Các kiến thức văn hóa thú vị mình đã tiếp nhận được tại 2 huyện Haenam-gun và Damyang-gun thực sự khiến chuyến hành trình du lịch mùa thu 2024 đến tỉnh Jeollanam-do thêm tuyệt diệu, thông qua việc chiêm nghiệm, học hỏi những điều mới mẻ, độc đáo. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Không chỉ lưu giữ những trải nghiệm văn hóa tuyệt vời tại 3 trên 5 thành phố lớn của tỉnh Jeollanam-do, hơn hết với chuyến du lịch mùa thu năm 2024 lần này, mình còn thu nhận về một số điều kì thú khác ở 2 huyện Haenam-gun và Damyang-gun. 2 khu vực vừa nêu đã mang đến mình nét lôi cuốn rất đặc biệt, mà trước đây, mình chưa từng bao giờ tưởng tượng được. Vì thế, để hiểu rõ hơn sự hấp dẫn ấy của huyện Haenam-gun và Damyang-gun, thì thông qua bài viết cuối cùng trong series du lịch tỉnh Jeollanam-do mùa thu 2024, mình hi vọng độc giả Korea.net có thể nắm bắt thêm các thông tin thật bổ ích, thật hữu dụng, nhằm mục đích sắp xếp kế hoạch sớm nhất tới tham quan và thưởng lãm sức hút tinh tế tại vùng đất yên bình này.
◌ Huyện Haenam-gun:
Ghé thăm huyện Haenam-gun – khu vực cực Tây Nam thuộc Bán đảo Triều Tiên nổi tiếng với bờ biển uốn lượn ngập nước cùng địa hình núi non hiểm trở, đoàn supporter chúng mình rất vinh dự khi được tiếp cận văn hóa Phật giáo thấm đượm tinh thần dân tộc, bên cạnh cơ hội dùng thử ẩm thực độc đáo, khó phai, mang đậm dấu ấn bản địa.
1. Thư thái bên không gian thanh tịnh của chùa Daeheungsa và tìm hiểu nét hấp dẫn từ trà đạo:
Thông qua chỉ dẫn, đoàn supporter chúng mình đã di chuyển đến chùa Daeheungsa (Đại Hưng Tự) để thưởng thức trà đạo. Con đường lên chùa khá yên tĩnh, một số đoạn còn gấp khúc men theo triền núi khiến mình liên tưởng ngay tới những con đèo tại Việt Nam. Đặt chân xuống “Trung tâm trải nghiệm trà Choui” (
초의차체험관), mình thực sự bị lôi cuốn bởi kiến trúc đặc trưng của Phật giáo xứ sở Kim Chi, quyện lẫn vào bầu không khí dễ chịu, se lạnh gió thu từ cảnh quan xung quanh. Địa điểm lấy danh xưng trùng tên với Thiền sư Choui (1786 - 1866) - người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa trà đạo và các nghi lễ Phật giáo cho nhiều học giả quý tộc thuộc triều đại Joseon năm xưa. Vì thế, trên tinh thần lấy trà đạo làm nền tảng, “Trung tâm trải nghiệm trà Choui” đang tích cực quảng bá + thương mại hóa trà đạo Hàn Quốc phổ biến rộng rãi hơn đến du khách nội địa lẫn quốc tế, hoặc bất kì ai quan tâm và mong muốn tìm hiểu kĩ lưỡng về hình thức thực hành tĩnh tâm độc đáo này.
