Ông Henry Schafer, một cựu chiến binh Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã nhận được thư cảm ơn từ Chính phủ Hàn Quốc tại một sự kiện tưởng nhớ các anh hùng trong trận chiến hồ Changjin diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. (Ảnh: Henry Schafer)
Phóng viên
Lee Hana và
Park Hye Ri
“Bây giờ là thời điểm để hai miền Triều Tiên tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định đó”.
Trên đây là câu trả lời của ông Henry Schafer (89 tuổi), một cựu chiến binh Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi được hỏi về việc chuyển đổi Hiệp định đình chiến năm 1953 thành một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Ông đã tham gia trong chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên với tư cách là một người lính thuộc Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với trang điện tử Korea.net, cựu chiến binh Mỹ nói: “Tôi không biết rõ về các điều khoản, quy định hoặc các cuộc thảo luận hiện tại liên quan đến hiệp định đình chiến giữa Liên Hợp Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc nhưng Hàn Quốc đã đối mặt với nguy cơ chiến tranh trong thời gian lâu dài mặc dù không phải là một bên ký kết hiệp định đó”.
“Hàn Quốc đã phát triển thành một quốc gia độc lập mà xây dựng thành công nền dân chủ, bởi vậy nước này cần phải xác định trực tiếp các điều khoản về mối quan hệ giữa các nước láng giềng”, ông cũng khẳng định.
Dù năm nay là năm kỷ niệm 70 năm ngày bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên, nhưng chiến tranh này chưa chấm dứt hoàn toàn. Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy việc chuyển đổi hiệp định đình chiến thành một hiệp ước hòa bình, trong khi nhấn mạnh rằng hai miền cần phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Vào ngày 15 tháng 6, đánh dấu 20 năm ngày Hàn Quốc và Triều Tiên đưa ra Tuyên bố chung liên Triều 15/6 trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên, tổng cộng 174 ủy viên quốc hội bao gồm các thành viên từ Đảng Dân chủ Đồng hành đã đệ trình một nghị quyết kêu gọi việc chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lên Quốc hội.
Là một bình sĩ đã chiến đấu trong chiến tranh ác liệt, ông chia sẻ những kinh nghiệm của mình với Korea.net.
Hình trái là ông Henry Schafer tại nhà ở thành phố Tacoma, thủ đô Washington, Mỹ vào tháng 6 năm 1951, còn hình giữa và phải là ông Henry Schafer trong khi được điều trị tại Bệnh viện Hải quân Oakland, tiểu bang California, Mỹ vào tháng 9 năm 1951. (Ảnh: Henry Schafer)
Ông Schafer đã nhập ngũ vào Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào năm 1948. Sau khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra trên bán đảo Triều Tiên vào ngày 25/6/1950, ông được triệu tập lên làm nhiệm vụ tại lực lượng Thủy quân lục chiến số 7 vào tháng 8 năm 1950.
Lúc đó, sư đoàn của ông đã chiến đấu trong một cuộc chiến để đánh đuổi các binh lính Triều Tiên ra khỏi vĩ tuyến 38, là biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vào ngày nay. Tuy ông nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc kể từ khi lực lượng của Hoa Kỳ đánh bại lực lượng Triều Tiên nhưng vẫn còn một trận chiến khốc liệt nhất.
Trận chiến đó được gọi là “Trận chiến hồ Changjin” và hơn 100.000 lính Trung Quốc thuộc phía Triều Tiên đã tấn công các lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực xung quanh hồ Changjin.
Địa điểm bùng nổ trận chiến hồ Changjin là vùng cao nguyên đá ở độ cao khoảng 1.000 mét của huyện Changjin-gun, tỉnh Hamgyeongnam-do ở Bắc Triều Tiên ngày nay. Khi đến tháng 10, tuyết rơi và nhiệt độ giảm xuống dưới mức - 30 độ ở khu vực này, những điều kiện khắc nghiệt như vậy khiến cả hai lược lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp khó khăn.
Vào ngày 1 tháng 12, sau khi bị bao vây bởi các lực lượng Trung Quốc tại làng Yudam-ni phía tây bắc hồ Changjin, các binh lính Thủy quân lục chiến đã được lệnh rút quân. Khi ông ra khỏi từ chiến hào và di chuyển đến một vị trí khác, một người lính Trung Quốc đã bắn súng từ khoảng cách 10 feet (xấp xỉ 3,04 mét) và ông bị trúng đạn ở hai cánh tay và bên hông.
May mắn thay, ông Schafer đã được phát hiện bởi một đồng chí, người lính ấy đã đưa ông trên một chiếc xe Jeep. Trong xe, ông Schafer đã được tiêm morphine để giảm đau trong lúc đang ở giữa sự sống và cái chết.
Để được điều trị, cựu chiến binh Mỹ này được bay từ huyện Changjin-gun đến một bệnh viện ở Nhật Bản và sau đó trở về Hoa Kỳ. Ông đã trải qua 13 ca phẫu thuật trong 10 tháng, nhưng cuối cùng ông cắt cụt một cánh tay, một chân và một phần của bàn chân.
“Các cựu chiến binh không thể nói về những trải nghiệm của họ trong thời chiến vì không ai hiểu được”, ông nói.
Một cựu chiến binh Mỹ Henry Schafer tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã có chuyến thăm tới Hàn Quốc để dự một sự kiện tưởng nhớ các anh hùng trong trận chiến hồ Changjin diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm ngoái. Hình ảnh này được cắt ra từ Tạp chí The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ. (Ảnh: Henry Schafer)
Sau khi xuất ngũ vào năm 1951, ông Schafer có bằng cử nhân Toán học và bằng Thạc sĩ Giáo dục để bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. “Chiến tranh Triều Tiên có tác động sâu sắc đến cuộc sống của tôi. Những khuyết tật thân thể của mình đã hạn chế sự nghiệp của tôi. Tôi muốn trở thành một kỹ sư xây dựng nhưng tôi cũng hài lòng với sự nghiệp dạy toán trong 34 năm qua”, ông nói.
Đặc biệt, theo lời mời của Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc, ông ấy đã đến thăm Hàn Quốc sau 69 năm.
“Tôi luôn tự hào vì mình đã chiến đấu để bảo vệ người dân và đất nước Hàn Quốc. Tôi cảm thấy như mình là một trong những người may mắn sống sót và điều đó mang lại cho tôi một cái nhìn rất lạc quan về cuộc sống”, ông cho hay.
hlee@korea.kr