Ẩm thực - Du lịch

02.05.2025

Công viên Haneul, nơi nổi tiếng với Lễ hội Cỏ Bạc Seoul diễn ra hàng năm, đã từng là một bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn cho đến năm 1993. (Ảnh: Văn phòng quản lý công viên và cảnh quan Seobu)

Công viên Haneul, nơi nổi tiếng với Lễ hội cỏ lau Seoul diễn ra hàng năm, đã từng là một bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn cho đến năm 1993. (Ảnh: Văn phòng quản lý công viên và cảnh quan Seobu)



Bài viết từ Lee Jihae

Ngày Quốc tế Lao động là một ngày lễ kỷ niệm quan trọng được tổ chức trên toàn thế giới vào 1/5 hàng năm nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp của giai cấp lao động. Còn ở Hàn Quốc, ngày này cũng là dịp kỷ niệm việc bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn trên đảo Nanjido ở thành phố Seoul đã biến thành một công viên sinh thái đa dạng loài động thực vật.

Trước thềm diễn ra World Cup năm 2002, Chính quyền thành phố Seoul đã đẩy mạnh dự án phục hồi môi trường để xây dựng hai Công viên Haneul và Công viên Noeul bằng cách dọn sạch bãi chôn lấp rác thải ở đảo Nanjido. Vào mùa thu mỗi năm, bãi cỏ lau ở Công viên Haneul tạo nên một khung cảnh vô cùng mãn nhãn, khiến nhiều du khách không thể kìm được lòng trước vẻ đẹp và sự bình yên. Chắc hẳn không có ai có thể tin rằng địa điểm có phong cảnh tuyệt đẹp như vậy đã từng là một phần của bãi rác khổng lồ.

Từ năm 1978 đến năm 1993, các Công viên Haneul và Công viên Noeul ở phường Sangam-dong, quận Mapo-gu (Seoul) đã là một phần của bãi chôn lấp rác thải khổng lồ. (Ảnh: Văn phòng quản lý công viên và cảnh quan Seobu)

Từ năm 1978 đến năm 1993, các Công viên Haneul và Công viên Noeul ở phường Sangam-dong, quận Mapo-gu (Seoul) đã là một phần của bãi chôn lấp rác thải khổng lồ. (Ảnh: Văn phòng quản lý công viên và cảnh quan Seobu)



Nằm ở phường Sangam-dong thuộc quận Mapo-gu của thành phố Seoul, đảo Nanjido giáp với thành phố Goyang của tỉnh Gyeonggi-do về phía Tây Bắc và cũng giáp với sông Hangang về phía Tây Nam.

Từ năm 1978 đến năm 1993, lượng rác thải lớn được thu gom trên khắp nơi thành phố Seoul đều đổ vào đảo Nanjido. Lúc ấy, khái niệm phân loại rác tái chế còn xa lạ với người dân Hàn Quốc nên tất cả các loại rác thải từ thức ăn thừa, đồ điện gia dụng đến than tổ ong đã qua sử dụng được chôn lấp mỗi ngày và kết quả, khu chôn lấp nhanh chóng trở thành một “ngọn núi rác thải” khổng lồ cao 98 m với khoảng 92 triệu tấn rác thải.

Do vậy, đảo Nanjido gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, chẳng hạn như khí metan phát ra từ rác thải đã gây ra khoảng 1.390 vụ cháy trong 15 năm tại khu vực này và nước rỉ rác cũng chảy vào sông Hangang, đe dọa hệ sinh thái phong phú của đất nước.

Năm 1993, chính quyền thành phố Seoul quyết định đóng cửa bãi chôn lấp ở đảo Nanjido sau khi đã đạt đến sức chứa tối đa. Khi Hàn Quốc thành công trong việc giành quyền đồng đăng cai World Cup 2002, chính quyền thành phố Seoul đưa ra mục tiêu rất rõ ràng là biến khu vực ngập rác thải thành nơi tràn đầy sức sống, sau đó bắt đầu thúc đẩy dự án dọn sạch đảo Nanjido để xây dựng một công viên sinh thái cũng như Sân vận động Seoul World Cup ở gần nơi đó.

Giếng thu gom nước rỉ rác (phía trên) và thiết bị thu hồi khí metan tại Công viên Haneul, quận Mapo-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)

Giếng thu gom nước rỉ rác (phía trên) và thiết bị thu hồi khí metan tại Công viên Haneul, quận Mapo-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)



Trong quá trình thực hiện dự án, chính quyền thành phố Seoul ban đầu đã lắp đặt 106 thiết bị thu hồi khí gas trên khắp bãi chôn lấp, vận chuyển khí độc được thu hồi qua đường ống để sử dụng làm nguồn năng lượng sưởi ấm và làm mát cho Sân vận động Seoul World Cup, 6.000 hộ gia đình ở phường Sangam-dong và khu vực Digital Media City.

Cùng với đó, các tấm chắn ngăn nước được lắp đặt xung quanh bãi chôn lấp để ngăn chặn nước rỉ rác ra ngoài, đồng thời nước rỉ rác đã đổ vào các giếng thu gom được lọc hai lần trước khi thải ra sông Hangang.

Giai đoạn cuối cùng là phục hồi đất để cây có thể phát triển tốt. Các lớp đất dày 50 cm được chất đống trên bãi chôn lấp và trải bạt chống nước, sau đó các lớp thoát nước, lớp thảm thực vật và đất mặt dày 30 cm được chất thành đống để có thể trồng cỏ và cây xanh.

Công viên Noeul ở đảo Nanjido, quận Mapo-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)

Công viên Noeul ở đảo Nanjido, quận Mapo-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)



Cả hai Công viên Haneul và Công viên Noeul không phải chỉ đơn giản là nơi để thư giãn và nghỉ ngơi, mà tượng trưng cho tiềm năng vượt qua những hậu quả do sự phát triển và tiêu thụ bừa bãi của con người và trở thành một nơi chung sống với thiên nhiên.

jihlee08@korea.kr