“Trung tâm trải nghiệm trà Choui” sở hữu không gian yên ả và kiến trúc mang đậm màu sắc Phật giáo đặc trưng. Dựa trên tinh thần lấy cơ sở là trà đạo, Trung tâm vẫn đang tích cực quảng bá văn hóa tốt đẹp này đến bất kì ai quan tâm tới hình thức thực hành tĩnh tâm. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bước vào hội trường chính tại địa điểm, đoàn chúng mình có cơ hội gặp gỡ hòa thượng Beop-eun, Giám đốc điều hành lưu trú, kiêm vai trò giám sát các bài giảng cùng chủ trì hoạt động trải nghiệm Di sản thế giới thuộc phạm vi chùa Daeheungsa. Bằng chất giọng cương nghị nhưng ấm áp, thầy Beop-eun dẫn dắt buổi thuyết minh về trà đạo khá chi tiết khi giới thiệu mối tương quan giữa nghệ thuật uống trà và thiền định. Tiếp đó, thầy Beop-eun bắt đầu chủ đề chính là cách thưởng thức tiêu chuẩn của một bữa tiệc trà đạo. Dưới không gian trang trọng toát lên sự bình yên, đoàn chúng mình được làm quen với những dụng cụ cần thiết phục vụ pha trà đạo cơ bản như: Tang-gwan (ấm đun nước), Da-gwan (ấm rót trà), Chat-jan (tách trà), Cha-tak (đĩa lót tách), Sugu (bát dùng làm mát nước trà, trên miệng bát có vòi), Toisugi (bát lớn dùng để xả nước pha trà lần đầu hoặc dùng đựng nước tráng dụng cụ uống trà), Cha-ho (hộp đựng trà),…
Đoàn supporter chúng mình được thầy Beop-eun (ảnh ngoài cùng, bên trái) giải thích và hướng dẫn cặn kẽ về các dụng cụ uống trà cùng cách thức thưởng trà tiêu chuẩn (ảnh giữa). Mặt khác, buổi trà đạo càng thêm trọn vẹn khi phục vụ kèm một số món bánh truyền thống tráng miệng (ảnh ngoài cùng, bên phải) như: Dasik hay Ggultteok. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Trình tự tóm tắt để thưởng thức một buổi trà đạo được thầy Beop-eun hướng dẫn bao gồm:
- Rót chậm rãi một lượng nước nóng vừa đủ từ Tang-gwan vào Da-gwan, sau đấy, lấy nước nóng từ Da-gwan tráng qua Sugu, rồi tận dụng nước nóng từ Sugu tráng hết các Chat-jan. Tất cả nước tráng được xả vào Toisugi.
- Dùng muỗng múc trà từ Cha-ho vào Da-gwan. Kế đến, cẩn thận rót nước nóng từ Tang-gwan vào Sugu, rồi từ Sugu đổ tiếp vào Da-gwan đã có trà. Chờ khoảng 5-10 phút để trà ngấm, sau đó rót nước trà từ Da-gwan vào 1 bình thủy tinh lót dụng cụ lọc bã trà ngay miệng bình. Nước trà từ ấm thủy tinh này sẽ rót lần lượt vào từng Chat-jan cho người thưởng trà. Đồng thời, bữa tiệc trà còn phục vụ kèm một số món bánh truyền thống ngọt nhẹ làm tăng vị giác như: Dasik (bánh bột đậu rang ép khuôn tương tự bánh phục linh của Việt Nam) hay Ggultteok (loại bánh gạo nhiều màu có nhân mè).
Theo thầy Beop-eun, nước trà tới tay người thưởng trà được dùng qua 7 lần uống. Mỗi ngụm trà trôi từ miệng đến cổ họng, rồi “đáp bến” xuống bụng sẽ giúp người dùng thanh lọc cơ thể, hỗ trợ cân bằng trạng thái tinh thần hài hòa, đặc biệt là khi kết hợp với thiền định. Do vậy, thông qua nghệ thuật trà đạo xứ Hàn, người thưởng trà có thể tu dưỡng đức hạnh, thực hành lối sống lành mạnh hơn, dựa trên phương pháp rèn luyện cơ thể và nuôi dưỡng tâm trí cực kì tinh tế.
