Con người

17.10.2023

Oh Chuyun, giáo sư khoa Múa Trường Đại học Công lập San Diego (SDSU), chụp ảnh kỷ niệm cùng các vũ công sau màn trình diễn K-pop tại Sân vận động Petco Park, thành phố San Deigo, bang California vào ngày 19/10 vừa qua (giờ Mỹ). (Ảnh: Oh Chuyun)

Oh Chuyun (thứ hai từ phải qua), giáo sư khoa Múa Trường Đại học Bang San Diego (SDSU), chụp ảnh kỷ niệm cùng các vũ công sau màn trình diễn K-pop tại Sân vận động Petco Park, thành phố San Deigo, bang California vào ngày 19/9 vừa qua (giờ Mỹ). (Ảnh: Oh Chuyun)



Bài viết từ Park Hye Ri và Cao Thị Hà

Dạo gần đây, các hãng thông tấn trong và ngoài nước thật không khó để có thể tìm thấy những thông tin về các nghệ sĩ K-pop như việc tiến vào bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu, nhận giải ở những lễ trao giải âm nhạc đại chúng ở nước ngoài,... Theo thống kê thương mại xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố vào tháng 7 vừa qua cho thấy, xuất khẩu album K-pop trong nửa đầu năm nay ghi nhận 132,934 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ vào năm ngoái, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay.

Trong đó, thị trường âm nhạc Mỹ là một trong những nơi tiêu biểu có thể nhìn thấy rõ nhất các thành quả cũng như sự phát triển mạnh mẽ của K-pop ra thị trường âm nhạc thế giới. Sau Nhật Bản, nơi ghi nhận số lượng xuất khẩu cao nhất với 48,523 triệu USD, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 25,519 triệu USD. Trước đó, Trung Quốc luôn là quốc gia đứng thứ 2 về lượng xuất khẩu kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2020.

Đặc biệt, năm nay có thể nói là một năm đại thành công đối với nền âm nhạc K-pop, khi thành viên Jimin (BTS) ra mắt vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng âm nhạc quyền lực của Mỹ “Billboard Hot 100” với ca khúc solo “Like Crazy”, tiếp đến là nhóm nhạc nữ BLACKPINK đã giành cùng lúc 2 giải thưởng tại lễ trao giải “MTV Video Music Awards” (MTV VMAs), hay các nhóm nhạc tân binh TXT, Stray Kids, NewJeans cũng lần lượt đứng đầu BXH “Billboard 200”.

Nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của K-pop như kể trên, một lớp học lý thuyết và lịch sử vũ đạo K-pop đầu tiên ở Bắc Mỹ đã được mở tại Trường Đại học Bang San Diego (SDSU). Và người đã đưa chương trình giảng dạy bắt đầu từ kỳ học mùa Thu này vào một trường đại học ở Bắc Mỹ không ai khác chính là Oh Chuyun, giáo sư khoa Múa của SDSU.

Sau khi tốt nghiệp khoa Múa tại Trường Đại học Nữ sinh Ehwa, giáo sư Oh đã nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Bang Texas cơ sở ở thành phố Austin bằng luận văn đầu tiên tại Bắc Mỹ về vũ đạo K-pop. Giáo sư Oh, tác giả cuốn sách “K-pop Dance: Fandoming Yourself on Social Media”, được xuất bản vào tháng 7 năm ngoái và trở thành sách bán chạy nhất trên Amazon, đã nghiên cứu K-pop trong 10 năm qua và viết nhiều luận văn khác nhau về chủ đề này. Hiện tại, giáo sư Oh đang tiếp tục các hoạt động quảng bá văn hóa Hàn Quốc tại khu vực Bắc Mỹ như việc cấp “Chứng chỉ người sáng tạo K-pop” thông qua phòng nghiên cứu “Oniz Lab”.

Giáo sư Oh, người đi đầu trong việc quảng bá K-pop tại Mỹ, cho rằng vũ đạo K-pop “không phải là chuyện xảy ra trong một thời gian ngắn mà là kết quả của nền giáo dục và nền công nghiệp nghệ thuật diễn ra qua nhiều thế hệ”. Dựa vào những nỗ lực trong việc quảng bá nền văn hóa Hàn Quốc ra thế giới của giáo sư Oh, vừa qua Korea.net đã có buổi phỏng vấn online cùng với vị giáo sư này.

