Năm 1996, một tuyển thủ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 đã xuất hiện trên sân bóng ném ở Gummersbach, một thị trấn nhỏ ở miền trung nước Đức. Không giống như thể hình bình thường của người Châu Á, anh cao tới 2,03m với những cơ bắp mạnh mẽ. Cùng với sự nhanh nhẹn và sức mạnh, cộng thêm chiều cao vượt trội, anh đã thể hiện kỹ thuật tuyệt vời trên sân khấu thể thao châu Âu. Đó là cách mà những câu chuyện huyền thoại của cựu cầu thủ bóng ném Yoon Kyung-sin được kể lại ở Handball-Bundesliga (HBL), giải đấu bóng ném Đức chuyên nghiệp hàng đầu.
Kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1996 tại Đức, Yoon đã thiết lập một loạt các kỉ lục, trong đó nổi bật là việc 8 lần trở thành tuyển thủ ghi bàn như nhiều nhất trong tổng cộng 12 mùa giải anh tham gia thi đấu, 10 ở Gummersbach và hai ở Hamburg.
Trong mùa giải 2000-2001, anh ghi được 324 bàn thắng, số bàn thắng cao hơn bao giờ hết trong một mùa giải, vượt quá giới hạn dường như không thể phá vỡ là 300 bàn thắng.
Năm 2001, anh được chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất của năm bởi Liên đoàn bóng ném quốc tế (IHF). Trong thời gian ở Đức, anh ghi tổng cộng 2.908 điểm, con số cao nhất trong lịch sử giải đấu, một kỷ lục đến giờ vẫn chưa bị phá vỡ.
Cựu tuyển thủ bóng ném Yoon Kyung-sin, hiện đang huấn luyện viên cho đội bóng ném Men Doosan, đang xem các tuyển thủ mình đào tạo tại Khu liên hợp thể thao ở Uijeongbu Gyeonggi-do (tỉnh Gyeonggi).
Những thành tích đã đạt được dường như chưa thỏa mãn Yoon. Anh tiếp tục phát triển các kỹ năng vô hạn của mình và trở thành Vua ghi điểm tại giải vô địch thế giới vào năm 1995 và 1997, cũng như tại Thế vận hội Athens 2004.
Yoon cũng đã chơi hơn 250 trận đấu với tư cách là thành viên của đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Anh đã tham gia 6 Asian Games, bao gồm cả ở Bắc Kinh năm 2010 và ở Quảng Châu vào năm 2010. Anh cũng tham gia tổng cộng năm Thế vận hội bắt đầu từ Olympic Barcelona 1992 đến Olympic London 2012, nhưng anh đã bỏ lỡ Thế vận hội 1996 ở Atlanta.
Năm 2008, Yoon kết thúc sự nghiệp 12 năm thi đấu của mình ở Đức và trở về Hàn Quốc. Sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu, anh được bổ nhiệm làm huấn luyện viên mới cho đội tuyển bóng ném Doosan. Khi đó ở tuổi 30, Yoon đã dẫn dắt đội tuyển Doosan tới một chuỗi trận bất bại cho đến tháng 6/2013. Chỉ vài tháng sau đó, tháng 9/2013, huấn luyện viên mới cũng đạt được chiến thắng một lần nữa và anh đã tiếp tục dẫn dắt đội tuyển trong vòng 5 năm liền.
Korea.net vừa có buổi phỏng vấn với Yoon, người hiện đang ở độ tuổi 40, để nghe kể về sự nghiệp của anh với tư cách vừa là một tuyển thủ vừa là một huấn luyện viên.
Cựu tuyển thủ bóng ném Yoon Kyung-sin (trái), hiện giờ đang là huấn luyện viên cho đội tuyển bóng ném Doosan, chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp thi đấu thể thao của mình.
- Sau khi đạt được thành công ở Đức, anh đã giải nghệ và trở về Hàn Quốc. Anh có thể lựa chọn làm huấn luyện viên ở các quốc gia khác, thay vì ở Hàn Quốc. Chắc hẳn anh đã nhận được rất nhiều lời mời hấp dẫn. Vậy lý do đặc biệt nào khiến anh trở lại Hàn quốc?
Tôi đã nhận được rất nhiều lời mời tại thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi đã có một con trai bốn tuổi và vợ tôi rất muốn được trở lại Hàn Quốc. Tôi đã phải quyết định có hay không trở lại. Cuối cùng, tôi đã chọn trở lại, đầu tiên là vì gia đình tôi và cá nhân tôi cũng cảm thấy khó khăn khi sống xa quê hương trong một thời gian dài.
