Một phân cảnh trong bộ webtoon “D.P Dog's Day” (2015) của tác giả Kim Bo Tong. (Ảnh: Instagram của tác giả Kim Bo Tong)
Bài viết từ
Yoon Seungjin
Kim Bo Tong, tác giả trở nên nổi tiếng với bộ webtoon “D.P Dog's Day” (2015) đề cập đến cuộc sống trong quân ngũ, là ký ức về một thời mà tất cả những người đàn ông Hàn Quốc khỏe mạnh đều phải trải qua, tuy nhiên đây cũng là quãng thời gian mà một số người không muốn nhớ tới, là những trải nghiệm chân thật nhất.
Tác giả Kim ra mắt sân khấu webtoon với tác phẩm đầu tay “Amanza” (2013), kể về trải nghiệm của người cha mắc bệnh ung thư trong thời gian dài. Anh chính thức được nhiều người biết tới khi ra mắt tác phẩm thứ hai “D.P Dog's Day”. Và vào năm 2021, bộ webtoon này đã được Netflix chuyển thể thành phim với tiêu đề “Truy bắt lính đào ngũ” (D.P.). Sau khi gây được tiếng vang lớn không kém cạnh bộ webtoon, “Truy bắt lính đào ngũ” tiếp tục được cho ra mắt phần hai vào tháng 7 năm nay.
Không chỉ dừng lại ở tác giả webtoon, Kim Bo Tong còn hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác như làm biên kịch kiêm đạo diễn cho loạt phim “The King of the Desert” (tựa Việt: Vua Sa Mạc) của WATCHA vào tháng 12/2022.
Hôm nay, hãy cùng phóng viên của Korea.net tìm hiểu thêm về vị tác giả đa tài này nhé!
Tác giả Kim Bo Tong chụp ảnh với mũ đội đầu hổ trắng, biểu trưng cho “studio TIGER”, công ty sản xuất nội dung do anh đứng đầu. (Ảnh: Instagram của tác giả Kim Bo Tong)
Lý do mà anh từ bỏ công việc văn phòng để trở thành một tác giả webtoon?
Bản thân tôi đã không thể thích nghi với cuộc sống văn phòng nên sau khi nghỉ việc, tôi dành thời gian để suy nghĩ xem nên làm gì tiếp theo, sau một thời gian dài đắn đo với suy nghĩ “học Luật thì sao nhỉ?” thì tôi đã đi đến quyết định cuối cùng. Nhưng kết quả là tôi đã thi rớt, và rồi tôi lại nhận được một gợi ý “sao không thử làm tác giả truyện tranh” nên tôi đã bắt đầu cuộc sống của một tác giả.
Sở dĩ tôi có thể tiếp tục sự nghiệp tác giả suốt 10 năm qua, sau khi bắt đầu con đường này là vì tôi vẽ tranh và viết truyện với tư thế của một nhân viên văn phòng phải “giao hàng” hơn là thái độ “sáng tạo” cái gì đó.
Được biết, bộ phim “Truy bắt lính đào ngũ” nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng hội những người yêu phim từ các nước châu Á. Anh có suy nghĩ như thế nào?
Lý do có thể đến từ việc các nước châu Á thường áp đặt chế độ gọi nhập ngũ, hoặc là nghĩa vụ quân sự tương tự, hoặc cũng có thể là do đều sống trong một xã hội cứng nhắc coi trọng thứ bậc trong một tổ chức hơn là quyền tự do cá nhân. Tôi nghĩ chắc hẳn phải có sự đồng cảm nào đó trong các nền văn hóa nơi tồn tại những hành vi xấu xa như sự tàn bạo của quân đội.
Một phân cảnh trong bộ phim “Truy bắt lính đào ngũ – Phần 2” của Netflix. (Ảnh: Facebook của Netflix)
Anh có thể giải thích đôi chút về Đội truy bắt lính đào ngũ (D.P.) để giúp những độc giả nước ngoài chưa biết nhiều về quân đội Hàn Quốc hiểu rõ hơn?
