Đánh dấu kỷ niệm 80 năm Ngày giải phóng Gwangbokjeol (ngày 15/8/1945), Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc đã công bố 3 đoạn đường “Korea Memorial Road” để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh nền độc lập của Tổ quốc. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Bài viết từ
Lee Jihae
Vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hàn Quốc đã thoát khỏi sự thống trị hoàn toàn của Nhật Bản kéo dài trong hơn 35 năm và giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân. Đến năm 1949, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định ngày 15/8 mỗi năm là Ngày Gwangbokjeol (Ngày Giải phóng) nhằm mục đích tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc và ôn lại lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Đánh dấu kỷ niệm 80 năm Ngày Gwangbokjeol vào năm nay, Bộ Yêu nước và Cựu chiến binh Hàn Quốc vào tháng trước đã công bố 3 đoạn đường “Korea Memorial Road” ở thành phố Seoul trong đó du khách không chỉ có thể tìm hiểu về tinh thần cao quý của các nhà hoạt động độc lập mà còn khám phá các địa điểm lịch du lịch mang tính lịch sử.
Trong tổng số 3 đoạn đường “Korea Memorial Road” ở thủ đô xứ sở Kim Chi, cổng thông tin điện tử Korea.net giới thiệu 3 địa điểm trên đoạn đường số 2 là Ngôi nhà Dilkusha, Nhà tưởng niệm Lee Hoe-yeong và Ngôi nhà Gyeonggyojang.
Ngôi nhà Dilkusha
- Địa chỉ: 17, đường Sajik-ro 2-gil, quận Jongno-gu, thành phố Seoul
Nằm ở quận Jongno-gu (Seoul), ngôi nhà Dilkusha đã được xây dựng vào năm 1924 bởi nhà báo người Mỹ Albert Wilder Taylor. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Trên một đường dốc ở quận Jongno-gu, thành phố Seoul có một ngôi nhà gạch đỏ theo phong cách thiết kế cổ điển, đó chính là Dilkusha. Tên Dilkusha có nghĩa là “niềm vui” trong tiếng Ba Tư, và ngôi nhà này đã được xây dựng vào năm 1924 bởi nhà báo người Mỹ Albert Wilder Taylor cùng vợ ông Mary Linley Taylor.
Ông Albert Taylor đã đến Hàn Quốc vào năm 1896 để làm giám sát tại một mỏ vàng ở huyện Unsan-gun thuộc tỉnh Pyeonganbuk-do và đồng thời điều hành một công ty khai thác tại mỏ vàng ở tỉnh Chungcheongnam-do. Lúc bấy giờ, ông cũng làm phóng viên tạm thời cho hãng tin AP và giúp vạch trần những hành động tàn bạo của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên bằng cách đưa tin về lễ quốc tang của vua Gojong, Phong trào kháng Nhật ngày 1/3/1919, vụ thảm sát ở làng Jeam-ri, tỉnh Gyeonggi-do,...
Đặc biệt, khi vợ ông Mary Taylor đã sinh con trai vào ngày 28/2 năm 1919, tức là một ngày trước khi bùng nổ Phong trào kháng Nhật, ông Albert Taylor đã tìm thấy bản sao của Tuyên ngôn Độc lập Hàn Quốc được giấu dưới giường tại Bệnh viện Yonsei Severance, sau đó viết một bài báo và đưa nó cùng bản sao của tuyên ngôn độc lập cho em trai William Taylor của ông. Ông William Taylor đã giấu chúng trong giày da của mình để sang Nhật Bản và gửi chúng đến Mỹ để công bố thông tin liên quan qua phương tiện truyền thông quốc tế, giúp tiết lộ tội ác của Nhật Bản.
Năm 1941, nhiều người Mỹ bao gồm cả gia đình của cặp vợ chồng Taylor bị trục xuất khỏi Hàn Quốc vì được coi như công dân của một quốc gia thù địch khi Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra trong thời kỳ Thế chiến II (năm 1939-1945) và mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn.
Ông Albert Taylor đã nhiều lần cố gắng trở về Hàn Quốc nhưng thật đáng tiếc, ông đột ngột qua đời vào tháng 9/1948 do nhồi máu cơ tim. 3 tháng sau đó, vợ ông Mary Taylor đã mang hài cốt của ông từ Mỹ về Hàn Quốc chôn cất tại Nghĩa trang truyền giáo nước ngoài Yanghwajin, quận Mapo-gu, thành phố Seoul. Hiện tại, ngôi nhà Dilkusha được điều hành như một nhà triển lãm để làm sáng tỏ cuộc sống của cặp vợ chồng Taylor và những đóng góp của họ cho Phong trào kháng Nhật ngày 1/3/1919.
