Xã hội

06.03.2018

180306_metoo_700.jpg

Trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người tham dự sự kiện ‘Đại hội phụ nữ Hàn Quốc lần thứ 34’ được tổ chức ở quảng trường Gwanghwamun, Seoul đang cầm biểu ngữ có dòng chữ ‘Phong trào #MeToo’ hôm 4/3. Yonhap News



Phóng viên Kang Gahui kgh89@korea.kr và Park Hye Ri

‘Phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy)’ được bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái tại Hollywood của Mỹ và đang dần lan rộng ở Hàn Quốc.

‘Phong trào #MeToo’ là phong trào vì nạn nhân tình dục, tố cáo thực trạng bạo lực tình dục đang lan tràn trong xã hội thông qua ‘Hashtag (#)’ trên mạng xã hội (SNS).

‘Phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy)’ của Hàn Quốc được bắt đầu vào tháng 1 khi một công tố viên nữ đương nhiệm tố cáo hành vi bạo lực tình dục trong viện kiểm sát trên mạng thông tin nội bộ. Sau đó, phong trào #MeToo dẫn đến việc hé lộ các vụ quấy rối tình dục trong giới văn nghệ sỹ của nhà thơ, đạo diễn, diễn viên, và lan rộng đến tất cả các lĩnh vực như giáo dục, công nghiệp và y tế.

Dư luận trong nước cũng ủng hộ những lời tố cáo can đảm.

Trung tâm nghiên cứu truyền thông thuộc Tổ chức Phát triển Báo chí Hàn Quốc đã điều tra ‘Lập trường về phong trào #MeToo và #WithYou’ đối với 1.063 nam nữ thành niên và đưa ra kết quả 88,6% ủng hộ phong trào #MeToo.

Lý do ủng hộ nhiều nhất là ‘Tôi nghĩ vấn đề bao lực tình dục trong xã hội phải được cải thiện thông qua bất cứ phương pháp nào” (61,7%).

Trong đó, hơn 70% người trả lời cho rằng nguyên nhân gây ra bạo lực tình dục nằm ở ‘quan hệ quyền lực’ và lựa chọn phương án để giải quyết vấn đề này là ‘tăng cường xử phạt và kỷ luật đối với người xâm hại’.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận phong trào #MeToo một cách nghiêm túc”, đồng thời lập ra và công bố ‘Đối sách hoàn chỉnh nhằm xóa bỏ bạo lực tình dục và quấy rối tình dục ở khu vực công” vào hôm 27/2.

Theo đối sách này, nếu công nhân viên chức phạm tội tình dục thì sẽ bị áp dụng nguyên tắc không khoan dung nghiêm khắc và khi bị kết án trên hình thức phạt tiền thì sẽ bị sa thải ngay lập tức. Ngoài ra, ‘Trung tâm khai báo đặc biệt về bạo lực tình dục và quấy rối tình dục’ sẽ được vận hành trong thời hạn 100 ngày kể từ tháng 3, đồng thời nhóm tư vấn chính phủ về đối sách chống bạo lực tình dục cũng được thành lập và dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra đặc biệt theo từng giai đoạn đối với hơn 5000 cơ quan nhà nước.

Liệu ‘Phong trào #MeToo’ đang dần lan rộng ở Hàn Quốc có trở thành tín hiệu tích cực trong ý thức bình đẳng giới cũng như mong muốn giải quyết vấn đề nhân quyền phụ nữ của xã hội Hàn Quốc hay không, điều này đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của toàn xã hội.