Các vị khách tham gia cùng chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm “Hàn Quốc học Việt Nam – 30 năm trưởng thành, đơm hoa kết trái”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ lâu đã trở thành một hình mẫu về hợp tác toàn diện, không chỉ trong kinh tế, chính trị mà còn ở lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Sự giao lưu này đã mang lại những thành quả đáng tự hào, điển hình là sự phát triển vượt bậc của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Với nền tảng 30 năm bền vững, ngành học này không chỉ đào tạo ra những thế hệ sinh viên am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, vào ngày 30/11 vừa qua, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm “Hàn Quốc học Việt Nam - 30 năm trưởng thành, đơm hoa kết trái”. Buổi lễ không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai.
Mở đầu chương trình, khán giả được thưởng thức tiết mục hợp xướng “Bài ca Hàn Quốc học” – ca khúc truyền thống của khoa Hàn Quốc học trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, với lời hát song ngữ Hàn - Việt. Dưới sự dẫn dắt tài tình của nhạc trưởng TS. Kim Byung Sun, từng giai điệu vang lên như một lời khẳng định về tinh thần hợp tác và tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Dàn hợp xướng dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng TS. Kim Byung Sun tại văn nghệ chào mừng. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM không giấu được niềm tự hào khi phát biểu khai mạc. Bà bày tỏ niềm tự hào khi khoa Hàn Quốc học đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong suốt 30 năm qua, và cũng nhấn mạnh rằng từ một bộ môn nhỏ thuộc ngành Đông Phương học vào năm 1994, khoa Hàn Quốc học đã không ngừng lớn mạnh, trở thành đơn vị tiên phong trong giảng dạy và nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam. Cột mốc quan trọng như đào tạo Thạc sĩ Hàn Quốc học đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2022 hay đào tạo cử nhân ngành Kinh doanh Thương mại Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2024 là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc này.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã bày tỏ niềm tự hào về sự phát triển và thành tựu của khoa Hàn Quốc học. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Ông Woo Hyung Min, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF), bày tỏ lòng biết ơn tới những nỗ lực của các cơ quan chính phủ, các cơ quan nhà nước và cán bộ trường đại học của cả hai nước đã và đang nỗ lực để giúp việc giảng dạy Hàn Quốc học và Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam phát triển như hôm nay. Ông cũng hy vọng rằng ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ để trở thành cầu nối cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia.
Ông Woo Hyung Min, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF) phát biểu khai mạc tại buổi lễ. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Không dừng lại ở những lời phát biểu, lễ kỷ niệm còn chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk (HUFS, Hàn Quốc). Đây là bước tiến mới, mở ra cơ hội trao đổi sinh viên và nghiên cứu học thuật giữa hai nước, đồng thời sự kiện này mở ra cơ hội thúc đẩy giao lưu học thuật, nghiên cứu và trao đổi sinh viên giữa hai quốc gia, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học.
Lễ ký kết hợp tác giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk (HUFS, Hàn Quốc). (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Ngoài ra, khoa Hàn Quốc học trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM còn vinh dự nhận được nhiều học bổng danh giá đến từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), Hội đồng tư vấn Dân chủ Hòa bình Thống nhất (PUAC), thầy Anh Doo Hwan và cô Cho Myeong Sook (những giảng viên người Hàn Quốc đầu tiên tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp giảng dạy và gắn bó với khoa Hàn Quốc học trên con đường phát triển) cũng như học bổng của Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongsangbuk-do,... Các suất học bổng này không chỉ là nguồn động viên to lớn về tài chính mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sinh viên phấn đấu học tập, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển của ngành Hàn Quốc học, cũng như mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia.
Khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM còn vinh dự nhận được nhiều học bổng danh giá. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Bên cạnh đó, Hội thảo quốc tế “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: Điểm tựa cho hợp tác tương lai” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của GS. Kim Jong Cheol (trường Đại học Quốc gia Seoul) và các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc học, các Trưởng bộ môn ngành Hàn Quốc học tại các trường Đại học ở Việt Nam như: GS.TS Phan Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng khoa Hàn Quốc học trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam; TS. Trần Thị Hường - Trưởng khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Thị Ngọc - Trưởng khoa tiếng Hàn trường Đại học Hà Nội; TS. Lê Thị Thu Giang - Trưởng khoa Đông Phương học trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trần Lan Anh - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng; TS. Bùi Phan Anh Thư - Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Công nghệ TP.HCM; và TS. Đinh Thị Lý Vân - Trưởng ngành Đông phương học khoa Xã hội & Nhân văn trường Đại học Văn Lang.
Tại phiên báo cáo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận về phương hướng, đề án phát triển giáo dục ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Một số phương án được đề xuất trong phiên báo cáo như tăng cường hợp tác với các trường đại học ở Hàn Quốc để sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội được học tập trực tiếp tại Hàn Quốc, song song với đó là đẩy cao liên kết giáo dục với các nước giáo dục tiếng Hàn tại Đông Nam Á để tạo nên một khu vực phát triển vững mạnh.
Đặc biệt, TS. Lưu Tuấn Anh cho hay, sau 30 năm phát triển thì hiện nay có rất nhiều trường đại học có đào tạo tiếng Hàn, từ đó nhu cầu xã hội đòi hỏi kiến thức chuyên môn liên thông liên ngành, có sự tổng hợp, tương tác lẫn nhau giữa các ngành. Vì vậy mà ngôn ngữ chỉ còn là công cụ. Chính vì lý do đó mà ngành giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam cần phát triển toàn diện đi kèm chuyên môn sâu hơn để phục vụ xã hội.
TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (ở giữa) phát biểu trong hội thảo. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
Cũng tại buổi lễ này, sinh viên của các trường đại học ở miền Nam nói chung và những người có niềm đam mê với văn hóa Hàn Quốc đã có dịp trải nghiệm các hoạt động văn hóa Hàn Quốc thông qua lễ hội văn hóa Hàn Quốc, gian hàng ẩm thực Hàn Quốc, gian hàng make-up Hàn Quốc cùng chuyên gia, tìm hiểu cơ hội việc làm qua chương trình giao lưu doanh nghiệp Hàn Quốc, cuộc thi Đố vui tiếng Hàn (한국어 겨루기).
◌ Lễ hội Văn hóa Hàn Quốc
1. Gian hàng trò chơi dân gian
- Ném mũi tên Tuho: Người chơi cố gắng ném mũi tiên vào một bình đựng đứng thẳng. Đây là trò chơi truyền thống thường được tổ chức trong các dịp lễ hội ở Hàn Quốc, giúp người tham gia cảm nhận được nét văn hóa dân gian độc đáo.
- Trải nghiệm trang phục Hanbok truyền thống: Những bộ Hanbok rực rỡ, lộng lẫy mang đến cho người tham gia cơ hội hóa thân thành các nhân vật trong những bộ phim cổ trang Hàn Quốc. Cảm giác được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, chụp ảnh lưu niệm, và hòa mình vào không khí đậm chất Hàn Quốc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Sinh viên háo hức trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
2. Trải nghiệm chữ Hàn - Hangeul
Người tham gia được hướng dẫn từng nét chữ cơ bản của tiếng Hàn, làm quen với nghệ thuật thư pháp và thể hiện những “tâm thư” của mình qua tiếng Hàn. Đây là dịp để không chỉ học viết mà còn khám phá sự tinh tế trong từng ký tự Hangeul.
Trải nghiệm chữ Hàn - Hangeul. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
3. Gian hàng ẩm thực Hàn Quốc
- Trải nghiệm làm Kimchi cùng chuyên gia Kim Eun Ja: Không chỉ dừng lại ở việc học cách làm Kimchi chuẩn vị Hàn Quốc, người tham gia còn được chuyên gia chia sẻ bí quyết để tự thực hiện món ăn này tại nhà. Hoạt động này mang lại cảm giác gần gũi và ý nghĩa khi văn hóa ẩm thực trở thành cầu nối giữa hai quốc gia.
- Trải nghiệm nấu bánh gạo cay Tteokbokki: Đây là món ăn không chỉ nổi tiếng tại Hàn Quốc mà còn rất được yêu thích ở Việt Nam. Người tham gia được hướng dẫn từng bước chi tiết để tạo ra món bánh gạo mềm dẻo, đậm vị. Cảm giác tự tay chế biến và thưởng thức món ăn này giúp họ hiểu hơn về sự tinh tế trong ẩm thực Hàn Quốc.
Trải nghiệm ẩm thực Hàn Quốc cùng chuyên gia. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
4. Gian hàng make-up Hàn Quốc cùng chuyên gia Seo Min Ji
Xu hướng làm đẹp K-beauty đã và đang trở thành hiện tượng tại Việt Nam. Chuyên gia Seo Min Ji hướng dẫn từng bước từ dưỡng ẩm, đánh nền, kẻ mày đến chọn màu son phù hợp, mang lại trải nghiệm làm đẹp theo phong cách hiện đại và tự nhiên.
Trải nghiệm K-beauty cùng chuyên gia Seo Min Ji. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
◌ Giao lưu Doanh nghiệp Hàn Quốc
Sự kiện có sự góp mặt của các doanh nghiệp Hàn Quốc hàng đầu tại Việt Nam như Coex Vina, Cosnko Lab, Hwaseung Enterprise, Ngân hàng Sinhan và Teammint. Người tham gia được giới thiệu cụ thể về các công ty, thông tin tuyển dụng, chính sách đãi ngộ và yêu cầu công việc. Đây là cơ hội để sinh viên không chỉ tìm hiểu môi trường làm việc quốc tế mà còn định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Các hoạt động giao lưu trực tiếp giúp sinh viên kết nối với nhà tuyển dụng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học hỏi và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến Hàn Quốc học.
Sinh viên hào hứng giao lưu với các doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)
◌ Cuộc thi Đố vui tiếng Hàn
Cuộc thi là sân chơi học thuật bổ ích, nơi sinh viên thử thách và khẳng định kiến thức tiếng Hàn của mình qua những câu hỏi đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử Hàn Quốc. Không khí sôi động với sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả đã mang đến một trải nghiệm đáng nhớ, giúp các thí sinh tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Hàn. Sự kiện không chỉ tôn vinh tinh thần học tập mà còn lan tỏa tình yêu với tiếng Hàn trong cộng đồng sinh viên, tạo động lực để họ tiếp tục chinh phục ngôn ngữ này trong tương lai.
Đông đảo sinh viên đến từ nhiều trường ĐH tại miền Nam tham gia tranh tài tại Cuộc thi Đố vui tiếng Hàn. (Ảnh: Trang Facebook CLB K-Study 학술동아리 khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM)
Có thể nói, với bề dày 30 năm phát triển, ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công đáng tự hào trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Hàn Quốc. Những thành tựu này không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong học thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ Việt Nam. Các sự kiện giao lưu văn hóa và học thuật, điển hình như lễ hội lần này, không chỉ là dấu ấn cho chặng đường 30 năm phát triển mà còn là nền tảng vững chắc để ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam tiếp tục vươn xa, trở thành cầu nối bền vững giữa hai dân tộc trong tương lai.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.