Xã hội

23.08.2024

Những người trò chuyện với nhau trong chương trình gặp mặt “Naneun Jeollo” (tạm dịch: Tôi đi đến chùa) diễn ra ở Viện đào tạo văn hóa Hàn Quốc, thành phố Gongju, tỉnh Chungcheongnam-do từ ngày 15-16/6/2024. (Ảnh: Quỹ phúc lợi xã hội Phật giáo Hàn Quốc)

Những người trò chuyện với nhau trong chương trình gặp mặt “Naneun Jeollo” (tạm dịch: Tôi đi đến chùa) diễn ra ở Viện đào tạo văn hóa Hàn Quốc, thành phố Gongju, tỉnh Chungcheongnam-do từ ngày 15-16/6/2024. (Ảnh: Quỹ phúc lợi xã hội Phật giáo Hàn Quốc)



Bài viết từ Aisylu Akhmetzianova

Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2023 do Tổng cục Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố vào tháng 7, dân số Hàn Quốc (ngoại trừ người nước ngoài) vào năm ngoái đạt 49,84 triệu người, giảm 101.000 người (0,2%) so với năm 2022. Tỷ lệ sinh tổng thể của nước này đã giảm xuống còn 0,72 vào năm 2023 từ mức 0,78 trong năm 2022, và số cuộc hôn nhân cũng giảm 40% trong 10 năm qua.

Khi ngày càng có nhiều lo ngại về khủng hoảng dân số trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra kế hoạch thành lập một bộ mới để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp, và các chính quyền địa phương cũng như các tổ chức tư nhân cũng đề xuất giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích giới trẻ hẹn hò, kết hôn và sinh con, dẫn đến tăng dân số.

Thậm chí, Phật giáo cũng thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa đàn ông và phụ nữ độc thân thông qua một chương trình mang tên “Naneun Jeollo” (tạm dịch: Tôi đi đến chùa) do Quỹ phúc lợi xã hội Phật giáo Hàn Quốc điều hành. Chương trình được đặt theo tên của chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò “I Am Solo”, kết hợp giữa hình thức “Temple stay” (một chương trình sống ở chùa) và cuộc hẹn hò giấu mặt.

Chương trình này mang đến cơ hội gặp gỡ giữa đàn ông và phụ nữ độc thân ở độ tuổi 20-30. Những người tham gia sẽ ở lại chùa trong hai ngày một đêm và tìm hiểu với nhau nhiều hơn khi tham gia hàng loạt sự kiện, cuối cùng có thể tìm được một nửa của mình.

Chương trình lần thứ 5 diễn ra từ ngày 9-10 tháng này đã đánh dấu tỷ lệ cạnh tranh cao nhất là 70:1 khi nhận được đơn đăng ký tham gia từ 1.510 người, và 6 cặp đôi đã ra về cùng nhau trong số 20 người tham gia được lựa chọn cuối cùng. Vì những đóng góp trong việc giải quyết tỷ lệ sinh thấp, chương trình này đã được trao bằng khen của Tổng thống Hàn Quốc tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới vào ngày 11/7.

Bên cạnh đó, Chính quyền thành phố Busan vào tháng 10 tới sẽ tổ chức sự kiện “Ngày gặp gỡ của đàn ông và phụ nữ trong nước và nước ngoài chưa kết hôn” để thực hiện các cuộc hẹn hò giấu mặt giữa những người được lựa chọn thông qua vòng lọc hồ sơ.

Chính quyền sẽ tặng 500.000 KRW cho các cặp đôi ra đời trong sự kiện và cung cấp 1 triệu KRW cho từng người nếu họ có lễ dạm ngõ. Không chỉ vậy, các cặp đôi kết hôn có thể được tặng 20 triệu KRW tiền mừng. Nếu họ tìm được một ngôi nhà theo hình thức Jeonse (đặt tiền cọc trọn gói và không phải trả tiền thuê nhà hàng tháng), họ có thể nhận được khoản tiền đặt cọc là 30 triệu KRW. Còn các cặp đôi sống trong một ngôi nhà theo hình thức Wolse (trả tiền thuê nhà hàng tháng) có thể được hỗ trợ tối đa 800.000 KRW mỗi tháng trong vòng 5 năm.

Vườn hoa hồng của Công viên Gwangnaru Hangang ở quận Gangdong-gu (bên trái) và Trung tâm Trải nghiệm An toàn Boramae ở quận Dongjak-gu (bên phải) sẽ cho thuê miễn phí sảnh cưới cho các cặp đôi. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang web Seoul My Wedding)

Vườn hoa hồng của Công viên Gwangnaru Hangang ở quận Gangdong-gu (bên trái) và Trung tâm Trải nghiệm An toàn Boramae ở quận Dongjak-gu (bên phải) sẽ cho thuê miễn phí sảnh cưới cho các cặp đôi. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang web Seoul My Wedding)



Như một phần của biện pháp thúc đẩy kết hôn, Chính quyền thành phố Seoul đã bắt đầu cho thuê miễn phí 28 cơ sở công cộng để các cặp đôi có thể sử dụng chúng như sảnh cưới. Các sảnh cưới tại 28 địa điểm bao gồm Bảo tàng Lịch sử Seoul, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong, Tổng công ty tái chế nước Seoul, Công viên tái chế Seoul và Quảng trường Magok,... Nếu như các cặp đôi sẽ tổ chức đám cưới tại những nơi đây, họ có thể nhận được hỗ trợ lên đến 1 triệu KRW.

Trong khi đó, các chính quyền địa phương đang triển khai nhiều chính sách khác nhau nhằm giúp các cặp đôi giảm gánh nặng tài chính khi tìm nhà ở.

Từ năm sau, Chính quyền thành phố Incheon sẽ cung cấp nhà ở cho 1.000 cặp đôi mới cưới, với mức thuê là 30.000 KRW một tháng trong sáu năm. Những người đủ điều kiện thuê nhà ở là các cặp đôi đã kết hôn trong vòng bảy năm qua hoặc các cặp đôi sắp kết hôn.

Văn phòng huyện Hwasun-gun thuộc Chính quyền tỉnh Jeollanam-do đang cung cấp nhà ở với mức thuê hàng tháng là 10.000 KRW cho các cặp đôi mới cưới. Ngoài ra, Chính quyền tỉnh Jeollanam-do cũng đang có kế hoạch cung cấp 1.000 ngôi nhà với mức thuê hàng tháng tương tự tại các khu vực có dân số đang suy giảm, chẳng hạn như các huyện Goheung-gun, Boseong-gun, Jindo-gun và Shinan-gun.

aisylu@korea.kr