Kết thúc lớp học văn hóa, các bạn sinh viên, thầy cô từ Trường Đại học Giáo dục Gwangju cùng các bạn tham gia lớp học cùng nhau chụp hình kỷ niệm. (Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Phạm Thị Hà Phương
Không phải đợi tới khi bộ phim truyền hình ăn khách Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo phát sóng thì món Gimbap mới trở nên nổi tiếng. Thực chất, từ lâu, Gimbap đã là món ăn mà khi nhắc đến đất nước Hàn Quốc thì người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến nó. Món ăn bình dân này thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình Hàn Quốc. Và không chỉ được người Hàn yêu thích mà Gimbap còn vô cùng phổ biến ở nước ngoài.
Ngày 9/1 vừa qua, mình có cơ hội được tham gia lớp học làm Gimbap được tổ chức bởi Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn TP.HCM, hợp tác với Trường Đại học Giáo dục Gwangju. Tại đây, mình và các bạn trẻ cùng có niềm đam mê với văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của món Gimbap, học cách làm Gimbap. Và tất nhiên sau cùng không thể nào quên giây phút đáng nhớ khi chúng mình cùng nhau thưởng thức món ăn do chính tay mình làm ra và chơi những trò chơi thú vị của người Hàn.
Các bạn sinh viên từ Trường Đại học Giáo dục Gwangju nhiệt tình hướng dẫn cho các bạn tham gia lớp học văn hóa cách làm Gimbap. (Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM)
Mở đầu buổi học văn hóa, chúng mình được cung cấp một số kiến thức cơ bản về món ăn Gimbap như tên gọi, ý nghĩa, các loại Gimbap và lí do tại sao người Hàn lại yêu thích món ăn này đến thế. Chắc hẳn ai cũng biết, Gimbap được làm bằng cách phết một lớp cơm trắng mỏng lên lá rong biển, ở giữa cuộn với cà rốt thái sợi, củ cải muối, xúc xích, trứng tráng cắt thanh dài, dưa leo,... Cơm cùng các nguyên liệu đa dạng được gói trong lá rong biển đen bóng hòa quyện tạo nên hương vị hài hòa, ngon miệng.
Thầy cô, các bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Giáo dục Gwangju và đại diện từ Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn TP.HCM chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và dụng cụ làm Gimbap. (Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM)
Về tên gọi của món ăn này, Gimbap được ghép từ “Gim” – nghĩa là lá rong biển và “Bap” là cơm trong tiếng Hàn. Và thay vì chỉ có một loại Gimbap cơ bản mà mình được ăn ở Việt Nam, ở Hàn Quốc có nhiều loại Gimbap khác nhau bao gồm: Chungmu Gimbap (cơm cuộn nhỏ bằng hai ngón tay, chỉ có cơm trắng là nhân), Nude Gimbap (cơm cuộn bên ngoài, rong biển nằm bên trong),...
Trong buổi học, chúng mình được cung cấp một số thông tin cơ bản về các loại Gimbap ở Hàn Quốc. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)
Bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều biến tấu của Gimbap. Có những loại Gimbap không sử dụng nguyên liệu thông thường mà dùng thịt heo xào cay hoặc thịt bò xào, thịt heo chiên xù, cá cơm rang tẩm mè, sốt mayonnaise cá ngừ, tôm chiên xù và mực trộn cay,... để làm phần nhân cuộn bên trong cơm.
Gimbap không chỉ là món ăn ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và đời sống của người Hàn. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)
Có một câu nói rất hay mà mình vẫn còn ghi nhớ sau buổi học, đó là: “Gimbap chính là một thế giới riêng, một vũ trụ thu nhỏ của người Hàn Quốc”. Bởi lẽ, không chỉ ngon, có vẻ ngoài bắt mắt, dồi dào chất dinh dưỡng mà Gimbap còn ẩn chứa không ít câu chuyện văn hóa đằng sau đó.
Phần nhân cuộn bên trong Gimbap bao gồm nhiều thành phần khác nhau và mỗi thành phần có một màu sắc khác nhau tượng trưng cho những ý nghĩa riêng. Màu đen của rong biển, màu trắng của gạo, màu vàng của trứng và củ cải muối, màu xanh của rau và màu cam của cà rốt,... tất cả đại diện cho các yếu tố ngũ hành “Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ” trong văn hóa châu Á và mối liên hệ giữa các cơ quan trong cơ thể.
