Phóng viên danh dự

12.12.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Chủ đề “Khát vọng trở về sau 8 thế kỷ (tìm về cội nguồn dân tộc) của ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ - Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Chủ đề “Khát vọng trở về sau 8 thế kỷ (tìm về cội nguồn dân tộc) của ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ - Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng chia sẻ những giá trị văn hóa Đông Á, vượt qua khó khăn từ quá khứ và khát vọng xây dựng tương lai thịnh vượng. Bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mối bang giao tiếp tục được phát triển với các cột mốc là Đối tác hợp tác (1992), Đối tác toàn diện (2001), Đối tác chiến lược (2009) và đỉnh cao là Đối tác chiến lược toàn diện (2022). Những bước ngoặt lịch sử ấy đã mở ra một chương mới cho kết quả hợp tác song phương sâu rộng và toàn diện. Mối quan hệ giao lưu ấm nồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang trở thành hình mẫu hợp tác của Đông Á trong thế kỷ XXI.

Nhằm đáp ứng tính thời sự trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, tạo cơ hội cho các học giả trong và ngoài nước trao đổi những kết quả nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thực tiễn, góp phần nâng cao sự thấu hiểu giữa hai quốc gia, thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng bền chặt, ngày 30/11, Khoa Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: Điểm tựa cho hợp tác tương lai”.

Tại hội thảo, ông Lý Xương Căn (hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc) đã có bài phát biểu với chủ đề “Khát vọng trở về sau 8 thế kỷ (tìm về cội nguồn dân tộc)”. Tại phần phát biểu mở đầu, ông Lý Xương Căn bày tỏ rằng mặc dù bản thân mình chỉ còn khoảng 0,01% dòng máu Việt Nam còn chảy trong người nhưng tình yêu ông dành cho Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Theo ước mơ của Hoàng thúc Lý Long Tường, ông đã trở về quê hương Việt Nam sau 800 năm.

Ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ - Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ - Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Sau khi được bổ nhiệm lại là Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc với nhiệm kỳ 5 năm 2024-2029, ông Lý Xương Căn chia sẻ rằng sau nhiệm kỳ này ông sẽ bước vào độ tuổi 70 nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và văn hóa du lịch Việt Nam. Ông Lý Xương Căn nói rằng mặc dù bài phát biểu là câu chuyện cuộc sống cá nhân mình nhưng ông mong mọi người có thể hiểu được rằng đây là điểm mấu chốt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trong cuốn sách về quan hệ Việt - Hàn do GS. Choi Sang Soo - giáo sư về lịch sử tại trường Đại học Quốc gia Seoul viết vào năm 1966, đã đề cập mảng lớn về một hoàng tử Việt Nam nhập quốc tịch vào đất nước Goryeo vào thế kỷ 13. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1996 kể từ khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc (năm 1992), của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam đã phát biểu: “Hiện nay, có hơn 200 gia đình là con cháu của Hoàng tử Lý Long Tường của triều đại nhà Lý Việt Nam đã nhập quốc tịch hơn 700 năm trước đang sinh sống ở Hàn Quốc”.

Câu chuyện về cách đối đãi với vị hoàng tử Việt Nam nhập tịch vào Cao Ly và con cháu đời sau của ông mang dòng họ Lý Hoa Sơn sinh sống ở Hàn Quốc; con cháu của ông đã tìm về quê cha đất tổ sau 800 năm đã được lan tỏa rộng rãi trên cả hai quốc gia và trở thành một bối cảnh cảm xúc tuyệt vời cho mối quan hệ giữa hai nước.

◌ Ước nguyện của Hoàng tử bị lãng quên

Lý Long Tường - Hoàng tử triều Lý nước Đại Việt lưu lạc đến Cao Ly, khởi đầu mối nhân duyên 800 năm giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hoàng thúc Lý Long Tường là con trai của vua Lý Anh Tông (vị vua thứ 6), em của Lý Cao Tông (vị vua thứ 7) và là chú của vua Lý Huệ Tông (vị vua thứ 8). Năm 1224, Lý Huệ Tông không có con trai và có lối sống sa đọa, không có khả năng lo liệu triều chính nên phải xuất gia đi tu. Điều này đã tạo cơ hội cho dòng họ Trần ở Đằng Ngoài lên nắm quyền. Năm 1225, nhà Trần lật đổ nhà Lý, nhà Lý sụp đổ và bị nhà Trần hành quyết công khai. Lý Long Tường đã bỏ trốn sang Cao Ly (triều đại cũ của Hàn Quốc) để tránh sự truy sát.