Xuyên suốt con đường mòn dẫn vào phạm vi chính của chùa Daeheungsa, mình có thể quan sát được 1 phần không gian thuộc ẩn thất Baekhwaam (백화암, ảnh trái) và thư giãn bên hàng cây xanh cùng tiếng suối róc rách len qua khe đá (ảnh phải). (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Sau buổi thưởng trà đầy thư giãn, thầy Beop-eun tiếp tục hướng dẫn đoàn chúng mình tham quan sơ nét chùa Daeheungsa. Men theo con đường mòn dẫn vào không gian chính của ngôi chùa, mình còn quan sát được khu vực Baekhwaam (
백화암) – một ẩn thất từng ghi nhận là nơi ở của hòa thượng Eungsong Park Yeong-hee (1893-1990). Mặt khác, xuyên suốt 2 bên đường mòn là hàng cây phong, thông, sồi, zelkova xanh mướt, kết hợp với tiếng suối Geumdangcheon róc rách chảy qua khe đá, hòa trong ánh nắng thu nhẹ nhàng khiến tâm hồn mình cảm thấy thật bình yên.
Cánh cổng Duryunsan Daeheungsa (ảnh giữa) chào đón chúng mình với vẻ đẹp lộng lẫy hòa trong sắc thu dịu nhẹ; phía trước bên trái là 2 bức tượng Geumgwi-daejang mang ý nghĩa tiêu trừ ma quỷ, sở hữu khuôn mặt đanh thép (ảnh ngoài cùng, bên trái). Sau đó, chúng mình còn được tham quan khu di tích Budojeon (ảnh ngoài cùng, bên phải) – nơi tưởng niệm và thờ phụng các vị chân tu có công phát triển ngôi chùa. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bước tới cổng Duryunsan Daeheungsa (
두륜산 대흥사), đồng thời phía tay trái là 2 bức tượng Geumgwi-daejang (
금위대장) mang tín ngưỡng xua đuổi linh hồn ma quỷ, chúng mình có dịp quan sát phạm vi di tích Budojeon (
부도전) – một nghĩa trang bao gồm nhiều bảo tháp nhằm tưởng niệm các vị chân tu từng góp công quan trọng vào sự phát triển của ngôi chùa như Thiền sư Choui, Đại sư Seosan,... Bên cạnh đấy, tại cổng Haetalmun (cổng giải thoát), thay vì được hộ vệ bởi Tứ Đại Thiên Vương tương tự những ngôi chùa khác, thì chùa Daeheungsa lại thờ phụng 2 vị Bồ Tát dưới nhân dạng trẻ nhỏ là: Văn Thù Bồ Tát (
문수보살) cưỡi sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát (
보현보살) cưỡi voi trắng.
Những nét đặc sắc từ hình thức bày trí, thiết kế, đến mỹ quan tinh tế của chùa Daeheungsa đều cực kì hài hòa và kết nối khá hợp lý với cảnh sắc tuyệt vời của núi Duryunsan bao bọc xung quanh. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà, Ivana Alzaga)
Sau cánh cổng Haetalmun, khung cảnh núi Duryunsan trải rộng rất hùng vĩ, ôm lấy khuôn viên ngôi chùa; đồng thời, toàn bộ sườn núi nhìn từ xa rất giống hình ảnh Đức Phật đang nằm. Mặt khác, một số công trình như điện Daeungbojeon (
대웅보전), ngưỡng cửa Gaheoru (
가허루) ngay trước điện Cheonbuljeon (
천불전),... còn chứa đựng hơi thở truyền thống vô cùng tinh túy với nghệ thuật trang trí Dancheong đặc trưng của kiến trúc Hàn Quốc.
2. Trải nghiệm vui nhộn tự tay làm bánh mì khoai lang:
Khoai lang huyện Haenam-gun (ảnh trái) sở hữu phần thịt khoai ngọt hơn các vùng lân cận vì chúng được canh tác trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Đặc biệt, khoai lang sẽ thêm dậy vị khi thưởng thức cùng Honghwacha (trà Hồng hoa). Mặt khác, món bánh khoai lang, bánh khoai tây (ảnh phải) đều cho thấy sức hấp dẫn khó quên với thực khách, khi cả vỏ và nhân bánh đều mềm mại, ngọt vừa, thơm nhẹ mùi khoai tự nhiên. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Rời chùa Daeheungsa, đoàn supporter chúng mình theo xe “lăn bánh” đến tìm hiểu hương vị phổ biến tại huyện Haenam-gun là món khoai lang.