Oh Chuyun, giáo sư khoa Múa Trường Đại học Công lập San Diego (SDSU). (Ảnh: Oh Chuyun)

Oh Chuyun, giáo sư khoa Múa Trường Đại học Bang San Diego (SDSU). (Ảnh: Oh Chuyun)



Được biết, bắt đầu từ học kỳ mùa Thu năm nay giáo sư đang điều hành lớp học về lý thuyết và lịch sử vũ đạo K-pop, vậy lý do giáo sư đề xuất mở chương trình giảng dạy liên quan đến vũ đạo K-pop là gì?

Xét theo quy mô của cộng đồng người hâm mộ K-pop, tôi đã đề xuất với phía Ban Giám hiệu nhà trường kể từ sau khi trở thành giáo sư tại SDSU vào năm 2017. Ở Mỹ, đặc biệt là khu vực đa văn hóa đã bám rễ sâu như bang California, hầu hết ở các trường đại học đều có đội nhảy K-pop, và quy mô của các đội nhảy K-pop này không hề nhỏ mà tương đương với đội cổ vũ hay đội nhảy hiphop. Từ sau khi xuất bản cuốn sách “K-pop Dance: Fandoming Yourself on Social Media” vào năm 2022, thì đề xuất của tôi đã được hiện thực hóa.

Điều này là do cần có sách giáo khoa để dạy các môn lý thuyết có quy mô lớn và ý nghĩa học thuật của các chủ đề môn học mới phải được xác minh. Cho dù là giáo dục đại học thì cũng cần phải phản ánh mối quan tâm mới của sinh viên cũng như việc dạy môn học truyền thống, nên tôi đã quyết tâm mở lớp học này.

Có vẻ như quá trình để có thể hiện thực hóa được việc đưa lớp học vũ đạo K-pop vào chương trình học chính quy của một trường đại học ở Mỹ không hề dễ dàng.

Đầu tiên, chỉ trích lớn nhất mà tôi nhận được là nó không phải là “truyền thống” (canon) của khu vực này. Cho dù là đất nước nào đi chăng nữa, thì cũng có xu hướng giữ vững và phát triển văn hóa cũng như đặc quyền của dân tộc mình. Mỹ cũng là một quốc gia có truyền thống cai trị mạnh mẽ của người da trắng, mặc dù nó đã trở thành một dân tộc có đa dạng các nền văn hóa kể từ sau thời kỳ thuộc địa. Và K-pop không phải là nghệ thuật sân khấu mà là nhảy đại chúng, thêm vào đó còn là điệu nhảy của nền văn hóa châu Á chứ không phải của người da trắng nên nó đã mang tính hai mặt.

Các tiết học chủ yếu được tiến hành như thế nào? Phản ứng của các sinh viên ra sao?

Tôi đã sử dụng cuốn sách “K-pop Dance: Fandoming Yourself on Social Media” làm giáo trình, và giảng dạy những kiến thức về lịch sử vũ đạo K-pop, ý nghĩa mang tính văn hóa của cộng đồng người hâm mộ,... trong suốt một học kỳ. Ngoài các lớp học lý thuyết, vào đầu học kỳ tôi cũng đã tổ chức showcase (một buổi thể hiện kỹ năng của bản thân) cho 80 sinh viên rồi phân chia đảm nhận các vị trí như vũ công, nhà thiết kế ánh sáng và trang phục cũng như nghệ sĩ âm nhạc.

Hiện tại, có 80 sinh viên đang theo học lớp học này. Vì đây là môn học nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các sinh viên đại học SDSU, nên khi lớp học vừa mở đã có hàng chục nghìn sinh viên đăng ký vào danh sách chờ, nhưng giảng đường lớn nhất ở đây cũng chỉ có thể chứa tối đa 80 chỗ ngồi, vậy nên tôi đã phải giảm danh sách số sinh viên có thể nhận xuống. Trong giờ học, các sinh viên rất vui khi được cho xem các MV của bài hát K-pop, họ cũng tỏ ra vô cùng thích thú với những câu chuyện tôi kể về quá trình lớn lên cùng thế hệ thần tượng K-pop đầu tiên ở Hàn Quốc.

