Phóng viên danh dự

22.07.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
“Lớp học trải nghiệm nghệ thuật thư pháp Calligraphy Hàn Quốc” nằm trong chuỗi các hoạt động dự án quảng bá văn hóa Hàn Quốc được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hangeul Hàn Quốc. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

“Lớp học trải nghiệm nghệ thuật thư pháp Calligraphy Hàn Quốc” nằm trong chuỗi các hoạt động dự án quảng bá văn hóa Hàn Quốc được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hangeul Hàn Quốc. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Trần Huyền Phương

Nằm trong chuỗi dự án hợp tác quảng bá văn hóa, vẻ đẹp của chữ viết Hangeul, trong hai ngày 13,14 tháng 7, ngay tại không gian thân thuộc, mang đậm văn hóa Hàn Quốc ở số 49 Nguyễn Du, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng Quốc gia Hangeul Hàn Quốc tổ chức thành công “Lớp học trải nghiệm nghệ thuật Calligraphy Hàn Quốc”. Lớp học nhận được nhiều sự quan tâm, sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ đang sinh sống tại thủ đô.

Chữ Hangeul, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc, không chỉ là phương tiện truyền tải ngôn ngữ mà còn mang trong mình vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo qua những nét bút thư pháp tinh tế. Tham gia “Lớp học trải nghiệm nghệ thuật thư pháp Calligraphy Hàn Quốc” được tổ chức vào ngày đầu tiên của sự kiện (ngày 13/7), mình đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi không chỉ được học về các kỹ thuật viết thư pháp mà còn được tìm hiểu về nét đẹp và ý nghĩa văn hóa của từng loại chữ, cũng như thấy được cách Hàn Quốc bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa thư pháp truyền thống tại Bảo tàng Hangeul Quốc Gia Hàn Quốc.


Phần 1: Tìm hiểu về thư pháp Hàn Quốc

Mở đầu buổi học, cô Kim Seo Young, đại diện đến từ phía Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã mang đến cho lớp học những kiến thức thú vị về thư pháp Hàn Quốc.

Chữ thư pháp Hàn Quốc, hay còn gọi là Hangeul Calligraphy, là một phần quan trọng của văn hóa và nghệ thuật Hàn Quốc. Nghệ thuật này không chỉ là cách thể hiện ngôn ngữ mà còn là biểu hiện của tâm hồn và cá tính người viết qua từng nét bút. Chữ Hangeul, hệ thống chữ viết độc đáo do vua Sejong Đại đế sáng tạo vào thế kỷ 15, khi được kết hợp với nghệ thuật thư pháp, đã tạo nên những tác phẩm vừa đẹp mắt vừa đầy ý nghĩa.

Cô Kim Seo Young, đại diện đến từ phía Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã mang đến cho lớp học những kiến thức thú vị về thư pháp Hàn Quốc. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Cô Kim Seo Young, đại diện đến từ phía Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã mang đến cho lớp học những kiến thức thú vị về thư pháp Hàn Quốc. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Chữ thư pháp Hàn Quốc không chỉ tồn tại trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thống mà còn hiện diện rộng rãi trong đời sống hiện đại, đặc biệt là trên bao bì sản phẩm. Việc sử dụng thư pháp Hangeul trên bao bì không chỉ nhằm mục đích trang trí mà còn để truyền tải thông điệp và tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc đã áp dụng thành công thư pháp Hangeul trên bao bì để xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu như: rượu Soju, Kimchi, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc như Innisfree, Sulwhasoo đã sử dụng thư pháp Hangeul trên bao bì để nhấn mạnh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh riêng với các sản phẩm xuất khẩu khác. Các bạn học viên phía dưới cũng rất hào hứng, hưởng ứng nhiệt tình, mọi người đồng ý rằng những tác phẩm thư pháp Hàn Quốc được thiết kế trên bao bì không chỉ rất bắt mắt, thu hút mà còn giúp mọi người dễ dàng trong việc nhận diện thương hiệu.

Chữ thư pháp Hàn Quốc không chỉ tồn tại trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thống mà còn hiện diện rộng rãi trong đời sống hiện đại. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Chữ thư pháp Hàn Quốc không chỉ tồn tại trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thống mà còn hiện diện rộng rãi trong đời sống hiện đại. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Chữ thư pháp Hàn Quốc được chia làm ba loại chính, mỗi loại mang những đặc điểm và phong cách riêng biệt: “민체”, “궁체” và “판본체”. Chữ “민체” (Minche) là kiểu chữ phổ thông, thể hiện sự giản dị và rõ ràng, thường được sử dụng trong văn bản hàng ngày. “궁체” (Gungche) là kiểu chữ cung đình, mang phong cách trang trọng và thanh lịch, được sử dụng trong các tài liệu hoàng gia và văn bản quan trọng. Cuối cùng, “판본체” (Panbonche) là kiểu chữ in ấn cổ điển, với nét chữ mạnh mẽ và cứng cáp, thường xuất hiện trong các sách cổ và tài liệu lịch sử. Nhờ vào sự đa dạng này, thư pháp Hàn Quốc không chỉ phản ánh nghệ thuật viết chữ mà còn là tấm gương phản chiếu văn hóa và lịch sử phong phú của xứ sở Kim Chi.