- Có nhiều môn thể thao với bóng khác, chẳng hạn như bóng chày và bóng chuyền. Tại sao anh lựa chọn bóng ném?
Mọi chuyện bắt đầu khi tôi học lớp 4 tại Trường tiểu học Seoul Soongin. Tôi tham gia một lớp bóng ném như một phần của các hoạt động ngoại khóa ở trường. Khi tôi lần đầu tiên chạm vào bóng ném, tôi thấy quả bóng nhỏ hơn so với bóng rổ hay bóng đá và lớn hơn một quả bóng chuyền hoặc một quả bóng ping-pong, điều đó đõ kích thích trí tò mò của tôi. Và tôi đã yêu thích nó. Chơi với một quả bóng có kích thước độc đáo và lạ lẫm đã làm tôi cảm thấy rất thích thú.
Tôi chuyển đến Trường tiểu Học Seoul Soongduck, trường học sau này đã thành lập ra đội bóng ném của riêng mình. Các môn thể thao như bóng rổ và bóng chuyền đã rất quen thuộc với công chúng, nhưng bóng ném lại được khá ít người biết đến. Vì vậy, tôi cảm thấy thực sự tò mò về bộ môn mới mẻ này.
Khi tôi nói với cha mẹ tôi rằng tôi muốn chơi thể thao, họ đã phản đối. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng mẹ tôi cũng từng là một thủ môn đội bóng ném. Bà đã cố gắng thuyết phục tôi không đi theo con đường thể thao vất vả.
- Các kỉ lục mà anh thiết lập được ở Đức hiện giờ vẫn chưa bị vượt qua?
Tôi ghi được 2908 bàn thắng trong sự nghiệp của tôi ở đó, trở thành vua phá lưới của giải đấu. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy hơi tiếc một chút khi đã không thể đạt mốc 3000 bàn thắng. Tôi tin rằng các kỉ lục này của mình sẽ rất khó có thể bị phá vỡ.
- Anh có một thể hình rất lý tưởng. Liệu đó có phải là do di truyền?
Đúng vậy. Cả bố và mẹ tôi đều khá cao. Cha tôi cao 181 cm và mẹ tôi cao 170 cm. Chị gái của tôi cao 175 cm. Em trai tôi cũng từng là một tuyển thủ bóng ném của đội Doosan, mặc dù sau đó đã nghỉ thi đấu vì chấn thương. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều có vóc dáng cao lớn và khỏe mạnh. Tôi cũng vậy, có một chiều cao vượt trội đã giúp chiếm được lợi thế khi tham gia một trận đấu bóng ném và không phải chịu nhiều chấn thương. Tôi nghĩ, nhờ có thể hình cao lớn mạnh mẽ, tôii đã có cơ hội thi đấu trên đấu trường quốc tế trong một thời gian dài. - Anh đã trở thành thành viên của đội Gummersbach như thế nào? Cách người dân địa phương ở thị trấn xem các môn thể thao và cổ vũ đội là gì?
Khi tôi là sinh viên năm thứ ba đại học, tôi đã tham gia Giải đấu Bóng ném Vô địch thế giới tổ chức tại Iceland năm 1995 với tư cách là tuyển thủ quốc gia. Tại thời điểm đó, đội Gummersbach là đối thủ cạnh tranh. Các lãnh đạo của đội bóng đã quan sát tôi thi đấu. Tôi chắc chắn rằng họ đã tương đối mạo hiểm khi lựa chọn tôi- một người Châu Á, hơn nữa lại là một người Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã chọn tôi, mặc dù khi ấy tôi còn khá trẻ. Trên thực tế, một trong những mục tiêu của tôi là được chơi bóng tại đấu trường châu Âu, cụ thể hơn là tại Đức. Rồi đột nhiên một ngày ước mơ tưởng chừng xa vời ấy đột nhiên trở thành sự thật. Tôi đã ngay lập tức đồng ý, không quan tâm tới việc tôi sẽ được trả bao nhiêu. Tôi còn nhớ mình đã nói: "Tôi chắc chắn sẽ đi."
Gummersbach là một thành phố rất nhỏ với dân số cũng khá thưa thớt. Đó là lý do bạn có thể cảm nhận được người dân yêu thể thao đến nhường nào. Hệ thống thi đấu bóng ném và các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức rất chuyên nghiệp ở đây.
