Tháng 5 ở Hàn Quốc thường được gọi là “Tháng Gia đình” với nhiều ngày lễ kỷ niệm như Ngày Thiếu nhi (ngày 5/5), Ngày Cha mẹ (ngày 8/5) và Ngày Nhà giáo (ngày 15/5),... (Ảnh: Pexels)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Lê Thị Huệ Nhi
Gia đình chính là nền tảng của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, đùm bọc và tạo nên tính cách của mỗi con người. Là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng trong văn hóa truyền thống, Việt Nam và Hàn Quốc đều luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình trong quá trình dựng xây đất nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đặc biệt kỷ niệm những ngày lễ trong năm nhằm khuyến khích người dân dành thời gian cho gia đình. Các sự kiện diễn ra ở hai quốc gia này có nhiều điểm tương đồng về thông điệp truyền tải cũng như cách tổ chức, nhưng mỗi quốc gia vẫn duy trì những nét văn hóa được khắc họa tinh tế qua từng hoạt động, nghi thức riêng biệt của mỗi quốc gia.
Là một phóng viên danh dự dành sự yêu thích rất lớn đối với Hàn Quốc và đang sinh sống tại Việt Nam, mình rất vui khi có cơ hội được chia sẻ những điểm khác biệt về các ngày lễ ấy tới với bạn bè quốc tế. Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ mang đến nhiều góc nhìn mới về cả hai quốc gia.
Tháng Gia đình ở Hàn Quốc và ngày gia đình ở Việt Nam - Một tháng và mười hai tháng
Tại Hàn Quốc, tháng 5 được mệnh danh là “Tháng Gia đình” với chuỗi ngày lễ chính nối tiếp nhau trong một tháng như Ngày Thiếu nhi (5/5), Ngày Cha mẹ (8/5), Ngày Nhà giáo (15/5), Ngày Thành nhân (Thứ 2 tuần thứ ba mỗi tháng 5) và Ngày Vợ chồng (21/5). Tại Việt Nam có một chút sự khác biệt bởi các ngày lễ chính sẽ được tổ chức rải rác trong xuyên suốt mười hai tháng của năm.
Ngày Thiếu nhi
Ngày Thiếu nhi tại Hàn Quốc tổ chức vào ngày 5/5, được coi là một ngày nghỉ chính thức, hầu hết các trường học và cơ quan hành chính đóng cửa để các thành viên trong gia đình có thời gian dành cho con em của họ.
Vào dịp lễ này, trẻ em sẽ nhận được các món quà bất ngờ từ cha mẹ, người thân và người lớn xung quanh. Đây là dịp mà cả xã hội đều hướng tới những mầm non của quốc gia và các em nhỏ có thể tham gia những hoạt động văn hóa được tổ chức ở khắp mọi nơi từ công viên, trung tâm văn hóa, viện bảo tàng, cố cung,... Hầu hết các hoạt động này được tổ chức miễn phí cho các em nhỏ nhằm tạo nên sân chơi bổ ích cho các em rèn luyện cả trí tuệ lẫn thể lực và phát triển các kĩ năng mềm, đồng thời những chương trình thiếu nhi cũng được phát sóng xuyên suốt dịp lễ.
Mặc dù thời gian tổ chức Ngày Thiếu nhi khác nhau ở Hàn Quốc và Việt Nam nhưng cả hai quốc gia đều chuẩn bị nhiều chương trình, sự kiện khác nhau dành cho trẻ em. (Ảnh: Yonhap News)
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Ngày Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 1/6, cùng chung với Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại một số nước trên thế giới. Dù không được coi là một ngày nghỉ chính thức nhưng Ngày Quốc tế Thiếu nhi vẫn là một trong những ngày lễ lớn, được hưởng ứng nhiệt tình trên toàn quốc; các hoạt động vui chơi dành riêng cho trẻ em được tổ chức tại Việt Nam cũng có sự tương đồng với Hàn Quốc.
