Bà Martha Lim Kim giới thiệu cuốn sách “Hậu duệ của Hàn kiều tại Cuba” trong buổi lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Gwangbokjeol (Ngày Giải phóng), diễn ra ở Trung tâm Centro Cristiano Reflexión y Dialogo, thành phố Cárdenas, Cuba vào tháng 8/2023. (Ảnh: Tổng Liên đoàn Hậu duệ Hàn kiều Mexico – Cuba)
Bài viết từ
Hong Angie
“Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Cuba là một món quà bất ngờ. Cuối cùng, quan hệ lãnh sự và ngoại giao cấp cao đã được thiết lập thành công, điều mà các Hàn kiều đã mơ ước bấy lâu nay”.
Đây là những chia sẻ của bà Martha Lim Kim, một hậu duệ thế hệ thứ ba của các Hàn kiều tại Cuba, trong buổi phỏng vấn trực tuyến với cổng thông tin điện tử Korea.net vào tháng trước.
Trong khi làm giáo sư Khoa Triết Học tại trường Đại học Matanzas trong suốt 33 năm qua, bà Lim Kim luôn chủ động, đi đầu trong việc tập hợp hậu duệ của các Hàn kiều tại Cuba. Với niềm tự hào về nguồn gốc của mình, bà đã xuất bản cuốn sách “Hậu duệ của Hàn kiều tại Cuba” để quảng bá tầm quan trọng của văn hóa Hàn Quốc và lịch sử di cư mà bà học được từ cha mình Im Cheon-taek, một trong những nhà hoạt động đôc lập nổi bật nhất trong lịch sử Hàn Quốc, khi ông đã làm nhà giáo dục tại Cuba trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản và đóng vai trò như người ủng hộ Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc.
Cuốn sách “Hậu duệ của Hàn kiều tại Cuba” kể câu chuyện về lịch sử di cư của người Hàn Quốc từ khi một nhóm 300 người Hàn Quốc đặt chân đến lãnh thổ Cuba vào ngày 25/3/1921 cho đến khi Cách mạng Cuba xảy ra vào đầu những năm 1950.
Liên quan đến việc Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 14/2, bà Lim Kim cho biết những người bản địa tại Cuba đã đón nhận tin này một cách tích cực với niềm hy vọng rằng nền kinh tế của nước này được cải thiện thông qua hợp tác với Hàn Quốc.
Sau đây là bài phỏng vấn với bà Martha Lim Kim.
Xin bà cho biết bối cảnh lịch sử của việc người Hàn Quốc nhập cư vào Cuba và Hiệp hội người Hàn Quốc tại Cuba ra đời như thế nào.
Những người Hàn Quốc di cư đến Mexico để làm công việc nông nghiệp đã đến cảng Manatí, Las Tunas, ở phía đông lãnh thổ Cuba vào ngày 25 tháng 3 năm 1921 để làm việc trong các cánh đồng mía. Đúng như dự đoán, họ đã gặp khá nhiều khó khăn kể từ khi chuyển đi, vì họ không có kinh nghiệm làm việc ở trang trại mía. Tệ hơn nữa, giá đường quốc tế cũng giảm, dẫn đến tiền lương của các lao động giảm đáng kể. Cuối cùng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi phải làm việc ở trang trại cây thùa tây (henequen), nơi mà ngay cả tầng lớp thấp hơn ở Cuba cũng không muốn làm.
Khi người Hàn Quốc di cư sang Cuba, lãnh sự Nhật Bản tại Cuba đã yêu cầu họ đăng ký với tư cách là người Nhật. Để chống lại lệnh vô lý này, người Hàn Quốc đã thành lập Hiệp hội người Hàn Quốc tại Cuba vào ngày 14/6/2021 tại một trang trại mang tên “El Bolo” ở thành phố Matanzas. Nhân dịp này, hiệp hội đã thực hiện các giáo dục và cũng hỗ trợ các phong trào kháng Nhật giành độc lập nhằm mục đích đảm bảo bản sắc của dân tộc Hàn. Khi Phong trào ngày 1/3 bùng nổ ở Hàn Quốc, các Hàn kiều tại Cuba vào năm 1923 thành lập Hiệp hội Quốc gia Hàn Quốc để tham gia vào quá trình giành độc lập của Tổ quốc. Sau đó, mỗi năm một lễ hội được tổ chức để kỷ niệm ngày hôm đó và một cuộc diễu hành cũng được thực hiện.
Không chỉ vậy, những người Hàn Quốc tại Cuba đã tổ chức tiệc sinh nhật, lễ đám cưới và lễ hội theo phong cách Hàn Quốc, chế biến và ăn những món ăn đặc trưng của nước nhà. Đây là yếu tố chính giải thích tại sao truyền thống Hàn Quốc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các vị khách chụp ảnh kỷ niệm khi tham dự buổi lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Gwangbokjeol (Ngày Giải phóng), diễn ra ở Trung tâm Centro Cristiano Reflexión y Dialogo, thành phố Cárdenas, Cuba vào tháng 8/2023. (Ảnh: Tổng Liên đoàn Hậu duệ Hàn kiều Mexico – Cuba)
Sự đoàn kết của cộng đồng người Hàn Quốc bị suy yếu sau giải phóng, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Cuba cũng bị rạn nứt do việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Cuba vào năm 1961. Do đó, có ý kiến cho rằng bản sắc của người Hàn Quốc ở Cuba cũng bị suy yếu. Trên thực tế, hiện tại không có người Hàn Quốc thế hệ đầu tiên nào sống sót. Bây giờ có bao nhiêu Hàn kiều đang cư trú ở Cuba và bản sắc của họ là gì?
