Chính sách

25.03.2024

Theo “Báo cáo thú cưng Hàn Quốc năm 2023” do Viện nghiên cứu quản lý KB công bố, tính đến cuối năm 2022, số lượng hộ gia đình nuôi thú cưng là 5,52 triệu hộ, và số người nuôi là 12,62 triệu người. (Ảnh: iclickart)

Theo “Báo cáo thú cưng Hàn Quốc năm 2023” do Viện nghiên cứu quản lý KB công bố, tính đến cuối năm 2022, số lượng hộ gia đình nuôi thú cưng là 5,52 triệu hộ, và số người nuôi là 12,62 triệu người. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Bài viết từ Cao Thị Hà

Ngày 23/3 hàng năm là “Ngày quốc tế cún cưng” (National Puppy Day), và vào ngày này, ở Hàn Quốc luôn tổ chức nhiều sự kiện thú vị dành cho các “boss và sen”. “Ngày quốc tế cún cưng” là ngày được đề xuất bởi Colleen Paige, một nhà khoa học thú cưng người Mỹ, và được chỉ định vào năm 2006 với mục đích tôn trọng sự sống của loài chó, và khuyến khích nhận nuôi những chú chó bị bỏ rơi.

Trong thời đại hiện nay, việc bắt gặp hình ảnh mọi người cùng với thú cưng của mình đi đến các địa điểm công cộng như công viên, quán cà phê, nhà hàng, bể bơi,... không còn quá khó khăn. Thậm chí còn có nhiều “boss” trở nên nổi tiếng nhờ các nội dung được chia sẻ lên các trang mạng xã hội như YouTube, TikTok, Instagram,... và nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng.

Theo “Báo cáo thú cưng Hàn Quốc năm 2023” do Viện nghiên cứu quản lý KB công bố, tính đến cuối năm 2022, số lượng hộ gia đình nuôi thú cưng là 5,52 triệu hộ, tương đương với 25,7% tổng dân số nước này. Xét theo số lượng người nuôi thú cưng là 12,62 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ gia đình nuôi thú cưng.

Khi số lượng hộ gia đình nuôi thú cưng tăng lên, cũng kéo theo thị trường các lĩnh vực liên quan tăng trưởng một cách nhanh chóng. Tháng 8/2023, Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc (KREI) cho biết, thị trường thú cưng trong nước tính theo tiêu chuẩn năm 2022 đã ghi nhận mức 8 nghìn tỷ KRW.

Trong cùng tháng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) cũng công bố mục tiêu đầy tham vọng, về việc tăng quy mô thị trường thú cưng trong nước lên 15 nghìn tỷ KRW cho đến năm 2027. Để đạt được mục tiêu này, Bộ đã lên kế hoạch thúc đẩy bốn ngành công nghiệp chính bao gồm thức ăn cho thú cưng, và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Dựa vào sự phổ biến của thú cưng trong cuộc sống hiện tại, không quá lời khi nói rằng đây là “thời kỳ hoàng kim của thú cưng”. Cùng với điều này, chính phủ cũng đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tùy chỉnh dành cho thú cưng hơn. Đồng thời các công ty tư nhân cũng đang tiếp cận những người nuôi thú cưng bằng nhiều loại sản phẩm liên quan.

Các chính quyền địa phương cũng không ngừng đưa ra các chính sách phúc lợi, nhằm tạo ra một xã hội nơi con người và thú cưng có thể cùng nhau sống hạnh phúc.

Ngày 24/3, một chú chó đã đi leo núi với chủ của mình ở núi Bongjesan, quận Gangseo-gu, Seoul. (Ảnh: Cao Thị Hà / Korea.net) style=

Ngày 24/3, một chú chó đã đi leo núi với chủ của mình ở núi Bongjesan, quận Gangseo-gu, Seoul. (Ảnh: Cao Thị Hà / Korea.net)



Đầu tiên, Chính quyền thành phố Seoul thiết lập chính sách hỗ trợ chi phí điều trị y tế cho thú cưng của tầng lớp yếu thế trong xã hội, khi số lượng các hộ gia đình nuôi thú cưng đang không ngừng tăng lên. Theo đó, tầng lớp yếu thế trong xã hội như nhóm nhận trợ cấp sinh kế cơ bản, nhóm có thu nhập thấp, hay gia đình đơn thân, có thể nhận được hỗ trợ y tế lên tới 400.000 KRW khi kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng, triệt sản cho thú cưng.

