Phóng viên danh dự

27.06.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ngày 26 tháng 5, tọa đàm: “Điện ảnh Hàn Quốc: Lăng kính phản chiếu xã hội” đã được tổ chức với sự quan tâm nồng nhiệt từ các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Ngày 26 tháng 5, tọa đàm: “Điện ảnh Hàn Quốc: Lăng kính phản chiếu xã hội” đã được tổ chức với sự quan tâm nồng nhiệt từ các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Hà Mi

Mở đầu

Giới thiệu tọa đàm: “Điện ảnh Hàn Quốc: Lăng kính phản chiếu xã hội”

Ngày 26 tháng 5, Tọa đàm: “Điện ảnh Hàn Quốc: Lăng kính phản chiếu xã hội” đã được tổ chức dành riêng cho các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao. Là một sinh viên yêu thích văn hóa Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với một chủ đề độc đáo và thú vị như vậy. Chủ đề mang tính chuyên môn học thuật cao được đơn giản hóa bằng cách giải mã những tình tiết trong siêu phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới đến từ xứ sở Kim Chi là “Parasite” (Ký sinh trùng). Với sự góp mặt của các vị diễn giả với khối kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cũng như kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cô Nguyễn Hà Linh, cô Ngô Thị Thu Hằng, cô Đỗ Thanh Thảo Miên, sự kiện đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt từ các bạn sinh viên.

Giới thiệu và cảm nhận chung về bộ phim “Parasite”

Ra mắt vào năm 2019, bộ phim “Parasite” làm khuynh đảo giới phê bình và vinh dự trở thành tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc đầu tiên giành được giải thưởng Oscar danh giá. “Parasite” nổi tiếng là tác phẩm châm biếm về sự phân hóa giàu nghèo, giai cấp, tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc thông qua hai gia đình có điều kiện hoàn toàn trái ngược nhau. Bộ phim ẩn chứa những thông điệp sâu sắc khiến bản thân mình, một người đam mê phim ảnh Hàn Quốc và đã từng thưởng thức tác phẩm nhiều lần, cũng chưa thể khám phá hết những tầng ý nghĩa mà bộ phim truyền tải. Khi một lần nữa xem lại những phân cảnh trong tác phẩm tại sự kiện lần này, mình không khỏi ấn tượng trước những góc nhìn mới mẻ và những chia sẻ có chiều sâu đến từ các chuyên gia có kinh nghiệm sinh sống và làm việc lâu năm tại Hàn Quốc.

Thực trạng và nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc

Khi được hỏi: “Bộ phim ‘Parasite’ phản ánh chính xác sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc hay đây là sự cường điệu hóa vì nghệ thuật?”, cô Thảo Miên khẳng định tác phẩm phản ánh trung thực sự bất công, đặc biệt là phân hóa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, thị trường làm việc, bất động sản.


Gốc rễ

◌ Sự phát triển kinh tế nhanh chóng sau năm 1960: Điều này dẫn đến chênh lệch tài sản, thu thập trong xã hội. Đây là hậu quả có thể lường trước của quá trình phát triển công nghiệp.

◌ Khủng hoảng tài chính năm 1997: Nhiều gia đình, doanh nghiệp phá sản, tạo nên sự bất an trong xã hội do nhiều người mất việc làm.

◌ Yếu tố văn hóa, lịch sử: Tư tưởng Nho giáo coi trọng giáo dục và nỗ lực cá nhân tạo ra áp lực thành công để đạt được sự công nhận của xã hội, dẫn đến sự phân hóa người thành công và người không thành công. Sự phân biệt giàu nghèo cũng là một hệ lụy của chế độ độc tài quân sự trong lịch sử khi quyền lực và tài sản tập trung vào một số cá nhân ưu tiên trong xã hội.

Nói thêm về Nho giáo, cô Thảo Miên phân tích: “Coi trọng bằng cấp, giáo dục là một đặc điểm chung của các nước chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chính vì vậy, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự chú trọng vào bằng cấp và giáo dục được đẩy lên cao hơn ở Hàn Quốc. Cuối thời kì Joseon, Nho giáo là hệ tư tưởng vượt lên trên hết, chi phối toàn bộ hệ thống chính trị, nhà vua dùng Nho giáo để trị vì đất nước. Điều này làm cho Nho giáo đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội Hàn Quốc bây giờ, đồng thời làm cho sự phân hóa giàu nghèo, coi trọng bằng cấp hiện lên rõ hơn so với ở Việt Nam”.

Diễn giả Đỗ Thanh Thảo Miên. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Diễn giả Đỗ Thanh Thảo Miên. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



Cảm nhận bước chuyển của xã hội Hàn Quốc bằng mọi giác quan

1) Thị giác - Ánh sáng

Cô Hà Linh chia sẻ: “Đạo diễn đặt bối cảnh gia đình nghèo sống trong một căn bán hầm mà không phải tầng hầm bởi khi bước vào căn bán hầm, ánh sáng len lỏi qua những khung cửa sổ tuy yếu ớt nhưng đó là những tia sáng hi vọng để gia đình nghèo có thể tiếp tục cuộc sống của họ. Trái ngược lại với gia đình nghèo, gia đình giàu sống trong một căn biệt thự to đón nắng. Có một điểm đặc biệt là căn phòng khách ở tầng một rất to nhưng không có TV. Thay vào đó, khung cửa kính trong suốt giống như một tấm gương khổng lồ phản chiếu khu vườn xanh tràn ngập ánh sáng trước sân nhà - khung cảnh trước mắt đẹp tựa thước phim trên TV”.

