Nhà văn Cho Chang-in và dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân đang chia sẻ về hành trình sáng tác và dịch thuật cuốn tiểu thuyết “Bố con cá gai” trong sự kiện giao lưu với độc giả được tổ chức tại Lotte Westlake ngày 9/3/2025. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng
Trong hành trình kết nối văn hóa giữa các quốc gia, văn học luôn giữ một vai trò đặc biệt - không chỉ là chiếc cầu ngôn ngữ, mà còn là nhịp nối cảm xúc, giúp độc giả khám phá tâm hồn, suy tư và giá trị sống của những dân tộc khác nhau. Tại Việt Nam, văn học Hàn Quốc ngày càng chiếm được tình cảm của đông đảo bạn đọc nhờ vào chiều sâu nội tâm, sự tinh tế trong cách thể hiện và những thông điệp đầy nhân văn về tình thân, cuộc sống và con người.
Phía sau hành trình lan tỏa ấy là những dịch giả - những người thầm lặng đứng sau con chữ để mang vẻ đẹp văn chương Hàn Quốc đến gần hơn với độc giả Việt Nam. Một trong những gương mặt tiêu biểu nhất trong số đó là dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân, người đã dành trọn tâm huyết cho dòng văn học Hàn Quốc.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Vân tiếp tục đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong hành trình dịch thuật của mình khi chính thức hoàn tất bản dịch phần 2 của tiểu thuyết “Bố con cá gai” - tác phẩm từng làm lay động hàng triệu trái tim không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở Việt Nam.
Trước đó, vào đầu năm nay, chị cùng với nhà văn Cho Chang-in đã có nhiều buổi giao lưu ấm cúng với độc giả yêu mến “Bố con cá gai”. Tại đây, độc giả đã cùng được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ chính tác giả về nguồn cảm hứng sáng tác, hành trình kéo dài suốt 25 năm của cuốn tiểu thuyết, cũng như những câu chuyện hậu trường đầy thú vị trong quá trình dịch thuật văn học. Buổi gặp mặt khi ấy cũng đã “tiết lộ” đôi chút thông tin về phần 2, khiến nhiều bạn đọc không khỏi mong chờ. Khi dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân chính thức thông báo bản dịch phần 2 đã hoàn tất, rất nhiều độc giả trẻ đã bày tỏ niềm vui và sự háo hức chờ đón ngày tác phẩm ra mắt.
Ấn tượng trước hành trình lặng thầm mà đầy đam mê của dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân đối với văn học Hàn Quốc, phóng viên danh dự Korea.net đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhằm lắng nghe những chia sẻ chân thật từ chính người dịch, về cảm xúc, trải nghiệm và câu chuyện phía sau mỗi bản dịch. Những tâm sự của chị không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình chuyển ngữ, mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh kết nối văn hóa thông qua ngôn từ.
PV: Xin chào chị Nguyễn Thị Thu Vân! Cảm ơn chị đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn độc quyền cùng phóng viên danh dự Korea.net. Trước tiên, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cho các bạn độc giả biết được không ạ?
Chào tất cả các bạn độc giả Korea.net, tôi là Nguyễn Thị Thu Vân, hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời tôi cũng là một nhà nghiên cứu về Nhân học và Hàn Quốc học, là thành viên của Hội Nhà văn Hà Nội và dịch giả văn học Hàn Quốc. Tôi chuyên nghiên cứu và viết về con người, văn hóa, gia đình và giới. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi dành nhiều thời gian cho hoạt động dịch thuật, với mong muốn đem những tác phẩm sâu sắc và đầy cảm xúc của văn học Hàn Quốc đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam.
Dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Từ khi nào chị bén duyên với văn học và thơ ca Hàn Quốc? Có gì cuốn hút chị đến vậy?
