Ngày 20/04 (giờ Mỹ), một video về “10 anh hùng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)” đã được chiếu trên màn hình LED của tập đoàn Samsung, được đặt tại Quảng trường Thời đại (Time Square), New York, Mỹ. (Ảnh: Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc)
Bài viết từ Lee Jihae
Một video về “10 anh hùng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)” đã được phát trên Quảng trường Thời đại (Time Square), New York (Mỹ) từ ngày 20/04.
Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc (MPVA) cho biết họ đã cùng với Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Hàn Quốc và Mỹ (CPC) đã chọn ra 10 cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên, sau đó sản xuất 1 video để tôn vinh sự hy sinh cao cả của họ.
Giải thích về dự án này, MPVA cho biết điều này để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với những cựu chiến binh của cả hai nước, bao gồm cả 10 anh hùng, đồng thời truyền tải ý nghĩa về việc tiếp tục liên minh Hàn – Mỹ vững mạnh trong tương lai.
Video dài 30 giây có xuất hiện hình ảnh của 10 vị anh hùng sẽ được chiếu trên các màn hình LED cỡ lớn của tập đoàn Samsung và LG, được đặt tại Quảng trường Thời đại trong vòng 2 tuần, mỗi ngày 680 lần.
10 anh hùng cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên bao gồm Tổng tư lệnh Liên hợp quốc Douglas MacArthur; cha con James Alward Van Fleet và James Alward Jimmy Van Fleet, Jr.; cha con William Earl Shaw và Willian Hamilton Shaw; Đại tá Không quân Dean Elmer Hess; Đại tá Lục quân Ralph Puckett Jr.; Đại tá Lục quân Hoa Kỳ Kim Young Oak; Đại tướng Lục quân Paik Sun-yup; Đại tướng Không quân Kim Doo-man; Đại tá Lục quân Kim Dong-seok; và Đại tá Thủy quân lục chiến Park Jung-mo.
Ngày 15 tháng 9 năm 1950, Đại tướng Douglas MacArthur (1888-1964), Tổng tư lệnh quân đội Liên hợp quốc, đã chỉ huy thành công “Chiến dịch đổ bộ Incheon” nhằm lật ngược thế trận và cứu lấy Đại Hàn Dân Quốc. Bất chấp những trở ngại về địa lý của thủy triều dâng cao và sự phản đối của Hoa Kỳ, Chiến dịch đổ bộ Incheon đã được tiến hành và xoay chuyển cục diện cuộc chiến.
James Alward Van Fleet (1892-1992), và con trai của ông James Alward Van Fleet Jr. (1925-1952) đã tham gia Chiến tranh Triều Tiên trong cả hai thế hệ. Tướng Van Fleet, tư lệnh Quân đoàn 8 của Hoa Kỳ, đã bảo vệ tiền tuyến mà không khuất phục trước khuyến cáo của bộ tham mưu rằng “đây là một cuộc chiến không có cơ hội chiến thắng, vì vậy chúng ta phải rút về Tokyo”.
Tháng 4 năm 1952, con trai của ông, James Alward Jimmy Van Fleet Jr. là phi công chiến đấu cơ đã mất tích, sau khi bị hỏa lực phòng không của đối phương tấn công trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy, ông Van Fleet đã quyết định dừng cuộc tìm kiếm con trai mình vì lo sợ việc mất mạng của các đồng đội, và Van Fleet Jr. đã bị bỏ lại như một người mất tích.
William Earl Shaw (1890-1967) và con trai ông William Hamilton Shaw (1922-1950) cũng đã tham gia cống hiến trong Chiến tranh Triều Tiên.
William Earl Shaw là một nhà truyền giáo tự nguyện nhập ngũ với tư cách là tuyên úy trong Quân đội Hoa Kỳ, ông đã giới thiệu hệ thống tuyên úy cho quân đội Hàn Quốc. Con trai ông, William Hamilton Shaw, tái nhập ngũ Hải quân Hoa Kỳ (chiến đấu trong Thế chiến thứ hai) khi đang học tiến sĩ tại Đại học Harvard. Anh qua đời ở tuổi 28 sau khi trúng đạn của kẻ thù trong một nhiệm vụ trinh sát cho chiến dịch thu hồi ở Seoul.
