Phóng viên danh dự

29.07.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Chương trình “Lớp học bóng chày 2024” đã khai giảng vào ngày 6/7 tại sân bóng Mỹ Đình dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên bóng chày Park Hyo Chul. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Chương trình “Lớp học bóng chày 2024” đã khai giảng vào ngày 6/7 tại sân bóng Mỹ Đình dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên bóng chày Park Hyo Chul. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng

Chủ tịch Hồ Chí Minh mến yêu của chúng ta đã từng nói: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Điều này có nghĩa là sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước đi đến “Dân giàu nước mạnh”. Bản thân mình nghĩ rằng không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia trên thế giới cũng đều đề cao vai trò của thể dục, thể thao. Đối với những bạn đã và đang quan tâm đến xứ sở Kim Chi thì cũng sẽ biết đến tinh thần yêu nước vô cùng lớn của người dân nơi đây. Điều này cũng lý giải được phần nào sự phát triển mạnh mẽ của thể thao Hàn Quốc, đặc biệt là thông qua bộ môn bóng chày - “thể thao vua” của xứ sở Kim Chi.

Bóng chày là một môn thể thao dùng gậy đánh bóng được chơi giữa hai đội, mỗi đội chín người, thay phiên nhau phòng thủ và tấn công. Ở Hàn Quốc, bóng chày ngày càng phổ biến không chỉ bởi số lượng cổ động viên đông đảo, mức độ ảnh hưởng của bộ môn trong đời sống sinh hoạt của người dân, mà ẩn chứa trong đó là giá trị gìn giữ sức khỏe và tinh thần tập thể vô cùng sâu sắc. Giá trị này đã được truyền tải được phần nào thông qua những bộ truyện tranh manhwa và các bộ phim điện ảnh Hàn Quốc mà giới trẻ Việt Nam biết đến. Từ đó, nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm với môn thể thao này và tự thành lập đội nhóm để thỏa lòng yêu thích của mình. Thấu hiểu điều đó, Tổng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam cũng như các bộ, ngành và tổ chức liên quan đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được học tập, trải nghiệm bộ môn này thông qua việc thành lập lớp học, liên đoàn; tổ chức các giải đấu bóng chày toàn quốc; đồng thời chiêu mộ những huấn luyện viên có chuyên môn đến từ Hàn Quốc về Việt Nam đào tạo,...

Gần đây nhất, chương trình “Lớp học bóng chày 2024” nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu thể thao hoàn toàn miễn phí do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam tổ chức đã chính thức khai giảng vào ngày 6/7. Chương trình nhận được sự tham gia đông đảo của các bạn học sinh, đặc biệt là các nam thiếu nhi từ 12 - 14 tuổi. Nhân một ngày đẹp trời, phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội ghé thăm lớp học đặc biệt này, đồng thời được giao lưu và phỏng vấn thầy Park Hyo Chul - huấn luyện viên lớp học đồng thời cũng là huấn luyện viên trưởng của Liên đoàn bóng chày và bóng mềm Việt Nam (VBSF). Với nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt các đội bóng chày trong và ngoài nước, câu chuyện của thầy Park Hyo Chul về hành trình gieo ước mơ bóng chày cho thế hệ trẻ Việt Nam cùng những chia sẻ về dải đất hình chữ S chắc chắn sẽ khiến độc giả không thể rời mắt.

PV: Lời đầu tiên, em cám ơn thầy rất nhiều vì đã tham gia buổi phỏng vấn độc quyền của Korea.net. Thầy có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cũng như hành trình sự nghiệp bóng chày của mình cho các bạn độc giả biết được không ạ?