Tôi yêu thích và tìm hiểu về văn học Hàn Quốc từ khi còn là sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học cách đây hơn 20 năm. Nhưng có lẽ chính những năm tháng học tập và sinh sống tại Hàn Quốc đã khiến tôi thực sự “đắm chìm” trong thế giới văn chương nơi đây. Văn học Hàn Quốc cuốn hút tôi bởi chiều sâu tâm lý, sự giản dị mà tinh tế trong diễn đạt cảm xúc và cách mà các tác giả nhìn nhận con người, không lý tưởng hóa mà rất thật, rất “đời”.
Những năm tháng học tập và sinh sống tại Hàn Quốc đã khiến dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân thực sự “đắm chìm” trong thế giới văn học Hàn Quốc một cách tự nhiên. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Theo chị, văn học Hàn Quốc có những điểm gì đặc biệt khiến ngày càng được độc giả Việt Nam yêu thích và đón nhận?
Tôi nghĩ văn học Hàn Quốc gần gũi với tâm hồn người Việt bởi sự đồng cảm sâu sắc trong cách khắc họa những mối quan hệ gia đình, nỗi cô đơn, khát khao được sống là chính mình và hành trình vượt qua những tổn thương. Các tác phẩm như “Bố con cá gai” hay “Cô gà mái xổng chuồng” có thể khiến người đọc rơi nước mắt vì lối viết giản dị nhưng sâu sắc, chứa đựng nhiều bài học nhân sinh. Bên cạnh đó, sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng Hallyu cũng góp phần khơi dậy mối quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc, từ đó mở ra cơ hội để nhiều độc giả tìm đến văn học như một cách tiếp cận sâu sắc hơn với tâm hồn và đời sống của người Hàn.
PV: Chị là người đã có nhiều năm gắn bó với công việc dịch thuật văn học Hàn Quốc. Theo chị, trong hành trình phát triển của dòng văn học Hàn Quốc hiện đại, những thành tựu nào là đáng ghi nhận nhất?
Theo tôi, một trong những thành tựu lớn của văn học Hàn Quốc hiện đại là việc ngày càng nhiều tác phẩm không chỉ thành công trong nước mà còn lan tỏa đến độc giả toàn cầu. Sự kiện nhà văn Han Kang nhận giải Man Booker International Prize hay gần đây nhất là Giải Nobel Văn chương năm 2024 chính là dấu mốc khẳng định tầm vóc và chiều sâu của văn học Hàn Quốc. Các tác phẩm không chỉ gây ấn tượng bởi nội dung mà còn bởi phong cách viết giàu hình ảnh, ám ảnh và đầy chất triết lý nhân sinh.
PV: Trong số các tác phẩm văn học Hàn Quốc mà chị đã chuyển ngữ sang tiếng Việt, chị tâm đắc tác phẩm nào nhất?
Thật khó để tôi lựa chọn một tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất vì mỗi tác phẩm lại có một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng. Nếu như tác phẩm dịch đầu tay của tôi - “Cô gà mái xổng chuồng” (tác giả: Hwang Sun-mi) là câu chuyện về nghị lực sống, ước mơ, lòng dũng cảm, về tình mẫu tử, tình bạn, thì “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” (tác giả: Shin Kyung-sook) lại là câu chuyện về tuổi trẻ, về tình yêu và vai trò của nghệ thuật, về cách đối diện với những mất mát trong một giai đoạn lịch sử, một xã hội đầy biến động. Nhưng có lẽ trong số đó, tôi dành rất nhiều tình cảm cho “Bố con cá gai” của nhà văn Cho Chang-in. Đây là một tác phẩm giản dị nhưng chứa đựng chiều sâu cảm xúc mãnh liệt về tình phụ tử, sự hy sinh và nghị lực sống. Khi dịch, có những đoạn tôi đã dừng lại rất lâu vì xúc động. Tác phẩm không chỉ chạm đến trái tim mà còn khiến người đọc muốn trân trọng hơn những người thân yêu của mình cũng như từng phút giây được sống trên đời này.
Dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân ký tặng sách “Bố con cá gai” trong sự kiện giao lưu với độc giả được tổ chức tại Lotte Westlake ngày 9/3/2025. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Trong quá trình chuyển thể các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt, chị đã làm thế nào để truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp nguyên bản về cảm xúc, giọng điệu và văn phong của tác giả?
Tôi luôn cố gắng dịch bằng cả lý trí lẫn trái tim. Việc giữ được giọng điệu, nhịp cảm xúc và không khí của nguyên tác là điều tối quan trọng, trong khi văn học mỗi nước lại có cách biểu đạt khác nhau. Tôi thường đọc kỹ nhiều lần để “ngấm” được tinh thần của tác phẩm, rồi từ đó mới dịch lại sao cho tự nhiên nhưng vẫn giữ đúng chất riêng của nguyên tác. Đôi khi, một từ ngữ đơn giản trong tiếng Hàn có thể ẩn chứa tầng sâu cảm xúc, nếu dịch vội vàng, có thể làm mất đi “cái hồn” đó. Tôi luôn coi mình như một người kể chuyện lại, bằng tiếng Việt, những gì mà tác giả đã cất công gửi gắm qua từng câu chữ.
PV: Quá trình dịch thuật các tác phẩm văn học Hàn Quốc đã ảnh hưởng như thế nào đến góc nhìn và cảm nhận của chị về đất nước Hàn Quốc?
Trên hành trình dịch thuật văn học Hàn Quốc, tôi càng hiểu Hàn Quốc không chỉ là một quốc gia hiện đại với làn sóng Hallyu sôi động hay những khung hình rực rỡ trên màn ảnh, mà còn là một xã hội có chiều sâu văn hóa, tâm lý và lịch sử rất phong phú. Qua các tác phẩm văn học, tôi cảm nhận được những suy tư, khát vọng, và cả những nỗi trăn trở rất con người phía sau sự phát triển nhanh chóng ấy. Văn học giúp tôi tiếp cận Hàn Quốc một cách toàn diện hơn, không chỉ qua vẻ ngoài, mà cả trong cách người Hàn suy nghĩ, yêu thương, chịu đựng và vượt qua. Tôi cũng nhận ra nhiều điểm tương đồng trong chiều sâu tâm lý và giá trị gia đình giữa người Hàn và người Việt, điều này không chỉ giúp tôi đồng cảm với nhân vật, mà còn là một vốn quý trong công việc giảng dạy và nghiên cứu văn hóa của mình.
PV: Liệu có tác giả hay nhà văn Hàn Quốc nào đã trở thành nguồn động lực hoặc truyền cảm hứng đặc biệt cho chị không ạ?
Có lẽ người truyền cảm hứng đặc biệt cho tôi là nhà văn Cho Chang-in. Tôi không chỉ dịch “Bố con cá gai” mà còn có dịp đồng hành cùng ông trong các buổi giao lưu với độc giả tại Việt Nam. Ông là một nhà văn nổi tiếng nhưng rất giản dị, vui tính và hài hước. Tôi thích cách ông viết và thông qua các câu chuyện của mình, ông truyền tải niềm yêu với cuộc sống. Với tôi, ông không chỉ là một tác giả, mà còn là một minh chứng cho việc viết lách có thể trở thành hành trình truyền cảm hứng, cân bằng nội tâm, tìm lại bình an cho cả người viết lẫn người đọc. Và điều đó cũng là lý do tôi tiếp tục dịch, tiếp tục tin vào sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ của văn chương.
Nhà văn Cho Chang-in (trái) là một trong những tác giả đã để lại dấu ấn đặc biệt trong hành trình đưa văn học Hàn Quốc đến với độc giả Việt Nam của dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Theo thông tin gần đây mà em được biết, chị đã hoàn thành bản dịch phần 2 của tiểu thuyết “Bố con cá gai”, và tác phẩm này sẽ sớm được ra mắt trong thời gian tới. Chị có thể chia sẻ đôi điều về hành trình đầy thú vị khi thực hiện bản dịch này không ạ?
