Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yu In Chon (trái) đã tham dự buổi lễ kỷ niệm Ngày ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc lần thứ 5 diễn ra ở khách sạn Swiss Grand, quận Seodaemun-gu, thành phố Seoul vào ngày 3/2/2025. (Ảnh: Korea.net)
Bài viết từ
Margareth Theresia
Dạo gần đây, việc tiếp cận ngôn ngữ đang được chú ý như một phần không thể thiếu để đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật. Ở Hàn Quốc, với nhận thức về ngôn ngữ ký hiệu như một công cụ giao tiếp quan trọng ngày càng tăng trong toàn xã hội, việc phổ biến và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trở thành một vấn đề mới.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2016 đã ban hành “Đạo luật Ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc” nhằm mục đích chính thức công nhận hệ thống ngôn ngữ ký hiệu của nước này và thể chế hóa sự hỗ trợ của quốc gia trong quá trình bảo tồn, phát triển nó.
Không chỉ dừng lại ở đó, đến tháng 2 năm nay, Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc (NIKL) ra mắt “Từ điển ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến” (
ksldict.korean.go.kr) như một phần của biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận của ngôn ngữ ký hiệu. Từ điển trực tuyến này giúp mọi người học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu dễ dàng hơn thông qua các video, hình ảnh, thông tin về từ tiếng Hàn tương ứng,...
Theo một nhân viên từ NIKL, từ điển trực tuyến này hiện có khoảng 1.000 mục từ và sẽ được bổ sung thêm 3.000 mục từ cho đến năm 2027. Không giống như các từ điển thông thường cùng loại, từ điển của NIKL được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu khiếm thính với các kho ngữ liệu văn bản (corpus) tiếng Hàn và đặt trọng tâm vào việc giới thiệu các ngôn ngữ ký hiệu phổ biến được sử dụng nhiều nhất.
Với những lý do đó, từ điển trực tuyến của NIKL được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là một hướng dẫn hữu ích cho những người đang gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc.
Người dùng từ điển ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến của Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc (NIKL) có thể tìm thấy các từ mong muốn ở cả dạng ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Hàn. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang web của Từ điển ngôn ngữ ký hiệu trực tuyến)
NIKL cũng đang đẩy nhanh quá trình tạo ra các kho ngữ liệu văn bản song song giữa tiếng Hàn và ngôn ngữ ký hiệu. Nói tóm lại, họ sẽ tạo ra dữ liệu video bằng cách ghép các câu tiếng Hàn với các câu tương ứng trong ngôn ngữ ký hiệu. Chúng dự kiến sẽ đóng vai trò là dữ liệu cốt lõi để phát triển các mô hình phiên dịch và dịch thuật dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngôn ngữ ký hiệu.
“Khi thực hiện các video ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi cũng cố gắng không chỉ thể hiện rõ các động tác tay mà còn thể hiện hiệu quả các thông tin không phải bằng tay như biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt và hình dạng miệng”, theo nhân viên NIKL chia sẻ.
Các kho ngữ liệu văn bản song song giữa tiếng Hàn và ngôn ngữ ký hiệu sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ki-ốt tự động và dịch vụ công cộng,... Các độc giả có thể tải xuống chúng trên trang web Modu Corpus (
kli.korean.go.kr).
margareth@korea.kr