Sở hữu khí hậu lẫn thổ nhưỡng thuận lợi, khoai lang huyện Haenam-gun sinh trưởng khá tốt thông qua sự chăm sóc tỉ mỉ của người nông dân. Chúng có lớp vỏ tím đậm, phần thịt khoai ngọt, mềm do trồng trên đất sét đỏ giàu khoáng chất, kèm thêm việc chúng được đón gió biển thổi từ cực nam Trái đất tới, khiến chất lượng khoai ngon hơn các vùng lân cận. Vì thế, dừng chân ở huyện Haenam-gun, đoàn chúng mình không chỉ tận hưởng cơ hội thưởng thức đặc sản này, mà còn tự tay thực hiện món bánh mì khoai lang (
고구마빵) nổi tiếng từng vang danh tên tuổi “gần xa” cho huyện Haenam-gun.
Trải nghiệm tự tay làm bánh khoai lang là kỉ niệm đáng nhớ của mình khi có dịp dừng chân tại huyện Haenam-gun. Phần vỏ được nhuộm màu tự nhiên từ bí đỏ và loại gạo Hongguk-ssal khiến món bánh khoai lang không chỉ ngon, mà còn an toàn cho sức khỏe. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Dưới sự chỉ dẫn của những thợ bánh từ “The Rice” – một doanh nghiệp lấy tiêu chí sử dụng nông sản địa phương làm nguyên liệu để truyền tải giá trị thiết thực, điều hành bởi giám đốc Jang Sun-ee, đoàn chúng mình nhanh chóng tạo nên sản phẩm bánh mì khoai lang “hand-made”, với phần nhân là khoai lang nghiền nguyên chất dẻo mịn và phần vỏ thơm nhẹ mùi bột gạo đã trộn màu tự nhiên bằng bí đỏ (màu vàng) hoặc Hongguk-ssal (
홍국쌀) (màu hồng tím).; trong đó, Hongguk-ssal là loại gạo nội địa lên men từ nấm giúp vỏ bánh tăng thêm độ dai, mềm cuốn hút. Đồng thời, bánh mì khoai lang tại đây chủ trương không dùng chất bảo quản, chất nhũ hóa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho thực khách.
◌ Huyện Damyang-gun:
1. Chìm đắm vào không gian bình yên của rừng tre Juknokwon:
Đến huyện Damyang-gun, chắc chắn bất kì du khách nào cũng muốn ghé thăm rừng tre Juknokwon – một địa điểm bao phủ bởi những cây tre thẳng tắp, mọc rậm rạp, đem tới “mảng xanh” đặc trưng của khu vực này.
Rừng tre Juknokwon là địa điểm tham quan tiêu biểu, nơi tạo nên mảng “xanh” đặc biệt cho huyện Damyang-gun. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Sở hữu diện tích 160.000 m², Juknokwon được biết tới vì cảnh trí tuyệt đẹp, nên thơ, dịu mắt, cùng con đường đi bộ xuyên rừng mát lạnh mà ánh sáng Mặt trời khó có thể len qua. Rảo bước theo chân đoàn supporter tiến sâu vào rừng tre, mình dần cảm nhận rõ ràng nhịp độ lẫn hơi thở dễ chịu ở nơi đây. Bên cạnh đó, dựa trên lời thuyết minh của hướng dẫn viên, mình đã biết thêm rằng cả trăm năm trước, nhờ những hạt giống tre gieo rải rác khắp khu vực khiến rừng tre bắt đầu hình thành tự nhiên như ngày nay. Đồng thời, tre tại Juknokwon còn làm nhiệm vụ lọc không khí, lọc nước, khử độc đất cực kì hiệu quả bởi bộ rễ ăn khá sâu và chắc, từ đấy, giúp ích rất nhiều cho người dân sống lân cận quanh rừng tre trong việc trồng trọt, canh tác nông sản.
