Văn hóa

04.10.2021

(Nguồn: Kênh YouTube chính thức của Shinhan Life)



Phóng viên Yoon Hee YoungPark Hye Ri

Một người phụ nữ xuất hiện trong video quảng cáo trên YouTube cho một công ty bảo hiểm tạo ấn tượng nổi bật với ngoại hình hấp dẫn và khả năng vũ đạo. Sau khi ra mắt, video quảng cáo này vượt quá 10 triệu lượt xem trong vòng chưa đầy một tháng.

Tuy nhiên, ban đầu công chúng dường như không nhận ra một điều quan trọng rằng cô ấy là một “người ảo”. Sự thật này khiến nhiều người kinh ngạc và họ cũng bày tỏ cảm nhận của mình: “Thật ngạc nhiên vì một người ảo có hình ảnh siêu thực”.

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ hoàng kim của người ảo đã bắt đầu. Với sự phát triển của các công nghệ liên quan như trí tuệ nhân tạo (AI), một người ảo siêu thực dần xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta để vượt qua phạm vi của lý thuyết “thung lũng kỳ lạ” (Uncanny Valley) đã gây trở ngại cho sự phát triển của công nghệ người ảo. Được định nghĩa vào năm 1970 bởi ông Masahiro Mori, kỹ sư thiết kế người máy người Nhật, lý thuyết “thung lũng kỳ lạ” miêu tả một phản ứng kỳ lạ trước những vật nhân tạo quá giống con người.

Gần đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu sử dụng người ảo làm người có ảnh hưởng hoặc người mẫu quảng cáo như Lil Miquela ở Hoa Kỳ, Imma ở Nhật Bản và Shudu ở Vương quốc Anh, trong đó Hàn Quốc cũng đã cho thấy công nghệ vượt trội trong lĩnh vực này. Sau đây là 4 người ảo Hàn Quốc giao tiếp như người bình thường với ngoại hình siêu thực và tính cách độc đáo.


Rozy

210826_virtual_human_rozy

Rozy là người có ảnh hưởng ảo đầu tiên của Hàn Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang Instagram của Rozy)



Rozy là người ảo đầu tiên của Hàn Quốc dựa trên AI được sản xuất bởi Sidus Studio X, một chi nhánh tạo nội dung của LOCUS, công ty sản xuất hàng đầu của Hàn Quốc chuyên về quảng cáo, hoạt hình, phim và nhân vật video.

“Khi hoạt động tiếp thị sử dụng những người có ảnh hưởng ảo ngày càng trở nên sôi động trên khắp thế giới, chúng tôi nghĩ Hàn Quốc nên tham gia xu hướng này với tư cách là quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin (IT). Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định phát triển Rozy, người ảo đầu tiên ở Hàn Quốc”, Sidus Studio X chia sẻ.

Với khoảng 48.000 người theo dõi trên Instagram, Rozy được chế tạo bằng cách kết hợp ngoại hình được thế hệ Millennials (những người sinh từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000) yêu thích nhất với gần 800 biểu cảm và chuyển động được ghi hình bởi một diễn viên bằng công nghệ mô hình 3D. Theo công ty phát triển Rozy, không ai nhận ra rằng cô ấy là một người mẫu ảo trong 3 tháng đầu ra mắt trên Instgram.

Rozy có thể đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần đeo khẩu trang giữa đại dịch, chụp ảnh ở những nơi khó đến trong thực tế và giao tiếp với mọi người thông qua mạng xã hội. Cô cũng là người tích cực tham gia các hoạt động thân thiện với môi trường như chiến dịch “Zero waste” (lối sống giảm lượng rác thải), đồng thời tự tin bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình đối với các vấn đề xã hội.

Công ty bảo hiểm Shinhan Life đã quyết định sử dụng Rozy làm người mẫu quảng cáo để thoái khỏi hình ảnh nghiêm túc ban đầu và tạo ra hình ảnh quen thuộc với thế hệ trẻ. Đoạn video quảng cáo của Shinhan Life có sự góp mặt của Rozy đã đạt 10 triệu lượt xem trong gần 20 ngày sau khi phát hành trên YouTube vào ngày 1 tháng 7.

Vào ngày 10 tháng 8, Rozy bắt đầu làm người mẫu cho hãng xe Chevrolet của Mỹ. Do nhu cầu tăng cao từ ngành khách sạn, cô ấy cũng chia sẻ về chuyến thăm đến các khách sạn trên tài khoản mạng xã hội của mình.

