Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 19/4 đã tổ chức một buổi định hướng dành cho học sinh, sinh viên đang chuẩn bị du học Hàn Quốc theo diện visa D2-2. (Ảnh: Trang facebook chính thức của Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc tại Việt Nam)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Tô Trà My
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, hiện có hơn 200.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học trên khắp cả nước, trong đó sinh viên Việt Nam chiếm tỷ lệ cao thứ hai. Hàn Quốc không chỉ nổi bật bởi nền giáo dục chất lượng cao mà còn thu hút du học sinh bởi chính sách học bổng hấp dẫn và môi trường sống hiện đại. Do đó, việc nắm bắt thông tin chính xác và cập nhật về chương trình học, học bổng cũng như thủ tục cần làm khi chuẩn bị đi du học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên có cái nhìn rõ ràng, thực tế hơn về con đường du học đại học tại Hàn Quốc, Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam đã tổ chức “Buổi định hướng du học hệ đại học (D2-2)” vào ngày 19/4 và thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ yêu thích nền giáo dục và văn hoá xứ Kim Chi.
Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam đã chuẩn bị màn hình trình chiếu cho buổi định hướng. (Ảnh: Tô Trà My)
Bánh kẹo được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho các bạn đến tham dự buổi định hướng. (Ảnh: Tô Trà My)
Trước khi bắt đầu buổi định hướng lần này, Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam đã tổ chức trò chơi hỏi đáp về văn hóa Hàn Quốc. Phóng viên danh dự của Korea.net đã tham gia trò chơi và may mắn nhận được phần quà. (Ảnh: Tô Trà My)
Tại buổi định hướng, Văn phòng đại diện Phòng Giáo dục Hàn Quốc đã mời đến hai khách mời qua hình thức trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ du học, cuộc sống sinh hoạt tại Hàn Quốc và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
1. Khách mời đầu tiên - Chị Nguyễn Thị Hà: Bí quyết xin học bổng thành công
Chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ về bí quyết xin học bổng thành công qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tô Trà My)
Chị Nguyễn Thị Hà tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Mở Hà Nội. Mặc dù đã biết tiếng Hàn cơ bản nhưng với mong muốn cải thiện phát âm và để khả năng nói tiếng Hàn trở thành thế mạnh nên đã đăng kí học lại tiếng Hàn từ cấp 1 đến cấp 6 tại Trường Đại học Seoul Sirip. Sau khi hoàn thành quá trình học tiếng Hàn, chị Hà đã nộp hồ sơ nhập học Cao học hệ Thạc sĩ vào Đại học nữ Sookmyung. Trong quá trình học Thạc sĩ tại trường, chị đã nhận được 3 loại học bổng là: Học bổng của Đại học nữ sinh Sookmyung, Học bổng dành cho trợ giảng và Học bổng của giáo sư.
Tại đây, chị Hà chia sẻ trước khi nộp hồ sơ, cần xác định rõ loại học bổng phù hợp với bản thân mình như học bổng chính phủ, học bổng trường hay của doanh nghiệp. Mình cũng nên tìm hiểu kỹ xem bậc học mình theo đuổi có được hỗ trợ học bổng hay không. Việc hiểu rõ mục tiêu học tập cá nhân giúp chị lựa chọn học bổng sát với định hướng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Đây là kinh nghiệm quý báu cho những bạn trẻ đang có ý định du học Hàn Quốc.
- Kinh nghiệm chuẩn bị làm sao để dành được học bổng
Để giành được học bổng, chị Hà đã bắt đầu chuẩn bị từ rất sớm với mục tiêu xây dựng một “bảng điểm đẹp”, bằng cấp loại tốt và sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết. Trong suốt quá trình học, chị đặc biệt chú trọng đến việc duy trì thành tích học tập ổn định ở từng môn, đồng thời quản lý thời gian hiệu quả và đảm bảo chất lượng cho mỗi bài kiểm tra. Chị cũng tự rèn luyện kỹ năng ghi chép bài giảng và luôn mạnh dạn đặt câu hỏi cho giáo sư khi chưa hiểu bài. Ngoài ra, chị tuân thủ nghiêm túc các quy định của nhà trường, coi đó là yếu tố quan trọng không kém điểm số. Nhờ sự nỗ lực và kỷ luật cao, chị đã giữ vững học bổng trong suốt thời gian du học tại Hàn Quốc.
- Lời khuyên cho các bạn đang chuẩn bị hành trang đi du học Hàn Quốc
Cuộc sống tại Hàn Quốc năng động, nhưng cũng đòi hỏi khả năng thích nghi cao. Việc sinh hoạt hợp lý giúp chị vừa học tốt vừa giữ sức khỏe. Đây là một phần quan trọng trong hành trình du học không thể bỏ qua.
