Xã hội

15.08.2023

Những người tham gia chuyến tham quan lịch sử dành cho hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập Hàn Quốc vào ngày 11/08, chụp ảnh tập thể tại công viên của Hội trường Độc lập Hàn Quốc ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Hội đồng Hòa giải và Hợp tác Hàn Quốc)

Những người tham gia chuyến tham quan lịch sử dành cho hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập Hàn Quốc vào ngày 11/08, chụp ảnh tập thể tại công viên của Hội trường Độc lập Hàn Quốc ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Hội đồng Hòa giải và Hợp tác Hàn Quốc)



Bài viết từ Lee Jihae, thực tập sinh Choi Seung-hyeon và Park Jin-seo

Ngày 11/08, chỉ mấy ngày trước Gwangbokjeol (Ngày Giải phóng, 15/08), Bảo tàng lịch sử Đài tưởng niệm độc lập của Hàn Quốc ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do đã chật kín những thanh thiếu niên ở độ tuổi 20. Khi hỏi đến thì được biết, họ đều là hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập Hàn Quốc đang tham gia chuyến tham quan lịch sử kéo dài hai ngày, do Hội đồng Hòa giải và Hợp tác Hàn Quốc kết hợp với Đài tưởng niệm độc lập phối hợp tổ chức.

37 người đều là sinh viên đại học hoặc sau đại học tham gia chuyến đi này với mong muốn tìm hiểu về tổ tiên của họ, những người đã đấu tranh, hy sinh xương máu của mình để giải phóng đất nước giành lại độc lập cho tổ quốc vào 78 năm trước (15/08/1945), từ sự đô hộ của Đế quốc Nhật Bản.

Chương trình bắt đầu với bài giảng về lịch sử phong trào độc lập của Han See Jun, Giám đốc Đài tưởng niệm độc lập, sau đó là chuyến thăm các khu triển lãm và kho lưu trữ tài liệu lịch sử của Đài tưởng niệm. Kho lưu trữ là nơi lưu giữ các ghi chép lịch sử mà bình thường không mở cửa cho người dân, khách tham quan bình thường không được phép vào, nhưng hôm đó hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập đã được đặc cách để vào tham quan.

Một bức ảnh gốc chụp các thành viên của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc nhân dịp năm mới, được lưu giữ tại phòng lưu trữ của Đài tưởng niệm độc lập từ ngày 01/01/1920. (Ảnh: Yoon Hye Rin)

Một bức ảnh gốc chụp các thành viên của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc nhân dịp năm mới, được lưu giữ tại phòng lưu trữ của Đài tưởng niệm độc lập từ ngày 01/01/1920. (Ảnh: Yoon Hye Rin)



Sau khi xem triển lãm, Lee Chae-min (21 tuổi), có tổ tiên là Lee Jong-am người đã thành lập một nhóm ủng hộ độc lập vào năm 1919, cho biết: “Lòng yêu nước của tôi đã được nuôi dưỡng thông qua những hành động của tổ tiên vì độc lập dân tộc. Tôi muốn truyền bá sự thật rằng các phong trào độc lập và nỗ lực này đã tồn tại để bảo vệ đất nước”.

Yoon Hye-rin (25 tuổi), hậu duệ của nhà hoạt động độc lập Yoon Chang-man, người đã gây quỹ quân sự với tư cách là phóng viên của chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc ở Mãn Châu (Trung Quốc) chia sẻ: “Chúng tôi có một bản sao của bức ảnh mà ông cố đã chụp tại Chính phủ lâm thời ở Thượng Hải, Trung Quốc, và nó đang được treo ở nơi dễ thấy nhất trong phòng khách. Tôi thực sự rất xúc động khi được nhìn thấy tấm ảnh gốc tại kho lưu trữ”.

Ngày 11/08, những người tham gia chuyến tham quan lịch sử đang lắng nghe giải thích về những di tích còn sót lại của Tòa nhà Chính phủ Nhật Bản. (Ảnh: Park Jin-seo)

Ngày 11/08, những người tham gia chuyến tham quan lịch sử đang lắng nghe giải thích về những di tích còn sót lại của Tòa nhà Chính phủ Nhật Bản. (Ảnh: Park Jin-seo)



Những người tham gia đã di chuyển đến khu triển lãm ngoài trời về những di tích còn sót lại của Tòa nhà Chính phủ Nhật Bản, đã bị phá hủy vào ngày 15/08/1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng đất nước khỏi tay Đế quốc Nhật Bản. Ngọn tháp, và một số di tích còn sót lại đã được giữ lại và trưng bày triển lãm.

Về Công viên triển lãm nằm ở phía Tây Đài tưởng niệm, nhà nghiên cứu Kim Jong-mun nói: “Hướng Tây là hướng mặt trời lặn, vì vậy nó được trưng bày ở hướng Tây để tượng trưng cho sự kết thúc thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. Gác chuông được lắp đặt ở độ cao cách mặt đất 5m mang ý nghĩa chôn vùi quá khứ đau thương”.

