Phóng viên danh dự

21.11.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
“Người ăn chay” là tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của tác giả Han Kang. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)

“Người ăn chay” là tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của tác giả Han Kang. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh

Nếu bạn là một người yêu thích nền văn học xứ sở Kim Chi, chắc chắn không còn xa lạ với tên tuổi của tác giả Han Kang, một nhà văn xuất sắc của nền văn học Hàn Quốc đã đoạt giải Nobel văn học năm 2024. Tên tuổi của bà gắn liền với các áng văn chữa lành và phản ánh đời sống tâm lí xã hội như “Người ăn chay”, “Trắng” hay “Bản chất của người”,... Trong đó tác phẩm “Người ăn chay” chính là tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của tác giả Han Kang.


Về tác giả Han Kang

Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Được lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương, tác giả Han Kang sớm đã được truyền cảm hứng tình yêu văn học từ người cha là tiểu thuyết gia Han Seung-won. Ở độ tuổi 23, tác giả Han Kang đã bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với những bài thơ đầu tiên được đăng tải trên tạp chí Văn học & Xã hội tại Hàn Quốc. Tên tuổi nhà văn được chú ý khi nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005) hay giải Văn học Dongri (2010).

Năm 2016, tác phẩm “Người ăn chay” của Han Kang đã trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên giành giải Man Booker Quốc tế qua bản dịch tiếng Anh của Deborah Smith, đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Han Kang và đã đưa tên tuổi của tác giả Han Kang vươn ra thế giới.

Tháng 10 năm 2024, nhà văn Han Kang đã được vinh dự nhận giải Nobel Văn học 2024 và trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giành được giải thưởng này. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)

Tháng 10 năm 2024, nhà văn Han Kang đã được vinh dự nhận giải Nobel Văn học 2024 và trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giành được giải thưởng này. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Về tác phẩm “Người ăn chay”

“Người ăn chay” (tựa gốc: 채식주의자) được xuất bản lần đầu vào năm 2007 tại Hàn Quốc và năm 2011, tác phẩm này đã chính thức được xuất bản tại Việt Nam với bản dịch của dịch giả Hoàng Hải Vân. Năm 2015, tác phẩm này đã được dịch giả Deborah Smith chuyển ngữ sang tiếng Anh với tựa đề “The Vegetarian”. Năm 2016, tác phẩm đã xuất sắc giành được giải Man Booker quốc tế.

Tác phẩm “Người ăn chay” của tác giả Han Kang xuất sắc giành được Giải Man Booker quốc tế 2016. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)

Tác phẩm “Người ăn chay” của tác giả Han Kang xuất sắc giành được Giải Man Booker quốc tế 2016. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Sơ lược về nội dung của tác phẩm

Tác phẩm “Người ăn chay” của tác giả Han Kang xoay quanh nhân vật chính tên là Yeong-hye, một người phụ nữ bình thường trong xã hội Hàn Quốc. Vốn là một cô gái ít nói nhưng bỗng một ngày, sau một cơn ác mộng cô đã quyết định từ bỏ thịt và theo đuổi lối sống thuần chay. Chính quyết định này của cô là bước ngoặt tạo nên những biến cố sau này trong cuộc đời của Yeong-hye. Câu chuyện được kể lại dưới ba góc nhìn khác nhau của người chồng, người anh rể và người chị gái của Yeong-hye tương ứng với 3 mẩu truyện ngắn: “Người ăn chay” được kể bằng góc nhìn của người chồng, “Vết chàm Mongolia” được kể dưới góc nhìn của người anh rể và “Cây pháo hoa” được kể qua góc nhìn của người chị gái. Là những người có mối quan hệ thân thiết với Yeong-hye, trong mỗi câu chuyện này, mỗi nhân vật đều có những phản ứng cũng như cách nhìn khác nhau về Yeong-hye khi cô quyết định ăn chay.

◌ Phần 1: “Người ăn chay” dưới góc nhìn của người chồng

“Người ăn chay” được kể từ góc nhìn của người chồng Yeong-hye, một người đàn ông bình thường với cuộc sống bình lặng. Cho đến một ngày, khi phải đối diện với quyết định đột ngột không có lý do rõ ràng của người vợ sẽ theo lối sống thuần chay thì đối với anh đó là một hành động không thể lý giải. Tất cả những gì Yeong-hye giải thích với chồng chỉ vỏn vẹn hai từ “Em mơ”. Sự thay đổi của cô vợ Yeong-hye chính là chất xúc tác khiến cho mối quan hệ của họ bắt đầu đổ vỡ, không chỉ đơn giản là trong chuyện ăn uống mà là còn là sự bất lực, thiếu sự thấu hiểu dẫn đến xa cách khi cô từ chối tất cả những gì họ đã cùng chia sẻ – cả thể xác và tinh thần.

Với câu chuyện dưới góc nhìn của người chồng, tác giả Han Kang muốn phản ánh sự bế tắc và khó khăn trong việc thấu hiểu và chấp nhận những thay đổi trong mối quan hệ vợ chồng, đặc biệt khi thay đổi đó không có lời giải thích rõ ràng. Trong một mối quan hệ, mức độ chúng ta có thể chấp nhận, đối diện với sự khác biệt cũng như sự thay đổi trong con người như thế nào? Có lẽ đó chính là câu hỏi mà tác giả muốn người đọc suy ngẫm khi đọc xong mẩu truyện này.