Mình đã có cơ hội được phỏng vấn với chị Nguyễn Anh Thư - hiện là du học sinh Việt Nam tại đại học Chonnam, thành phố Gwangju. Chia sẻ về sự khác nhau giữa Ngày Thiếu nhi tại Việt Nam và Hàn Quốc, chị đã kể một kỉ niệm rất đặc biệt: “Vào Ngày Thiếu Nhi trong năm đầu tiên mình đặt chân đến Hàn Quốc, mình đã quên mất là được nghỉ học.Vừa thức dậy là mình vội vã sửa soạn đến trường luôn và cho đến tận khi bước ra khỏi cửa chung cư, bác hàng xóm nhà bên đã hỏi mình rằng ngày nghỉ mà đi đâu sớm như thế, mình mới chợt nhớ ra hôm nay là ngày nghỉ lễ mà. Mọi năm Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam vẫn luôn đến trường nên đã trở thành thói quen của mình rồi”.
Ngoài ra, chị Thư cũng chia sẻ thêm rằng: “Mình cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy hàng loạt ngày lễ kỷ niệm được tổ chức trong tháng 5 nhưng nhờ đó tháng năm đầu tiên của mình tại Hàn Quốc luôn vui vẻ, náo nhiệt chứ không hề buồn một chút nào”.
Ngày Cha mẹ
Trước đây, ngày 8/5 là Ngày của Mẹ tại Hàn Quốc nhưng vào năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc đã đổi tên ngày này trở thành Ngày Cha mẹ (Eobeoinal) nhằm tôn vinh và tri ân bậc sinh thành. Tại Việt Nam, cha và mẹ có những ngày lễ riêng như Ngày của Cha (Chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng 6) và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) dành cho mẹ. Tuy nhiên, ngày lễ chính để tôn vinh cả cha lẫn mẹ phổ biến nhất là Lễ Vu Lan (ngày 15/7 âm lịch hàng năm). Ở cả hai quốc gia, ngày lễ dành cho cha mẹ đều không phải ngày nghỉ chính thức.
Truyền thống về Ngày Cha Mẹ ở Hàn Quốc và Việt Nam đều được người dân hai nước giáo dục tới thế hệ mai sau từ khi còn nhỏ, dù là trẻ em mẫu giáo hay người đã trưởng thành, ai cũng dành trọn tình cảm cho cha mẹ trong ngày đặc biệt này. Ở cả hai quốc gia, người trưởng thành sẽ tặng cha mẹ những món quà thiết thực như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ dùng và quần áo hay đơn giản là dẫn cha mẹ đi ăn một bữa thật ngon. Đối với các em nhỏ, giáo viên sẽ hướng dẫn các em làm thiệp, gấp hoa, gói những món quà nhỏ và cách trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội ở mỗi quận, huyện cũng tổ chức các chuyến thăm hỏi thiện nguyện tại các viện dưỡng lão, an ủi và động viên những người già neo đơn. Ngoài ra, các chương trình văn nghệ, trò chơi truyền thống hay các cuộc thi dân gian dành cho người cao tuổi cũng được tổ chức ở khắp mọi nơi.
Dù vậy vẫn sẽ có một chút sự khác biệt trong văn hóa. Con cái tại Hàn Quốc sẽ dành tặng cha mẹ những bó hoa cẩm chướng đi kèm những lời chúc tốt đẹp nhất được gửi gắm qua mỗi tấm thiệp nhỏ. Các bông hoa cẩm chướng nhỏ cũng được họ cài lên ngực áo của cha mẹ mình. Tại Việt Nam, con cái sẽ dùng hoa hồng để tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ trong Lễ Vu Lan, họ sẽ cài bông hoa đó lên chính ngực áo của mình. Người dân thường sẽ đi đến các ngôi chùa để dâng hoa, thả hoa đăng và cầu nguyện những điều may mắn cho cha mẹ.
Mình thấy rằng dù xuất phát điểm về thời gian và nghi thức có đôi chút khác biệt nhưng ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, các ngày lễ dành cho cha mẹ ở hai quốc gia đều phản ánh một truyền thống tốt đẹp về tình mẫu tử, lòng hiếu kính và sự tri ân chân thành của con cái dành cho đấng sinh thành.
