Phóng viên danh dự

29.10.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ảnh chụp tổng kết Tọa đàm khoa học “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Ảnh chụp tổng kết Tọa đàm khoa học “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi. (Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Với chiến thắng giải Nobel Văn học 2024, nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đã trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên thắng Nobel Văn học. Thành tựu này có thể nói là một “kỳ tích văn chương” của xứ sở Kim Chi, không chỉ làm nên niềm tự hào sâu sắc trong lòng người dân Hàn Quốc mà còn đánh dấu một bước tiến lớn của Hàn Quốc trên bản đồ văn hóa thế giới. Nhằm mở rộng cơ hội giao lưu, trao đổi cũng như lan truyền cảm hứng văn học đến độc giả Việt Nam, giới thiệu các tác phẩm đã mang giải Nobel về cho Han Kang, đồng thời, đề cập giá trị và tầm vóc thực sự của văn học Hàn Quốc, hành trình nỗ lực đạt đến kỳ tích văn chương xứng đáng với Hàn Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức buổi Tọa đàm “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi” vào ngày 17/10.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, chia sẻ niềm vui lớn của nhà trường khi biết tin nhà văn Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn học 2024. Đây là niềm tự hào to lớn không chỉ cho Hàn Quốc mà còn cho châu Á, khi bà trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên đạt giải. TS Lê Hoàng Dũng nhấn mạnh rằng từ nhiều năm nay, giảng viên và sinh viên nhà trường đã gắn bó với các tác phẩm giàu giá trị nhân văn của Han Kang, điển hình như “Người ăn chay”, “Bản chất của người”, “Trắng”, và hôm nay là cơ hội để cùng thảo luận sâu hơn về tác phẩm và tầm ảnh hưởng của bà đối với văn học Hàn Quốc cũng như toàn cầu.

TS Lê Hoàng Dũng trích dẫn lời tâm sự của Han Kang khi bà chia sẻ về ký ức tuổi thơ với tạp chí The Guardian. Bà kể rằng khi còn nhỏ, cha bà, một tiểu thuyết gia trẻ tuổi và nghèo khó, luôn chất đầy sách trong căn nhà thiếu vắng nội thất. Sách tràn khỏi tủ kệ, nằm rải rác trên sàn nhà như trong một tiệm sách cũ chưa được sắp xếp, tạo nên không gian đậm chất văn chương. Đối với Han Kang, sách không chỉ là nguồn kiến thức mà còn là những sinh thể sống động, không ngừng mở rộng thế giới của bà. Từ lời chia sẻ này, TS Lê Hoàng Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu quý và duy trì thói quen đọc sách, bởi sách không chỉ vun trồng tri thức mà còn “nhen nhóm sự sống” và mở rộng thế giới quan cho mỗi người, giống như cách mà Han Kang đã cảm nhận.

TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ niềm vui lớn của nhà trường khi biết tin nhà văn Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn học 2024 trong bài phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM)

TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ niềm vui lớn của nhà trường khi biết tin nhà văn Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn học 2024 trong bài phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM)



Là một thành viên của Đoàn phóng viên danh dự Korea.net đang đóng vai trò như cầu nối giữa bạn bè trên toàn cầu và những người có chung niềm yêu thích văn hóa cũng như văn học Hàn Quốc, mình vô cùng quan tâm đến chủ đề “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi” của buổi tọa đàm khoa học lần này nên đã trực tiếp tham dự và ghi chép lại những nội dung bổ ích mà buổi tọa đàm đã đem lại.

Buổi tọa đàm với chủ đề đề “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi” đã thu hút được sự tham gia của hơn 600 sinh viên đến từ các khoa trong Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và các độc giả có niềm quan tâm đến văn học Hàn Quốc nói chung và nhà văn Han Kang nói riêng. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có sự tham gia và phát biểu của các diễn giả như” ThS. Hoàng Hải Vân – dịch giả sách “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang; GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Hồ Khánh Vân – Phó Trưởng khoa, khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Bùi Phan Anh Thư – Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm, theo thứ tự từ trái sang phải lần lượt là ThS. Hoàng Hải Vân – dịch giả sách “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang; GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Hồ Khánh Vân – Phó Trưởng khoa, khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Bùi Phan Anh Thư – Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Các diễn giả tại buổi tọa đàm, theo thứ tự từ trái sang phải lần lượt là ThS. Hoàng Hải Vân – dịch giả sách “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang; GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Hồ Khánh Vân – Phó Trưởng khoa, khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Bùi Phan Anh Thư – Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Trước khi đến với phần phát biểu của các diễn giả, Ban tổ chức đã giới thiệu về nhà văn Han Kang cũng như đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển về các tác phẩm của Han Kang, qua đó người tham gia đã có cái nhiều rõ hơn về tác giả. Han Kang được nhiều độc giả trên thế giới biết đến qua các tác phẩm “Người ăn chay”, “Trắng” và “Bản chất của người”. Han Kang sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju, sau đó cô cùng gia đình chuyển đến thủ đô Seoul khi mới 9 tuổi. Cô có nền tảng văn học từ bé: cha cô là tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung Won. Năm 1993, Han Kang bắt đầu sáng tác thơ, trong đó có bài “Mùa đông Seoul” được đăng trên Tạp chí Văn học và Xã hội số mùa đông. Năm 1994, Han Kang chính thức bắt đầu sự nghiệp văn chương với truyện ngắn “Mỏ neo đỏ” – tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi văn học mùa xuân của báo Seoul Shinmun.