Nhà tưởng niệm Lee Hoe-yeong
- Địa chỉ: 15, đường Sajik-ro 6-gil, quận Jongno-gu, thành phố Seoul
Nhà tưởng niệm Lee Hoe-yeong đã chính thức mở cửa vào tháng 6 năm 2021. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Nhà tưởng niệm Lee Hoe-yeong là một không gian vinh danh 6 anh em nhà Lee (Lee Gun-young, Lee Seok-young, Lee Cheol-young, Lee Hoe-young, Lee Si-young và Lee Ho-young), những người đã từ bỏ toàn bộ tài sản để cống hiến hết mình cho mục tiêu giành lại nền độc lập dân tộc sau khi Hàn Quốc mất chủ quyền.
Các anh em nhà Lee đã sinh ra một trong những gia đình danh giá và giàu có nhất trong thời Joseon (năm 1392-1910) nhưng họ quyết định bán hết tài sản của mình và chuyển đến Mãn Châu của Trung Quốc sau khi Hàn Quốc bị Nhật Bản xâm nhập vào năm 1910 để đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập.
Trong tình trạng đầy hỗn loạn, mặc dù họ không thể bán các món tài sản với đúng giá trị thật nhưng vẫn có được 400.000 KRW, tương đương 60 tỷ KRW ngày nay. Theo dự đoán của một số chuyên gia, nếu các anh em nhà Lee đã bán được các món tài sản với đúng giá trị thì khoản tiền tăng đáng ngạc nhiên lên 2 nghìn tỷ KRW.
Với số tiền của mình, Lee Hoe-young đã xây dựng Trung tâm huấn luyện Shinheung (sau này đổi tên thành Học viện quân sự Shinheung) ở Mãn Châu, nơi họ đã đào tạo khoảng 3.500 bình sĩ cho quân đội độc lập Hàn Quốc trong vòng 10 năm. Năm 1920, những người tốt nghiệp Trung tâm huấn luyện Shinheung đã dẫn đầu các trận chiến Cheongsan-ri và Bongodong và thành công chống lại lực lượng quân đội Nhật Bản.
Ông Lee Hoe-young cũng lên kế hoạch ám sát chỉ huy quân đội Nhật Bản nhưng bị bắt và bị tra tấn đến chết trong tù. Lee Gun-young và Lee Cheol-young đều chết vì bệnh tật, còn Lee Seok-young chết vì đói. Cả gia đình của Lee Ho-young bị mất tích và chỉ có Lee Si-young sống sót và trở về Hàn Quốc sau khi Hàn Quốc giành lại độc lập.
6 anh em nhà Lee (Lee Gun-young, Lee Seok-young, Lee Cheol-young, Lee Hoe-young, Lee Si-young và Lee Ho-young) sử dụng tất cả tài sản của họ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Hàn Quốc. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Ngôi nhà Gyeonggyojang
- Địa chỉ: 29, đường Saemunan-ro, quận Jongno-gu, thành phố Seoul
Ngôi nhà Gyeonggyojang được xây dựng theo phong cách thiết kế cổ điển. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Nằm giữa lòng thủ đô Seoul, ngôi nhà Gyeonggyojang theo phong cách cổ điển phương Tây là trụ sở chính của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc và đây cũng là nơi ông Kim Gu - Chủ tịch Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc bị ám sát.
Gyeonggyojang được xây dựng bởi Choi Chang-hak, là người thân Nhật trở nên giàu có khi điều hành công ty khai thác mỏ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Ban đầu, ngôi nhà này được đặt tên là “Jukcheomjang” (chữ Hán: 竹添莊) theo tên của cựu Công sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Takezoe Shinichiro (chữ Hán: 竹添進一郞). Sau khi Hàn Quốc giành được độc lập vào năm 1945, ông Kim Gu ở tạm tại ngôi nhà này sau khi trở về từ thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Sau đó, ông Kim Gu đổi tên ngôi nhà thành Gyeonggyojang và sử dụng như trụ sở chính của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc. Cho đến ngày 26/6/1949, ông Kim Gu đã cố gắng hết mình để tìm kiếm các biện pháp để thành lập một chính phủ thống nhất trên bán đảo Triều Tiên nhưng bị ám sát bởi thiếu úy lục quân Hàn Quốc Ahn Doo-hee.
Những vết đạn được tái hiện trên cửa sổ ở tầng 2 của ngôi nhà Gyeonggyojang, nơi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc ông Kim Gu bị ám sát bởi thiếu úy lục quân Hàn Quốc Ahn Doo-hee. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
jihlee08@korea.kr