Cô Kim cũng chia sẻ, hiện nay tại Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc, cũng đang lưu giữ và trưng bày nhiều các tác phẩm chữ thư pháp Hangeul đầu tiên của Hàn Quốc. Không chỉ bảo tồn, trưng bày các bảo vật mang nhiều giá trị văn hóa, bảo tàng cũng vận hành rất nhiều chương trình giáo dục, các hoạt động trải nghiệm đa dạng để khách tham quan có thể trực tiếp cảm nhận nét đẹp văn hóa chữ Hangeul cũng như thư pháp Calligraphy của Hàn Quốc ngay tại không gian của bảo tàng. Cô hi vọng Bảo tàng Hangeul Quốc gia cũng sẽ được các bạn lựa chọn là một điểm đến khi du lịch tại Hàn Quốc.

Nhờ vào sự đa dạng của các phong cách viết khác nhau, thư pháp Hàn Quốc không chỉ phản ánh nghệ thuật viết chữ mà còn là tấm gương phản chiếu văn hóa và lịch sử phong phú của xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Nhờ vào sự đa dạng của các phong cách viết khác nhau, thư pháp Hàn Quốc không chỉ phản ánh nghệ thuật viết chữ mà còn là tấm gương phản chiếu văn hóa và lịch sử phong phú của xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Phần 2: Trải nghiệm viết thư pháp Hàn Quốc

Sau khi được tìm hiểu những kiến thức thú vị về thư pháp Hàn Quốc, chúng mình được cô giáo Park Su Hee - giáo viên dạy thư pháp Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội - trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật để viết ra một tác phẩm thư pháp bằng chữ Hangeul. Cô giáo hướng dẫn chúng mình từ cách cầm bút, cách điều chỉnh cổ tay, điều chỉnh tốc độ viết. Cô bảo rằng, không có một đáp án chính xác nào cho một tác phẩm thư pháp đẹp, bởi mỗi đường, mỗi nét viết đều thể hiện từng tâm trạng, cảm nhận khác nhau của người viết. Đó cũng chính là điểm tạo nên nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Cùng với các vật dụng được KCC tại Việt Nam chu đáo chuẩn bị từ đầu buổi học, cô giáo Park đã hướng dẫn chúng mình một vài kĩ thuật cơ bản khi thực hiện viết một tác phẩm thư pháp. Trong thư pháp Hàn Quốc, bút lông là công cụ chính. Bút lông có nhiều loại với độ cứng và độ mềm khác nhau, phù hợp với các kiểu chữ và phong cách viết khác nhau. Tay cầm bút lông cần phải thoải mái nhưng phải chắc chắn. Cầm bút quá chặt hoặc quá lỏng đều có thể ảnh hưởng đến nét chữ. Áp lực của bút lên giấy là yếu tố quan trọng tạo nên nét chữ đẹp. Điều chỉnh áp lực để tạo ra các nét thanh mảnh hoặc dày đậm, tùy thuộc vào yêu cầu của từng ký tự. Xuyên suốt quá trình tạo nên tác phẩm thư pháp, mọi người nên lưu ý để duy trì sự cân đối và hài hòa giữa các nét chữ.

Không có một đáp án chính xác nào cho một tác phẩm thư pháp đẹp, bởi mỗi đường, mỗi nét viết đều thể hiện từng tâm trạng, cảm nhận khác nhau của người viết. Đó cũng chính là điểm tạo nên nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Không có một đáp án chính xác nào cho một tác phẩm thư pháp đẹp, bởi mỗi đường, mỗi nét viết đều thể hiện từng tâm trạng, cảm nhận khác nhau của người viết. Đó cũng chính là điểm tạo nên nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Cô Park tận tình hướng dẫn chúng mình từ bước đầu luyện tập với các nét cơ bản tạo nên các ký tự Hangeul rồi sau đó kết hợp các nét này để tạo ra các ký tự hoàn chỉnh. Các bạn học viên đều chăm chú lắng nghe, và cũng rất thích thú với trải nghiệm viết chữ bằng bút lông. Cô giáo cũng đi đến từng bàn, hướng dẫn từng bạn học viên, cô trò chúng mình đã có một giờ học vô cùng vui vẻ và bổ ích. Cô giáo hướng dẫn nhiệt tình, các bạn học viên đam mê sáng tạo tác phẩm thư pháp của mình, cứ vậy mà buổi học của chúng mình đã kéo dài và kết thúc muộn hơn 30 phút so với dự kiến lớp học ban đầu. Sau buổi học mỗi bạn học viên đều có cho mình một tác phẩm thư pháp viết bằng chữ Hangeul rất độc đáo, mang màu sắc cá nhân riêng của từng bạn.