Xin chào tất cả các bạn độc giả của Korea.net, thầy là Park Hyo Chul, hiện đang đồng thời huấn luyện thế hệ trẻ Việt Nam trong Lớp học bóng chày 2024 và Liên đoàn bóng chày và bóng mềm Việt Nam (VBSF). Sự nghiệp bóng chày bắt đầu kể từ năm 1990, thầy gia nhập KBO (viết tắt: Korea Baseball Organization) với tư cách là cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp của đội Hanwha Eagles. Ở Hàn Quốc, nam giới phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong vòng 30 tháng với tư cách là một quân nhân. Sau khi xuất ngũ, thầy đã gia nhập lại đội bóng chày chuyên nghiệp, nhưng do trong thời gian phục vụ trong quân đội, thầy đã không thể duy trì tốt tình trạng thể chất của một vận động viên chuyên nghiệp. Sau khi gia nhập lại đội, thầy đã luyện tập ném bóng chày quá mức mà cơ thể chưa hoàn toàn làm quen lại với nhịp độ cũ, nên dẫn đến chấn thương khuỷu tay. Dù đã cố gắng hết sức trong một năm tập phục hồi, nhưng chấn thương không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn ảnh hưởng thầy cả vùng vai và lưng, khiến thầy không thể tiếp tục sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp và phải giải nghệ. Ước mơ thi đấu bóng chày với tư cách là một cầu thủ của thầy đáng tiếc đã không thể thành hiện thực.

Thế nên, thầy quyết định trở thành huấn luyện viên bóng chày với mong muốn dìu dắt và phát triển những thế hệ cầu thủ bóng chày xuất sắc. Để làm được điều đó, từ năm 27 tuổi, thầy đã bắt đầu nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc về công tác huấn luyện thông qua đợt tập huấn và được thực hành trên sân cỏ của một số quốc gia, với 10 năm kinh nghiệm ở Hàn Quốc, 13 năm kinh nghiệm ở Mỹ và 2 năm kinh nghiệm ở Việt Nam. Cho đến nay, thầy vẫn đam mê với công việc này.

Thầy Park Hyo Chul - huấn luyện viên trưởng của Liên đoàn bóng chày và bóng mềm Việt Nam (VBSF), hiện đang là huấn luyện viên cho lớp học bóng chày 2024 do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Thầy Park Hyo Chul - huấn luyện viên trưởng của Liên đoàn bóng chày và bóng mềm Việt Nam (VBSF), hiện đang là huấn luyện viên cho lớp học bóng chày 2024 do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



PV: Thầy có thể cho em biết cơ duyên khi nhận lời làm huấn luyện viên bóng chày trong chương trình “Lớp học bóng chày 2024” là gì không?

Năm 2021, VBSF được thành lập, và các câu lạc bộ bóng chày cho những bạn thanh niên cũng liên tục được thành lập tại các thành phố lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, các đội bóng chày dành cho thiếu niên vẫn còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các tài năng trẻ trong môn thể thao này.

Để đất nước phát triển, việc chú trọng vào giáo dục là điều cần thiết, và thầy tin rằng giáo dục thể chất từ khi còn nhỏ là một khoản đầu tư quý báu cho tương lai. Thông qua chương trình hợp tác toàn diện về đào tạo thể dục thể thao giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; thầy đã vinh dự được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chày quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Với mong muốn tạo ra một sân chơi giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết và thêm yêu ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, KCC tại Việt Nam đã không ngừng đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa dành cho họ. Thầy cũng rất may mắn khi có cơ hội làm việc trong “Lớp học bóng chày 2024”, qua đó khơi gợi niềm hào hứng, say mê của các bạn trẻ đối với bộ môn bóng chày. Thầy xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Choi Seung Jin - Giám đốc KCC tại Việt Nam và cô Han Byul - người phụ trách chính việc tìm kiếm và tuyển chọn các học viên tham gia lớp học, vì đã giúp đỡ tận tâm để chương trình “Lớp học bóng chày 2024” có thể diễn ra một cách thuận lợi.

Poster tuyển sinh học viên cho chương trình “Lớp học bóng chày 2024”. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam)

Poster tuyển sinh học viên cho chương trình “Lớp học bóng chày 2024”. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam)



PV: Với nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt các đội bóng chày trong nước và quốc tế, theo thầy thì điều gì quan trọng nhất khi huấn luyện một đội bóng?