Thêm vào đó, số lượng bệnh viện thú ý tham gia “Bệnh viện thú y làng”, một dự án cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu cho thú cưng của tầng lớp yếu thế, cũng tăng từ 92 nơi vào năm 2022, lên 114 nơi vào năm ngoái. Chương trình “Trường học An toàn Thú cưng”, nơi cung cấp giáo dục bảo vệ động vật cho những người nuôi thú cưng trong tương lai, cũng sẽ được triển khai bắt đầu từ tháng này.

Trước đó, Chính quyền thành phố Seoul đã lần đầu tiên tổ chức “Lễ hội thú cưng Seoul 2023” vào tháng 10 năm ngoái. Thành phố cũng đã sửa đổi Pháp lệnh Bảo vệ Động vật Seoul, chỉ định ngày 4/10 là “Ngày bảo vệ Động vật Seoul” và dự định tổ chức sự kiện kỷ niệm hàng năm.

Từ năm 2019, quận Seocho-gu, Seoul đã cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng, để giảm bớt gánh nặng chăm sóc cho những người nuôi thú cưng trong dịp Tết Nguyên đán, Trung thu và kỳ nghỉ hè. (Ảnh: Văn phòng quận Seocho-gu)

Từ năm 2019, quận Seocho-gu, Seoul đã cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng, để giảm bớt gánh nặng chăm sóc cho những người nuôi thú cưng trong dịp Tết Nguyên đán, Trung thu và kỳ nghỉ hè. (Ảnh: Văn phòng quận Seocho-gu)



Tỉnh Gyeonggi-do đã đưa ra những chính sách phúc lợi đa dạng nhằm tạo ra một “Gyeonggi-do, nơi con người và động vật cùng nhau hạnh phúc”.

Cụ thể, tỉnh đưa ra các chính sách khuyến khích nhận nuôi thay vì mua như mở rộng trung tâm nhận nuôi chuyên về thú cưng; thúc đẩy chiến dịch và tuần lễ nhận nuôi thú cưng;... cũng như các chính sách ngăn ngừa và bảo vệ động vật bị bỏ rơi, chẳng hạn như hỗ trợ chi phí đăng ký động vật; và vận hành các trung tâm tư vấn động vật.

Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng các không gian thân thiện với thú cưng như sân chơi cho thú cưng; khu vui chơi; hay nhà tang lễ công cộng, đồng thời tạo ra các chính sách văn hóa vật nuôi như chỉ định Ngày thú cưng ở Gyeonggi-do; thúc đẩy lễ hội văn hóa thú cưng, tiến hành các chương trình giáo dục thú cưng tùy chỉnh.

Đặc biệt, thành phố Gimpo đã thu hút sự chú ý khi là chính quyền địa phương đầu tiên trên toàn quốc thành lập “Nhóm Văn hóa vật nuôi’ tại Ban Văn hóa Gia đình thuộc Sở Phúc lợi.

Không chỉ vậy, mỗi chính quyền địa phương cũng đang thực hiện dự án hỗ trợ “Bảo hiểm thú cưng”, nhằm giúp đỡ các gia đình có thể nhận nuôi thú cưng bị bỏ rơi mà không phải chịu gánh nặng về kinh tế.

Ngày 11 vừa qua, thành phố Gwangju lần đầu tiên triển khai dự án “Bảo hiểm thú cưng cho động vật bị bỏ rơi” tại khu vực Honam. Chương trình này cung cấp cho người dân địa phương hỗ trợ lên tới 60% chi phí điều trị tại bệnh viện trong giới hạn 10 triệu won, trong một năm nếu động vật được đăng ký các giấy tờ đầy đủ sau khi nhận nuôi.

Mặt khác, bắt đầu từ tháng 4 năm nay tỉnh Gyeonggi-do có kế hoạch chi 200 triệu KRW để cung cấp bảo hiểm cho 1.000 thú cưng bị bỏ rơi.

shinn11@korea.kr