Ví dụ, hồi còn học trung học, tôi thường bắt chước theo cách trang điểm và trang phục của nhóm nhạc S.E.S., hay thực hiện các điệu nhảy cổ vũ vào ngày hội thể thao của trường, rồi kể về câu chuyện tôi đã muốn trở thành người nổi tiếng giống như S.E.S., và những ảnh hưởng của nhóm trong tuổi thanh xuân của tôi. Ngược lại, các tên gọi hay từ chuyên ngành khá khó khăn đối với các sinh viên. “Aegyo”, làm trái tim bằng ngón tay, hay tên của các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng,... những điều vô cùng quen thuộc đối với cộng đồng người hâm mộ, nhưng các sinh viên thậm chí còn gặp khó khăn để phát âm nó.

Showcase được tổ chức vào tháng trước là cơ hội để các sinh viên có thể trực tiếp biểu diễn. Mặc dù là môn học lý thuyết, nhưng có vẻ giáo sư đang cố gắng để tạo thêm nhiều cơ hội hơn nữa cho các sinh viên có thể tham gia trực tiếp những sự kiện như thế này.

Tôi nghĩ là vũ đạo K-pop cũng giống như việc chế biến một món ăn. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều hình ảnh hay là video nấu ăn trên Instagram hoặc YouTube, nhưng thật khó để biến những kiến thức đó trở thành của mình, trừ khi bạn trực tiếp thử. Tương tự, hầu hết các sinh viên ở Mỹ cũng chỉ biết đến K-pop thông qua những video ngắn trên mạng xã hội. Những học sinh đã trực tiếp biểu diễn với tư cách là vũ công, hay được tận mắt xem trên thực tế mới có thể biết được ý nghĩa thật sự của nhảy múa, thế nào là sự quan trọng của tinh thần đồng đội, hay để có thể tạo ra được một buổi biểu diễn thì cần bao nhiêu nhân lực tiềm ẩn.

Ngày 6/9 (giờ Mỹ), các sinh viên lớp học lý thuyết và lịch sử vũ đạo K-pop đã trình diễn K-pop trong showcase được tổ chức tại Trường Đại học Công lập San Diego (SDSU). (Ảnh: Oh Chuyun)

Ngày 6/9 (giờ Mỹ), các sinh viên lớp học lý thuyết và lịch sử vũ đạo K-pop đã trình diễn K-pop trong showcase được tổ chức tại Trường Đại học Bang San Diego (SDSU). (Ảnh: Oh Chuyun)



Nghe nói giáo sư đã phụ trách phần biên đạo cho sân khấu trình diễn K-pop trong sự kiện “Lễ kỷ niệm Di sản Hàn Quốc” (Korean Heritage Celebration) của đội bóng chày chuyên nghiệp San Diego Padres (Mỹ) diễn ra vào ngày 19 tháng trước?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng chày chuyên nghiệp San Diego Padres có sự xuất hiện của văn hóa Hàn Quốc và K-pop. Thông qua buổi tuyển chọn được mở dựa trên showcase, tôi đã chọn ra được 3 đội đồng hành cùng với các học sinh SDSU trong tổng 50 phút công diễn. Tuy quá trình này không hề dễ dàng, nhưng hơn hết tôi vui mừng vì đã đóng góp vào sự trao đổi văn hóa giữa hai nước nhân dịp đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh Hàn Quốc – Mỹ.

Không chỉ riêng BTS hay BLACKPINK, mà năm nay có thêm nhiều nhóm nhạc tân binh đã và đang nhận được nhiều sự yêu mến tại thị trường âm nhạc Mỹ, như thành tích trên BXH “Billboard”,... Vậy theo giáo sư, đâu là điểm đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn của K-pop đối với thị trường âm nhạc Mỹ.