Một em nhỏ tặng hoa cẩm chướng cho mẹ vào Ngày Cha mẹ (8/5) tại Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap News)
Hình ảnh những bông hồng cài áo dành để tặng cho người dân đến chùa vào Lễ Vu Lan tại chùa Long Hưng, Việt Nam. (Ảnh: Hson Studio)
Ngày Nhà giáo
Ngày Nhà giáo ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ sự kiện nhân ngày Chữ thập đỏ thế giới 8/5/1958, một nhóm thanh niên Hàn Quốc đã tổ chức sự kiện tặng quà tri ân và giúp đỡ các giáo viên gặp khó khăn, đã về hưu hoặc đang bị bệnh. Năm 1965, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 - ngày sinh của Vua Sejong (vị vua thứ tư của triều đại Joseon, đã sáng tạo ra bảng chữ cái Hangeul) làm ngày lễ quốc gia để tôn vinh và tri ân các nhà giáo.
Cứ vào ngày 15/5 hàng năm, các trường học ở Hàn Quốc lại nhộn nhịp các hoạt động tri ân thầy cô giáo. Vào ngày này, các lớp học thường được kết thúc sớm hơn dự kiến và thay vào đó tổ chức các sự kiện tri ân. Học sinh thường tặng thầy cô những đóa hoa cẩm chướng như một món quà dành tặng cho người cha, người mẹ thứ hai của mình. Bên cạnh hoa cẩm chướng, nhiều học sinh còn tặng thầy cô giáo những tấm thiệp, thư cảm ơn và món quà nhỏ tự làm, thậm chí là những món ăn tự tay nấu.
Hình ảnh một học sinh nhỏ tuổi đang trang trí bưu thiếp dành tặng giáo viên nhân Ngày Nhà giáo (15/5) tại trường tiểu học Gangnam, thành phố Ulsan, Hàn Quốc. (Ảnh: Trang web chính thức của Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)
Ngày Nhà giáo tại Việt Nam được tổ chức gần cuối năm, vào dịp 20/11 theo quyết định số 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 28/9/1982. Có một chút sự khác biệt trong cách tặng hoa và kỷ niệm giữa hai quốc gia bởi học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tặng mọi loại hoa cho giáo viên của mình. Đặc biệt trong quá trình học tập tại Việt Nam, có một điều mà mình rất ngóng chờ mỗi ngày 20/11 đó là những buổi liên hoan bất ngờ mà học sinh chúng mình tổ chức cho các thầy cô. Ở riêng mỗi lớp, học sinh sẽ tự mình chuẩn bị một buổi tiệc nhỏ dành cho thầy cô mà không để họ biết được, buổi tiệc thường sẽ có bánh kem, các tiết mục đàn hát và mini game.
Tại cả hai quốc gia, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các buổi văn nghệ và thi đua khen thưởng được tổ chức tại khắp các trường tiểu học và trung học cơ sở nhằm hưởng ứng ngày lễ chính. Tại các trường đại học, cao đẳng, những sự kiện lớn và các buổi trao tặng danh hiệu dành cho giảng viên trong nhiều lĩnh vực cũng được tổ chức tổ chức thường xuyên. Nhiều trường học còn tổ chức cho thầy cô những chuyến đi xa như một món quà tri ân thiết thực. Không chỉ vậy, để tri ân các thế hệ nhà giáo, nhiều trường học tổ chức thăm hỏi các thầy cô giáo đã nghỉ hưu hoặc đang đau ốm, từ đó hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và tinh thần.
Lễ trưởng thành vào Ngày Thành nhân
Ra đời từ triều đại Goryeo, Lễ trưởng thành ở Hàn Quốc từng được xem là một nghi lễ có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả hôn lễ. Ngày lễ đánh dấu cột mốc tuổi 20 của thanh niên trên toàn quốc, đây là khoảnh khắc trọng đại, đánh dấu sự trưởng thành thực sự của một con người - không chỉ về thể chất, mà còn về trách nhiệm với gia đình, xã hội và bản thân. Vào ngày này, những nam nữ thanh niên mặc trang phục Hanbok truyền thống. Nam đội nón Gat và nữ thì cài trâm Binyeo, toát lên vẻ trang nghiêm và tôn kính trong từng cử chỉ, họ cũng sẽ được gọi bằng cả họ tên trong suốt buổi lễ.