Cô Park tận tình đi đến từng bàn, hướng dẫn từng bạn học viên cách cầm bút, cách điều chỉnh cổ tay,... để có thể tạo ra một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh nhất có thể. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Cô Park tận tình đi đến từng bàn, hướng dẫn từng bạn học viên cách cầm bút, cách điều chỉnh cổ tay,... để có thể tạo ra một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh nhất có thể. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Các bạn học viên đam mê sáng tạo tác phẩm thư pháp của riêng mình. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Các bạn học viên đam mê sáng tạo tác phẩm thư pháp của riêng mình. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Tại ngày diễn ra lớp học trải nghiệm, phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội lắng nghe một vài chia sẻ thú vị đến từ các bạn học viên tham dự lớp học.

Bạn Lương Huyền Sâm chia sẻ: “Vì khá háo hức với lớp học trải nghiệm viết chữ thư pháp Hàn Quốc, hôm nay mình đã đến từ khá sớm, mình thấy các anh chị của KCC cùng 2 cô giáo rất chu đáo, mọi người sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị đồ dùng học tập cho từng bạn học viên tham dự. Thông qua buổi học, mình đã biết về những nét đẹp tinh tế ẩn sau 3 phong cách viết chữ thư pháp Hàn Quốc: phong cách viết “민체” (Minche); “궁체” (Gungchae); và “판본체” (Panbonche). Vì đây là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với bút lông và học cách viết thư pháp bằng chữ Hangeul nên còn khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự chỉ bảo nhiệt tình của cô giáo cuối cùng mình cũng hoàn thành tác phẩm của mình mặc dù chữ chưa đẹp lắm. Sau buổi học mình cảm thấy chữ thư pháp nói chung và Hangeul Calligraphy nói riêng ngoài biểu thị ý nghĩa của chữ trên giấy, nó còn mang đến cho người đọc cảm nhận được tính nghệ thuật và cá tính riêng của người viết. Mình hi vọng và mong chờ vào những lớp học trải nghiệm văn hóa như này trong các lần tới, nhất định mình sẽ lại đăng kí tham gia”.

Một chia sẻ thú vị khác đến từ bạn Nguyễn Thị Hoà: “Trước khi đến với lớp học trải nghiệm, mình đơn giản nghĩ về nghệ thuật viết thư pháp như là "vẽ chữ" bằng bút lông. Tuy nhiên, sau khi được nghe chuyên gia Hàn Quốc giới thiệu, chia sẻ rất chi tiết về lịch sử, ý nghĩa, kỹ thuật cầm bút... mình hiểu được rằng không chỉ giới hạn ở phần nhìn mà mỗi con chữ đều là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và mang nhiều nét nghĩa tinh thần mà người viết muốn biểu đạt. Sau đó chúng mình còn được trực tiếp thực hành và mang tác phẩm tự làm về nữa. Mình đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích!”.

Bạn Lương Huyền Sâm (bên trái) và bạn Nguyễn Thị Hòa (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng với tác phẩm thư pháp do chính tay các bạn ấy thực hiện. (Ảnh: Trần Huyền Phương)

Bạn Lương Huyền Sâm (bên trái) và bạn Nguyễn Thị Hòa (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng với tác phẩm thư pháp do chính tay các bạn ấy thực hiện. (Ảnh: Trần Huyền Phương)



Còn đối với mình, nhờ việc tham gia lớp học trải nghiệm, mình đã khám phá được vẻ đẹp tinh tế và sâu sắc của nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc, đồng thời mình cũng nhận ra rằng thư pháp Hangeul không chỉ là một kỹ năng mà còn là một nghệ thuật giúp mình tìm thấy sự bình yên và niềm vui trong cuộc sống. Mình đã học cách để đặt cả tâm trí, cả trái tim của mình vào từng nét chữ để có thể tạo ra một tác phẩm thư pháp bằng chữ Hangeul là một tấm thiệp gửi tặng cho những người bạn của mình với tất cả sự chân thành. Trải nghiệm viết thư pháp Hangeul Calligraphy đã mở ra cánh cửa để mình hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của xứ sở Kim Chi.

Xin chân thành gửi lời cảm ơn tới KCC tại Việt Nam và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã tạo điều kiện và cơ hội để chúng mình có thể trải nghiệm và học hỏi. Sự tận tâm của cô Kim Seo Young - đại diện đến từ phía Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc, cô giáo Park Su Hee - giáo viên giảng dạy chữ thư pháp Hàn Quốc tại Hà Nội và sự tổ chức chu đáo của KCC tại Việt Nam đã mang lại cho chúng mình những khoảnh khắc đáng nhớ và bổ ích. Hy vọng rằng, thông qua các lớp học trải nghiệm như này, nhiều người sẽ được truyền cảm hứng và mong muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật thư pháp Hangeul, góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài chương trình lớp học trải nghiệm viết chữ thư pháp Hàn Quốc, KCC tại Việt Nam còn phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc tổ chức Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại” nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật và nội dung của chữ Hangeul. Triển lãm mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 15/07/2024 đến ngày 09/08/2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (địa chỉ: 31 phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hi vọng triển lãm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và ghé thăm của các bạn.

Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại”, mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 15/07/2024 đến ngày 09/08/2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam)

Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại”, mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 15/07/2024 đến ngày 09/08/2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam)



hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.