Hàn Quốc là quốc gia có chế độ quân dịch bắt buộc, nên tất cả nam giới không có vấn đề về sức khỏe ở độ tuổi 20 đều bắt buộc phải nhập ngũ trong thời gian quy định. Cho dù ở đâu, hay ở bất cứ tổ chức nào thì cũng đều sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong quân đội Hàn Quốc cũng không tránh khỏi và “đào ngũ” là một trong những vấn đề thường gặp. Lúc này, lực lượng đặc biệt được phái đi truy bắt những kẻ đào ngũ gọi là “D.P.”. Nó tương tự như “Blade Runner”, một sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm truy đuổi các bản sao trong bộ phim “Blade Runner” (1982).
Phần 2 của “Truy bắt lính đào ngũ” đã được công chiếu vào ngày 28/07 vừa qua, là tác giả của nguyên tác anh có suy nghĩ thế nào khi xem bộ phim đó?
Tôi thực sự cảm thấy tội lỗi khi biết được tổ chế tác đã phải vất vả như thế nào. Vốn dĩ nghề tác giả thì chỉ cần ngồi một chỗ và chuyển trí tưởng tượng thành câu chữ, nên tôi không thể ngờ đến khi chuyển thể tác phẩm của mình thành phim lại khiến nhiều người vất vả đến vậy. Nhưng tôi cũng không thể sáng tác một tác phẩm dễ dàng với việc quay phim, nên tôi cứ viết trong tội lỗi. Sau khi trực tiếp quay thử “The King of the Desert” vào năm ngoái, tôi đang tự kiểm điểm lại một cách nghiêm túc.
Tác phẩm đầu tay của tác giả Kim Bo Tong “Amanza” (2013), nổi bật với phong cách vẽ giống như một câu truyện cổ tích, đối nghịch với bối cảnh được tạo ra dựa trên cuộc chiến với căn bệnh ung thư của người cha. (Ảnh: Instagram của tác giả Kim Bo Tong)
Anh đã nói bộ “Amanza” hay “D.P Dog's Day” đều xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, vậy “kinh nghiệm” ở đây mang ý nghĩa gì?
Tôi luôn nghĩ rằng, “những thứ đã qua là nền tảng”. Khi tôi kể một câu chuyện bắt nguồn từ những cảm xúc và nhận thức vấn đề mà tôi cảm nhận được trong quá trình đó, câu chuyện dường như có sức sống. Dạo này vì có quá nhiều việc nên tôi không có thời gian để trải nghiệm nhiều, điều đó làm tôi thấy khá là tiếc nuối. Nếu bạn có ước mơ trở thành tác giả, thì hãy thử trải nghiệm thật nhiều.
Nghe nói anh đã ký hợp đồng với Creative Artists Agency (CAA) của Mỹ trong năm nay, vậy anh dự định sẽ tập trung vào điều gì trong tác phẩm của mình để phù hợp với thị trường thế giới?
Tôi không có ý định sẽ thay đổi một chất liệu tác phẩm đặc biệt nào khác. Giống với “Truy bắt lính đào ngũ”, cho dù tôi có đề cập đến các vấn đề đặc thù trong xã hội Hàn Quốc thì vẫn nhận được sự đồng cảm từ rất nhiều những nền văn hóa khác. Vì vậy, tôi muốn tạo cơ hội cho nhiều khán giả suy ngẫm về xã hội của chính họ. Những câu chuyện mà chúng tôi hiện đang thảo luận với các công ty sản xuất ở nước ngoài cũng đang được thảo luận từ góc độ đó.
Anh có bất kỳ trải nghiệm cá nhân hoặc câu chuyện nào mà anh nghĩ đến cho tác phẩm webtoon tiếp theo của mình không?
Tôi luôn nói rằng mình muốn viết về Sinh Lão Bệnh Tử và Hỷ Nộ Ái Ố. “Bệnh” và “Ái” đã được tôi sử dụng trong “Amanza”, còn “Sinh” và “Nộ” đã được tôi thể hiện qua “DP Dog’s Day”, nên tôi muốn viết về những yếu tố còn lại “Lão - Tử - Hỷ - Ố”. Tôi đang chuẩn bị một câu chuyện thú vị liên quan đến các sự kiện xảy ra trong quá trình phổ biến mà tất cả mọi người đều trải qua, chẳng hạn như trường học và nơi làm việc.
scf2979@korea.kr