Tôi nghĩ rằng các thần tượng K-pop hoàn hảo ở hầu hết mọi thứ, bao gồm âm nhạc, kỹ năng vũ đạo, trang phục, trang điểm, ánh sáng sân khấu, cách sử dụng video, ngoại hình của vũ công, vũ đạo hay cách cư xử trước và sau sân khấu. Hơn hết, vũ đạo K-pop không phải được tạo ra trong ngày một ngày hai, mà là kết quả của nền giáo dục và nền công nghiệp nghệ thuật đã đạt được qua rất nhiều thế hệ. Vậy nên cá nhân tôi đánh giá rằng, điểm thu hút có thể nhận biết được ngay từ cái nhìn đầu tiên có lẽ là kỹ năng vượt trội.

Thông qua cuốn sách “K-pop Dance: Fandoming Yourself on Social Media” có nhiều đánh giá cho rằng vũ đạo K-pop được sắp xếp một cách có tổ chức và tiếp cận về mặt học thuật. Lý do tại sao giáo sư lại nghĩ rằng cần phải có một sắp xếp về mặt lý thuyết và nghiên cứu học thuật về K-pop?

Bất kỳ hiện tượng nghệ thuật nào nếu không được thiết lập về mặt lý thuyết thì sẽ biến mất theo xu hướng trong một khoảnh khắc. Đặc biệt là nhảy múa. Đó là bài học quan trọng nhất tôi học được kể từ khi bắt đầu học múa ba lê vào năm 7 tuổi, cho đến khi theo học chuyên ngành múa đương đại ở khoa múa và viết luận văn về thẩm mỹ múa ở trường cao học. Những ghi chép mang tính học thuật nhất định sẽ trở thành một phần của lịch sử.

Tôi bắt đầu viết luận văn tiến sĩ về vũ đạo K-pop tại Mỹ vào năm 2012 vì tôi nghĩ K-pop đã được coi là một thể loại vũ đạo hoàn chỉnh. Trong 10 năm qua, các điệu nhảy K-pop đã phát triển một cách công phu hơn và khẳng định mình chính là một thể loại. Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu các nhà học thuật đề cập đến tầm quan trọng về văn hóa, lịch sử và xã hội của vũ đạo K-pop, hay thậm chí là đề xuất về những hướng đi tiếp theo.

Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp K-pop thì chắc hẳn giáo sư cũng có những kế hoạch riêng. Liệu rằng giáo sư có thể tiết lộ một phần về kế hoạch tương lai của mình?

Tuy rằng Hàn Quốc có rất nhiều nhân tài xuất chúng nhưng lại có rất ít cơ hội để thể hiện. Mặc dù vậy luôn có rất nhiều cơ hội đang chờ đón những người như vậy tại Mỹ. Giống như sân khấu của đội bóng chày San Diego Padres lần này, tôi luôn nhận được rất nhiều lời mời trình diễn K-pop trên các sân khấu lớn nhỏ. Việc để các học sinh của tôi có cơ hội trình diễn cũng là một việc vô cùng ý nghĩa, nhưng tôi cũng hy vọng rằng trong tương lai, có thể thiết lập một hệ thống hợp tác với các vũ công, nghệ sĩ và thần tượng K-pop xuất sắc của Hàn Quốc.

Lớp học lý thuyết về K-pop đã nhận được nhiều sự yêu thích đến mức phía nhà trường cũng đang cân nhắc đến việc mở một lớp học thực hành. Không giống với Hàn Quốc, cơn sốt K-pop ở Mỹ nhấn mạnh vào sở thích và sự tham gia hơn là chuyên môn. Vì lý do này, tôi muốn có cơ hội được làm việc cùng với một chuyên gia người Hàn Quốc có kinh nghiệm thực tế liên quan đến ngành công nghiệp K-pop.

Hơn nữa, hiện tại tôi cũng đang biên soạn cuốn sách thứ hai liên quan đến giáo dục vũ đạo K-pop dựa trên kinh nghiệm là một nhà giáo dục. Về lâu dài, tôi muốn đóng góp cho các chương trình giáo dục nghệ thuật và trao đổi văn hóa giữa các đại học của Hàn Quốc và Mỹ thông qua K-pop.

shinn11@korea.kr