Góc nhìn chuyên gia

27.05.2021

 Danish ambassador to Korea profilea
 


Einar Jensen (Đại sứ Đan Mạch tại Hàn Quốc)


Với tư cách là Đại sứ Đan Mạch tại Hàn Quốc, tôi rất vinh dự và tự hào vì đã ủng hộ những nỗ lực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) lần thứ hai dự định diễn ra ở Seoul. Điều này không chỉ vì Đan Mạch đã là quốc gia đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G vào năm 2018, mà bởi vì cá nhân tôi thấy thật hấp dẫn khi theo dõi quy trình chuyển sang xã hội xanh và cam kết của Hàn Quốc đối với Hội nghị thượng đỉnh P4G kể từ khi tôi đến Seoul vào năm 2019. Dựa trên công việc của tôi được thực hiện dưới sự hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc và sự hỗ trợ mạnh mẽ được cung cấp cho các chương trình nghị sự xanh trong thập kỷ qua, tôi có thể nghĩ không có quốc gia nào tốt hơn để đảm bảo vai trò lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh này.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến cả thế giới và bắt đầu tấn công cuộc sống bình thường của chúng ta. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã và đang tàn phá các hệ sinh thái trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Khi chúng ta với tư cách là các cá nhân và xã hội tiếp tục cố gắng vượt qua những thách thức này, một điều ngày càng trở nên rõ ràng là chúng ta cần xây dựng nơi sinh sống có môi trường xanh hơn. Nếu chúng ta có thể thiết lập một nền kinh tế linh hoạt hơn, bao trùm hơn và xanh hơn, nó sẽ giúp chúng ta và cả thế giới phát triển bền vững. Đây cũng là cách duy nhất để chúng ta có thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Trong bối cảnh như vậy, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều hứa hẹn trong các lĩnh vực liên quan với những thành tựu mang tính bước ngoặt gần đây. Đầu tiên là mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon, hay còn được gọi là “Net Zero” vào năm 2050. Trên thực tế, mục tiêu không nghi ngờ gì là một quyết định khó thực hiện vì nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào các lĩnh vực công nghiệp vốn khó khử khí carbon hơn. Thứ hai, nhìn vào kế hoạch New Deal phiên bản Hàn Quốc, nước này là một trong những quốc gia có sự quan tâm cao nhất cho chương trình nghị sự xanh. Nói theo con số, 4 won trên mỗi 10 won của khoản đầu tư phục hồi kinh tế sẽ được chi cho kế hoạch Green New Deal, con số này thậm chí còn cao hơn các quỹ xanh trong gói phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu. Cuối cùng nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng là việc Hàn Quốc tuyên bố tạm hoãn tài trợ cho các nhà máy điện than mới ở nước ngoài. Theo tôi, Hàn Quốc có thể cực kỳ tự hào về những quyết định này và chắc chắn nước này đáp ứng được kỳ vọng của toàn cầu với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh P4G.

Hội nghị thượng đỉnh P4G là một nơi để thể hiện tham vọng, xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững, đầu tư vào các giải pháp có khả năng mở rộng và truyền cảm hứng cho những quốc gia khác cũng làm như vậy. Sự ra mắt của nó đã đánh dấu buổi bình minh của một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác xanh toàn cầu, tập trung vào nhu cầu và tiềm năng của hợp tác công tư. Hội nghị thượng đỉnh P4G đầu tiên do Đan Mạch đăng cai đã trình bày các giải pháp và đề xuất - nhiều giải pháp liên quan đến các doanh nghiệp địa phương và thanh niên - để cho thế giới thấy rằng điều này không chỉ là khả thi mà còn là những gì chúng ta cần làm.

Hội nghị thượng đỉnh P4G đầu tiên đã kết thúc với tuyên bố về Cam kết hành động của Copenhagen, trong đó các quốc gia tham gia công nhận rằng quan hệ đối tác dựa trên thị trường là cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Bằng cách thực hiện cam kết như vậy, các quốc gia thành viên nhất trí rằng chia sẻ kiến thức và tiền lệ thành công để thúc đẩy và nâng cao quan hệ đối tác công tư và giải quyết các thách thức toàn cầu. Tôi cũng có hy vọng tương tự đối với Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai tại Seoul, diễn ra vào thời điểm quan trọng yêu cầu cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực tập thể nhằm đáp ứng các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021 đánh dấu thời điểm bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Ngày nay, các quốc gia đang có nhiều tham vọng hơn bao giờ hết đối với quá trình chuyển đổi xanh và đồng thời, các cơ hội xuất hiện trên thị trường xanh có triển vọng tươi sáng hơn bao giờ hết. Chỉ cần xem xét điều này: Vào năm 2018, khi Hội nghị thượng đỉnh P4G đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Copenhagen, không một quốc gia nào đăng ký cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Động thái này hoàn toàn khác so với hiện tại, và các quốc gia cũng như các công ty đều coi quá trình chuyển đổi xanh là một chìa khóa quan trọng nhất cho tương lai. Những gì chúng ta cần ngay bây giờ là các cơ hội có khả năng cao để đạt lợi ích, nói cụ thể hơn là các mô hình kinh doanh rõ ràng đáng đầu tư mà có thể đóng vai trò như động cơ tăng trưởng trong tương lai. Đây cũng nhất trí với mục tiêu của các sáng kiến P4G.