Lễ trưởng thành tại Hàn Quốc gồm ba nghi thức chính: Cúi chào, uống ly rượu đầu tiên và thăm bàn thờ tổ tiên. Mỗi nghi thức đều mang một ý nghĩa quan trọng. Thanh niên cũng sẽ được tặng những món quà như những bó hoa hồng, nước hoa,...
Lễ trưởng thành diễn ra ở Làng Hanok Namsangol, quận Jung-gu (Seoul) vào Ngày Thành nhân (Thứ 2 tuần thứ ba mỗi tháng 5). (Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul)
Tại Việt Nam, thanh thiếu niên được công nhận đủ tuổi trưởng thành khi tròn 18 tuổi theo tuổi quốc tế và lễ trưởng thành không được quy định như một ngày lễ. Dù vậy, tại các trường cấp 3, lễ trưởng thành vẫn được tổ chức dưới hình thức một buổi lễ nhỏ trong toàn trường. Buổi lễ như một cột mốc đánh dấu cho sự kết thúc của quãng thời gian còn là học sinh của mỗi thanh thiếu niên và từng trường học sẽ có cách tổ chức khác nhau. Vào ngày lễ này, học sinh có thể tổ chức văn nghệ, cùng nhau chạy nhảy, nô đùa, ném bóng nước vào nhau, chơi các trò chơi và chụp ảnh cùng các thầy cô.
Học sinh vui chơi trong lễ trưởng thành tại trường THPT Hàm Rồng, Việt Nam. Đây là ngôi trường mà mình đã từng theo học. (Ảnh: Hamrong Media)
Ngày Vợ chồng
Từ năm 2007, Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định chọn ngày 21/5 hàng năm là Ngày Vợ chồng. Số 21 ở đây mang ý nghĩa “2 người hòa làm 1”.
Tại Việt Nam, Ngày Vợ chồng được gộp chung vào Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Ngày Gia đình tại Việt Nam được chính thức công nhận theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc xây dựng xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Tại cả hai quốc gia, cách kỷ niệm ngày lễ dành cho vợ chồng đều có nét tương đồng. Đây là ngày để các cặp vợ chồng cùng nhìn lại chặng hành trình đã qua cùng người bạn đời của mình và trân trọng hôn nhân hơn. Vào ngày này, các cặp vợ chồng thường sẽ dành thời gian hẹn hò cùng nhau trong suốt một ngày, dành tặng cho nhau những món quà và tổ chức các buổi kỉ niệm nhỏ trong gia đình. Một số gia đình sẽ kỷ niệm ngày này cùng con của họ.
Cảm nhận cá nhân
Qua chuỗi ngày lễ đầy ý nghĩa, mình có thể thấy được rằng người dân Hàn Quốc luôn nhắc nhau gìn giữ những giá trị bền vững - đặc biệt là tình cảm gia đình luôn hiện diện trong từng nhịp sống. Việc tổ chức các ngày lễ này không chỉ thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa gia đình mà còn lan tỏa tinh thần tri ân, kết nối giữa các thế hệ.
Các ngày lễ hướng đến gia đình ở cả hai quốc gia đều thể hiện sự quan tâm lớn từ chính phủ và cộng đồng đối với nền tảng gia đình. Đây không chỉ là những sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc, mà còn là dịp để mỗi cá nhân nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình, dành thời gian bên nhau và lưu giữ những kỷ niệm đẹp.
Là người yêu văn hóa Hàn Quốc và cũng lớn lên trong những giá trị gia đình Việt Nam, mình cảm thấy ấm lòng khi nhận ra rằng, dù khác biệt về quốc gia hay hình thức tổ chức, cả hai dân tộc đều đề cao vai trò của gia đình theo những cách rất riêng. Việc tìm hiểu về sự giống và khác nhau giữa các ngày lễ về gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam giúp mình không chỉ hiểu sâu hơn về văn hóa xứ Kim Chi mà còn thêm trân trọng những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.