Lúc đầu, tôi gặp nhiều khó khăn để làm quen với môi trường mới. Khó nhất là việc giao tiếp với mọi người. Tôi không nói tiếng Đức, bởi vậy những tuyển thủ hay huấn luyện viên khác không hiểu được tôi cảm thấy như thế nào hoặc những gì tôi muốn nói. Tuy nhiên, tình yêu và sự cổ vũ của người hâm mộ Đức đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Một số fan thậm chí còn làm kimchi cho tôi. Tuy nó không thể có hương vị giống với kimchi người Hàn Quốc làm nhưng thực sự tôi đã cảm thấy rất xúc động trước những tình cảm chân thành của người dân ở đây. Lúc đầu, tôi cảm thấy rằng người Đức có vẻ quá thẳng thừng, nhưng dần dần tôi cũng xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với họ. Nếu để miêu tả người Đức bằng một từ, tôi nghĩ đó là "trung thành". Họ sẽ không bao giờ quay lưng lại với bạn một khi họ đã yêu mến và tin tưởng bạn. Đặc biệt, sự cổ vũ từ người hâm mộ trung niên hay những người cao tuổi là điều mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Những lo ngại về rào cản ngôn ngữ đã sớm biến mất, tôi và các đồng nghiệp đã rất cố gắng để có thể hiểu nhau và học hỏi từ các nền văn hóa khác nhau của mỗi người. Chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Trong thời gian 4 năm ở đây, tôi đã nói tiếng Đức tốt hơn. Khi họ hiểu và giúp tôi khắc phục những lỗi sai, tôi đã tự tin hơn trong việc sử dụng thứ ngôn ngữ mới mẻ này. Tôi đã nghĩ rằng mình thật may mắn khi có những người bạn tốt ở xung quanh.
- Đâu là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh?
Đó là khi đội tuyển Đức của tôi đánh bại đội bóng hàng đầu không thể lay chuyển trong nhiều năm tại Giải vô địch Bóng ném Liên đoàn châu Âu (EHF) vào năm 2007. Ngoài ra, tôi đã thực sự xúc động khi tôi giải nghệ tại đội bóng Gummersbach. Tại buổi lễ chia tay, hơn 20.000 người hâm mộ địa phương đã đến để nói lời tạm biệt với tôi. Tôi đã rất hạnh phúc khi thấy tình yêu mà người hâm mộ dành cho mình. Tôi vẫn giữ liên lạc với một số người hâm mộ Đức thông qua SNS. Một số người còn bay từ Đức tới xem tôi thi đấu trên sân nhà. Khoảng 10 người hâm mộ thậm chí đã đến đám cưới của tôi. Tôi rất biết ơn tất cả bọn họ.
- Anh đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Kyung Hee, luận án tập trung vào chủ đề "Lãnh đạo, sự tự giác của các tuyển thủ và văn hóa đồng đội". Vậy anh nghĩ gì về lý tưởng lãnh đạo?
Không phải là đơn giản để xác định phong cách lãnh đạo của bạn là đúng hay sai. Điều quan trọng nhất trong lãnh đạo là làm thế nào để giao tiếp với các tuyển thủ và làm thế nào để đọc được suy nghĩ của họ. Đồng thời, bạn cũng phải duy trì được phong thái lãnh đạo lôi cuốn trên sân. Là một huấn luyện viên, tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi, và cần phải tiếp tục làm việc chăm chỉ để có thể trở thành một huấn luyện viên tốt nhất.
Hầu hết các tuyển thủ làm việc với tôi đều đã từng phải chịu đựng áp lực rất lớn về mặt tiền bạc để chi trả cho các huấn luyện viên của họ kể từ khi họ còn đang học trung và cao học, cũng như tôi khi còn trẻ. Tuy nhiên bây giờ, tôi cho họ thêm thời gian để suy nghĩ và học cách để nâng cao kỹ năng theo cách của riêng họ, thay vì chỉ khắc nghiệt quát tháo la mắng. Nếu chỉ làm theo những gì được bảo, bạn chẳng khác nào một con robot. Trước khi huấn luyện viên chỉ cho họ làm điều này điều kia, họ nên thảo luận với nhau và đưa ra những ý tưởng riêng của mình. Đó là một môi trường tự do, tự lực mà tôi muốn tạo nên cho các tuyển thủ của mình. Tôi biết nói luôn dễ hơn làm, bởi vậy tôi đang tiếp tục làm việc chăm chỉ để có thể tạo nên những thay đổi tích cực ở đội bóng. Đó là tất cả những gì tôi nghĩ về lý tưởng lãnh đạo.