Du học tại Hàn Quốc không chỉ là cơ hội mà còn đi kèm với nhiều thách thức. Sinh viên cần xác định rõ ngành học phù hợp với năng lực và mục tiêu cá nhân ngay từ đầu. Một trong những rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, nên việc nâng cao trình độ tiếng Hàn là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cần bổ sung kiến thức nền vững chắc để theo kịp chương trình học. Ngoài ra, việc học thêm các kỹ năng hỗ trợ như tin học văn phòng, kỹ năng làm việc nhóm hay thuyết trình cũng rất quan trọng. Sự chuẩn bị toàn diện sẽ giúp bạn vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt và thích nghi tốt hơn với môi trường học tập và làm việc tại Hàn Quốc.
2. Khách mời thứ hai - Chị Hồ Thị Thùy Dương: Kinh nghiệm xin việc sau khi tốt nghiệp tại Hàn Quốc
Chị Hồ Thị Thùy Dương chia sẻ về kinh nghiệm xin việc sau khi tốt nghiệp tại Hàn Quốc. (Ảnh: Tô Trà My)
Chị Hồ Thị Thùy Dương tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Hà Nội. Sau đó sang Hàn học tiếng tại Trường Đại học Seoul Sirip. Hoàn thành chương trình học tiếng xong chị tiếp tục học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Soongsil. Trong quá trình học Thạc sĩ chị nhận học bổng của trường và quỹ Chamrvit Group năm 2020. Ngoài ra chị còn có một số nghề tay trái giống như nhiều bạn học ngôn ngữ là phiên dịch tự do cho các hội nghị giao thương và còn có một blog cá nhân và một trang Tik Tok để chia sẻ về cuộc sống học tập và làm việc tại Hàn Quốc.
Trong quá trình theo học Thạc sĩ tại Đại học Soongsil, chị làm cộng tác viên MC tại KBS World Radio Vietnamese ngoài ra còn làm quản sinh người Việt tại văn phòng trường đại học Kyung Hee. Chị tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2021, công việc đầu tiên sau tốt nghiệp là làm trợ lý dự án cho một công ty ở Hàn. Hiện tại chị đang làm kĩ sư cầu nối trong ngành phần mềm tại FPT chi nhánh Hàn Quốc từ năm 2023 đến nay. Công việc chính là hỗ trợ quản lý dự án, hỗ trợ giao tiếp giữa khách Hàn và đội ngũ lập trình, các công việc đảm bảo cho các dự án chạy suôn sẻ, đây là công việc thứ hai sau khi tốt nghiệp.
- Tổng quan về tìm việc tại Hàn Quốc
Có những nhóm ngành phổ biến dành cho người Việt tại Hàn như biên phiên dịch Hàn - Việt, tiếp đến là nhóm ngành thương mại xuất nhập khẩu, quảng cáo y tế hoặc làm phiên dịch kiêm quảng cáo cho các bệnh viện thẩm mỹ, nha khoa và nhãn khoa. Hoặc trong nhóm ngành du lịch có thể làm hướng dẫn viên du lịch hoặc là lễ tân khách sạn. Nhóm ngành giáo dục có thể làm quản sinh ở các trường đại học hoặc làm phát triển các ứng dụng ngoại ngữ. Nhóm ngành công nghệ thông tin (IT) hoặc là chất bán dẫn có thể làm các công việc như lập trình viên hoặc là kỹ thuật viên hoặc là kỹ sư cầu nối.
Điều kiện để tìm việc tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp:
• Tốt nghiệp hoặc chuẩn bị tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng ở Hàn Quốc
• Chứng chỉ TOPIK
• Chứng chỉ hội nhập xã hội
• Chứng chỉ ngoại ngữ khác: Tiếng Anh, Trung, Nhật
• Chứng chỉ kỹ năng: Máy tính, tiếp thị truyền thông xã hội (SNS marketing), điều phối công việc (co-ordinator), y tế
• Chứng chỉ tham gia hoạt động tình nguyện
• Kinh nghiệm làm việc
• Khác (nếu có)
Ngoài ra, chị Dương còn chia sẻ để dễ dàng hơn khi đi xin việc tại Hàn thì một tấm bằng đại học “đẹp” thôi là chưa đủ. Chúng ta cần cho nhà tuyển dụng thấy ngoài năng lực học chứng ta còn có những năng lực nghề nghiệp khác nổi trội. Để chứng minh được những năng lực đó ta có thể tham khảo một số chứng chỉ nghiệp vụ phổ biến sau đây:
• Tin học văn phòng: 컴퓨터 활용능력자격증
• SNS marketing: SNS마케팅전문가 자격증
• Phiên dịch pháp lý: 법정 통번역인 인증 평가
• Phiên dịch viên du lịch: 관광통역안내사
• Phiên dịch y tế: 의료통역능력검정시험
Các kênh tìm việc tại Hàn:
Khi đã tìm được công việc phù hợp với bản thân, trước khi đi làm thêm thì phải đăng kí trên Cục Xuất nhập cảnh, hồ sơ đăng kí đi làm thêm bao gồm: hộ chiếu, chứng minh thư người nước ngoài, giấy chứng nhận thành tích học tập, giấy đăng kí làm thêm, các giấy tờ của công ty như: đăng kí kinh doanh, hợp đồng lao động ghi rõ mức lương và nội dung làm việc, chứng chỉ Topik. Danh sách hồ sơ nêu trên có thể thay đổi theo thời điểm nên trước khi làm hồ sơ thì nên gọi lên Trung tâm Hướng dẫn Tổng hợp cho Người nước ngoài (외국인종합안내센터) số 1345 để xin danh sách hồ sơ cẩn chuẩn bị mới nhất. Sau khi xin xong thì Cục Xuất nhập cảnh sẽ dán cho dấu cho phép làm thêm ở trên hộ chiếu. Chúng ta có thể chọn đăng kí online để tiết kiệm thời gian, tuy nghiên nếu đăng kí online thì không có giấy dán trên hộ chiếu.
