Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju của Hàn Quốc tổ chức triển lãm “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 3/11 đến ngày 30/11. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh
Ngày 3/11, triển lãm “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do” do Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju (Hàn Quốc) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự kiện này cũng là lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju tổ chức triển lãm tại đất nước Việt Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do”, sáng ngày 4/11, “ARTIST TALK” -chương trình giao lưu giữa các họa sĩ Hàn Quốc và khán giả được diễn ra cùng với sự xuất hiện của bảy họa sĩ của các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm lần này. Đây là cơ hội để những người yêu nghệ thuật không chỉ được tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật đến từ xứ sở Kim Chi mà còn được lắng nghe và trao đổi trực tiếp với chính những người họa sĩ tạo ra các tác phẩm đó.
Những người đến xem triển lãm có cơ hội được giao lưu cùng các họa sĩ. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju là bảo tàng đại diện cho thành phố Gwangju (thành phố có truyền thống sâu sắc về nghệ thuật từ lâu đời tại Hàn Quốc), đóng vai trò quan trọng như một mạng lưới liên kết giữa các bảo tàng, tổ chức và nghệ sĩ trên toàn thế giới cũng như tổ chức các họat động giao lưu văn hoá nghệ thuật với các quốc gia khác. Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju đã tổ chức triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,... và năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju đã mang triển lãm với tên gọi “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do” đến với những người Việt Nam yêu nghệ thuật.
Nói về mục đích của triển lãm lần này, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju Kim Jun-gi đã bày tỏ: “Triển lãm lần này tại Việt Nam trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chứa đựng phong cảnh, nét tươi vui và cảm xúc của đất nước cũng như con người Hàn Quốc. Thông qua triển lãm này, tôi mong muốn giới thiệu nghệ thuật Hàn Quốc và chờ đợi sự giao lưu nghệ thuật tích cực với Việt Nam”.
Tại triển lãm “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do” lần này, các tác phẩm mỹ thuật với nhiều thể loại, phong cách khác nhau của 7 họa sĩ đến từ thành phố Gwangju bao gồm: Lee Hyung-woo, Yoon Nam-woong, Lee In-sung, Kim Sung-nam, Pyo In-bu, Kim Byoung-taeg và Kim Chang-duk đã được trưng bày và giới thiệu trước công chúng. Với tổng 36 tác phẩm, mỗi tác phẩm mỹ thuật tại đây không chỉ thể hiện phóng cách, bút họa của các họa sĩ mà còn thể hiện những chủ đề, ý tưởng cũng như thông điệp mà mỗi họa sĩ muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Dưới đây là hình ảnh một số tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm.
Tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Lee Hyung-woo là những bức tranh với những tình huống ẩn dụ tạo nên từ nét vẽ táo bạo cùng những gam màu đa dạng. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Với họa sĩ Kim Byoung-taeg các bức tranh tương phản với màu đỏ hoặc xanh hay các hình dạng lặp đi lặp lại của nước, biển và núi vốn được xem là nguồn gốc của sự sống. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Hay những bức vẽ về tự nhiên, cây cỏ hoa lá được họa sĩ thể hiện điểm xuyết trên nền trắng. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Bức tranh “Thủ công patchwork” ghi lại dấu vết cuộc sống bằng góc nhìn hài hước, đầy tự do trong nghệ thuật của họa sĩ Yoon Nam-woong. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
“Mùa trở - Món quà của cha” là chủ đề của những tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ Lee In-sung tạo nên. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, tác phẩm để lại cho mình ấn tượng nhất đó là các tác phẩm với tựa đề “Ký ức của gió” của họa sĩ Pyo In-bu. Mặc dù các tác phẩm của ông không có quá nhiều màu sắc hay các chi tiết để mô tả về thứ mà ông muốn biểu đạt nhưng người xem vẫn có thể nhận ra được thứ mà ông truyền tải thông qua tác phẩm của mình. Chẳng hạn, chỉ bằng việc sử dụng màu vàng với các sắc độ khác nhau, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đây là màu sắc đặc trưng của những hàng cây thay lá khi trời sang thu.
Bên cạnh đó, theo họa sĩ Pyo In-bu chia sẻ, thay vì sử dụng màu để vẽ trực tiếp, ông đã sử dụng giấy Hanji – một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc để làm nên các tác phẩm này. Với hàng trăm tờ giấy được cắt, dán và tô màu tỉ mỉ, các tác phẩm của họa sĩ Pyo In-bu tạo cảm giác sống động và có chiều sâu. Khi nhìn bức tranh, chúng ta sẽ có cảm giác như đang đứng trước một đồng cỏ rộng lớn và cảm nhận những cơn gió thổi qua khiến bãi cỏ rung rinh và dập dìu y hệt hệt như cái tên “Ký ức của gió”.
Họa sĩ Pyo In-bu chia sẻ ý nghĩa cũng như thông điệp mà ông muốn truyền tải thông qua các bức tranh của mình tới người xem. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Ngoài ra, khi đến với triển lãm, người xem cũng có thể “được ăn, được nói” và “được gói mang về”. Chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ được giao lưu với các họa sĩ mà còn nhận được những phần quà từ Ban tổ chức triển lãm.
Những phần quà được Ban tổ chức triễn lãm chuẩn bị gồm có những chiếc túi tote, sách ảnh về các tác phẩm,... (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)
Triển lãm “Hàn Quốc, Phóng khoáng và Tự do” không chỉ là sự kiện giao lưu văn hoá nghệ thuật Hàn Quốc - Việt Nam mà triển lãm này còn tạo ra “sân chơi” cho những người quan tâm đến nghệ thuật đặc biệt là hội họa. Triển lãm kéo dài đến ngày 30/11 nên nếu bạn quan tâm đến hội họa cũng như muốn chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật Hàn Quốc thì hãy lên lịch ngay để không bỏ lỡ trải nghiệm thú vị này nhé!
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.