Phóng viên danh dự

09.05.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Việt Nam và Hàn Quốc đều dành những ngày đặc biệt trong năm để tôn vinh trẻ em, đó chính là Ngày Thiếu Nhi. (Ảnh: Canva, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)

Việt Nam và Hàn Quốc đều dành những ngày đặc biệt trong năm để tôn vinh trẻ em, đó chính là Ngày Thiếu Nhi. (Ảnh: Canva, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh

Tuổi thơ là một phần ký ức không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Trên hành trình lớn lên của mỗi người, những dịp lễ dành cho thiếu nhi không chỉ là một ngày vui chơi, nhận quà, mà còn là cột mốc lưu giữ kỷ niệm, đánh dấu tình yêu thương mà xã hội dành cho thế hệ tương lai.

Là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống gia đình và giáo dục, Việt Nam và Hàn Quốc đều dành những ngày đặc biệt trong năm để tôn vinh trẻ em, đó chính là Ngày Thiếu Nhi. Ngày Thiếu nhi Hàn Quốc (tiếng Hàn: 어린이날) được tổ chức vào ngày 5/5, trong khi đó tại Việt Nam, Ngày Thiếu Nhi được tổ chức vào ngày 1/6 hàng năm. Dù khác biệt về thời gian nhưng những ngày lễ này đều hướng đến một thông điệp: “Trẻ em là mầm non của đất nước, là chủ nhân của tương lai”.

Vậy tại Việt Nam và Hàn Quốc, Ngày Thiếu nhi được tổ chức như thế nào? Có những điểm giống nhau và khác biệt gì? Hãy cùng mình tìm hiểu để thấy được sự phong phú trong cách mỗi dân tộc thể hiện tình yêu thương đối với trẻ em.

Tại Hàn Quốc, Ngày Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 5/5 hàng năm. (Ảnh: Canva, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)

Tại Hàn Quốc, Ngày Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 5/5 hàng năm. (Ảnh: Canva, Biên tập: Nguyễn Hà Linh)



Tại Hàn Quốc, Tết Thiếu nhi hay còn gọi là Ngày Thiếu nhi, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 hàng năm và được công nhận là một ngày nghỉ lễ chính thức. Nhưng ít ai biết rằng, ngày lễ này đã trải qua một chặng đường dài để trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa Hàn Quốc như hiện nay.

Theo mình tìm hiểu, ngày lễ này bắt nguồn từ năm 1923, do nhà hoạt động xã hội Bang Jung-hwan khởi xướng nhằm nhấn mạnh nâng cao nhận thức về hạnh phúc, cuộc sống cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Ông tin rằng trẻ em không phải là “tài sản” của người lớn mà là những cá thể có quyền được tôn trọng và phát triển độc lập.

Ông Bang Jung-hwan cũng là người đầu tiên ở Hàn Quốc sử dụng khái niệm “어린이” (tiếng Việt: trẻ em) thay cho từ “아이” (hàm ý trẻ nhỏ, yếu ớt), nhằm thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Nhật Bản đàn áp và xâm chiếm Hàn Quốc, do chính quyền thực dân Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mang tính dân tộc nên Ngày Thiếu Nhi đã nhiều lần bị đàn áp và gián đoạn. Phải đến sau khi Hàn Quốc giành được độc lập (năm 1945), Ngày Thiếu nhi mới tiếp tục được tổ chức và chính thức được chính phủ công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia để cho phép học sinh, phụ huynh và công chức được nghỉ làm để tổ chức các hoạt động cùng gia đình.

Ngày Thiếu Nhi 5/5 hàng năm được Chính phủ Hàn Quốc quy định là ngày nghỉ lễ toàn quốc. (Ảnh: Korea.net)

Ngày Thiếu Nhi 5/5 hàng năm được Chính phủ Hàn Quốc quy định là ngày nghỉ lễ toàn quốc. (Ảnh: Korea.net)



Từ đó đến nay, ngày 5/5 hàng năm trở thành một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm tại Hàn Quốc, bên cạnh Tết Seollal (Tết Âm lịch) và Chuseok (Tết Trung thu). Truyền thông, giáo dục, chính sách xã hội và văn hóa đại chúng đều đồng loạt hướng về trẻ em trong ngày này, thể hiện sự cam kết của cả xã hội trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ và khuyến khích sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Vào dịp này, các gia đình Hàn Quốc thường dành cả ngày để đưa con đi chơi, đến công viên, viện bảo tàng hoặc tham gia các sự kiện cộng đồng như lễ hội văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Các cơ quan nhà nước và phương tiện truyền thông cũng đồng loạt tổ chức chương trình dành riêng cho thiếu nhi. Thậm chí, nhiều khu vui chơi còn miễn phí vé vào cổng cho trẻ nhỏ trong ngày đặc biệt này. Với người Hàn, đây không chỉ là một ngày để vui chơi, mà còn là dịp để khuyến khích sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em.