Trong suốt hơn 20 năm qua, thầy đã huấn luyện và đào tạo nhiều cầu thủ ở các đội bóng chày thiếu niên cho đến những sinh viên đại học, các em đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, thầy nhận thấy rằng để huấn luyện một đội bóng thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước tiên, vai trò của những bậc cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất để giúp con cái trưởng thành và tự lập, và điều đó được thể hiện qua việc khuyến khích và giúp đỡ con cái tham gia các chương trình bóng chày với một tinh thần trách nhiệm cao. Thứ hai, phải đảm bảo rằng các em học sinh sẽ tham gia đầy đủ và đều đặn các buổi huấn luyện thuộc khuôn khổ chương trình bóng chày mà chúng thầy đang tổ chức. Và cuối cùng, với tư cách là một người dẫn dắt các em, thầy nghĩ, khi thầy dành trọn tình yêu thương và sự tận tâm cho các em, các em sẽ trưởng thành thành những công dân khỏe mạnh, biết yêu thương gia đình, tổ quốc và tôn trọng lẫn nhau.

Thầy Park Hyo Chul hướng dẫn các bạn nhỏ trong Lớp học bóng chày 2024 những nguyên tắc cơ bản khi chơi bóng chày với một trái tim nhiệt huyết và giàu lòng yêu thương. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Thầy Park Hyo Chul hướng dẫn các bạn nhỏ trong Lớp học bóng chày 2024 những nguyên tắc cơ bản khi chơi bóng chày với một trái tim nhiệt huyết và giàu lòng yêu thương. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



PV: Bóng chày không phải là một môn thể thao dễ dàng, đặc biệt đối với người mới bắt đầu. Nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều kỹ năng khác nhau và hiểu biết về chiến thuật. Thầy có phương pháp huấn luyện đặc biệt nào để cải thiện kỹ năng đánh bóng cũng như ném bóng của cầu thủ hay không?

Bóng chày là một môn thể thao đồng đội. Môn thể thao này không chỉ giúp các em học cách chuẩn bị và nâng cao tinh thần hy sinh vì đồng đội mà còn dạy các em cách tôn trọng lẫn nhau. Các em không chỉ phát triển mỗi kỹ năng cá nhân mà còn cần học cách kết hợp hài hòa với chiến thuật của đội để có thể giành được chiến thắng. Không có môn thể thao nào mà chỉ cần học trong thời gian ngắn lại có thể đạt được những thành tựu lớn. Trong suốt hơn 20 năm tham gia vào công tác huấn luyện bóng chày, thầy nhận thấy rằng tốc độ học hỏi và phát triển kỹ năng ở lứa tuổi thiếu niên thật sự rất đáng kinh ngạc.

Khi các em học hỏi một cách kiên trì và đều đặn, các em sẽ bắt đầu hiểu hơn về bóng chày, và càng cảm nhận được nhiều niềm vui hơn khi nhận ra tư thế và kỹ năng của bản thân được cải thiện. Những em thiếu niên tập trung vào môn thể thao này sẽ có được sự tự tin và không những thế, thành tích học tập của các em cũng được cải thiện. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự kiên nhẫn và hỗ trợ không chỉ từ huấn luyện viên, mà còn từ chính các em học sinh và các bậc phụ huynh.

Việc đào tạo bóng chày cho lứa tuổi thiếu niên là vô cùng cần thiết, bởi lẽ các em càng nhỏ, khả năng tiếp thu và phát triển kỹ năng càng nhanh chóng và vượt trội hơn so với dự đoán của chúng ta. Khi thể lực và sự tập trung của các em được cải thiện, việc học hỏi các kỹ năng đánh, phòng thủ và ném bóng trong chương trình bóng chày sẽ giúp các em trở nên tự tin hơn, đồng thời kết quả học tập cũng sẽ được nâng cao.

PV: Bóng chày là một môn thể thao còn khá mới đối với giới trẻ Việt Nam, đồng nghĩa với việc số lượng họ tham gia bộ môn này còn khá khiêm tốn. Làm thế nào để thầy có thể nhận biết và phát triển tài năng trẻ?

Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, với dân số hơn 100 triệu người và sở hữu nhiều di sản thiên nhiên tuyệt vời. Thầy ấn tượng Việt Nam bởi người dân nơi đây không chỉ chăm chỉ mà còn rất cần cù. Thầy cảm thấy thật đáng tiếc khi một đất nước rộng lớn như vậy, có vô vàn tài năng trẻ, nhưng lại chưa thể khai thác hết tiềm năng của các bạn trẻ. May mắn thay là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, đã có những huấn luyện viên tận tâm, luôn nỗ lực không ngừng để phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ.

Đối với bản thân thầy, bên cạnh việc đào tạo những kiến thức chuyên môn vững chắc cho thế hệ trẻ, thầy rất quan tâm đến cảm xúc của các em trong quá trình tập luyện. Những lúc nào các em gặp khó khăn, thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ và động viên hết mình. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp thế hệ trẻ có thể vươn xa trong bất cứ giải đấu thể thao nào không chỉ riêng bộ môn bóng chày.

Thầy Park Hyo Chul chụp hình kỉ niệm cùng phóng viên danh dự Korea.net tại buổi phỏng vấn. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Thầy Park Hyo Chul chụp hình kỉ niệm cùng phóng viên danh dự Korea.net tại buổi phỏng vấn. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



PV: Thầy đã từng đối mặt với những thách thức lớn nào trong sự nghiệp huấn luyện của mình và cách để thầy vượt qua chúng như thế nào?

Trải qua hơn 20 năm sự nghiệp huấn luyện bóng chày, thách thức mà có lẽ thầy phải đối mặt nhiều nhất đó là khi thầy tập hợp những cầu thủ cùng độ tuổi với con trai mình và trở thành huấn luyện viên trưởng của một câu lạc bộ bóng chày tại Mỹ. Khác với Hàn Quốc, dù cùng độ tuổi nhưng các đội bóng chày lại có những cấp độ khác nhau. Thầy đã thành lập một đội và tập trung vào rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho các cầu thủ trong khoảng một năm. Ban đầu, đội của chúng thầy bắt đầu ở giải Double-A cấp thấp nhất (nơi tập trung những cầu thủ giỏi nhất trong khu vực).

Mặc dù cùng độ tuổi, nhưng trình độ của các đội Triple-A lại vượt trội hơn nhiều so với đội Double-A, sự chênh lệch lớn về kỹ năng nên các đội không thể thi đấu với nhau, tốc độ ném bóng và tốc độ đánh bóng quá lớn, dẫn đến nguy cơ chấn thương khi thi đấu. Để tiến lên các cấp độ cao hơn, đội cần phải thi đấu ít nhất 3-4 trận mỗi tuần và cải thiện thành tích của mình. Khi đội Triple-A đạt được tỷ lệ thắng cao trong các giải đấu, họ sẽ được công nhận chính thức trên các trang web bóng chày.

Khi đạt đến trình độ Triple-A, đội có thể tham gia cả giải đấu của đội Double-A và cả giải đấu cao nhất của các đội Major. Đội của thầy đã thành công trong việc thăng hạng lên đội Major chỉ sau 3 năm (trong khi thông thường mất khoảng 5-6 năm) và đã đạt được vị trí á quân trong Giải vô địch California.

Mặc dù khó khăn như thế, nhưng nhờ việc tập hợp và huấn luyện các cầu thủ trẻ từ khi bắt đầu chơi bóng chày đến khi đạt đến trình độ cao nhất, thầy đã có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để dẫn dắt nhiều đội bóng chày ở Mỹ và sau này là ở Việt Nam.

Khoảnh khắc khó quên của thầy Park Hyo Chul khi tập hợp và huấn luyện một đội bóng chày ở Mỹ. (Ảnh: Park Hyo Chul)

Khoảnh khắc khó quên của thầy Park Hyo Chul khi tập hợp và huấn luyện một đội bóng chày ở Mỹ. (Ảnh: Park Hyo Chul)



PV: Thầy có cảm nghĩ như thế nào về đất nước Việt Nam? Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi có cơ hội trực tiếp huấn luyện cho đội tuyển bóng chày quốc gia Việt Nam được không?