Han Kang được vinh danh vì những áng văn chương mãnh liệt, đậm chất thơ, đã chất vấn những sang chấn gắn liền với lịch sử và phơi bày bản chất mong manh của đời người. Trước đó vào năm 2016, cô đã giành được giải Man Booker quốc tế của Vương quốc Anh cho tiểu thuyết năm 2016 có tựa “The Vegetarian” (Người ăn chay). Và ngày 10/10 vừa qua, Han Kang đã xuất sắc nhận được giải Nobel Văn học 2024 với đánh giá “Văn xuôi thơ ca mãnh liệt của bà đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống, con người” từ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Tiếp sau đó là phần phát biểu của các diễn giả. Mỗi diễn giả với các chủ đề đa dạng đã giúp cho người tham gia từ hiểu về nhà văn Han Kang, hiểu tác phẩm của bà đến thấm đậm và chạm đến giá trị cốt lõi của văn chương trong các tác phẩm của bà.


1) Chủ đề: Bản sắc Hàn Quốc và ý nghĩa nhân loại trong tác phẩm Han Kang của GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Theo phát biểu trong buổi tọa đàm, GS.TS. Phan Thị Thu Hiền chia sẻ rằng Hàn Quốc đã lập nên Kì tích kinh tế với cái tên hay được biết đến là “Kỳ tích sông Hàn” (tiếng Hàn: 한강의 기적) vào năm 1990, từ một nước rất nghèo đã vươn lên, tăng trưởng thần kì. Năm 2000, cựu Tổng thống Kim Dae-jung đã đoạt được giải thưởng Nobel Hòa bình, đây được xem là một kì tích của đất nước dân chủ. Theo tiến trình phát triển đất nước cùng với những thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Hyundai, LG..., Hallyu đã góp phần đưa Hàn Quốc từ 1 vương quốc ẩn dật thành một cường quốc với vị thế quốc tế. Tuy nhiên, phần đông (bao gồm cả các học giả) luôn nghĩ rằng Hallyu thuộc văn hóa đại chúng, đáp ứng nhu cầu của công chúng đại trà, bình dân, dễ dãi, sến súa. Trái lại, văn chương được xem là thuộc văn hóa tinh hoa, văn hóa cao. Giải thưởng Nobel càng là giải thưởng quốc tế danh giá. Vậy nên có thể nói giải thưởng cho Han Kang giống như kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi, nâng cao vị thế của Hàn Quốc lên rất nhiều.

GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã phát biểu về chủ đề “Bản sắc Hàn Quốc và ý nghĩa nhân loại trong tác phẩm Han Kang”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã phát biểu về chủ đề “Bản sắc Hàn Quốc và ý nghĩa nhân loại trong tác phẩm Han Kang”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Tiếp theo đó cô đã chia sẻ về tác phẩm “Người ăn chay”, một trong những tác phẩm nổi tiếng đưa tên tuổi của Han Kang vươn tầm thế giới. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính Yeong-hye, một phụ nữ quyết định từ bỏ ăn thịt sau khi gặp phải những cơn ác mộng ghê rợn về bạo lực và máu me. Theo chia sẻ của cô, tác phẩm Người ăn chay được viết dưới dạng “liên truyện” gồm 3 phần:

◌ Phần 1 – Người ăn chay: Yeong-hye, sau những cơn ác mộng về máu và bạo lực, quyết định trở thành người ăn chay. Hành động này là cách cô phản kháng lại sự áp đặt của xã hội và bạo lực gia đình, nhưng cũng đẩy cô vào sự cô lập và xung đột với chồng và gia đình.

◌ Phần 2 – Vết chàm Mongolia: Câu chuyện chuyển sang anh rể của Yeong-hye, người bị cuốn hút bởi vết chàm trên cơ thể cô và dùng cô làm cảm hứng cho một dự án nghệ thuật mang tính siêu thực. Phần này đào sâu vào bản năng nguyên sơ, sự ám ảnh về thân xác và sự kết nối với tự nhiên.

