Phóng viên danh dự

27.06.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Chương trình giao lưu với nhà văn Jeon Seong-tae tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đã thu hút nhiều người tham dự. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Chương trình giao lưu với nhà văn Jeon Seong-tae tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đã thu hút nhiều người tham dự. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Vào ngày 21 tháng 6 năm 2025, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM), đã diễn ra buổi giao lưu đặc biệt với nhà văn Jeon Seong-tae - một trong những cây bút hiện thực tiêu biểu của văn học Hàn Quốc đương đại.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Khóa học Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2025, do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp cùng Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea) tổ chức. Tại đây, người tham dự không chỉ được lắng nghe những câu chuyện hậu trường đằng sau tập truyện “Bình yên nơi này” (tiếng Hàn: 여기는 괜찮아요), mà còn cảm nhận được nhịp cầu văn chương đang ngày một bắc gần giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Nhà văn Jeon Seong-tae, tác giả tập truyện “Bình yên nơi này” (tiếng Hàn: 여기는 괜찮아요), người từng nhận Giải Văn học Yi Hyo-seok - giải thưởng dành cho những truyện ngắn trữ tình với văn phong đẹp, giàu tính nhân văn. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Nhà văn Jeon Seong-tae, tác giả tập truyện “Bình yên nơi này” (tiếng Hàn: 여기는 괜찮아요), người từng nhận Giải Văn học Yi Hyo-seok - giải thưởng dành cho những truyện ngắn trữ tình với văn phong đẹp, giàu tính nhân văn. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Hành trình văn chương vượt biên giới

Sinh năm 1969 tại huyện Goheung-gun, tỉnh Jeollanam-do - một vùng đất ven biển yên bình, nhà văn Jeon Seong-tae là người khắc họa những “ranh giới vô hình” trong xã hội bằng một giọng văn lặng lẽ nhưng thấm sâu. Ông tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Sáng tác Văn học tại Trường Đại học Chung-ang, và từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải Văn học Shin Dong-yup (năm 2000), Giải Tiểu thuyết Violet (năm 2009), Giải Văn học Yi Hyo-seok (năm 2015),...

Những tác phẩm của ông - đặc biệt là “Bình yên nơi này” - đi sâu vào đời sống của những con người bị gạt ra bên lề xã hội, chạm đến nỗi đau tập thể như đại dịch Covid-19, vụ chìm phà Sewol hay chia cắt Bán đảo Triều Tiên. Nhưng thay vì bi lụy, ông chọn cách viết bình thản, để những tổn thương từ từ được xoa dịu qua từng trang viết. Đó cũng là lý do vì sao tập truyện này được chọn làm giáo trình chính thức trong khóa học năm nay.

Giao lưu và ký ức 30 năm với Việt Nam

Trở lại Việt Nam sau gần 30 năm, nhà văn Jeon không giấu được xúc động. Ông kể rằng chuyến đi đầu tiên năm 1997 cùng đoàn “Cây bút trẻ tìm hiểu về Việt Nam” là lần đầu ông xuất ngoại. Hành trình dọc theo dòng sông Mê Kông, ghé qua TP.HCM, Nha Trang đã để lại trong ông nhiều dư vị. Từ một Việt Nam từng hiện lên trong phim ảnh Hollywood như “đối thủ chiến tranh”, ông bất ngờ khi gặp những con người thân thiện, bao dung, mang trong mình ánh nhìn hướng tới tương lai thay vì bị trói buộc bởi quá khứ.

Chuyến đi đó đã khiến ông nhận ra rằng: văn học không chỉ để viết về mình, mà còn là công cụ để hiểu và hóa giải những khoảng cách văn hóa - chính trị giữa các dân tộc. Sau chuyến thăm ấy, ông bắt đầu đọc văn học Việt Nam và bị cuốn hút bởi sự chân thực, giản dị nhưng giàu sức gợi.

TS.Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đại diện Ban tổ chức trao tặng hoa và quà kỉ niệm tới nhà văn Jeon Seong-tae. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

TS.Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đại diện Ban tổ chức trao tặng hoa và quà kỉ niệm tới nhà văn Jeon Seong-tae. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Cảm hứng từ văn học Việt

“Tôi đã chạm vào nỗi buồn của Việt Nam - một nỗi buồn dịu dàng nhưng kiên cường”, nhà văn Jeon chia sẻ khi nói về lần đầu đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Ông cho biết, tác phẩm ấy đã trở thành tài liệu giảng dạy trong các lớp học văn học tại Hàn Quốc, như một minh chứng cho sức mạnh của văn chương hậu chiến.

Ông cũng dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho nhà văn Văn Lê - tác giả “Nếu anh còn được sống” , người đã dùng ngôn ngữ để ghi lại những thước phim chân thực về chiến tranh. Và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, với những “cánh đồng, bến đò, con người” miền Tây, đã khiến ông nhớ về quê hương mình - cũng là một vùng ven biển.

Những tác phẩm ấy - dù khác biệt về địa lý - lại có chung một mạch cảm xúc: ký ức, đau thương và sự hồi sinh.