Diễn giả Nguyễn Hà Linh. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Diễn giả Nguyễn Hà Linh. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



2) Khứu giác - Mùi hương

Một chi tiết được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt tác phẩm đó chính là mùi hương. Nếu động vật sử dụng mùi hương để đánh dấu lãnh thổ và phân biệt loài này với loài kia thì trong “Parasite” mùi hương cũng được sử dụng với ý nghĩa tương tự nhưng được nâng lên một tầm cao mới.

Chi tiết mùi hương được chú ý lần đầu tiên khi (1) cậu con trai út gia đình Park nói rằng chú tài xế và cô quản gia có mùi giống nhau và cô gia sư cũng có mùi tương tự. Từ một câu nói rất ngây thơ của cậu bé, gia đình Kim quyết định mỗi người dùng một loại nước xả vải khác nhau để mỗi người có một mùi khác nhau, nhưng ngay sau đó, cô con gái gia đình Kim phản bác rằng (2) đây không phải là mùi nước xả vải, đây là mùi của tầng bán hầm, mình phải đi khỏi căn bán hầm này thì mới hết cái mùi này được. Chi tiết này một lần nữa được khắc sâu hơn khi (3) giám đốc Park nói rằng tài xế Kim làm mọi thứ rất tốt và không bao giờ vượt quá giới hạn nhưng có một thứ vượt qua giới hạn là mùi của ông ấy. Câu nói này của ông Park đã vạch rõ ranh giới gia đình Kim ở một tầng lớp khác, mang đẳng cấp khác so với mình.

Chia sẻ thực tế của cô Thu Hằng khiến mình không khỏi bất ngờ: “Khi ở Hàn Quốc, cô cũng từng có thời gian sống ở tầng bán hầm”. Năm 2017, khi cô đến Hàn Quốc lần đầu tiên với tư cách là sinh viên trao đổi, cô không đủ kinh tế trang trải tiền đặt cọc nhà Hàn Quốc nên cô không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thuê một căn bán hầm. Trải nghiệm này đã cho cô biết cảm giác phải bật thông gió cả ngày để nhà không ám mùi thức ăn. Chi tiết rất nhỏ về mùi hương cũng khiến cô suy ngẫm rằng không biết lúc đó người mình có ám mùi của tầng bán hầm như họ không. Là một người nước ngoài mà cô đã có cảm nhận như vậy rồi thì người Hàn Quốc, ai cũng từng trải qua khó khăn kinh tế thời sinh viên, chắc chắn sẽ còn suy ngẫm nhiều hơn khi xem bộ phim này.

Chi tiết mùi hương được nhắc lại trong một siêu phẩm điện ảnh khác cũng được đề cử giải Oscar của Hàn Quốc là “Minari” chứng tỏ bộ phim “Parasite” phản ánh chính xác hiện thực xã hội Hàn Quốc và là một bộ phim rất “đời”.

Diễn giả Ngô Thị Thu Hằng. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Diễn giả Ngô Thị Thu Hằng. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



3) Thính giác - Âm thanh

Bóc tách từng lớp nhạc nền, cô Thu Hằng và cô Hà Linh khẳng định rằng đạo diễn là một người rất tinh tế trong việc cài cắm ẩn ý. Cao trào nhất là khúc nhạc cổ điển vang lên khi ông Kim xịt tương cà vào khăn giấy của bà quản gia khiến bà Park tin rằng bà quản gia mắc bệnh lao đến những âm thanh chân thực như tiếng mưa rơi, tiếng sấm sét báo hiệu điều không lành sắp xảy đến trong khi gia đình Kim đang ăn uống say sưa trong căn biệt thự của gia đình Park.


Tổng kết

Tiết mục “Polaroid Love”. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Tiết mục “Polaroid Love”. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



Ban tổ chức trao hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)

Ban tổ chức trao hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả. (Ảnh: DAV Korean Club - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại Giao)



Tọa đàm thân mật, gắn kết khép lại trong không khí sôi động với tiết mục năng lượng, tươi trẻ “Polaroid Love” đến từ Đội Văn nghệ DAV Korean Club (DKC) đã phần nào xua đi màu sắc u ám đến từ bộ phim “Parasite”. Tọa đàm: “Điện ảnh Hàn Quốc: Lăng kính phản chiếu xã hội” là một phép thử thành công vượt sức tưởng tượng của DKC - CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc hợp tác với Khoa Tiếng Hàn Học viện Ngoại Giao. Mình rất mong chờ được khám phá những sự kiện diễn ra sắp tới.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.