Giống với Hàn Quốc, Việt Nam cũng dành riêng một ngày trong năm để tôn vinh trẻ em. Ở Việt Nam, Tết Thiếu nhi - hay Ngày Quốc tế Thiếu nhi - được tổ chức vào ngày 1 tháng 6, theo sáng kiến của Hội nghị Quốc tế Bảo vệ Trẻ em diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1949. Ngày lễ này được chính thức tổ chức tại Việt Nam từ năm 1950, trong bối cảnh chiến tranh, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng trẻ em nhân ngày 1/6, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ măng non.

Tại Việt Nam, vào ngày 1/6 hàng năm, các cơ quan, tổ chức, trường học tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn dành cho trẻ em. (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)

Tại Việt Nam, vào ngày 1/6 hàng năm, các cơ quan, tổ chức, trường học tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn dành cho trẻ em. (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)



Mặc dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức, nhưng Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam vẫn được tổ chức rộng rãi, có ý nghĩa với hàng triệu em nhỏ trên cả nước. Tinh thần của ngày này luôn được thể hiện rõ rệt trong các hoạt động tại trường học, khu dân cư và các tổ chức xã hội. Nhiều trường tổ chức văn nghệ, thi vẽ tranh, phát quà cho học sinh, trong khi các bậc phụ huynh tranh thủ đưa con đi chơi, xem phim hoặc mua sắm. Đặc biệt, tại các vùng sâu vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được chính quyền địa phương quan tâm, tặng quà để động viên tinh thần và khích lệ các em vượt khó học tốt. Tết Thiếu nhi ở Việt Nam gắn liền với tinh thần cộng đồng và sự quan tâm chia sẻ giữa người lớn và trẻ nhỏ.

Điểm tương đồng lớn nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Ngày Thiếu Nhi chính là tinh thần yêu thương, tôn trọng và bảo vệ trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước. Ngày Thiếu nhi không chỉ đơn thuần là một dịp lễ hội, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người lớn về trách nhiệm của mình trong việc nuôi dưỡng và định hình thế hệ tương lai. Trẻ em cần được lắng nghe, được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, và trên hết, được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Thông qua những hoạt động ý nghĩa trong ngày này, cả hai quốc gia đều thể hiện rõ quan điểm: trẻ em không chỉ là niềm vui của gia đình hôm nay, mà còn là tương lai của dân tộc ngày mai.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn, giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn tồn tại những điểm khác biệt rõ ràng trong cách tổ chức Ngày Thiếu nhi, cụ thể như sau:

- Về thời gian tổ chức: Hàn Quốc tổ chức Tết Thiếu nhi vào ngày 5/5, còn Việt Nam tổ chức vào ngày 1/6 theo Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

- Về tính chất ngày lễ: Ở Hàn Quốc, Ngày Thiếu Nhi được chính phủ Hàn Quốc quy định là ngày nghỉ lễ chính thức, cả trẻ em và người lớn đều được nghỉ để dành thời gian cho gia đình. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày 1/6 không phải là ngày nghỉ toàn dân, nên các hoạt động thường tập trung vào buổi tối hoặc cuối tuần.

- Về hình thức tổ chức: Tại Hàn Quốc, hoạt động thường chủ yếu mang tính gia đình - các bậc cha mẹ chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động vui chơi, giải trí cho con. Còn ở Việt Nam, các hoạt động lạithường thiên về tính tập thể và cộng đồng, được tổ chức bởi nhà trường, đoàn thể, chính quyền địa phương.

Dù có những điểm khác biệt trong ngày Thiếu Nhi giữa Hàn Quốc và Việt Nam nhưng điểm chung lớn nhất mà chúng ta đều có thể nhìn thấy được rằng cả hai quốc gia đều xem đây là ngày để xã hội cùng nhau nhìn lại trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thế hệ tương lai. Mỗi hoạt động trong ngày này - từ những buổi vui chơi giản dị đến những chính sách giáo dục và phúc lợi - đều thể hiện rõ quan điểm của xã hội về vai trò quan trọng của trẻ em trong sự phát triển đất nước. Việc so sánh giữa hai quốc gia không chỉ giúp hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng, mà còn là cơ hội để học hỏi, hoàn thiện các hoạt động vì trẻ em một cách toàn diện hơn trong tương lai.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.