◌ Phần 3 – Cây pháo hoa: Chị gái của Yeong-hye chứng kiến cô dần mất đi ý thức về nhân tính khi cô từ chối ăn uống và tin rằng mình đang trở thành một cái cây. Phần cuối cùng này phản ánh tận cùng của sự suy thoái tinh thần và thân thể, cũng như những câu hỏi sâu xa về ý nghĩa của nhân tính và sinh mệnh.

GS.TS. Phan Thị Thu Hiền cũng chia sẻ thêm rằng sự ăn chay của nhân vật Yeong-hye không chỉ liên qua đến chế độ thực phẩm, sự phê phán của chế độ gia trưởng và phân biệt sinh thái mà còn chứng tỏ nỗ lực giành quyền tự quyết, nỗ lực được sống là chính mình, thoát khỏi sự cưỡng bức, thoát khỏi các quy chuẩn xã hội làm nền tảng cho bạo lực.


2) Chủ đề: Văn học dịch Hàn Quốc – Thế giới nghệ thuật Han Kang của TS. Bùi Phan Anh Thư – Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

Mở đầu phần phát biểu, TS. Bùi Phan Anh Thư đã giới thiệu về thế giới tác phẩm của Han Kang với những nỗi đau, sự thù hận, những sang chấn tâm lý ẩn chứa trong tác phẩm của Han Kang. Sang chấn có thể về tâm lý hoặc hình thể, tuy nhiên, tác phẩm của Han Kang được tập trung vào chữ “” - nghĩa là hận, hận sầu, hận thù. Theo giới thiệu của cô Bùi Phan Anh Thư, Han Kang có 38 năm sự nghiệp gồm 18 tác phẩm, ấn phẩm đầu tiên được ra đời năm 1995 với tên “Yeosoo’s Love” và ấn phẩm gần đây nhất là tác phẩm “I Do Not Bid Farewell”. Theo chia sẻ của cô Thư, Han Kang có niềm yêu thích với các bài hát Đương đại và bà đã viết bài tản văn “Những bài hát mà ta ngồi yên ta vẫn hát được” (tiếng Hàn: 가만가만 부르는 노래).

TS. Bùi Phan Anh Thư chia sẻ về các tác phẩm của nhà Han Kang. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

TS. Bùi Phan Anh Thư chia sẻ về các tác phẩm của nhà Han Kang. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Cô Thư cũng chia sẻ thêm rằng Han Kang là một người “yêu chữ Hàn”. Là một người không ngừng học hỏi tiếng Hàn, Han Kang chấp nhận các tiên kiến để giữ được bản sắc của tiếng Hàn thông qua các tác phẩm của mình. Ví dụ như tác phẩm “Greek Lessons”, Han Kang đã giải thích cho độc giả biết cách khi đọc chữ “” (nghĩa là “rừng”). Được cấu tạo bởi 3 âm tiết: – có biểu tượng Kim Tự Tháp, – có biểu tượng cái giường, – có hình trụ, khi đọc chữ “숲” khuông miệng sẽ có dạng hình Kim Tự Tháp và mang ý nghĩa là sinh mệnh của con người. Han Kang chỉ muốn mình tồn tại như là một sinh vật trong vũ trụ này và khi phải đối diện nỗi đau, cô sẽ tìm cách vượt qua nỗi đau đó để tìm được viên mãn của sự sống vĩnh cữu.


3) Chủ đề: Hành trình dịch “Người ăn chay” và đi tìm ý nghĩa nhân văn của tác phẩm của ThS. Hoàng Hải Vân – dịch giả sách “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang

Chia sẻ về cơ duyên chọn dịch tác phẩm Người ăn chay của Han Kang, ThS Hoàng Hải Vân chia sẻ rằng sau tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Seoul chuyên ngành Văn học hiện đại Hàn Quốc, cô đã có duyên đến với tác phẩm “Vết chàm Mongolia” trong tựa truyện “Người ăn chay”. Cô cảm thấy mình đã chạm đến được với tác phẩm, hòa mình vào nhân vật, vui buồn cũng cảm xúc của nhân vật và tác phẩm đã chạm đến trái tim của mình nên cô đã quyết định dịch cuốn sách này.