- Chúng tôi nghe nói rằng anh luôn lấy hình mẫu Heiner Brandt, cựu huấn luyện viên của đội Gummersbach, làm tấm gương học hỏi. Vậy ông ấy đã truyền cảm hứng cho anh như thế nào?
Ông là huấn luyện viên đầu tiên của đội tuyển Đức. Ông thường mời tôi đến ăn tối và cố gắng nói chuyện với tôi bằng cách sử dụng một từ điển Hàn Quốc-Đức. Ông giống như một người chú thân thiết vậy. Ông ấy rất tốt bụng và hiền lành, nhưng khi làm việc với tư cách một huấn luyện viên, ông có chút tự đề cao. Tôi thực sự ấn tượng bởi phong cách chuyên nghiệp như vậy. Trong các giải đấu chuyên nghiệp tại Châu Âu, không có sự khoan nhượng đối với bất kỳ sai lầm hoặc sự ích kỉ nào. Bạn sẽ cảm thấy tự do nhưng đồng thời cũng sẽ phải tuân thủ những quy tắc nhất định. Trong hoàn cảnh đó, thái độ lịch sự nhã nhặn và sự khiêm tốn tôi được giáo dục kể từ thời thơ ấu đã thực sự có ích. Tôi nghĩ rằng văn hóa tổ chức ở Đức và các đức tính truyền thống của tôi chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo đã hòa hợp với nhau và giúp ích cho tôi rất nhiều.
HLV đội bóng ném Doosan Yoon Kyung-sin nói: "Bóng ném đại diện cho toàn bộ cuộc sống của tôi, cho tôi cảm nhận tất cả những cảm xúc, từ hạnh phúc và niềm vui đến sự tức giận và đau khổ".
- Anh nghĩ môn thể thao này hấp dẫn ở điểm nào?
Tôi nghĩ rằng sự hấp dẫn của môn thể thao này là tốc độ của nó và các yêu cầu về thể chất. Bóng ném là một trong những môn thể thao mạnh mẽ nhất, bạn cần phải nhanh nhẹn và luôn phải luyện tập hết mình để vượt qua đối thủ.
Không ngừng nỗ lực luyện tập, tôi đã giảm được hơn 10 kg ở Đức, đạt cân nặng khoảng 110 kg. Các tuyển thủ bóng ném trong mỗi trận đấu cũng cần phải đấu tranh tâm lý với nhau. Sau đó, nó phát triển thành chiến đấu về mặt thể lực. Những người tôi đã thi đấu chống lại là bạn bè tốt của tôi. Các môn thể thao đã mang lại cho tôi rất nhiều bạn bè tốt. Đôi khi, tôi gặp một số ở các cuộc thi quốc tế, người hiện đang làm việc như một huấn luyện viên như tôi. Sau cuộc thi, chúng tôi cùng nhau ôn chuyện về những ngày tốt đẹp đã qua bên một ly bia. Tôi có bạn bè ở nhiều nước. Nếu tôi chỉ chơi bóng ở Hàn Quốc, tôi sẽ không bao giờ có những người bạn tốt như vậy.
Huấn luyện viên Yoon Kyung-sin (trái) và đội bóng ném Doosan của anh.
- Bóng ném có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Đó là cuộc sống của tôi. Là điều khiến tôi muốn làm việc và cảm thấy mình còn sống. Nó đại diện cho cuộc sống của tôi. Chơi môn thể thao này, tôi cảm thấy một loạt những cảm xúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc và thú vị. Đôi khi, tôi đã tức giận và rơi nước mắt. Cuộc sống bóng ném của tôi vẫn còn đang tiếp diễn. Tôi vẫn còn có rất nhiều thứ để làm với nó. Tôi hy vọng có thể giữ hình ảnh tốt đẹp của môn thể thao này cho đến khi không thể tiếp tục cống hiến được nữa.
Yoon Kyung-sin gửi một thông điệp viết tay bằng tiếng Đức chúc tất cả người hâm mộ của Gummersbach và Hamburg may mắn.
Wi Tack-whan, Sohn Ji Ae - Korea.net
Hình ảnh: Jeon Han
whan23@korea.kr