(Nguồn: Kênh YouTube của Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc)
Đại tá Không quân Dean Elmer Hess (1917-2015), đã giải cứu 950 trẻ mồ côi do chiến tranh và nhân viên trại trẻ mồ côi ở Seoul, đang gặp nguy hiểm do quân đội Cộng sản Trung Quốc tiến công trong cuộc triệt thoái ngày 4 tháng 1 và đã sơ tán họ đến đảo Jeju.
Đại tá Lục quân Ralph Puckett Jr. (1926-) đã chỉ huy cuộc hành quân dù bị trúng lựu đạn khi chiếm Đồi 205, khu vực chiến lược quan trọng ở phía Bắc sông Chongchongang vào tháng 11/1950. Nổi tiếng với giai thoại mặc dù ông đã không thể cử động do bị thương nặng, nhưng ông vẫn ra lệnh cho các thành viên của đoàn bỏ ông lại, để họ có thể sơ tán an toàn.
Đại tá Lục quân Hoa Kỳ Kim Young Oak (1919-2005) là một người Mỹ gốc Triều Tiên, đã tham gia Thế chiến thứ 2 và chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên sau khi giải ngũ. Tháng 5 năm 1951, ông tham gia các trận Gumansan, Tapgol cùng trận Geumbyeongsan, ông đã khuyến khích và động viên các binh sĩ trong đơn vị khi họ bị giảm tinh thần chiến đấu, sau đó đã dẫn họ đến chiến thắng. Năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ đã lấy tên của ông đặt cho một đường cao tốc, gọi là “Đường cao tốc tưởng niệm Đại tá Kim Young Oak”, và đây cũng là đường cao tốc đầu tiên ở Hoa Kỳ được đặt theo tên của một người Hàn Quốc.
Tướng Lục quân Paik Sun-yup (1920-2020), người đã chỉ huy Sư đoàn số 1 của Quân đội Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên cùng với Quân đội Hoa Kỳ, tiêu diệt ba sư đoàn của Quân đội Bắc Triều Tiên trong trận Tabu-dong. Ông đã rèn luyện tinh thần của một người lính không bao giờ rời bỏ trận địa, và để lại câu nói: “Nếu tôi rút lui, hãy bắn tôi và đi”.
Đại úy Không quân Kim Doo-man là tham mưu trưởng thứ 11 của Lực lượng Không quân Hàn Quốc, khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, ông đã xuất kích bằng cách lái những chiếc chiến đấu cơ T-6 và F-51. Trong chiến tranh, ông là người đầu tiên thuộc Lực lượng Không quân Hàn Quốc đạt được 100 lần xuất kích và tham gia vào chiến dịch ném bom cầu đường sắt Seungho-ri cùng với Kim Shin (1922-2016) và những người khác.
Vào tháng 9 năm 1950, Đại tá Lục quân Kim Dong-seok đã đóng góp rất nhiều vào chiến dịch tái chiếm Seoul bằng cách thu thập thông tin quan trọng của kẻ thù, và cung cấp cho Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc với tư cách là sĩ quan liên lạc tình báo cho Quân đoàn 8 Hoa Kỳ.
Trong chiến dịch tái chiếm Seoul, Đại tá Thủy quân lục chiến Park Jung-mo đã dẫn đầu một trung đội chiến đấu trên đường phố, dỡ bỏ lá cờ Triều Tiên khỏi tòa nhà trung ương (tòa nhà chính phủ vào thời điểm đó) và treo lá cờ Taegeukgi của Hàn Quốc.
Bộ trưởng MPVA Park Minshik cho biết: “Tôi nghĩ việc chọn 10 cựu chiến binh để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ liên minh giữa Hàn Quốc – Mỹ, và ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên là một việc rất có ý nghĩa”.
Ông cũng khẳng định rằng mỗi người dân của Đại Hàn Dân Quốc sẽ không bao giờ quên, luôn ghi nhớ sự hy sinh và cống hiến to lớn của các cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên. 10 vị anh hùng đã hy sinh mạng sống của mình, để bảo vệ nền dân chủ tự do của Đại Hàn Dân Quốc trong cuộc chiến đấu ác liệt cách đây 70 năm, đặt nền móng cho một liên minh Hàn – Mỹ vững chắc.