Khi trở về Việt Nam sau thời gian sống ở Mỹ, thầy và vợ đã gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường hoàn toàn mới này. Trong quá trình tổ chức chương trình bóng chày, thầy đã cùng các cầu thủ cùng nhau luyện tập và tạo nên những khoảnh khắc ý nghĩa nhưng khá ngắn ngủi. Sau khi chương trình kết thúc, mối quan hệ giữa thầy và các cầu thủ lại trở nên xa cách dần. Suốt hơn một năm, thầy chỉ gặp các cầu thủ một hoặc hai lần mỗi tuần để tập luyện, và bản thân thầy lúc đó luôn cảm thấy cô đơn và khó thích nghi tại Việt Nam.

Một lần, sau buổi tập, thầy quay lại đoạn đường thầy mà mình đi bộ về nhà và gửi video đó cùng lời tâm sự về sự cô đơn của mình cho những người bạn ở Hàn Quốc và Mỹ. Vài ngày sau, thầy nhận được tin nhắn từ một cầu thủ tham gia chương trình bóng chày rằng:

“Cảm ơn thầy rất nhiều! Thầy đã là người thầy tuyệt vời nhất rồi ạ”.

Với dòng tin nhắn đó, thầy đã xúc động và khóc rất nhiều. Bản thân thầy lúc đó thấy rằng sự nỗ lực của mình cuối cùng cũng đã gặt hái được quả ngọt. Kể từ hôm đó, thầy càng thêm yêu và có động lực tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ Việt Nam về bộ môn bóng chày nhiều hơn nữa.

Với đội tuyển bóng chày quốc gia Việt Nam, thầy nhớ rõ nhất là vào cuối tháng 2 năm ngoái, trong giải DGB Cup Đông Nam Á tổ chức tại Lào, thầy đã chọn ra 18 trong số 40 cầu thủ của đội tuyển quốc gia và gặp nhau lần đầu tại sân bay Nội Bài để lên đường sang Lào. Trong những ngày tham dự giải đấu, thầy đã trải qua rất nhiều cảm xúc và tiếc nuối. Giá mà trước giải đấu, đội thầy có thể tổ chức tập huấn chung khoảng 2-3 ngày thì có lẽ mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Thầy cũng vẫn cảm thấy áy náy với các cầu thủ vì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện.

Trải qua những tháng ngày đào tạo cho các bạn trẻ Việt Nam, thầy không biết sẽ tiếp tục đồng hành với các bạn được bao lâu, nhưng thầy muốn nói rằng thầy rất nhớ các em và mong các em luôn giữ gìn sức khỏe, đạt được thành công trong cả học tập và công việc hiện tại.

PV: Sau 1 tuần kể từ khi “Lớp học bóng chày 2024” tiến hành, thầy có cảm nghĩ như thế nào về năng lực bóng chày của các bạn thiếu nhi?

Bóng chày là một môn thể thao đòi hỏi phải học nhiều kỹ thuật hơn so với các môn thể thao khác. Thế nên, thầy đã rất ngạc nhiên khi Lớp học bóng chày 2024 nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn nhỏ vượt xa mong đợi của mình, và càng thú vị hơn khi thấy cũng có rất nhiều bạn thiếu nhi đã bắt đầu học tiếng Hàn.

Điều khiến thầy tự tin nhất là lớp học này có sự tham gia của một đồng nghiệp trong VBSF và một thông dịch viên luôn hỗ trợ các cầu thủ trẻ vô cùng tận tình trong các buổi học do thầy trực tiếp đứng lớp. Chính vì vậy mà thầy không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc giao tiếp hay truyền tải kiến thức đến với các bạn thiếu nhi.

Thầy cũng nhận thấy rằng, trong số khoảng 30 các bạn học viên tham gia, đã có một số bạn bộc lộ rõ tố chất cũng như năng lực về thể thao. Sau buổi học đầu tiên, khi thầy hỏi cảm nhận của các em, một số học sinh đã bày tỏ sự thú vị và hạnh phúc đối với bộ môn thể thao này. Đây là cơ sở để thầy khẳng định rằng bóng chày ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển không kém cạnh Hàn Quốc.

PV: Thầy có kế hoạch gì để phát triển sự nghiệp huấn luyện trong “Lớp học bóng chày 2024” cũng như các dự án bóng chày khác trong tương lai?