Thêm nữa, năm 2021 cũng đánh dấu một thập kỷ thành lập quan hệ đối tác Hàn Quốc-Đan Mạch trong chương trình nghị sự xanh. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà hai nước chúng tôi đều là thành viên tham gia sáng kiến P4G và là hai nước đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G. Mười năm trước, chúng tôi đã thành lập Liên minh Tăng trưởng Xanh và nó tiếp tục trở thành nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi ngày nay. Và chúng tôi cũng thành lập Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (3GF) với sự hợp tác của các quốc gia khác. 3GF là một diễn đàn để các quốc gia và tổ chức liên kết các dự án và nhà đầu tư thông qua quan hệ đối tác công tư. Các quan hệ đối tác phải thúc đẩy chương trình nghị sự xanh, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Phản ánh các đợt thay đổi, diễn đàn đã mở rộng ra toàn thế giới và dẫn đến việc tổ chức các hội nghị cấp cao khu vực và toàn cầu. Thông qua sự phát triển này, rõ ràng là cần phải nâng cấp các mối quan hệ đối tác cụ thể hơn để đáp ứng với mối quan tâm liên tục gia tăng. Như vậy, các sáng kiến P4G đã ra đời dưới sự lãnh đạo của Đan Mạch với sự hợp tác của Hàn Quốc và các quốc gia thành viên khác.

Sáng kiến P4G tức là bằng chứng sống động cho thấy Đan Mạch và Hàn Quốc là hai quốc gia bổ sung cho nhau đã và đang tăng cường mối quan hệ đối tác trong những năm qua. Hai nước tiếp tục khám phá các lĩnh vực mới nhằm mục tiêu trao đổi thông tin, chuyên môn và giải pháp. Thông qua quá trình này, chúng ta nên liên tục nhắc nhở rằng hai quốc gia cũng như những quốc gia khác không thể giải quyết các vấn đề môi trường chỉ dựa trên sức mạnh của một quốc gia. Tại Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ nhất tại Copenhagen, cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen đã nhấn mạnh: “Không chính phủ nào có thể giải quyết những thách thức này một mình. Cách duy nhất để đối phó với thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta là tăng cường hợp tác xuyên lục địa, các nền văn hóa, quốc gia và thành phố”.

Trong sáng kiến P4G, điều quan trọng nhất là đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng. Khả năng lãnh đạo táo bạo là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của mình. Hàn Quốc đã ra những quyết định khó khăn và can đảm cho tương lai trong những năm gần đây và hội nghị sắp tới sẽ là cơ hội cho nhiều quốc gia được truyền cảm hứng từ Hàn Quốc để làm điều tương tự. Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai được kỳ vọng tích cực hơn và cũng thu hút nhiều sự tham gia hơn của các quan chức cấp cao từ các khu vực công và tư trên toàn thế giới so với hội nghị đầu tiên. Sự kiện này đồng thời sẽ là bước đệm cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức và Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Một số người chỉ ra rằng sáng kiến P4G thiếu vắng sự tham gia của các quốc gia lớn sẽ không có tác động rõ ràng. Đầu tiên, cánh cửa đến với sáng kiến P4G được mở cho tất cả các quốc gia. Tôi hy vọng sẽ thấy nhiều quốc gia đăng ký làm thành viên hơn và sáng kiến P4G mở rộng thành một trong những tổ chức quốc tế chính thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong tương lai gần. Nhưng quan trọng hơn là không phải lúc nào sự thay đổi lớn cũng đến từ những cường quốc. Tôi rất tự hào đến từ đất nước đã thương mại hóa thành công việc khai thác sức gió. Tôi chắc chắn rằng Hàn Quốc, đất nước đã tạo nên “Kỳ tích sông Hàn” và vươn lên nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới cũng sẽ đồng ý như vậy.

Tôi mong đợi Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Seoul sẽ đạt được thành công và hy vọng rằng nó sẽ cung cấp các giải pháp sáng tạo cũng như giúp việc ra Tuyên bố Seoul đầy tham vọng nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự xanh hơn nữa. Nếu chúng ta kết hợp được quyết tâm chính trị với các giải pháp của khu vực tư nhân thì các mục tiêu của Thỏa thuận Paris hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Ông Einar Jensen đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Đan Mạch tại Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2019. Từ năm 2006-2010, ông đã là Đại sứ Đan Mạch tại Bangladesh và sau đó, ông đã làm việc với tư cách là Đại sứ Đan Mạch tại Tanzania (bao gồm Zambia, Malawi, Mauritius).

Bài viết này đã được dịch bởi phóng viên Korea.net Park Hye Ri.