Các nho sĩ mặc bộ đồng phục màu đỏ vào dịp lễ hội ở Sungkyunkwan. (Ảnh: Korea.net)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Nhật Hạ
Đồng phục không còn là văn hóa học đường xa lạ đối với học sinh Việt Nam và trên thế giới. Khi nhắc tới đồng phục của học sinh Hàn Quốc, chắc hẳn các bạn sẽ tưởng tượng ngay ra những thiết kế đa dạng nhiều mẫu mã và kiểu dáng trong các bộ phim truyền hình hay MV ca nhạc hiện đại đúng không nào?
Tuy nhiên, bài viết hôm nay mình muốn giới thiệu cho các bạn về bộ đồng phục đầu tiên của Hàn Quốc – bộ đồ dành riêng cho các sĩ tử thời Joseon mang tên Cheongkeumbok (hay còn gọi là Yusengbok –
청금복/유생복). Hãy cùng mình tìm hiểu về lịch sử xung quanh bộ đồng phục này nhé!
Trường học đầu tiên thời Joseon – Sungkyunkwan
Giảng đường Myeongnyundang. (Ảnh: Bùi Nhật Hạ)
Sau khi lập nên triều đại Joseon, vua Taejo đã dời đô đến Hanyang (Seoul hiện tại) và vào năm 1398, ông đã cho thành lập trường học giảng dạy nho giáo đầu tiên với tên gọi Sungkyunkwan. Trong kiến trúc nhà trường, ta không thể không nhắc đến tòa nhà Myeongnyundang – di tích lịch sử vẫn được giữ gìn đến tận ngày nay. Mang ý nghĩa “nơi soi sáng đạo lý tư tưởng” đây chính là giảng đường dạy học cho các nho sĩ Sungkyunkwan Yuseng.
Bộ đồng phục đáng tự hào của các Sungkyunkwan Yuseng
Bức ảnh thể hiện sự thay đổi của của Cheongkeumbok qua từng giai đoạn – được chụp bởi sinh viên đại học Sungkyunkwan. (Ảnh: Trường đại học Sungkyunkwan)
‘Cheongkeumbok’ xuất hiện lần đầu vào năm 11 đời vua Taejong. Dựa theo các tư liệu lịch sử của thời đại này, các nho sĩ học tập tại Sungkyunkwan bắt buộc phải mặc đồng phục ‘Cheongkeumbok’ theo quy định của triều đình. Khi đó, đặc trưng của bộ đồng phục là màu xanh cùng các đường viền đen, với ý nghĩa “mang trên mình màu xanh ngọc bích”. Đến thời vua Seongjong, Cheongkeumbok được thiết kế giống với trang phục Danryong – với đặc trưng là áo khoác cổ tròn.
Bức ảnh chụp tại Donam Seowon, là một trường học Nho giáo nằm ở thành phố Nonsan, tỉnh Chungcheongnam-do. (Ảnh: Tài khoản Instagram chính thức của Korea.net)
Từ đó, ‘Cheongkeumbok’ chỉ cần có đặc trưng của Danryong, không cần nhất thiết phải là màu xanh ngọc nữa. Đặc biệt, sau khi Nhật Bản xâm lược Triều Tiên (
임진왜란, 1592-1598), chế độ triều đình Joseon có nhiều sự thay đổi, và trang phục của những nho sinh Sungkyunkwan cũng vậy. Từ năm 1740, vào thời vua Yeongjo, các sĩ tử lúc bình thường như ở nhà ăn hay kí túc xá, hoặc hoạt động trong hội học sinh sẽ mặc bộ đồng phục màu đỏ. Khi có lễ hội hay các nghi lễ của Sungkyunkwan, họ mặc màu xanh, và cuối cùng trong các dịp quan trọng với quốc gia sẽ phải mặc màu đen.
Dù có nhiều sự thay đổi qua từng thời đại, ‘Cheongkeumbok’ luôn chứa đựng một ý nghĩa quan trọng, đó là ‘Lễ’. Việc mặc đồng phục chỉnh tề được quy định như một chế độ triều đình vì nó thể hiện lễ nghi, phép tắc và giá trị của các Nho sinh Sungkyunkwan!
Một chiếc mũ hoa giấy đã được tặng cho những người trạng nguyên trong kì thi khoa cử sau một thời gian học tập ở Sungkyunkwan. (Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)
Nói đến trang phục của các nho sinh thời Joseon, mình rất muốn nhắc đến Hoa giấy (
어사화). Đây là các cành hoa giấy gắn trên mũ được ban tặng bởi nhà vua, điều đó chứng tỏ bạn là trạng nguyên của kì thi khoa cử khắc nghiệt sau một thời gian học tập ở Sungkyunkwan.
Được coi là biểu tượng của chiến thắng, phần quà cho các vận động viên đạt giải của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang (năm 2018) chính là chú bạch hổ Soohorang và chú gấu Bandabi đội mũ hoa giấy. (Ảnh: Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018)
Bạn có muốn thử trải nghiệm mặc Cheongkeumbok không?
Biểu tượng của trường đại học Sungkyunkwan. (Ảnh: Bùi Nhật Hạ)
Rất đơn giản nếu bạn là học sinh trường đại học Sungkyunkwan, bạn có thể dễ dàng thấy bộ đồng phục này ở khắp mọi nơi. Hình ảnh các bạn học sinh mặc áo màu xanh trắng và đội mũ đen như là một biểu tượng văn hóa của nhà trường vậy. Tuy nhiên, thiết kế của nhà trường có hơi khác so với truyền thống, nhất là phần đai thắt bản to ở giữa eo. Thiết kế này được mô phỏng theo “Chuyện tình Sungkyunkwan” (2010), một bộ phim truyền hình khá nổi tiếng của đài KBS.
Vậy là hôm nay mình đã giới thiệu cho các bạn về những câu chuyện xoay quanh bộ đồng phục đầu tiên của Hàn Quốc rồi. Cheongkeumbok không đơn giản chỉ là một bộ hanbok đâu, với người Hàn Quốc, nó còn chứa đựng nhiều đạo lý nho giáo mà chúng ta cần giữ gìn nữa đó.
Thật vậy, đối với mỗi một bộ đồ, thay vì chỉ đơn thuần mặc nó trên người, bạn hãy thử thấu hiểu về ý nghĩa của nó xem. Ví như nếu mặc Cheongkeumbok, chúng ta cũng phải học tập thật chăm chỉ như những nho sĩ Sungkyunkwan đúng không nào?
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.