Dịch phần 2 giống như một cuộc hội ngộ cảm xúc. Tôi đã từng rất day dứt với cái kết của phần 1, nên khi biết phần 2 sẽ hé mở thêm nhiều điều, tôi thực sự háo hức. Nhưng cùng với sự mong chờ ấy cũng là một áp lực không nhỏ, làm sao để truyền tải trọn vẹn những gì nhà văn Cho Chang-in gửi gắm, và để phần tiếp theo vẫn giữ được mạch cảm xúc, sự chân thành và tiếp tục nhận được tình cảm từ bạn đọc như phần đầu.
PV: Đầu năm nay, chị đã có dịp đồng hành cùng tác giả Cho Chang In trong nhiều buổi giao lưu với độc giả Việt Nam. Cảm xúc của chị ra sao khi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của độc giả dành cho tiểu thuyết “Bố con cá gai”?
Tôi rất xúc động. Có những bạn trẻ chia sẻ rằng bạn đã từng trải qua việc chăm sóc người nhà bị ung thư, nên thực sự thấu cảm với người cha trong truyện. Hay có bạn chia sẻ rằng, sau khi đọc xong cuốn sách, bạn đã viết một bức thư dài gửi bố mình. Những khoảnh khắc như vậy cho tôi thấy công việc dịch thuật thực sự chạm đến đời sống và có ý nghĩa.
Niềm hạnh phúc lớn nhất với chị Nguyễn Thị Thu Vân là được chứng kiến bản dịch “Bố con cá gai” do chính mình chuyển ngữ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ các bạn độc giả trẻ. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Theo chị, các dịch giả đang theo đuổi lĩnh vực này cần có chiến lược như thế nào để phát triển bền vững? Việc đào tạo nguồn nhân lực dịch thuật văn học Hàn Quốc nên được định hướng ra sao?
Tôi nghĩ dịch giả văn học cần được nhìn nhận không chỉ là người giỏi ngôn ngữ, mà là người làm công việc kết nối văn hóa. Cần có chiến lược dài hạn, từ việc đào tạo năng lực dịch chuyên sâu, đến việc hiểu văn hóa, tâm lý, xã hội Hàn Quốc một cách toàn diện. Bên cạnh đó, cần xây dựng cộng đồng dịch giả gắn kết, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển, đóng góp, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội.
PV: Cuối cùng, chị có thể chia sẻ đôi lời khuyên dành cho những bạn trẻ quan tâm đến văn học Hàn Quốc và mong muốn theo đuổi con đường trở thành dịch giả chuyên nghiệp không ạ?
Hãy bắt đầu bằng tình yêu với ngôn ngữ và sự kiên trì. Dịch văn học là hành trình dài, không có lối tắt, nhưng mỗi bước đi đều rất xứng đáng. Bạn hãy đọc thật nhiều, sống thật sâu, và đừng ngại đi chậm. Nếu bạn đủ nhạy cảm, đủ kỷ luật, và luôn giữ trong mình một trái tim chân thành với những con chữ, thì nghề dịch văn học sẽ là một công việc đầy ý nghĩa mà bạn có thể theo đuổi.
Với chị Nguyễn Thị Thu Vân, hành trình trở thành một dịch giả chuyên nghiệp không chỉ cần sự nhạy cảm và tính kỷ luật, mà còn đòi hỏi một trái tim luôn giữ được sự chân thành với văn chương và người đọc. (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Vân)
PV: Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn chị Nguyễn Thị Thu Vân đã dành thời gian chia sẻ cùng phóng viên danh dự Korea.net. Kính chúc chị luôn dồi dào sức khỏe và tiếp tục giữ vững đam mê để mang những tác phẩm văn học Hàn Quốc đến gần hơn với trái tim độc giả Việt!
Để cập nhật nhanh nhất về tình hình bản dịch phần 2 của “Bố con cá gai” sắp ra mắt, mời các độc giả của Korea.net vui lòng theo dõi tại trang dưới đây nhé!
- Link:
https://www.facebook.com/Vivianlovesbooks
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.