Video “Ước nguyện của Hoàng tử bị lãng quên”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Video “Ước nguyện của Hoàng tử bị lãng quên”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Năm 1253, Cao Ly bị quân Nguyên Mông xâm lược. Hoàng tử Lý Long Tường đã áp dụng biện pháp chiến lược của nhà nước Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông. Vua nước Cao Ly đã phân Hoàng tử Lý Long Tường là tướng quân Hoa Sơn, ban cho họ Lee (tiếng hàn: 이씨). Hoàng tử Lý Long Tường trở thành ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn (tiếng hàn: 화산 이씨) đầu tiên của Việt Nam tại Cao Ly, từ đó bắt đầu mối lịch sử nhân duyên lâu dài giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

◌ Những mốc thời gian quan trọng và 5 ý nghĩa của lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường

Theo chia sẻ của ông Lý Xương Căn, các mốc lịch sử quan trọng gồm: Năm 1226, Hoàng tử Lý Long Tường lưu lạc sang Cao Ly (Hàn Quốc); năm 1910, Nhật Bản xâm lược, bán đảo Triều Tiên trở thành nước thuộc địa của Nhật trong 36 năm; Năm 1945, Hàn Quốc được giải phóng; Ngày 1950, Chiến tranh Triều Tiên khiến 2 miền Nam - Bắc bị chia cắt; Năm 1956, thiết lập quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc bị gián đoạn; Năm 1992, thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Năm 1994, Lý Xương Căn lần đầu tiên tới Việt Nam.

Ông Lý Xương Căn chia sẻ về những đóng góp to lớn của Hoàng tử Lý Long Tường cho đất nước Cao Ly. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn chia sẻ về những đóng góp to lớn của Hoàng tử Lý Long Tường cho đất nước Cao Ly. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Về ý nghĩa, lịch sử Lý Long Tường có 5 ý nghĩa như sau. Một là, Việt Thanh Am (tiếng Hàn: 월성암), đá xanh in tên Việt Nam, nơi Hoàng tử Lý Long Tường nhìn ngắm về miền Nam mỗi khi nhớ về quê hương Việt Nam. Hai là, bia đá tưởng niệm Thụ Hàng Môn (tiếng Hàn: 수항문). Ba là, Dumundong (tiếng Hàn: 두문동), nơi ghi danh đại Trung thần, nhóm học giả triều đại Goryeo (trong đó có Hoảng từ Lý Long Tường và 2 người con trai của Lý Maeung-un) trung thành với vua. Bốn là Trung Hiếu Đường (tiếng Hàn: 충효당), di sản văn hóa địa phương ở huyện Bonghwa-gun (Hàn Quốc) và là di tích duy nhất còn sót lại của hậu duệ Hoàng tử Lý Long Tường ở Hàn Quốc. Năm là, “Uống nước nhớ nguồn sau 769 năm” (tiếng Hàn: 769년 지나 물을 마실 때, 그 근원을 기억한다), nguyện vọng của Hoàng tử Lý Long Tường được thực hiện sau sự trở về vào năm 1994 của hậu duệ sau 769 năm xa cách.

Ông Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM (bên trái) và ông Kim Nak Nyeon - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS, bên phải) đã độc tài liệu lịch sử về dòng học Lý Hoa Sơn. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM (bên trái) và ông Kim Nak Nyeon - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS, bên phải) đã độc tài liệu lịch sử về dòng học Lý Hoa Sơn. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



◌ Hành trình tìm về cội nguồn

Ông Lý Xương Căn bọc bạch sau ba thập kỷ trở về tới Việt Nam: “Tôi muốn dù chết cũng phải chôn mình trên đất Việt Nam, quê hương của tổ tiên mình”. Ông chia sẻ rằng, lần đầu tiên thông tin hậu duệ của nhà Lý Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc được đưa tin trên một số tờ báo tại Hàn, ông chỉ mới 10 tuổi - một độ tuổi quá nhỏ để có thể hiểu biết được nội dung đó. Nhưng khi lớn lên, ông được nghe chi tiết hơn từ bác và cha ruột của mình, ông cảm thấy vui mừng và phấn khích khi biết mình là hậu duệ của Vua và Hoàng tử nước Việt Nam. Từ đó trái tim ông luôn thôi thúc mà nghĩ về trọng trách hướng về nguồn cội đất Việt.