Văn chương - Cánh cửa nối hiện thực và con người

Với nhà văn Jeon, văn học không tách rời đời sống. Ông không viết để truyền tải thông điệp cụ thể, mà viết để tự đối thoại, để đi tìm lời giải cho những câu hỏi không dễ trả lời. Đó là lý do các tác phẩm của ông luôn chất chứa nhiều lớp nghĩa - vừa là tiếng nói của tác giả, vừa là tấm gương phản chiếu xã hội.

Ông cho rằng: “Người Hàn Quốc hiện nay mang trong mình những mâu thuẫn - giữa hiện đại hóa và nỗi đau chia cắt, giữa tốc độ phát triển và sự mất mát văn hóa truyền thống”. Và văn học là nơi để con người dừng lại, soi rọi nội tâm mình giữa guồng quay ấy.

Khi văn chương cất lên thành lời

Một điểm nhấn lắng đọng của buổi giao lưu là khoảnh khắc nhà văn Jeon Seong-tae cùng các học viên khóa “Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2025” ngâm đọc và đối thoại qua bản dịch tác phẩm “Bình yên nơi này”.

Nhà văn Jeon Seong-tae cùng học viên khóa “Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2025” ngâm đọc tác phẩm. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Nhà văn Jeon Seong-tae cùng học viên khóa “Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2025” ngâm đọc tác phẩm. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Trong không gian ấm cúng của hội trường, giọng đọc trầm ấm của nhà văn vang lên - từng câu chữ Hàn Quốc mộc mạc, chậm rãi, chất chứa nỗi đau và sự dịu dàng. Ngay sau đó, các học viên lần lượt đọc lại đoạn văn bằng tiếng Việt - bản dịch do chính họ thực hiện trong suốt khóa học.

Sự chuyển dịch ấy không đơn thuần là ngôn ngữ, mà là sự truyền tải tinh thần, cảm xúc - thứ mà nhà văn gọi là “nhịp đập văn chương”.

Chuyện đời phía sau ngòi bút

Khán giả tại buổi giao lưu đã được nghe một câu chuyện đầy bất ngờ: nhà văn Jeon từng mơ làm phi công vũ trụ. Vì sống ở vùng quê, ông ít tiếp xúc với sách vở, đến khi lên chùa mới bắt đầu viết tiểu thuyết. Tình cờ đọc được một tập thư tình trong chiếc cặp của một người thầy giáo của mình - người đã gửi gắm tình yêu dang dở vào câu chữ - ông chợt nhận ra: ngôn ngữ có thể chữa lành.

“Từ khoảnh khắc ấy, tôi không còn muốn bay vào không gian, mà muốn lặn sâu vào tâm hồn con người”, ông nói. Và hành trình trở thành nhà văn bắt đầu từ đó - một cuộc lữ hành bằng chữ nghĩa.

Khán giả được giao lưu trực tiếp cùng nhà văn Jeon Seong-tae, cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm cũng như các thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Khán giả được giao lưu trực tiếp cùng nhà văn Jeon Seong-tae, cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm cũng như các thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Ý nghĩa của nhan đề “Bình yên nơi này”

Khi được hỏi về nhan đề tác phẩm, ông trả lời: “Tôi không cố gắng gán ghép một thông điệp. Mỗi câu chuyện là một tiến trình, và kết thúc chỉ là một điểm dừng - còn hành trình cảm xúc thì vẫn tiếp tục”. Cái tên “Bình yên nơi này” không mang tính khẳng định, mà là lời tự nhủ - rằng dù có tổn thương, dù có day dứt, con người vẫn có thể tìm thấy bình yên, nếu dũng cảm nhìn nhận và đối mặt.

Một trong những câu chuyện riêng tư nhất được ông chia sẻ là tác phẩm viết sau khi bố mẹ qua đời. Đó là cách ông tiễn biệt người thân - hông bằng nước mắt, mà bằng chữ viết. “Tôi muốn nhắn với họ rằng: ở thế giới bên này, con vẫn đang sống tốt”.

Nhà văn Jeon Seong-tae kí tặng sách và chụp ảnh kỉ niệm cùng khán giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Nhà văn Jeon Seong-tae kí tặng sách và chụp ảnh kỉ niệm cùng khán giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Văn chương - Nhịp cầu vượt thời gian và không gian

Buổi giao lưu khép lại bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt, nhưng những cảm xúc lắng đọng thì vẫn còn đó. Nhà văn Jeon Seong-tae đã không chỉ kể về mình, mà còn nói lên tiếng lòng của những con người từng tổn thương - nhưng vẫn vững bước về phía trước.

Cuộc gặp gỡ ấy là minh chứng cho sức mạnh của văn chương: vượt qua biên giới, ngôn ngữ, thời đại để kết nối con người với con người. Giữa Việt Nam và Hàn Quốc - hai quốc gia từng mang những ký ức chiến tranh - nay lại tìm thấy sự đồng cảm nơi con chữ.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.