Hiện nay có 1.118 Hàn kiều đang cư trú ở Cuba. Tuy nhiên, con số này thay đổi theo tỷ lệ sinh, tử vong và mức độ di cư ngày càng tăng. Hàn kiều thế hệ đầu tiên là những người sinh ra ở Hàn Quốc và di cư đến Mexico, còn thế hệ thứ hai bao gồm những đứa trẻ sinh ra ở Mexico từ cha mẹ là người Hàn Quốc. Tương tự như vậy, cộng đồng Hàn kiều ở Cuba trong thời điểm hiện tại gồm có thế hệ thứ ba đến thế hệ thứ sáu. Trong số nhóm này, 33 người là con của cha mẹ người Hàn Quốc.
Do những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong xã hội Cuba vào những năm 1950, các gia đình Hàn Quốc bị phân tán và các hoạt động cộng đồng bị hạn chế. Những yếu tố như vậy đã làm suy yếu ý thức về bản sắc. Tuy nhiên, vào năm 1995, với việc thành lập Hiệp hội người Hàn Quốc mới ở Cuba, ý thức về cội nguồn của mình đã thức tỉnh. Thế hệ trẻ ngày nay đã nhận thức rõ ràng bản sắc riêng của mình, và đang nuôi dưỡng tình yêu quê hương, tổ tiên. Có nhiều yếu tố góp phần phục hồi bản sắc, đặc biệt là sự giao lưu giữa giới trẻ được Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy.
Ngày 14/2, Hàn Quốc và Cuba đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà nghĩ sự kiện này mang ý nghĩa gì?
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Cuba là một món quà bất ngờ. Cuối cùng, quan hệ lãnh sự và ngoại giao cấp cao đã được thiết lập thành công sau 65 năm, điều mà các Hàn kiều đã mơ ước bấy lâu nay. Sự kiện này sẽ trở thành nền tảng để tăng cường hợp tác và giao lưu ở nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả văn hóa và kinh tế. Chúng tôi sẽ củng cố tình hữu nghị, và tăng thêm niềm tự hào với tư cách là hậu duệ của người Hàn Quốc, bằng cách lan tỏa tiếng Hàn và văn hóa truyền thống của xứ sở Kim Chi.
Người dân Cuba nghĩ sao về việc thiết lập quan hệ ngoại giao?
Người dân Cuba đã đón nhận việc thiết lập quan hệ ngoại giao với niềm vui và hy vọng. Điều này được coi là một bước quan trọng để cải thiện nền kinh tế địa phương.
Ở Cuba, cũng như các quốc gia khác ở Trung và Nam Mỹ, làn sóng văn hóa Hallyu đã lan rộng đều đặn kể từ những năm 2010. Sự quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc, bắt đầu từ K-pop, phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc, đã lan ra rộng rãi trong công chúng. Tất nhiên, trong quá trình tìm hiểu thêm về Hàn Quốc, nhu cầu học tiếng Hàn tăng lên một cách tự nhiên. Họ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội như đi du học khi học ngôn ngữ Hàn Quốc. Thậm chí, có khá nhiều người còn mong chờ việc khai thác đường bay thẳng để có thể du lịch Hàn Quốc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Bà Martha Lim Kim (chính giữa), đạo diễn Lee Lee Joon-ik và khán giả người Cuba chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Dayviana Díaz)
Ở các quốc gia khác, các Đại sứ quán và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (KCC) chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với Cuba, điều này không thể thực hiện được vì đã không có quan hệ ngoại giao. Theo bà, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Cuba sẽ đóng vai trò như thế nào trong quá trình lan tỏa làn sóng văn hóa Hallyu?
Nhờ việc thiết lập quan hệ ngoại giao, các cộng đồng yêu Hàn Quốc đã tạo ra nền tảng vững chắc hơn nhiều so với trước đây. Chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ từng bước để tổ chức các sự kiện về văn hóa Hàn Quốc, tiếp tục đạt được bước phát triển mới.
Cuối cùng, bà kỳ vọng gì đến Chính phủ Hàn Quốc và Cuba sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao?
Mặc dù Hàn Quốc và Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, để tăng nhu cầu du lịch và kinh doanh, chính phủ cần thiết lập các chính sách hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di chuyển của người Hàn Quốc sang Cuba, và ngược lại. Hiện tại, theo quy định của Chính phủ Mỹ, những người nào đến thăm Cuba có thể gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào Mỹ với Hệ thống Điện tử cho Ủy quyền Du lịch (ESTA) nếu không có thị thực. Cân nhắc đến điều như vậy, Chính phủ Hàn Quốc và Cuba phải đưa ra các biện pháp thực tế, và các chính sách nhằm tăng cường hợp tác như kinh tế, giao lưu văn hóa.
Cùng với đó, chính phủ nên cung cấp các biện pháp hỗ trợ kinh tế để mở rộng trao đổi, và hợp tác trong các lĩnh vực phi chính trị như văn hóa, giao lưu nhân sự, và hợp tác phát triển nhằm củng cố bản sắc với tự cách là người Hàn Quốc. Để đạt được điều này, cả hai bên phải thực hiện các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm cha mẹ ruột, người thân đã ly tán do nhập cư.
shong9412@korea.kr