Toàn cảnh của đỉnh Dodamsambong ở huyện Danyang-gun, tỉnh Chungcheongbuk-do. Dodamsambong có 3 đỉnh đá nhô lên từ sông Namhan với một lầu vọng nằm giữa chúng, là một trong những địa điểm có địa hình karst nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. (Ảnh: Bộ Môi trường Hàn Quốc)
Bài viết từ
Yoo Yeon Gyeong
Mới đây, huyện Danyang-gun của tỉnh Chungcheongbuk-do và vùng ven biển phía Đông của tỉnh Gyeongsangbuk-do được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo vào ngày 14/4, tại kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 221 diễn ra ở thành phố Paris vào ngày 10/4 (giờ Pháp) vừa qua, huyện Danyang-gun (tỉnh Chungcheongbuk-do) và vùng ven biển phía Đông (thành phố Pohang và Gyeongju cùng huyện Yeongdeok và Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk-do) được ghi danh vào danh mục Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO được trao cho những địa điểm đáp ứng với các tiêu chí đánh giá như: giá trị địa chất; mối liên kết giữa các nguồn tài nguyên sinh thái, lịch sử và văn hóa; hợp tác trong cộng đồng địa phương; cũng như hệ thống quản lý bền vững.
Huyện Danyang-gun nằm ở tỉnh Chungcheongbuk-do là một trong những khu vực có địa hình karst (kiểu địa hình được hình thành do quá trình hoà tan đá vôi dưới tác dụng của nước) nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Nơi đây được coi là địa điểm lý tưởng để nghiên cứu cấu trúc địa chất của bán đảo Triều Tiên nhờ các địa tầng với sự chênh lệch niên đại là 1,3 tỷ năm.
Bãi cột đá Jusangjeolli (ghềnh đá đĩa) ở thị trấn Yangnam, thành phố Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do. (Ảnh: Chính quyền thành phố Gyeongju)
Vùng ven biển phía Đông ở tỉnh Gyeongsangbuk-do là nơi có lượng hóa thạch thời Đại Tân Sinh lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên. Nơi này được UNESCO đánh giá là có giá trị cao về học thuật, giáo dục và du lịch vì cảnh quan địa chất đa dạng và dấu vết của quá trình hình thành kiến tạo địa chất và hoạt động magma của Đông Á.
Với quyết định mới nhất của UNESCO, Hàn Quốc trở thành quốc gia có 7 Công viên địa chất toàn cầu, bao gồm: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đảo Jeju (năm 2010), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cheongsong (năm 2017), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan (năm 2018), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Hantangang (năm 2020) và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO bờ biển phía Tây Jeonbuk (năm 2023).
dusrud21@korea.kr