Gimbap Hàn Quốc là một trong những món ăn đại diện đặc trưng cho quan niệm về âm - dương hòa hợp của người Hàn Quốc. Trong đó, các loại rau củ là thực phẩm mang tính âm kết hợp với những thực phẩm mang tính dương là lá rong biển, cơm và trứng tạo nên được sự cân bằng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giúp cho cơ thể con người khỏe mạnh.
Và một yếu tố khác khiến món Gimbap trở nên phổ biến đến thế đó là nhờ sự tiện lợi và đơn giản khi thực hiện của nó. Nếu đã quen thuộc với văn hóa Hàn và thường xuyên theo dõi các bộ phim truyền hình lẫn chương trình thực tế, bạn sẽ dễ nhận ra rằng Gimbap là món ăn xuất hiện cực kỳ thường xuyên, từ trong mâm cơm gia đình, buổi ăn trưa của nhân viên văn phòng, các chuyến dã ngoại của học sinh cho đến những buổi họp mặt bạn bè, buổi hẹn hò ăn uống, đi chơi cuối tuần.
Các bạn học viên tham gia lớp học văn hóa thích thú khi được tự tay làm món Gimbap cùng nhau. (Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM)
Khoảng thời gian tiếp theo của lớp học chính là lúc mọi người được tận tay làm ra những cuộn Gimbap ngon lành với những nguyên liệu và dụng cụ được thầy cô và các bạn từ Trường Đại học Giáo dục Gwangju chuẩn bị sẵn. Chúng mình được chia nhóm 2 người để cùng nhau làm Gimbap. Trong quá trình đó, các bạn sinh viên từ Trường Đại học Giáo dục Gwangju hướng dẫn và nhiệt tình giúp đỡ nên chúng mình có thể làm được món ăn này khá nhanh chóng và dễ dàng.
Món Gimbap hoàn chỉnh là thành phẩm sau buổi học. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)
Dưới đây là các bước làm Gimbap chuẩn kiểu Hàn mà mình đã được học và áp dụng thành công, các bạn có thể tham khảo nhé:
Các nguyên liệu phổ biến nhất cần chuẩn bị để làm được món Gimbap chuẩn Hàn bao gồm:
• Lá rong biển sấy giòn
• Cơm trắng nấu chín có đủ độ dẻo, không quá khô hay quá nhão
• Dầu mè, muối, mè trắng
• Cà rốt được luộc chín và thái vừa ăn, trứng chiên xắt sợi, củ cải vàng xắt sợi, ngưu bàng, dưa leo cắt sợi vừa ăn, xúc xích, thịt jambong, thanh cua, chả cá xào nước tương,...
◌ Bước 1: Đầu tiên, trộn dầu mè, muối hoặc muối mè vào cơm và trộn đều để cơm vừa ăn và dậy mùi vị béo hơn.
◌ Bước 2: Trải đều cơm lên lá rong biển (ở mặt nhám) và dàn cơm càng chặt, càng dính trên lá rong biển thì càng tốt.
◌ Bước 3: Cho tất cả các nguyên liệu như cà rốt, trứng, củ cải vàng, xúc xích,... tùy theo khẩu vị của bạn lên bề mặt lớp cơm trắng.
◌ Bước 4: Cuốn tròn thật chặt tay lớp lá rong biển, cơm và các nguyên liệu. Bạn có thể tìm mua tấm mành tre cuộn Gimbap và sử dụng nó để món ăn được cuốn chặt hơn.
◌ Bước 5: Khi cuộn xong, bạn thoa 1 ít dầu mè lên Gimbap. Dùng dao thật sắc và thoa vào một chút dầu mè lên lưỡi dao để cắt Gimbap thành từng khoanh nhỏ vừa ăn.
Bước cuối cùng đó là cắt cuộn Gimbap thành từng khoanh vừa ăn rồi thưởng thức cùng món mì ăn liền nóng hổi. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)
Đây là cách làm phổ biến nhất nhưng nguyên liệu bên trong Gimbap vẫn có thể biến tấu tùy theo sở thích và những món có sẵn trong tủ lạnh mỗi nhà. Gimbap sẽ rất ngon khi bạn thưởng thức cùng Kimchi, mì Hàn Quốc cay cay hoặc là món bánh xếp Mandu Hàn Quốc đấy.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.