Phóng viên danh dự

21.05.2021

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20210520_yeondeunghoe_pvdd_vn_article_001

Vẻ đẹp rực rỡ của những chiếc đèn lồng bằng giấy Hanji được treo trong thời gian lễ hội đèn lồng hoa sen diễn ra thu hút sự chú ý của nhiều người tới thưởng lãm. (Ảnh: Korea.net)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tự nhiên hay nhân tạo đặc sắc mà đất nước này còn thu hút du khách bởi các lễ hội truyền thống lẫn lễ hội hiện đại thú vị. Đặc biệt, vào tháng 5, với tiết trời dễ chịu, mát mẻ, tại Hàn Quốc thường tổ chức nhiều lễ hội độc đáo, mặc dù do tình hình cản trở của đại dịch Covid-19 gây ra nên một số lễ hội sẽ hạn chế hoặc có các hình thức tổ chức online để đảm bảo an toàn cho người xem. Trong số nhiều lễ hội hấp dẫn diễn ra vào tháng 5/2021, lễ hội đèn lồng hoa sen mang vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo, đầy màu sắc từ những chiếc đèn lồng giấy khiến cả người dân Hàn Quốc lẫn du khách nước ngoài đều không thể bỏ qua. Cùng tìm hiểu, khám phá đôi nét về lễ hội thường niên thú vị này nhé!

Lễ hội đèn lồng hoa sen hay còn có tên tiếng Hàn là YeonDeungHoe (연등회) được ghép từ hai từ YeonDeung (ý nghĩa: thắp sáng chiếc đèn lồng, nó còn ẩn dụ về việc “thắp sáng trái tim con người và thế giới”) và Hoe (ý nghĩa: lễ hội); đây là một sự kiện lớn, khá trang trọng hằng năm tại xứ sở Kimchi gắn liền với lễ Phật Đản. Hầu như các quốc gia có chùa chiền Phật giáo đều tổ chức lễ hội này, tuy nhiên lễ chính vẫn diễn ra ở Hàn Quốc, nơi có truyền thống 1300 năm lịch sử nhằm kỉ niệm ngày sinh Đức Phật đầu tiên (Thích Ca Mâu Ni).

Trong quá khứ, đèn lồng hoa sen đã xuất hiện vào thời kì Tam Quốc. Sử sách ghi nhận vua Kyeongmun và hoàng hậu Jinseong từng đến thăm đền Hwangryongsa (Hoàng Long tự) chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của những chiếc đèn lồng hoa sen tại đây. Đến thời kì Goryeo, khi Phật giáo trở thành quốc giáo, người của Hoàng tộc cũng nhận bảo trợ cho sự kiện đèn lồng hoa sen. Sang thời kì Joseon, giai đoạn phong kiến cuối cùng của lịch sử Hàn Quốc, lễ hội đèn lồng hoa sen mới chuyển hẳn thành phong tục hằng năm tồn tại đến tận ngày nay.

Thực tế, vào nửa đầu thời Joseon, Phật giáo trong nước bị đàn áp, các nhà sư từ những ngôi chùa trong thành phố phải trốn lên núi cư trú, do đó giải thích vì sao bạn sẽ thấy nhiều chùa chiền ở Hàn lại dựng trên sườn núi như vậy. Mặc dù, Hoàng gia Joseon đã ban bố sắc lệnh cấm sự kiện đèn hoa sen vào năm 1431, tuy nhiên cư dân trong thời kì đó vẫn tiếp tục treo nhiều chiếc đèn lồng quanh làng với số lượng bằng số trẻ em của mỗi hộ gia đình họ có. Trải qua hành trình thay đổi văn hóa, chính trị dưới nhiều thời kỳ như vậy, nhưng lễ hội đèn lồng hoa sen tiếp tục gìn giữ, phát huy không ngừng, trở thành một sự kiện diễn ra vào mùa xuân hằng năm tại Hàn Quốc như hiện tại. Thậm chí, lễ hội này còn được UNESCO công nhận như tài sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc trong tháng 12/2020 vừa qua.

20210520_yeondeunghoe_pvdd_vn_article_002

Người Hàn quan niệm hoa sen là biểu tượng cho sự biến mất của vô minh lẫn sự xuất hiện của trí tuệ vì vậy hầu hết những chiếc đèn được treo trong lễ hội đèn lồng hoa sen đều có hình dạng này. (Ảnh: Korea.net)



