Ngày 15/8 hàng năm là Ngày Giải phóng Hàn Quốc. (Ảnh: Freepik)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan
Ngày Giải phóng / Quốc khánh là những ngày lễ lớn mang ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi quốc gia, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều coi ngày Giải phóng / Quốc khánh là ngày thiêng liêng để tưởng nhớ quá khứ hào hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Xuất phát từ ý nghĩa chung đó mà Ngày Giải phóng Hàn Quốc (15/8) và Ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9) lại có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, dựa trên bối cảnh lịch sử, đặc điểm văn hóa, xã hội khác nhau của mỗi quốc gia nên hai ngày lễ lớn này cũng mang những sắc thái riêng biệt.
◌ Giới thiệu
Ngày Giải phóng Hàn Quốc (15/8): Hay còn được gọi là “Gwangbokjeol”. Đây là một ngày lễ quốc gia, kỷ niệm ngày giải phóng Hàn Quốc, thoát khỏi 35 năm bị đàn áp dưới ách thống trị của đế quốc Nhật năm 1945 và cũng là ngày thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc năm 1948.
Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8 (hay còn được gọi là Gwangbokjeol) là một trong những ngày lễ lớn nhất năm của Hàn Quốc. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9): hay còn được gọi là Ngày Độc lập / Tết Độc lập. Đây là một ngày lễ chính thức của Việt Nam, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thuộc địa Pháp và bắt đầu sự hình thành của một quốc gia độc lập.
Vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chính thức ra đời. (Ảnh: Unsplash)
◌ Điểm chung
Hai ngày lễ trên của hai quốc gia đều ra đời vào năm 1945. Đây là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của sự chiếm đóng ngoại bang. Từ đây, hai quốc gia bắt đầu thời kỳ độc lập và bước vào thời kỳ xây dựng quốc gia mới. Ngoài ra, Ngày Giải phóng / Quốc khánh của hai nước là một ngày lễ quốc gia, một ngày lễ lớn của toàn dân và đều được quy định chính thức trong các văn bản quốc gia.
Những hoạt động như lễ kỷ niệm, chương trình về lịch sử - biểu diễn nghệ thuật, chương trình tri ân được hai quốc gia tích cực tổ chức. Đặc biệt, người dân của Việt Nam và Hàn Quốc đều được nghỉ trong những ngày này và các công dân sẽ đồng loạt treo quốc kỳ để mừng lễ.
Trong Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, người Việt Nam sẽ đồng loạt treo quốc kỳ trước nhà hoặc nơi làm việc. (Ảnh: Unsplash)
◌ Điểm khác biệt
- Tính chính thức
Hàn Quốc: Tại cuộc họp Nội các được tổ chức vào tháng 5/1949, “Ngày 15/8, Ngày Độc lập Quốc gia” đã được ban hành như một ngày kỷ niệm quốc gia. Tuy nhiên, theo “Luật số 53 của Luật về Ngày kỷ niệm Quốc gia” được công bố vào ngày 1/10/1949, tên ngày đã được đổi thành “Ngày Giải phóng Quốc gia”. Kể từ đó, Hàn Quốc đã kỷ niệm Ngày Giải phóng Quốc gia vào ngày 15/8 hàng năm.
Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8 từng có tên gọi cũ là Ngày Độc lập Quốc gia. (Ảnh: Kim Young Wii / Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc)
Việt Nam: Ban đầu, ngày 2/9 được ấn định là “Ngày Việt Nam độc lập” trong Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong “Quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo”. Đến năm 1946, Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng đã ký về việc lấy ngày 19/8 dương lịch (tức ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 thành công) là “Ngày Quốc khánh” tại Sắc lệnh 141 ngày 26/7/1946. Đến năm 1954, “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” là văn bản chính thức đầu tiên mà Chính phủ sử dụng cụm từ “Quốc khánh” để nhắc đến ngày 2/9.
Về sau, ngày 2/9 chính thức được quy định là Ngày Quốc khánh tại điều 145, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 với nội dung: “Ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là ngày Quốc khánh”. Tại Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, chương 1, điều 13, mục 4 quy định: “Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945”. Kể từ đó đến nay, Ngày Quốc khánh Việt Nam (tức Ngày Độc lập Việt Nam) được kỷ niệm vào ngày 2/9 hàng năm.
Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ấn định là Ngày Việt Nam độc lập. (Ảnh: Unsplash)
Từ những thông tin trên, có thể thấy rõ cả Ngày Giải phóng Hàn Quốc và Ngày Quốc khánh Việt Nam đều được coi là những ngày lễ kỷ niệm quan trọng đánh dấu mốc lịch sử giành lại độc lập của dân tộc. Mặc dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng bản chất của hai ngày lễ này đều thể hiện ý nghĩa to lớn trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
- Ý nghĩa ngày lễ
Hàn Quốc: Ngày Giải phóng 15/8 kỷ niệm ngày thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản và ngày thành lập chính phủ Hàn Quốc. Đồng thời, ngày lễ quốc gia được tổ chức để tưởng nhớ những chiến sĩ đấu tranh giành độc lập đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước. Bên cạnh đó, đây là ngày kỷ niệm việc khôi phục chủ quyền quốc gia đã mất và cam kết phát triển đất nước thông qua kế thừa tinh thần độc lập.
Việt Nam: Ngày Quốc khánh 2/9 là một ngày đi vào lịch sử Việt Nam, là một trong những ngày hội lớn nhất, vẻ vang nhất của dân tộc sau Cách mạng tháng 8 thành công; “một ngày ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc”. Đây là ngày Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày đánh dấu Việt Nam phá tan xiềng xích chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới; mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới của dân tộc Việt Nam.
Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8 kỷ niệm việc khôi phục chủ quyền quốc gia đã mất và cam kết phát triển đất nước thông qua kế thừa tinh thần độc lập. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
- Hoạt động kỷ niệm
Hàn Quốc: Trong Ngày Giải phóng, Tổng thống Hàn Quốc sẽ tham dự buổi lễ kỷ niệm chính thức thường được tổ chức tại Hội trường Độc lập Hàn Quốc (Cheonan) hoặc Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Sejeong (Seoul). Tại đây, những người tham dự cùng nhau cất tiếng hát bài hát “Gwangbokjeol”. Bên cạnh đó, các hoạt động kỷ niệm khác có thể bao gồm các sự kiện biểu diễn văn hóa - nghệ thuật,... Nghi lễ kéo quốc kỳ Taegukgi cũng được tiến hành. Truyền hình và truyền thông thường phát sóng các chương trình đặc biệt và tài liệu liên quan đến lịch sử giải phóng.
Trong Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8, Tổng thống Hàn Quốc sẽ có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Kim Yong Wii / Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc)
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật được tổ chức nhân Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Nghi lễ kéo cờ được tổ chức trong Ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)
Việt Nam: Trong Ngày Quốc khánh, các hoạt động kỷ niệm thường bao gồm các buổi lễ kỷ niệm, lễ mít tinh, diễn văn của lãnh đạo quốc gia, các chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, diễu binh - diễu hành đối với những năm chục tròn. Trước thềm ngày lễ chính thức, từ Trung ương đến địa phương đều tích cực tổ chức các phong trào, hoạt động thi đua để mừng lễ. Ngoài ra, đối với người dân Việt Nam, nhất là người dân ở Thủ Hà Nội sẽ cùng nhau tề tựu, đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, vì đây là ngày nghỉ lớn nên không ít người dân đã chọn về quê và dành thời gian bên gia đình.
Mỗi khi Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 đến, nhân dân bốn phương sẽ đến viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Unsplash)
Trên khắp cả nước Việt Nam đồng loạt tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9. (Ảnh: Unsplash)
◌ Cảm nhận cá nhân
Với mình, Ngày Quốc khánh Việt Nam vô cùng ý nghĩa và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí mình. Khắp các đường phố ở Việt Nam được phủ đỏ bởi những lá cờ đỏ sao vàng. Những tư liệu lịch sử quý báu được mang đến cho khán giả thông qua những chương trình truyền hình. Chưa kể, những buổi phát sóng lễ kỷ niệm trực tiếp khiến mình không khỏi bồi hồi và xúc động khi nghĩ về một thời hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Và mình tin rằng, không chỉ riêng mình mà tất cả người dân Việt Nam hay người dân Hàn Quốc sẽ đều cảm nhận được bầu không khí trang trọng và ý nghĩa mà Ngày Quốc khánh / Ngày Giải phóng mang lại.
Ngày Giải phóng Hàn Quốc và Ngày Quốc khánh Việt Nam đều mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi quốc gia. Mặc dù có những khác biệt về hoàn cảnh lịch sử và hình thức kỷ niệm, nhưng cả hai ngày đều là thời điểm để toàn dân tộc cùng hướng về quá khứ hào hùng, tôn vinh những giá trị truyền thống và hướng tới tương lai thật tươi sáng.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.