Những người có ảnh hưởng ảo được coi là “Blue chip” (tạm dịch: chip xanh) trong ngành quảng cáo vì họ không chỉ không bị dính scandal, mà còn không bị ảnh hưởng bởi những ràng buộc về thời gian cũng như không gian.


Rui

210826_virtual_human_ruy

YouTuber ảo Rui xuất hiện trong các đoạn video trên kênh YouTube của cô ấy mang tên là “RuiCovery”. (Ảnh: Chụp màn hình từ kênh YouTube chính thức của RuiCovery)



Rui là một YouTuber ảo có gần 26.000 người đăng ký trên kênh YouTube “RuiCovery” của cô ấy và chủ yếu đăng tải các đoạn video cover bài hát. Không giống như Rozy, cô ấy là sản phẩm của công nghệ Deepfake, thuật ngữ được tạo nên với sự kết hợp giữa “Deep Learning” (học sâu) và “Fake” (giả mạo). Sử dụng công nghệ Deep Learning của AI, người ảo Rui được chế tạo bằng cách ghép khuôn mặt ảo được tạo ra thông qua việc thu thập nhiều dữ liệu khuôn mặt từ cơ thể và giọng nói của con người.

Nhà sản xuất người ảo Rui, dob Studio, đã cho biết, “Biểu cảm và cảm xúc thể hiện từng phút trên khuôn mặt của con người được phản ánh trên khuôn mặt ảo của Rui”, nói thêm rằng đó là lý do tại sao Rui trông tự nhiên hơn nhiều so với những người ảo khác.

Đăng tải đoạn video cover các bài hát và vlog trên kênh YouTube, người có ảnh hưởng ảo này trở nên nổi bật hơn khi trở thành người mẫu cho kênh truyền hình mua sắm CJ Onstyle.


ae-aespa: Phiên bản ảo của nhóm nhạc K-pop Aespa

210826_virtual_human_aespa

Các thành viên của nhóm nhạc nữ K-pop Aespa và các phiên bản ảo của họ đứng cạnh nhau. (Ảnh: Chụp màn hình từ kênh YouTube chính thức của Aespa)



Mới đây, thị trường K-pop cũng bắt đầu sử dụng công nghệ người ảo để sáng tạo nội dung độc đáo hơn. SM Entertainment, một công ty quản lý đã ra mắt nhiều ngôi sao K-pop bao gồm Red Velvet và EXO, đã giới thiệu công nghệ Metaverse của riêng mình thông qua nhóm nhạc nữ Aespa.

Aespa theo đuổi concept tương lai có 4 thành viên con người cùng với 4 thành viên phiên bản ảo được kết nối bằng “SYNK”. Vẻ ngoài thời thượng và tiềm năng của 4 thành viên người thật cũng như các công nghệ thể hiện 4 thành viên ảo đã giúp nhóm thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ. Các thành viên ảo không chỉ thường xuyên xuất hiện trong các MV ca nhạc mà còn trên sân khấu để phục vụ concept.


Keem Reah

210826_virtual_human_reah

LG Electronics đã công bố người phụ nữ ảo Keem Reah. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang Instagram của Keem Reah)



Keem Reah cũng là một người phụ nữ ảo được phát triển bởi một tập đoàn lớn tại Hàn Quốc để sử dụng trong tiếp thị. Vào tháng 1, LG Electronics đã giới thiệu người ảo 23 tuổi tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2021, triển lãm thương mại lớn nhất thế giới về công nghệ. Với tên của mình có nghĩa là “một đứa trẻ đến từ tương lai”, cô ấy đã có một bài thuyết trình dài ba phút bằng tiếng Anh trôi chảy tại triển lãm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí thời trang Dazed, người phụ nữ ảo nói: “Tôi sinh ra ở Seoul nhưng gia đình tôi chuyển đến làng Gujora trên đảo Geojedo, tỉnh Gyeongsangnam-doi. Matthew Herbert, một nghệ sĩ tạo ra âm nhạc từ nhiều âm thanh khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, đã ảnh hưởng đến tôi ước mơ trở thành một nhạc sĩ”.

Tự gọi mình là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ và DJ, Kim kể về cuộc đời của mình tương tự như một người thật. Đó là bởi vì cô ấy được tạo ra để thu hút thế hệ trẻ, những người không phân biệt người ảo với người thật, đồng thời chấp nhận và giao tiếp với họ mà không có định kiến.

hyyoon@korea.kr