Hiến pháp và Chính phủ

Vào tháng 9 năm 1990, hai miền Nam - Bắc Hàn đã bắt đầu cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên tại Seoul do Thủ tướng đứng đầu, liên tiếp sau đó, tổng cộng có 8 cuộc hội đàm được tổ chức cho đến tháng 10 năm 1992. Thành quả đã đạt được trong quá trình hội đàm là đạt được thoả thuận, ký kết "Hiệp định hòa giải, không xâm phạm, hợp tác và trao đổi giữa miền Bắc và miền Nam" vào tháng 12 năm 1991.


Nội dung Thỏa thuận cơ bản liên Triều bao gồm tôn trọng thể chế của đối phương, từ bỏ xâm lược vũ trang, đảm bảo giao lưu, hợp tác và giao lưu tự do giữa các lĩnh vực. Kể từ giữa những năm 1990, khi tình trạng kinh tế khó khăn của Bắc Triều Tiên trở nên trầm trọng hơn, chính phủ Hàn Quốc đã liên tục có những hoạt động hỗ trợ Bắc Triều Tiên.


Khởi đầu bằng việc hỗ trợ cung cấp 155.000 tấn phân bón vào năm 1999, mỗi năm Hàn Quốc đều hỗ trợ 200.000 đến 300.000 tấn phân bón cho Bắc Triều Tiên. Tính đến năm 2007, tổng số lượng phân bón đã hỗ trợ là 2.555.000 tấn phân bón. Sau đó, các hoạt động viện trợ đã bị gián đoạn do sự kiện thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng hoạt động viện trợ nhân đạo đã được nối lại vào năm 2015 thông qua các tổ chức dân sự.


Tình trạng thiếu lương thực của Bắc Triều Tiên không phải là một tình trạng tạm thời mà là do hệ thống canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, thiếu phân bón và thuốc trừ sâu. Việc hỗ trợ phân bón là một cách hiệu quả để giúp đỡ người dân Triều Tiên đang bị thiếu đói.


Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007 đã trở thành cơ hội để tăng cường hợp tác trao đổi và đối thoại giữa hai miền Nam - Bắc. Tuy nhiên, sau đó Hàn Quốc đã tạm thời ngừng viện trợ lương thực và phân bón do các hành động khiêu khích mạnh mẽ như phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã làm xấu đi mối quan hệ liên Triều và tình hình bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, viện trợ nhân đạo hoặc cứu trợ khẩn cấp do thiên tai cho nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em vẫn tiếp tục được duy trì.


Kể từ sau khi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai, giữa bối cảnh các cường quốc láng giềng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trở nên bất ổn, chính phủ Hàn Quốc vẫn không ngừng tích cực tìm kiếm các giải pháp hướng tới hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 9 năm 2017, theo yêu cầu của tổ chức quốc tế trực thuộc Liên Hợp Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận và quyết định phương án hỗ trợ nhân đạo với quy mô 8 triệu đô la cho Bắc Triều Tiên, đồng thời mời Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Bầu không khí hòa giải này đã được tiếp nối bằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2018.


Sự đoàn tụ cho các gia đình ly tán

Tính đến tháng 11 năm 2022, có 133.674 "đơn đăng ký tìm kiếm gia đình bị ly tán" đã đăng ký trên hệ thống tích hợp thông tin gia đình ly tán của Nam và Bắc Triều Tiên, trong đó có 44.888 người còn sống sót. Hàn Quốc và Triều Tiên đã nỗ lực tổ chức các sự kiện đoàn tụ gia đình ly tán thông qua các cuộc đàm phán của Hội chữ thập đỏ liên Triều kể từ những năm 1970 nhằm giải quyết một cách nhân đạo các vấn đề phát sinh từ việc chia cắt đất nước. Cuộc hội đàm lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8 năm 1972 ở Bình Nhưỡng và cuộc hội đàm lần thứ 2 diễn ra vào tháng 9 ở Seoul. Tuy nhiên, đàm phán bị gián đoạn liên tục sau một loạt tranh cãi, cuối cùng đã bị dừng lại vào năm 1978.