Bản thân thầy nghĩ rằng, giáo dục nói chung và giáo dục bóng chày nói riêng là một hành trình không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương cũng như tầm nhìn xa trông rộng với tư cách là huấn luyện viên. Vì thế, việc khởi động chương trình “Lớp học bóng chày 2024” dành cho các bạn thiếu nhi tại Việt Nam là một bước khởi đầu đầy ý nghĩa và tuyệt vời. Lớp học này sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng, từ tháng 7 đến tháng 12. Nên thầy rất mong trong khoảng thời gian ấy sẽ đào tạo thật tốt những kỹ năng chuyên môn cho những bạn trẻ, không chỉ giúp họ cải thiện tốt về mặt sức khoẻ mà còn là cơ hội để các em có thể vươn xa hơn trong học tập cũng như công việc.

Và đặc biệt, dự kiến vào gần cuối tháng 12 trước khi tốt nghiệp khoá học, thầy sẽ chia lớp học ra thành hai đội bóng, với tên gọi vô cùng dễ thương là Vietnam Dolphins Red và Vietnam Dolphins Navy. Mỗi đội gồm 13 - 15 thành viên và sẽ thi đấu với nhau dựa trên những kiến thức mà thầy đã dạy cũng như những buổi luyện tập tại sân vận động. Dựa vào năng lực của các bạn học viên, sau khi tốt nghiệp, thầy sẽ thành lập một đội bóng chày riêng và sẽ tiếp tục luyện tập cùng nhau vào những ngày cuối tuần. Thầy có mong ước rằng vào một ngày nào đó, thầy có thể đưa các bạn trẻ sang Hàn Quốc để có thể chiêm ngưỡng tinh thần thi đấu tuyệt vời của các cầu thủ Hàn Quốc, từ đó học hỏi để thúc đẩy ngành bóng chày Việt Nam trở nên vững mạnh hơn.

PV: Thầy có điều gì muốn nhắn nhở với thế hệ trẻ Việt Nam đã, đang hoặc sắp theo đuổi bộ môn bóng chày không?

Có một câu tục ngữ Hàn Quốc mà thầy rất thích đó là: “천리 길도 한 걸음부터” (tạm dịch: Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân). Có nghĩa là bất cứ hành trình cũng đều có sự bắt đầu, và để đi đến được đích, bạn phải bắt đầu trước đã. Bóng chày cũng vậy, để có thể chơi giỏi và thành thạo môn này là điều không hề dễ dàng và cần một quá trình rèn luyện chăm chỉ không ngừng. Và mọi thứ phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, như là vận động thân thể đều đặn, tập ném bóng từ những cự ly gần nhất, rồi sau đó mới đến những nhiệm vụ lớn như là tập đánh bóng, thậm chí là tham gia một trận đấu bóng chày thực sự.

Cũng thông qua câu tục ngữ này, thầy muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ Việt Nam đã, đang hoặc sắp theo đuổi bộ môn bóng chày một điều rằng, đừng bao giờ bỏ cuộc vì thấy mệt mỏi hay khó khăn. Luyện tập bóng chày một cách thường xuyên, các em sẽ trở nên mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể chất, tăng cường khả năng tập trung, biết tôn trọng mọi người và rèn luyện trách nhiệm cùng sự tự tin. Điều này sẽ giúp ích cho công việc và học tập của các em sau này. Trong trường hợp gặp khó khăn, thầy sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ các em bằng kiến thức chuyên môn và tình yêu thương. Thầy tin các em sẽ làm được. Cố lên!

Thầy Park Hyo Chul chụp hình kỉ niệm cùng các học viên, đồng nghiệp và phiên dịch viên tại lớp học bóng chày 2024. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Thầy Park Hyo Chul chụp hình kỉ niệm cùng các học viên, đồng nghiệp và phiên dịch viên tại lớp học bóng chày 2024. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



PV: Cảm ơn thầy vì đã dành thời gian quý báu tham gia phỏng vấn cùng phóng viên danh dự Korea.net. Kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục gặt hái được nhiều công hơn nữa trong sự nghiệp huấn luyện bóng chày.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.