Theo quan niệm, người ta tin rằng Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn, tức 8/4 âm lịch. Do đó, lễ hội đèn lồng hoa sen sẽ linh hoạt diễn ra khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch (năm nay sự kiện diễn ra từ 14/5 – 31/5/2021). Trong thời gian chuẩn bị, các đền chùa hay nhiều con đường trên khắp đất nước Hàn Quốc được treo vô số chiếc đèn lồng đủ màu sắc làm từ Hanji, loại giấy truyền thống có chất lượng, độ bền và vẻ đẹp tuyệt vời. Tuy có nhiều hình dạng khác nhau nhưng chủ yếu đèn lồng vẫn sở hữu kiểu hoa sen vì hoa sen biểu trưng cho sự biến mất của vô minh lẫn sự xuất hiện của trí tuệ. Hiện nay ngoài đèn lồng thủ công còn gìn giữ tại các ngôi chùa truyền thống thì người ta có thể dùng cả đèn lồng mua sẵn do tính tiện lợi. Một tuần trước lễ hội chính thức, tất cả đèn lồng lộng lẫy được trang trí công phu, hoành tráng, ở những đền chùa lớn hay các con đường chính, làm cảnh quan thành phố thêm rực rỡ; chúng thường mang hình dáng thần linh, động vật, nhân vật lịch sử, trẻ em, thậm chí cả nhân vật từ truyện cổ tích. Cụ thể tại Seoul, địa điểm hay trang trí đèn lồng rực rỡ nhất là suối Cheonggyecheon, đền Jogyesa và đền Bongeunsa.

20210520_yeondeunghoe_pvdd_vn_article_003

Người người nô nức tham gia chương trình diễu hành đèn lồng thuộc khuôn khổ sự kiện lễ hội đèn lồng hoa sen diễn ra vào mùa xuân hằng năm tại Hàn Quốc. (Ảnh: Korea.net)



Trong điều kiện bình thường, lễ hội đèn lồng hoa sen sẽ có buổi diễu hành lớn đi qua các thành phố với sự tham gia của hàng chục đến hàng trăm nghìn người, không phân biệt quốc tịch, tầng lớp, độ tuổi, ai cũng mang theo những chiếc đèn lồng thắp sáng lung linh, gửi gắm nguyện vọng cầu mong hạnh phúc, bình an, sự tha thứ, trí tuệ, tất cả đều là những đặc trưng cao đẹp của Đức Phật. Năm nay, vì đại dịch Covid-19, chương trình diễu hành đèn lồng và khu văn hóa truyền thống đã thay đổi thành hình thức online nhằm đảm bảo an toàn. Lễ hội đèn lồng hoa sen 2021 nêu bật ý nghĩa khẩu hiệu “thắp sáng đèn lồng, hi vọng chữa bệnh”, phần nào xoa dịu nỗi đau cùng khó khăn mà Covid-19 gây ra cho toàn thế giới. Dưới đây là các thông tin về một chương trình bạn nên lưu ý để theo dõi (theo thông tin từ trang web www.llf.or.kr):

[Triển lãm đèn lồng truyền thống]

Bạn dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đèn lồng bằng giấy Hanji truyền thống với màu sắc rực rỡ, nổi bật tại các địa điểm chính như đền Jogyesa, đền Bongeunsa, suối Cheonggyecheon. Chúng mang ý nghĩa lan tỏa hơi ấm và soi sáng tâm trí con người toàn thế giới, mong ước thông tuệ giống như Đức Phật.

Thời gian: 14/5 – 31/5/2021

Địa điểm:
1) Đền Jogyesa
Cổng ra số 2 trạm Jonggak, line 1, sau đó đi thẳng 400 m Cổng ra số 6 trạm Anguk, line 3, sau đó đi thẳng rồi băng qua đường, rẽ trái khoảng 150 m
Nếu bắt xe bus, bạn nên đi những tuyến sau: 109, 151, 162, 171, 172, 272

2) Đền Bongeunsa
Cổng ra số 6, trạm Samsung, line 2, đi thẳng 500 m rồi rẽ trái 100 m Cổng ra số 2, trạm Cheongdam, line 7, đi thẳng 600 m rồi rẽ phải 100 m Cổng ra số 1, trạm Bongeunsa, line 9
Nếu bắt xe bus, bạn nên đi những tuyến sau: 143, 146, 301, 351, 352 401

3) Suối Cheonggyecheon
Cổng ra số 5, trạm Gwanghwamun, line 5, sau đó đi thẳng 50 m
Nếu bắt xe bus, bạn nên đi những tuyến sau: 101, 150, 402, 405, 501, 506


Lễ hội đèn lồng hoa sen không chỉ gói gọn là một sự kiện Phật giáo thông thường mà nó còn đem đến giá trị tâm linh, giá trị truyền thống tốt đẹp, quan trọng, được xây dựng qua thăng trầm của nhiều giai đoạn lịch sử đáng nhớ tại đất nước Hàn Quốc. Tinh thần từ bi, bác ái, lan tỏa yêu thương, hi vọng an lành, hạnh phúc biểu trưng bởi những chiếc đèn lồng rực rỡ ánh sáng muôn màu. Chúng như thắp lên ánh sáng tâm hồn sưởi ấm quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh hiện tại. Hi vọng Covid-19 sớm qua đi để mọi người lại một lần nữa hòa mình trong không khí nhộn nhịp không kém phần trang trọng của lễ hội đèn lồng hoa sen giống với các năm trước.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.