Cuộc đàm phán giữa hai miền đã được nối lại vào năm 1980 và đạt được những thỏa thuận để các gia đình ly tán về thăm quê hương. Ngày 20 tháng 9 năm 1985, chuyến thăm lịch sử trong vòng bốn ngày để cho hai bên gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau đã được thực hiện. Số lượng người tham gia vào sự kiện này bao gồm 35 người ở Hàn Quốc và 30 người ở Bắc Triều Tiên. Tại sự kiện diễn ra sau 40 năm bị chia cắt này, các buổi biểu diễn giao lưu giữa các nhóm nghệ thuật của cả hai bên cũng đã được tổ chức.


Năm 2000, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 15 tháng 6 đã mở ra cơ hội giải quyết vấn đề gia đình ly tán ở Bắc và Nam Triều Tiên. Kể từ đó , tổng cộng 20 cuộc đoàn tụ gia đình ly tán giữa Bắc và Nam Triều Tiên đã được tổ chức cho đến năm 2015. Tại núi Geumgang, khu đoàn tụ các gia đình bị ly tán đã được xây dựng để tổ chức sự kiện đoàn tụ các gia đình bị ly tán. Ngoài ra, việc đoàn tụ qua sóng truyền hình cũng đã được tiến hành 7 lần trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007.


Đáng tiếc, sự kiện đoàn tụ ở núi Geumgang năm 2015 đã trở thành sự kiện đoàn tụ cuối cùng được tổ chức trước khi bước vào một khoảng thời gian dài bị gián đoạn. Tuy nhiên với "Tuyên bố Bàn Môn Điếm", rất nhiều phương án đang được xem xét nhằm nối lại các cuộc đoàn tụ của các gia đình ly tán, như nối lại hoạt động tổ chức sự kiện gặp mặt đoàn tụ gia đình ly tán ngày 15 tháng 8.


Khu công nghiệp Gaeseong

Gaeseong cùng với Bình Nhưỡng và Nampo là 3 thành phố lớn ở Bắc Triều Tiên, có lợi thế là nằm gần Seoul. Khoảng cách từ Bàn Môn Điếm đến Gaeseong chỉ 8km.


Dự án Khu công nghiệp Gaeseong, điểm xuất phát của Chính sách Ánh dương, đã được triển khai theo phương thức: các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc thuê đất của Bắc Triều Tiên trong 50 năm, xây dựng nhà máy rồi bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước quản lý. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2000 và các doanh nghiệp chính thức bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2005. Có thời điểm, khoảng 120 doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc đã vào sản xuất và tuyển dụng 50.000 công nhân Bắc Triều Tiên. Đây được coi là một tấm gương điển hình về hợp tác kinh tế liên Triều bằng cách vận hành tổ hợp công nghiệp với vốn và công nghệ của miền Nam và sức lao động của miền Bắc.


Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên liên tục triển khai các vụ thử hạt nhân đã khiến cho quan hệ giữa hai miền Nam Bắc xấu đi, dẫn đến quyết định rút lui của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 2 năm 2016.


Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký 4 thỏa thuận về việc bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp Gaeseong cùng với các thỏa thuận liên quan đến vận hành khu công nghiệp Gaeseong gồm thông tin, thông quan, kiểm dịch, nhập cảnh và lưu trú.


Kể từ sau Tuyên bố chung ngày 4 tháng 7, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những nỗ lực xây dựng mối quan hệ phát triển với nhiều thỏa thuận đa dạng như "Thỏa thuận hòa giải, bất khả xâm phạm, giao lưu và hợp tác giữa miền Bắc và miền Nam (Thỏa thuận liên Triều cơ bản)", "Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", "Tuyên bố chung liên Triều 15/6", "Hiệp định về sự hình thành và hoạt động của Cộng đồng quân sự liên Triều", "Thỏa thuận về việc thành lập và vận hành Văn phòng liên lạc Nam Bắc". "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" đã đánh dấu sự kết thúc các cuộc đối đầu, một kế hoạch kinh tế mới đang được mở rộng trên bán đảo Triều Tiên thông qua các hoạt động trao đổi liên Triều đa dạng như xây dựng khu công nghiệp Gaeseong thứ 2.