Những cây tre tại rừng tre Juknokwon (ảnh trái) không chỉ giúp bầu không khí trở nên trong lành, mát lạnh, mà chúng còn có khả năng khử độc cho đất, lọc nước hiệu quả nhờ bộ rễ chắc khỏe, từ đó giúp ích rất nhiều cho việc canh tác nông sản của người dân sống xung quanh khu vực. Đồng thời, loại trà xanh trồng dưới gốc tre (ảnh phải) cũng mang đến hương vị độc đáo hơn nhờ tích lũy tinh túy từ cây tre. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Mặt khác, tham quan Juknokwon, đoàn chúng mình cũng tiện đường ghé thăm “Trung tâm nghệ thuật Juknokwon” (Juknokwon Art Center), nhằm mục đích tìm hiểu thêm tầm quan trọng và những đóng góp của cây tre vào sự phát triển + thương mại hóa nghề thủ công xoay quanh nguyên liệu chính là tre. Song song đấy, “Trung tâm nghệ thuật Juknokwon” còn dành ra một khu vực trình chiếu video công nghệ thực tế ảo (VR). Đoạn phim phát sóng ở đây thực sự “dẫn dắt” chúng mình chìm đắm giữa rừng tre xanh bạt ngàn cùng hình ảnh phượng hoàng bay lượn cực kì ảo diệu. Bên cạnh đó, đoàn chúng mình đã có dịp chiêm ngưỡng tay nghề tỉ mỉ của các nghệ nhân đan tre xứ Kim Chi (tiếng Hàn gọi là Chaesangjang) thông qua vô số vật dụng phục vụ đời sống như: giỏ tre, làn tre, khay tre, chụp đèn tre,... tại “Trung tâm Di sản và Bảo tàng Chaesangjang” (Chaesangjang Heritage Center and Museum).
Tham quan 2 địa điểm thuộc phạm vi rừng tre Juknokwon là “Trung tâm nghệ thuật Juknokwon” (2 ảnh trên) và “Trung tâm Di sản và Bảo tàng Chaesangjang” (2 ảnh dưới) đã cho mình cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của cây tre trong việc phát triển nghề thủ công dựa trên loại nguyên liệu tự nhiên này. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Để kết thúc chuyến du ngoạn rừng tre, đoàn chúng mình không quên thưởng thức một vài mỹ vị lạ miệng từ tre như: trà tre (
죽로차) ấm nóng, thơm thoang thoảng mùi lá trà xanh thu hoạch dưới gốc cây tre, kem tre ngọt dịu, hay Jjondeugi trộn bột lá tre dai dẻo (
쫀드기 – món ăn vặt với thành phần bột mì hoặc bột ngô, xé được theo thớ).
Một số món ăn đặc sắc từ tre mình được thưởng thức tại rừng Juknokwon bao gồm: kem tre (ảnh trái), trà tre hay Jjondeugi trộn bột lá tre (ảnh phải) đều khiến mình mãi lưu luyến, bởi hương thơm và vị ngon hấp dẫn mà chúng mang lại. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
2. Trải nghiệm cách thức nấu rượu truyền thống và tự tay thực hiện phiên bản rượu hand-made mang dấu ấn bản thân:
Xưởng sản xuất rượu truyền thống Chuseonggoeul vẫn luôn tự hào khi mang đến thực khách vị ngon tuyệt vời được lưu truyền qua nhiều đời của rượu Chuseongju – loại Yaksoju đặc trưng tại huyện Damyang-gun. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Nhắc tới ẩm thực Hàn Quốc, thì rượu truyền thống là tinh túy giúp thực khách thúc đẩy cảm quan tốt hơn trong lúc dùng bữa. Vì vậy, đến huyện Damyang-gun, đoàn supporter chúng mình đã dừng chân ở Chuseonggoeul – một xưởng sản xuất rượu truyền thống nổi tiếng, cụ thể là tại đây chuyên làm ra thứ rượu chưng cất độc đáo mang tên Chuseongju (
추성주) – loại Yaksoju đặc trưng của huyện Damyang-gun, hiện vẫn đang lưu truyền và phát triển bởi bậc thầy ẩm thực Hàn Quốc thứ 22, Yang Dae-su.