Về các bí quyết cân bằng học tập và làm việc, chị Dương chia sẻ: Chọn công việc phù hợp với khả năng & sức khỏe, ưu tiên gần nhà, tránh làm quá khuya hoặc làm ca dài. Khi đi làm thêm bắt buộc khai báo trên Cục Xuất nhập cảnh; lập thời gian biểu rõ ràng; quản lý bằng sổ tay; dành thời gian chăm sóc bản thân nghỉ ngơi; tham gia các hoạt động cộng đồng; mở rộng các mối quan hệ xã hội; tích lũy giấy chứng nhận để làm đẹp hồ sơ khi đi xin việc cũng như tích lũy được kinh nghiệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và còn một điều rất quan trọng là giúp đỡ cộng đồng từ những việc nhỏ nhất như chia sẻ những kiến thức mà bản thân mình biết cho những người xung quanh.
- Bài học từ kinh nghiệm
Chị Dương chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân: Sau khi tốt nghiệp chị làm ngành pin 2 năm sau đó chuyển sang ngành IT. Khi đó chị là người mới hoàn toàn chưa biết gì về IT và phải học kiến thức IT từ đầu. Kiến thức ngành pin của chị từ trước đó cũng không thể dùng được nữa. Nếu có kiến thức về IT từ trước thì chị đã có thể thăng tiến trong sự nghiệp nhanh hơn. Tại đây chị Dương đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên đang chuẩn bị đi du học là nên xác định con đường sự nghiệp mình muốn theo đuổi ngay từ khi học đại học hoặc cao học để tích lũy kinh nghiệm và nghiệp vụ từ sớm thì sau này cơ hội thăng tiến trong công việc sẽ nhiều hơn.
Ngoài những thông tin liên quan đến kinh nghiệm xin việc tại Hàn Quốc, chị Dương cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về môi trường làm việc tại xứ sở Kim Chi. Chị đặc biệt nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc học tốt, các bạn trẻ nên chủ động tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc để dễ dàng thích nghi và phát triển sau khi tốt nghiệp.
“Hiểu rõ văn hóa tiền bối - hậu bối, biết cư xử tinh tế nơi công sở hay nắm được quy tắc trong các buổi liên hoan công ty không chỉ giúp bạn hòa nhập nhanh mà còn tạo thiện cảm với đồng nghiệp Hàn Quốc”, chị Dương chia sẻ.
Buổi hội thảo mang đến vô vàn những thông tin bổ ích, ai cũng chăm chú lắng nghe và ghi chép. Mình tin chắc rằng các bạn đã phần nào hình dung ra được hướng đi cho riêng mình trước khi bước ra “biển lớn”. Còn đối với bản thân mình, tham gia buổi hội thảo không chỉ giúp mình có thêm kiến thức rõ ràng về lộ trình du học Hàn Quốc mà còn giúp mình cảm thấy được tiếp thêm động lực để biến ước mơ thành hiện thực.
Mình đặc biệt ấn tượng với sự chuẩn bị kĩ càng, sự chân thật trong chia sẻ của các khách mời, và cả những lời khuyên rất thực tế như việc tìm hiểu trước văn hóa công sở Hàn Quốc. Sau hội thảo, mình cảm thấy định hướng của bản thân trở nên rõ ràng hơn, mình biết mình cần làm gì, chuẩn bị gì và cũng thấy yên tâm hơn vì không còn phải “tự bơi” trong biển thông tin nữa. Đây thật sự là một trải nghiệm đáng giá và mình tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hôm nay, hành trình du học sẽ không còn quá xa vời.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.