Lớp học “Trải nghiệm văn hóa Minhwa” đã diễn ra tại Học viện King Sejong - Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam vào ngày 12/4. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Trần Huyền Phương
Học viện King Sejong - Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam là một địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn khám phá văn hóa Hàn Quốc một cách toàn diện, từ ngôn ngữ đến các hoạt động trải nghiệm văn hoá phong phú. Thông qua các lớp học trải nghiệm đa dạng, học viên có cơ hội khám phá một cách chân thực và gần gũi vẻ đẹp văn hóa, ngôn ngữ và con người Hàn Quốc, từ đó nuôi dưỡng tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về xứ sở Kim Chi.
Vào ngày 12/4, học viện đã tổ chức một lớp học đặc biệt là “Trải nghiệm văn hóa Minhwa”, một cánh cửa để các bạn học viên đắm mình trong thế giới tranh dân gian độc đáo của Hàn Quốc. Tại đây, chúng mình không chỉ được nghe giới thiệu về lịch sử và ý nghĩa của dòng tranh dân gian này mà còn có cơ hội tự tay vẽ nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, một cách tuyệt vời để cảm nhận và trân trọng nét văn hóa độc đáo của người Hàn.
Mở đầu buổi học, chúng mình đã được cô giáo chia sẻ những kiến thức vô cùng thú vị về Minhwa. Cô giáo đã nhẹ nhàng dẫn dắt chúng mình vào thế giới của những bức tranh dân gian thời Joseon (năm 1392-1910), những tác phẩm không mang tên tuổi cụ thể của người vẽ, nhưng lại chứa đựng cả một kho tàng văn hóa và tâm hồn của người dân Hàn Quốc xưa.
Minhwa không phải là những bức tranh được tạo ra bởi bàn tay của các họa sĩ chuyên nghiệp trong cung đình, mà nó xuất phát từ những cảm xúc chân thật, mộc mạc của những người dân bình dị. Mỗi nét vẽ, mỗi màu sắc dường như đều thấm đượm tâm tư, tình cảm, và phản ánh một cách chân thực dáng vẻ của cuộc sống thường nhật. Hơn thế nữa, Minhwa còn là nơi người dân gửi gắm những ước mơ, những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Minhwa thời Joseon chính là sự đa dạng trong chủ đề. Từ những loài vật gần gũi như hổ (biểu tượng cho sức mạnh và sự bảo vệ), chim ác là phương Đông (tiếng Hàn: Kkachi, mang đến tin vui), đến những loài cây cỏ như hoa sen (tượng trưng cho sự thanh cao, thuần khiết), hay thậm chí là hình ảnh con người và những phong cảnh quen thuộc, tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những bức tranh Minhwa.
Những bức tranh Minhwa ẩn chứa kho tàng văn hóa và tâm hồn của người dân Hàn Quốc xưa. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Tại lớp học, cô giáo cũng chia sẻ với chúng mình một câu chuyện văn hóa thú vị về sự lan tỏa của Minhwa. Khởi thủy, những bức tranh này thường điểm xuyết cho sự tao nhã trong thư phòng của giới học giả và các gia đình quyền quý. Thế nhưng, vẻ đẹp chân phương mà vẫn hàm chứa nét tinh tế của Minhwa đã dần chiếm được cảm tình của cả những người dân bình dị. Việc trang hoàng tổ ấm bằng Minhwa, có lẽ, là một cách để họ cảm nhận được chút dư vị của sự trang trọng và trí tuệ, đồng thời gửi gắm niềm khát vọng vươn tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Vượt qua dòng chảy của thời gian, Minhwa không hề bị lãng quên mà vẫn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim người dân Hàn Quốc. Nó trở thành một biểu tượng văn hóa đáng tự hào, được lưu truyền và trân trọng. Thậm chí, trong cuộc sống hiện đại, chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh Minhwa được cách tân, xuất hiện một cách đầy sáng tạo trên những vật dụng hàng ngày như túi xách, cho thấy sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này.
Minhwa từng là điểm nhấn tao nhã trong không gian tri thức của giới học giả thời Joseon. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Trong buổi học, chúng mình đã có cơ hội được chiêm ngưỡng một vài tác phẩm Minhwa tiêu biểu, lắng nghe cô giáo giải thích về ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa đằng sau mỗi bức tranh. Chẳng hạn như bức tranh Hwajodo (Hoa điểu đồ) với hình ảnh chim muông và hoa lá rực rỡ, tượng trưng cho sự hòa hợp, sung túc và hạnh phúc gia đình. Hay bức tranh Hojakdo với hình ảnh con hổ và chim ác là phương Đông, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại may mắn và những tin vui. Những chia sẻ của cô giáo giúp chúng mình nhận ra rằng Minhwa không chỉ là nghệ thuật trang trí mà còn là tiếng nói của đời sống tinh thần, là cách người dân Hàn Quốc thể hiện những mong ước và niềm tin của mình.
Vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh Hwajodo (Hoa điểu đồ), biểu tượng cho sự hòa hợp, sung túc và hạnh phúc. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Bức tranh Hojakdo với hình ảnh con hổ và chim ác là phương Đông (tiếng Hàn: Kkachi), mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và báo tin vui. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Cô giáo cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với dòng tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam. Cô chia sẻ rằng, khi ngắm nhìn những bức tranh Đông Hồ của Việt Nam, cô cũng thực sự cảm nhận được phần nào đời sống sinh hoạt phong phú của người Việt cũng như những hy vọng và tình cảm chân thành của người nghệ nhân gửi gắm qua những bức tranh. Sự tương đồng bất ngờ này đã mở ra một liên kết văn hóa đầy màu sắc, khiến chúng mình nhận ra rằng, dù là Minhwa của Hàn Quốc hay tranh Đông Hồ của Việt Nam, nghệ thuật dân gian vẫn luôn là tiếng nói chung, vang vọng những cảm xúc chân thật nhất của con người.
Nét tương đồng thú vị giữa dòng tranh Đông Hồ của Việt Nam và Minhwa của Hàn Quốc trong việc thể hiện tâm hồn người dân. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Sau những kiến thức nền tảng đầy thú vị về Minhwa, chúng mình đã vô cùng háo hức khi được trực tiếp trải nghiệm quá trình tạo nên một tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo này. Học viện King Sejong - KCC tại Việt Nam đã chu đáo chuẩn bị cho mỗi học viên một bộ tô màu tranh Minhwa đặc biệt mang tên “Soul palette” (tạm dịch: Bảng màu tâm hồn). Bên trong là hai bức tranh đã được phác họa sẵn những đường nét cơ bản, chờ đợi chúng mình thổi hồn vào bằng những sắc màu đa dạng được đựng trong một bảng màu rực rỡ, cùng với bút nước và tờ hướng dẫn pha trộn màu tỉ mỉ. Với “hành trang” đầy đủ như vậy và dưới sự hướng dẫn tận tâm của cô giáo, cả lớp đã thực sự có một khoảng thời gian đắm mình trong thế giới của Minhwa. Mỗi người đều cẩn thận đặt tâm tư, tình cảm của mình vào từng nét bút, từng mảng màu.
Bộ tô màu tranh Minhwa được Học viện King Sejong - Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam chuẩn bị chu đáo cho mỗi học viên tham gia lớp học. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Từng nét bút cẩn thận thể hiện tâm tư và cảm xúc của các bạn học viên trên những bức tranh Minhwa mang đậm dấu ấn cá nhân. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Chúng mình cùng nhau khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa của Minhwa dưới sự dẫn dắt của cô giáo. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Tại ngày diễn ra sự kiện, phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội trò chuyện với bạn học viên Tô Trà My để lắng nghe cảm nhận về lớp học lần này: “Thông qua buổi học trải nghiệm vẽ tranh dân gian Hàn Quốc lần này, mình đã có khoảng thời gian thật ý nghĩa khi được trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp và chiều sâu của nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc. Đặc biệt, mình rất ấn tượng khi biết rằng mỗi chi tiết trong tranh đều mang ý nghĩa biểu tượng riêng, và việc tô màu giúp mình tĩnh tâm, tập trung, cảm thấy thư giãn hơn rất nhiều”.
Bạn Tô Trà My (bên trái) rạng rỡ chụp ảnh cùng cô giáo sau buổi học về văn hóa Minhwa đầy thú vị. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Còn đối với bản thân mình, có lẽ điều thú vị nhất, đúng như những gì cô giáo đã chia sẻ về sự cuốn hút đặc biệt của Minhwa, dù tất cả chúng mình đều đang tô màu cho cùng một mẫu tranh, nhưng mỗi tác phẩm lại mang một sắc thái riêng biệt. Có bức rực rỡ, tươi sáng, có bức lại trầm lắng, dịu dàng. Sự khác biệt tinh tế trong cách lựa chọn và pha trộn màu sắc, độ đậm nhạt của từng nét tô dường như phản ánh một phần nào đó tâm trạng và cảm xúc của người vẽ. Trong khoảnh khắc ấy, mỗi bức tranh Minhwa nhỏ bé đã trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn cá nhân của người tạo ra nó.
Các bạn học viên khoe thành quả sau một buổi chiều đắm mình trong thế giới sắc màu Minhwa. (Ảnh: Trần Huyền Phương)
Buổi học Minhwa tại Học viện King Sejong - KCC tại Việt Nam không chỉ là một trải nghiệm nghệ thuật đơn thuần mà còn là cơ hội để chúng mình hiểu sâu sắc hơn về một khía cạnh văn hóa độc đáo của Hàn Quốc. Từ những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi bức tranh đến niềm vui khi tự tay tạo ra một tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, tất cả đã tạo nên một kỷ niệm đẹp và ý nghĩa trong hành trình khám phá văn hóa Hàn Quốc của chúng mình. Nếu bạn có cơ hội, đừng ngần ngại tham gia những lớp học trải nghiệm văn hóa thú vị như thế này, mình chắc chắn bạn sẽ cũng có những khám phá bất ngờ khi trực tiếp trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.