Lần đầu được tận mắt chứng kiến nghệ nhân nấu rượu trực tiếp (ảnh trái), cả đoàn chúng mình đều khá háo hức và chăm chú theo dõi. Bên cạnh đó, trải nghiệm tự tay pha chế rượu hand-made (ảnh phải) cũng trở thành hoạt động ý nghĩa mà chúng mình tích cóp được trong hành trình khám phá mùa thu 2024 ở tỉnh Jeollanam-do. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Dưới không gian gọn gàng, giản dị, chúng mình được tận mắt chứng kiến quy trình chưng cất Chuseongju khá cổ điển, công đoạn tóm tắt bao gồm: nghệ nhân nấu rượu sẽ úp Soju-gori (vật dụng bằng gốm có vòi lọc rượu) lên miệng nồi rượu; đồng thời, nghệ nhân cũng cẩn thận dán bột lấp kín ranh giới giữa miệng nồi và đáy Soju-gori nhằm tránh việc rượu bị thất thoát, sau đó châm lửa vào bếp để nấu. Tiếp đấy, rượu dần bay hơi rồi ngưng tụ và nhỏ giọt tại phía đầu vòi của Soju-gori.
Rượu mới nấu xong thường khá nồng, gắt. Từ loại rượu này, người ta lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm thương mại phân thành 3 kiểu là: rượu chưng cất thông thường (Tamiangs, Jukryeokgo – loại rượu Soju được thêm tinh chất tre), Yakju (Daeipsul, tạm dịch: rượu lá tre), và rượu mùi (Le Calon, Miss Vandal, Tina).
5 loại mỹ tửu mà chúng mình được thưởng thức do Chuseonggoeul chưng cất, bao gồm (trái sang phải): Daeipsul 12 độ, Jukryeokgo 25 độ, Chuseongju 25 độ, Jukryeokgo 40 độ, và Tamiangs 40 độ, đều cho thấy sức quyến rũ đi kèm nét hấp dẫn khó cưỡng vô cùng riêng biệt. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bên cạnh mục tiêu tiếp cận thông tin lý thú xoay quanh Chuseongju, đoàn chúng mình rất háo hức vì có cơ hội dùng thử 5 loại rượu do Chuseonggoeul chưng cất bao gồm: Daeipsul 12 độ, Jukryeokgo 25 độ, Chuseongju 25 độ, Jukryeokgo 40 độ, và Tamiangs 40 độ. Mỗi loại rượu đều khiến bản thân mình cảm nhận ra nét hấp dẫn riêng biệt dựa trên mùi hương và vị ngon tinh tế của chúng. Ngoài ra, hoạt động làm rượu hand-made từ Chuseongju truyền thống, pha chế cùng các hương liệu tự nhiên phơi khô được cung cấp bao gồm: vỏ cam quýt, hạt tiêu, hay kỉ tử cũng là kỉ niệm đáng giá khi đoàn chúng mình du ngoạn đến huyện Damyang-gun.
Kết thúc hành trình mùa thu ngắn ngủi nhưng đong đầy cảm xúc tại tỉnh Jeollanam-do, năm 2024 của mình khép lại với thật nhiều điều đáng nhớ. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại tỉnh Jeollanam-do một ngày không xa bằng những trải nghiệm văn hóa cuốn hút và tuyệt vời hơn nữa nhé!
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.