◌ Phần 2: “Vết chàm Mongolia” dưới góc nhìn của người anh rể

Mẩu truyện thứ hai “Vết chàm Mongolia” được kể từ góc nhìn của người anh rể, một người đàn ông ám ảnh với cơ thể của cô. Nếu người chồng hoang mang, khó hiểu trước quyết định của Yeong-hye thì người anh rể lại thích thú và bị hút vào một vực sâu của dục vọng và chiếm đoạt “Cô ấy là một món quà. Cô ấy là một bí ẩn mà tôi không thể giải mã, một điều gì đó tôi phải chiếm đoạt”. Câu nói này không chỉ thể hiện sự thao túng và dục vọng không lành mạnh, khi mà người anh rể không còn coi Yeong-hye là một người chị vợ, mà là một đối tượng để thỏa mãn những ham muốn tiềm ẩn trong anh.

Khi đọc câu chuyện này có lẽ nhiều bạn cũng sẽ giống như mình đặt một câu hỏi về chi tiết vết chàm Mongolia và tại sao nó lại liên quan đến người anh rể? Vết chàm Mongolia vốn là một vết bớt màu xanh đặc trưng trên cơ thể trẻ em, tượng trưng cho sự khởi đầu của cuộc sống, sự thuần khiết và cũng là một dấu hiệu thể xác không thể thay đổi. Khi đọc câu chuyện này, có lẽ đâu đó tác giả Han Kang muốn dùng hình tượng đó để ẩn dụ về sự khởi đầu của một con người, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của những sự thay đổi không thể lý giải và những điều không thể kiểm soát. Vết chàm Mongolia cũng giống như hành động ăn chay của yeong-hye vậy, cả hai đều đại diện cho những sự thay đổi kỳ lạ và không thể lý giải, chính sự không thể lý giải này lại khiến mọi người xung quanh tìm cách chiếm hữu hoặc mong muốn có được.

◌ Phần 3: “Cây pháo hoa” dưới góc nhìn của người chị gái

Mẩu truyện thứ ba “Cây pháo hoa” được kể dưới góc nhìn của người chị gái của Yeong-hye.

Quyết định của Yeong-hye không chỉ là quết định từ bỏ thịt mà còn sự từ chối cả các mối quan hệ với gia đình bao gồm người chị gái của cô. Dù yêu thương hết lòng, nhưng càng cố gắng tiếp cận, người chị gái lại càng cảm thấy bất lực, vì không thể cứu vãn sự khủng hoảng tinh thần mà Yeong-hye đang trải qua. Câu chuyện dưới góc nhìn của người chị gái như lời nhắc nhở của tác giả muốn gửi đến độc giả rằng không phải lúc nào tình yêu và sự quan tâm cũng có thể cứu vãn những tâm hồn đã lạc lối. Khi chứng kiến người thân yêu rơi vào sự rạn nứt tâm hồn mà không thể giúp đỡ được, đó cũng chính là cảm giác bất lực nhất của người chị.

Từng câu văn tác giả đều tái hiện rất rõ nội tâm của nhân vật Yeong-hye. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)

Từng câu văn tác giả đều tái hiện rất rõ nội tâm của nhân vật Yeong-hye. (Ảnh: https://han-kang.net, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Có thể thấy rằng cả ba mẩu truyện khi gắn dưới từng góc nhìn của từng nhân vật đã đều phản ánh được thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm của mình về sự tự do, sự thấu hiểu và sự cô đơn trong xã hội hiện đại. Nhân vật yeong-hye còn là đại diện cho sự phản kháng và khát khao tự do. Cô là hình ảnh của một con người đang vật lộn để tìm kiếm bản thân trong một xã hội không dễ dàng chấp nhận những sự khác biệt.


Chi tiết trong tác phẩm “Người ăn chay” mà mình tâm đắc nhất

Đối với mình, khi đọc tác phẩm “Người ăn chay”, một chi tiết xuyên suốt tác phẩm mà tác giả Han Sang sử dụng chính là hành động ăn chay của Yeong-hye. Tác giả sử dụng hành động này như một biểu tượng của sự từ chối, không chỉ đối với thức ăn mà còn đối với cả thế giới xung quanh. Nhân vật chính Yeong-hye theo lối sống thuần chay không chỉ từ bỏ thức ăn mà còn từ bỏ mọi thứ liên quan đến cuộc sống vật chất, một sự từ chối lớn đối với thế giới xung quanh đã đánh dấu sự tách biệt hoàn toàn giữa cô và gia đình.

Và một chi tiết nữa khi đọc tác phẩm này mình thấy tâm đắc chính là cách tác giả Han Kang xây dựng nhân vật Yeong-hye. Tác giả đã xây dựng một nhân vật Yeong-hye im lặng trong phản ứng của những thành viên trong gia đình sau quyết định ăn chay càng làm nổi bật sự mâu thuẫn mỗi nhân vật trong các mối quan hệ khác nhau.

Ngôn ngữ trong “Người ăn chay” không đơn giản, mà mang tính chất hình ảnh, tượng trưng, và đôi khi có phần khó hiểu, điều này phản ánh sự mơ hồ trong những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Nhưng cũng chính điều đó tạo nên nét độc đáo trong văn chương của nhà văn Han Kang.


Lời kết

Một tác phẩm sâu sắc và ý nghĩa, với những thông điệp và triết lý mà tác giả gửi gắm thông qua câu chuyện của Yeong-hye dưới góc nhìn của của những người thân quen xung quanh giúp chúng ta càng suy ngẫm vềnhững vấn đề trong cuộc sống hiện đại như khủng hoảng nội tâm, sự mất mát và cảm giác cô đơn của mỗi người khi phải đối mặt với những thay đổi không thể lý giải trong cuộc sống. Một cuốn sách về tâm lý và vấn đề trong mối quan hệ gia đình, xã hội mình rất highly recommend các bạn tìm đọc !

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.