của các bạn.
- Ngoài ra, các bạn nên thêm nhiều kiểu họa tiết truyền thống Hàn Quốc khác nhau để trang trí cho đèn. Như thế sẽ khiến đèn thêm phần bắt mắt và thú vị hơn.

Chiếc lồng đèn Cheongsachorong thủ công của mình sau một buổi chiều cặm cụi. Dù không quá giống với những gì được học nhưng mình vẫn cảm thấy hài lòng với chiếc đèn lồng này. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Chiếc lồng đèn Cheongsachorong thủ công của mình sau một buổi chiều cặm cụi. Dù không quá giống với những gì được học nhưng mình vẫn cảm thấy hài lòng với chiếc đèn lồng này. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Đối với mình, dù không cầu kỳ hay công phu như nhiều lồng đèn khác nhưng Cheongsachorong vẫn gây ấn tượng nhờ dáng vẻ đơn giản của chúng. Hy vọng thông qua những chia sẻ của mình, các bạn sẽ có thêm những góc nhìn thú vị về chiếc đèn lồng này. Và với những hướng dẫn tự làm Cheongsachorong, các bạn sẽ có thêm một lựa chọn vật trang trí để có một mùa Trung thu thật mới mẻ nhé.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.