Góc nhìn chuyên gia

23.04.2021

20210423_ChristopheGaudin_vn_article_001

Trợ lý giáo sư Christophe Gaudin
(Khoa học chính trị và ngoại giao, Đại học Kookmin)


Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế vì hai lý do chính.

Trước hết, cộng đồng quốc tế đã dành sự quan tâm đến hệ thống kiểm dịch của Hàn Quốc. Ngay sau khi dịch Covid-19 hoành hành, Hàn Quốc trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ sau Trung Quốc đại lục. Không giống như Việt Nam hay Đài Loan, Hàn Quốc đã không áp đặt lệnh đóng cửa biên giới ngay lập tức bất chấp hàng nghìn đơn kiện lên Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) của người dân kêu gọi đóng cửa biên giới của đất nước. Khi một nhà thờ trở thành ổ dịch lớn vào tháng 2 năm 2020, nhiều người bắt đầu từ chối đi xét nghiệm virus corona. Điều này đồng ý nghĩa là Hàn Quốc cũng có tất cả các yếu tố dẫn đến tình huống xấu nhất như đã thấy ở các cường quốc phương Tây khác.

Mặc dù vậy, Hàn Quốc đã hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Đất nước này đã phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng lớn, nhưng số ca lây nhiễm hàng ngày vẫn dưới 1.000. Tính đến ngày 13 tháng 4, số ca tử vong do dịch bệnh này ở Hàn Quốc ước tính đạt 3,4 người trên mỗi 100.000 người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ở Anh (196,6 người), Mỹ (172,2 người) và Pháp (147,9 người). Những con số này cho thấy lý do tại sao các quốc gia từng đóng cửa biên giới do đại dịch lại quan tâm đến Hàn Quốc.

Lý do thu hút sự quan tâm thứ hai là các chiến lược ứng phó của Hàn Quốc. Khác với nhiều nước phương Tây hay Trung Quốc, Hàn Quốc không ban bố tình trạng khẩn cấp. Các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng với các trường đại học đã triển khai các lớp học trực tuyến. Các doanh nghiệp như nhà hàng, phòng tập thể dục và quán bar vẫn tiếp tục hoạt động trong những giờ làm việc hạn chế trong khi tuân theo các quy định giãn cách xã hội. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình trên các quốc gia phương Tây là cấm di chuyển và hạn chế hoạt động kinh doanh.

Để hiểu được về phản ứng kiểu Hàn Quốc đòi hỏi phải nhìn lại quá khứ. Kể từ vụ chìm phà Sewol năm 2014, công chúng ngày càng có xu hướng bày tỏ sự phàn nàn thông qua các cuộc biểu tình hoặc cuộc tập hợp. Các trường hợp như vậy cũng được chứng kiến trong đợt bùng phát MERS năm 2015. Vào thời điểm đó, phản ứng của chính phủ đối với bệnh truyền nhiễm đã bị lên án rộng rãi và sau đó, Hàn Quốc đã xây dựng nền tảng vững chắc để ứng phó với Covid-19 thông qua phản ánh. Thay vì các chính trị gia có thể gây ra tranh cãi hoặc nghi ngờ, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) được thành lập bởi các bác sĩ và chuyên gia y tế, đã làm trung tâm trong những nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Một hãng truyền thông nước ngoài cho biết so với các chính phủ tập trung vào tổng thống của Pháp và Mỹ, Hàn Quốc đã giữ cho Giám đốc KDCA Jeong Eun-Kyeong đi đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Hiểu chính sách kiểm dịch của Hàn Quốc đối với Covid-19 sẽ dễ dàng hơn bằng cách xem xét hai bối cảnh. Đầu tiên là niềm đam mê mãnh liệt của người dân đối với nền dân chủ như đã đề cập trước đó và tinh thần cộng đồng theo phong cách châu Á. Chữ Hán của “人間” (nhân gian) được hình thành từ chữ “人” có nghĩa là con người dựa vào nhau và “間” thể hiện không gian giữa con người. Do vậy, từ vựng này có nghĩa là mọi người nên sống hòa thuận với những người khác. Khi người Hàn Quốc nói, từ “chúng tôi” được nghe nhiều hơn từ “tôi”. Tất nhiên, những yếu tố như vậy có thể làm giảm bớt các đặc điểm cá nhân của một người. Nhưng tinh thần cộng đồng giúp thiết lập kỷ luật khi đối mặt với nguy hiểm. Điều này được nhìn thấy từ việc tuân theo nguyên tắc đeo khẩu trang, là một hành động để bảo vệ không chỉ cá nhân mà còn bảo vệ sức khỏe của những người khác.

Sự khác biệt giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và các nước châu Á khác là đã thực hiện hệ thống phản ứng mang tính dân chủ. Vào tháng 1 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu sản xuất bộ kit xét nghiệm dưới sự quan tâm cao của công chúng. Việc theo dõi lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc Covid-19 cũng được tiến hành một cách tự nhiên trong bối cảnh văn hóa nhấn mạnh việc bảo vệ người khác cũng quan trọng không kém quyền tự do cá nhân. Trung Quốc theo dõi tất cả các công dân của họ, nhưng Hàn Quốc chỉ tiết lộ lịch trình di chuyển của những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Trong hệ thống này, các nhà điều tra dịch tễ học xác nhận lịch trình di chuyển của các ca mắc và các cơ quan y tế công bố thông tin đó. Tất cả các dữ liệu thu thập được quản lý bởi các tổ chức độc lập và xóa ngay lập tức sau khi được sử dụng. Do đó, điều này khác xa so với việc giám sát theo thời gian thực.

Ở Hàn Quốc, hơn một triệu người đã được tiêm chủng vắc xin cho đến nay. Rõ ràng cần thêm khoảng thời gian đủ để trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Mặc dù tốc độ tiêm chủng vắc xin của quốc gia này tương đối chậm hơn nhưng chúng ta nên chú ý về hai điểm. Thứ nhất, Hàn Quốc ít bị ảnh hưởng từ Covid-19 hơn các nước phương Tây và tình hình đại dịch của Hàn Quốc khác biệt đáng kể so với các nước khác về mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm. Gần đây, ở Hàn Quốc lo ngại về tính an toàn của vắc xin do hãng dược AstraZeneca sản xuất, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung cấp vắc xin của quốc gia. Người Hàn Quốc sẽ không chấp nhận những bê bối liên quan đến vắc xin và không có khả năng tìm kiếm các lựa chọn thay thế như vắc xin được sản xuất tại Trung Quốc mà ít được biết đến công chúng. Vì lý do này, có thể nói rằng cần có thời gian để giải quyết vấn đề này.

Cuối cùng, sự không khoan dung của người Hàn Quốc đối với sự bất công phản ánh xã hội Hàn Quốc giữ nền dân chủ như thế nào từ góc độ triết học. Ở Trung Quốc, gần như không có tiếng nói phản đối nào được lắng nghe vì người dân ở đó vẫn im lặng. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, mọi người tích cực lên tiếng nói của mình để chứng tỏ rằng người Hàn Quốc biết cách thể hiện ý kiến của bản thân. Điều này hoàn toàn trái ngược với bầu không khí thất vọng chung của công chúng phương Tây.

Christophe Gaudin đã tốt nghiệp Viện nghiên cứu chính trị Grenoble (Grenoble Institute of Political Studies) ở Pháp và lấy bằng Tiến sĩ từ Đại Học Paris Descartes. Từ năm 2012, anh đã giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul.

Bài viết này đã được dịch bởi phóng viên Korea.net Park Hye Ri.