Sau khi đọc được bài báo đưa tin Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Lý Xương Căn đã suy nghĩ rồi đi đến quyết định từ bỏ công việc của mình để bắt đầu hành trình tìm về cội nguồn. Ông đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc với mong muốn gặp được Đại sứ Nguyễn Phú Bình (Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc) nhưng kết quả là ông đã không gặp được ngài Đại sứ. Vài ngày sau, ông Lý Xương Căn quay trở lại Đại sứ quán Việt Nam, mang theo gia phả, tài liệu báo chí từ Hàn Quốc trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và hình ảnh hoạt động của bác mình.

Ông Lý Xương Căn chia sẻ về câu chuyện gặp mặt và nhận được sự giúp đỡ từ cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn chia sẻ về câu chuyện gặp mặt và nhận được sự giúp đỡ từ cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Cuối cùng thì ông Lý Xương Căn đã gặp được Đại sứ Nguyễn Phú Bình và bày tỏ nhiều chia sẻ, mong muốn bấy lâu của bản thân. Ông chia sẻ rằng “Chúng tôi thường xuyên gặp mặt và việc đầu tiên chúng tôi làm là trở lại thăm Hà Nội, xác nhận sự thật về lịch sử của triều đại Lý ở Việt Nam, một phần lịch sử bị lãng quên qua bao thập kỷ”. Ngày 18/5/1994, ông Lý Xương Căn đã đến Hà Nội, điểm đầu tiên ông đặt chân đến là Đền Đô ở Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh), đền thờ 8 vị Vua thời Lý. Với tư cách là một hậu duệ trở về sau 800 năm, ông Lý Xương Căn đã quỳ xuống trước bài vị của tổ tiên và cúng vái tổ tiên bằng cả trái tim mình. Trong bức thư tay viết khi lần đầu được về thăm Đền Đô, ông Lý Xương Căn xúc động chia sẻ: “Nỗi lòng tưởng niệm cũng là đạo lý đương nhiên đối với tổ tiên, và hơn nữa xin các vị Tiên Vương hãy phù hộ, để cho mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước được sâu dày hơn nữa”.

Bức thư tay do chính ông Lý Xương Căn viết khi lần đầu được về thăm Đền Đô. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Bức thư tay do chính ông Lý Xương Căn viết khi lần đầu được về thăm Đền Đô. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



◌ Sống như một người con của Việt Nam là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi

Sau khi quay trở lại Hàn Quốc, ông Lý Xương Căn đã báo cáo với dòng họ Lý Hoa Sơn về việc tồn tại bằng chứng lịch sử về triều đại nhà Lý của Việt Nam, nơi thờ 8 vị Vua thời Lý và lễ giỗ được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 3 âm lịch. Để sống như một hậu duệ của Việt Nam, ông Lý Xương Căn và gia đình phải từ bỏ cuộc sống đã xây dựng ở Hàn Quốc. Quyết định này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của bố ông và họ hàng. Họ cho rằng “Dù có là quê hương đất tổ nhưng làm sao có thể sống khi không có lấy một người quen, không cùng ngôn ngữ và các con nhỏ phải sống ở một môi trường hoàn toàn xa lạ”.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối này, niềm khao khát được trở về quê hương Việt Nam của ông Lý Xương Căn không hề lay chuyển. Và cuối cùng thì cả gia đình ông Lý Xương Căn đã chuyển về Hà Nội, bắt đầu cuộc sống như những con cháu người Việt Nam. Ông Lý Xương Căn xúc động hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in quyết tâm khi đó của mình, dù có thể chết cũng sẽ chôn mình trên đất tổ”.

Ông Lý Xương Căn chia sẻ “Sống như một người con của Việt Nam là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn chia sẻ “Sống như một người con của Việt Nam là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Tháng 8 năm 2000, cả gia đình ông Lý Xương Căn đã đặt chân đến Việt Nam. Tổng Bí thư Đỗ Mười và các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã chào đón gia đình ông nồng nhiệt và tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thông quan cũng như hỗ trợ về thuế cho các hàng hóa, đồ dùng của gia đình ông khi chuyển về Việt Nam. Được trở về trong sự reo hò và quan tâm, yêu mến của người dân Việt Nam dành cho mình, ông Lý Xương Căn chia sẻ rằng mình đã vô cùng xúc động trước bản sắc dân tộc Việt Nam.

Ông Lý Xương Căn cũng chia rẻ rằng thật may mắn khi các con của ông được vào học tại một trường thực nghiệm ở Việt Nam với sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục Việt Nam. Ông nói rằng mình đã cảm thấy chạnh lòng và thương các con mỗi khi nghĩ đến việc các con phải thích nghi với một môi trường xa lạ, nơi các con không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của mình.