Nói về quá trình dịch tác phẩm “Người ăn chay”, ThS Hoàng Hải Vân chia sẻ rằng dù không gặp trở ngại về mặt ngôn ngữ vì câu văn của Han Kang ngắn gọn, rõ ràng, nhưng dịch giả đối diện với thử thách khi phải tái hiện cảm xúc và tinh thần của tác phẩm. Để làm được điều này, cô đã phải nhắm mắt tưởng tượng từng chi tiết trong câu chuyện, lựa chọn từ ngữ sao cho chính xác với hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật. Đặc biệt, chi tiết người chồng không muốn đón con mà chỉ muốn ở lại studio hoàn thành tác phẩm, để con một mình trong nhà lạnh lẽo với tiếng giày lộp cộp vang lên giữa đêm tối, đã khắc họa sự lạnh nhạt và cô đơn. Hay hình ảnh đứa trẻ cô độc, mút tay trong đêm vắng, vừa thể hiện sự đáng thương, vừa truyền tải sâu sắc cảm giác cô lập, đánh mất tình người trong thế giới của “Người ăn chay”.

Ngoài ra, Phần 3 – “Cây pháo hoa” gợi lên cho dịch giả nhiều câu hỏi về những nỗi đau tâm lý sâu thẳm mà các nhân vật phải đối mặt. Nhân vật Yeong-hye phải chịu tổn thương từ thời thơ ấu khi bị cha, một cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam, bạo hành. Cảnh cô bị ép ăn thịt chó đã ăn sâu vào tâm thức, dẫn đến quyết định không ăn thịt và muốn biến thành cây để không làm hại ai. Tác phẩm không chỉ miêu tả nỗi đau cá nhân mà còn phản ánh nỗi đau của cả một thế hệ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bạo lực. Với giá trị nhân văn cao cả, thông điệp của Han Kang về việc phản kháng chế độ gia trưởng, chiến tranh và bạo lực đã được tôn vinh, góp phần đưa bà đến giải Nobel Văn học. Tác phẩm đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có nên sống chung với vết thương hay tìm cách chữa lành chúng, mở ra những suy ngẫm sâu sắc về giá trị nhân văn.


4) Chủ đề: Giới và nữ quyền trong “Người ăn chay” của TS. Hồ Khánh Vân – Phó Trưởng khoa, khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Trong bài phát biểu của mình, TS. Hồ Khánh Vân chia sẻ rằng đặc trưng của Han Kang khi viết về vấn đề gia trưởng là cách bà khéo léo vạch trần quyền lực tối thượng của nam giới, ẩn sau logic đời thường. Những người phụ nữ trong tác phẩm của Han Kang phải gánh vác trách nhiệm gia đình nhưng phản ứng bằng cách khước từ sự áp đặt của thể chế nam trị và xã hội gia trưởng, tạo nên những xung đột phi bạo lực. Họ tìm kiếm sự tự do qua quá trình tự hủy hay tự chuyển hóa, biểu hiện qua hành trình thực vật hóa – một ý niệm về quyền sinh tồn và sự tự trị của nữ giới. Bên cạnh đó, các nhân vật nữ thường chịu đựng, kìm nén, và dần nội hóa những giá trị của nam quyền, tạo ra sự hi sinh lặng lẽ trong cuộc sống gia đình và xã hội.

TS. Hồ Khánh Vân chia sẻ rằng đặc trưng của Han Kang khi viết về vấn đề gia trưởng là cách bà khéo léo vạch trần quyền lực tối thượng của nam giới, ẩn sau logic đời thường. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

TS. Hồ Khánh Vân chia sẻ rằng đặc trưng của Han Kang khi viết về vấn đề gia trưởng là cách bà khéo léo vạch trần quyền lực tối thượng của nam giới, ẩn sau logic đời thường. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



TS. Hồ Khánh Vân cũng nhấn mạnh rằng tác phẩm của Han Kang là sự kết hợp giữa hiện thực và siêu thực, phản ánh những nỗi đau riêng của cả nam giới và nữ giới trong bối cảnh xã hội định kiến giới. Các nhân vật nữ và nam đối diện với những tổn thương do khuôn mẫu xã hội và định chế áp đặt. Biểu tượng bông hoa trong các tác phẩm của Han Kang không chỉ là ẩn dụ về nữ quyền mà còn mang đậm giá trị nhân văn, sinh thái, văn hóa, và chính trị. Nghệ thuật tự sự của bà phong phú với cách kể đa điểm nhìn, thể hiện những nỗi cô đơn, bí mật ẩn sâu trong tâm hồn các nhân vật, tạo nên tiếng nói thầm của những con người bị cô lập.

Buổi tọa đàm “Han Kang và kỳ tích văn chương của xứ sở Kim Chi” đã khép lại, để lại cho mình và người tham gia nhiều suy ngẫm và cảm xúc sâu sắc. Những chia sẻ từ các diễn giả không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị văn học của Han Kang mà còn khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu văn chương Hàn Quốc. Mình cảm nhận được sức mạnh của văn học trong việc kết nối con người và phản ánh xã hội, và ra về với quyết tâm khám phá thêm về tác phẩm của Han Kang và nền văn học xứ Kim Chi.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.