Khu nhà của liệt sĩ yêu nước Yu Gwan-sun ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Khu nhà của liệt sĩ yêu nước Yu Gwan-sun ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Ngày thứ 2 của chuyến tham quan lịch sử, những người tham gia đã ghé thăm khu nhà và đài tưởng niệm của liệt sĩ Yu Gwan-sun, một biểu tượng của Phong trào độc lập ngày 1 tháng 3 năm 1919. Bên cạnh ngôi nhà của Yu Gwan-sun là Nhà thờ Maebong, nơi bà đã từng theo học và cũng được biết đến như là một trong những nơi góp phần vào phong trào độc lập, phản đối sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản lúc bấy giờ.

Những bức tượng của nhà hoạt động độc lập Kim Goo-eung và mẹ của ông, bà Choi Jeong-cheol tại Công viên Tưởng niệm Phong trào Độc lập Aunae ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Những bức tượng của nhà hoạt động độc lập Kim Goo-eung và mẹ của ông, bà Choi Jeong-cheol tại Công viên Tưởng niệm Phong trào Độc lập Aunae ở thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Sau khi tham quan nhà của Yu Gwan-sun, tất cả mọi người đã di chuyển đến Công viên Tưởng niệm Phong trào Độc lập Aunae, là nơi diễn ra phong trào độc lập vào ngày 01/04/1919.

Đây là địa điểm đặc biệt có ý nghĩa đối với Han So-hee (21 tuổi), hậu duệ của Kim Goo-eung. Ông Kim là giáo viên của Trường Jinmyeong ở gần Aunae và cũng là người đi đầu trong Phong trào Manse.

Khi nhìn vào bức tượng tưởng niệm của Kim Goo-eung và mẹ của ông, bà Choi Jeong-cheol tại Công viên Tưởng niệm Phong trào Độc lập Aunae, Han cho biết: “Vào ngày mùng 1 tháng 4 hàng năm, tôi và người thân đều đến lò hỏa táng Aunae để dâng lễ và viếng thăm mộ ở Cheonan. Lần này, thật vinh dự khi được đến đây cùng với những hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập khác”.

Ngày 12/08, hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập đã đến thăm Đài tưởng niệm Seokoh Yi Dong-nyeong tại thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Ngày 12/08, hậu duệ của các nhà hoạt động độc lập đã đến thăm Đài tưởng niệm Seokoh Yi Dong-nyeong tại thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Và địa điểm cuối cùng là nơi sinh và đài tưởng niệm của liệt sĩ Yi Dong-nyeong. Mọi người đã dạo quanh khu triển lãm, chụp ảnh tại những khu vực tái hiện lại hình ảnh của các nhà hoạt động độc lập và mặc thử trang phục tái hiện ở thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng.

Sau khi kết thúc chuyến tham quan đài tưởng niệm, nhà nghiên cứu Kim Jong-mun đã kêu gọi những người tham gia hãy suy ngẫm về ý nghĩa của phong trào độc lập với niềm tự hào là hậu duệ của các nhà hoạt động giải phóng.

“Vào thời điểm đó, phong trào độc lập là vấn đề không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân mà còn cả gia đình. Tuy nhiên, việc các tổ tiên tham gia vào phong trào vận động độc lập có lẽ là tấm lòng thiết thực, mong muốn con cháu của họ sống trong một đất nước tự do không bị đàn áp giống như thời kỳ của họ”, ông Kim nhấn mạnh.

Ngày 12/08, những người tham gia chuyến tham quan lịch sử đã đặt vòng hoa tưởng niệm tại Cầu thang 105 người ở Đài tưởng niệm độc lập, thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Ngày 12/08, những người tham gia chuyến tham quan lịch sử đã đặt vòng hoa tưởng niệm tại Cầu thang 105 người ở Đài tưởng niệm độc lập, thành phố Cheonan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Để kết thúc lịch trình chuyến tham quan lịch sử 2 ngày 1 đêm, những người tham gia đã quay trở lại Đài tưởng niệm độc lập và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Cầu thang 105 người, dành những giây phút mặc niệm thiêng liêng tưởng nhớ tổ tiên đã mất.

Hong Jun-hee (24 tuổi) hậu duệ của Hong Soon-eui, người đã lãnh đạo hoạt động ủng hộ độc lập ở tỉnh Hwanghae-do, cho biết: “Tôi luôn tự hào về ông của mình. Ông ấy không bao giờ trốn tránh tiếng gọi của lịch sử và hành động vì niềm tin mạnh mẽ của mình, điều mà tôi nghĩ mình nên noi theo”.

Park Jong-hyeok (24 tuổi) có tổ tiên là Kim Maengdori đã chiến đấu vào cuối thời Joseon với lực lượng kháng chiến do nhà hoạt động giải phóng Yang Han-gyu lãnh đạo, chia sẻ: “Tôi đã đến Đài tưởng niệm độc lập nhiều lần, nhưng lần này được giao lưu với các hậu duệ khác và tưởng nhớ lại ý nghĩa của sự độc lập có ý nghĩa rất đặc biệt”.

jihlee08@korea.kr