Gần 8 thế kỷ trôi qua, ông Lý Xương Căn cũng sợ bị lãng quên và cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng bản thân còn bao nhiêu phần trăm dòng máu Việt Nam nữa, điều này rất khó để có thể nhận được quốc tịch Việt Nam. Chình vì vậy mà sau khi được Chính phủ Việt Nam cấp quốc tịch Việt Nam (tháng 6/2010), ông đã vô cùng ngạc nhiên và cũng cảm động về truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc Việt Nam. Với tinh thần dân tộc mạnh mẽ, ông đã thể rằng “Phần đời còn lại tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”.

◌ Ý thức hướng về cội nguồn, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc

Giờ đây, lãnh đạo chính thức cũng như lãnh đạo danh dự hai nước đều công nhận con cháu nhà Lý Việt Nam đã và đang duy trì huyết thống tại Hàn Quốc, đồng thời chính thức đề cập đến mối quan hệ huyết thống giữa hai nước. Ngoài ra, trong các chuyến thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn dành tình cảm đặc biệt và có những buổi tiếp đón dành cho các hậu duệ nhà Lý đang sinh sống ở Hàn Quốc.

Ông Lý Xương Căn quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp vào việc duy trì mối quan hệ hàng nghìn năm giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp vào việc duy trì mối quan hệ hàng nghìn năm giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Việc ông Lý Xương Căn trở về Việt Nam đã trở thành một sự kiện lịch sử cho thấy hậu duệ Lý Hoa Sơn của Hoàng tử Lý Long Tường vẫn luôn ghi nhớ cội nguồn, gốc rễ dân tộc trong suốt 8 thế kỉ, và đã trở về quê hương theo như ước nguyện của Hoàng tử Lý Long Tường. Ông hy vọng tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của những hậu duệ triều Lý - những người trong suốt bao thế kỷ qua tuy sinh sống ở Hàn Quốc nhưng luôn giữ gìn và bảo vệ “Truyền thống của người Việt Nam là luôn nhớ về nguồn cội tổ tiên, hướng về đất Tổ” sẽ được lan tỏa đến các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam và kiều bào, thế hệ con cháu của họ đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới.

Ông Lý Xương Căn hy vọng rằng thế hệ trẻ của chúng ta sẽ giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, tự hào về truyền thống dân tộc độc đáo này và có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trên toàn cầu. Thông qua chương trình, ông mong muốn nâng cao nhận thức và niềm tự hào về cội nguồn dân tộc Việt Nam cho thanh thiếu niên Việt Nam và hơn 5 triệu kiều bào và con cháu của họ đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới.

◌ Quan hệ song phương hai nước sẽ phát triển đến thiên niên kỷ trong kỷ nguyên du lịch thông minh tiên tiến

Hiện nay, ông Lý Xương Căn đang hoạt động trong nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và đang nỗ lực ở tuyến đầu để mở ra kỷ nguyên du lịch thông minh của các nước phát triển nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam - Hàn Quốc. Với mối nhân duyên đặc biệt với Việt Nam và Hàn Quốc, quan hệ huyết thống 800 năm giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông bày tỏ quyết tâm cũng như sẽ nỗ lực hết sức của mình để đóng góp dù chỉ là một chút sức nhỏ vào việc duy trì mối quan hệ nghìn năm giữa hai nước trong tương lai. Ông hy vọng sự thật lịch sử này sẽ được nhiều người dân Việt Nam và Hàn Quốc biết đến, và mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục trở thành đối tác mãi mãi.

Ông Lý Xương Căn trao tặng tiểu thuyết lịch sử “Hoàng thúc Lý Long Tường” cho khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV ĐHQG HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Lý Xương Căn trao tặng tiểu thuyết lịch sử “Hoàng thúc Lý Long Tường” cho khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV ĐHQG HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông Lý Xương Căn đã trao tặng tiểu thuyết lịch sử “Hoàng thúc Lý Long Tường” (tác giả: Kang Moo Hak, biên dịch: Trần Văn Thêm - chuyên viên Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Cuốn sách không chỉ là món quà tri ân mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc kết nối và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc. Thông qua chương trình, các đại biểu và sinh viên không chỉ được lắng nghe những chia sẻ quý báu mà còn thêm phần thấu hiểu và trân trọng mối quan hệ hợp tác lâu đời giữa hai quốc gia.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.