Các vận động viên đến từ khắp thế giới đã khép lại hành trình Olympic Tokyo 2020 với lễ bế mạc diễn ra ở sân vận động Quốc gia Nhật Bản vào tối ngày 8/8/2021. (Ảnh: Yonhap News)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thái Hường
Sau hơn 2 tuần tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, thế vận hội lần thứ 32 chính thức khép lại bằng Lễ bế mạc diễn ra tại sân vận động Quốc gia Tokyo vào ngày 8/8 vừa qua. Màn mở đầu với những hiệu ứng ánh sáng và đặc biệt hơn 5 vòng tròn biểu tượng Olympic được tạo nên trên không trung đã khiến cho buổi lễ thêm phần ý nghĩa. Sau lễ thượng cờ Nhật Bản, đại diện của hơn 200 đoàn thể thao với lá quốc kỳ tiến ra sân vận động. Chỉ có hơn 4.000 người tham gia buổi lễ do nhiều vận động viên, lãnh đạo, chuyên gia của các đoàn sau khi kết thúc các môn thi đã trở về nước.
Khép lại hành trình tại một kỳ thế vận hội đặc biệt khi cả thế giới đang cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà mất đi tinh thần thể thao, những giá trị nhân văn sâu sắc cùng sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn mà các vận động viên đã thể hiện trên chặng đường thi đấu vừa qua. Kết thúc thế vận hội, đoàn thể thao Mỹ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 39 huy chương Vàng, 41 huy chương Bạc và 33 huy chương Đồng. Đoàn thể thao Trung Quốc xếp thứ 2 và nước chủ nhà Nhật Bản xếp thứ 3 toàn đoàn. Đoàn thể thao Hàn Quốc xếp thứ 16 toàn đoàn với 6 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc và 10 huy chương Đồng.
Ba nữ cung thủ Hàn Quốc đã giành huy chương vàng trong trận chung kết môn bắn cung nội dung đồng đội nữ được tổ chức ở Trường bắn cung Công viên Yumenoshima ở Tokyo. (Ảnh: Yonhap News)
Nếu như Trung Quốc rất mạnh ở các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, cử tạ; người Mỹ thống trị trên đường đua xanh, hay Jamaica với thế mạnh ở các cuộc chạy nước rút thì bắn cung Hàn Quốc lại gần như không có đối thủ. Trong suốt hành trình thi đấu vừa qua, đoàn thể thao Hàn Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc khi khẳng định được vị trí của mình ở bộ môn bắn cung bằng những màn thi đấu đến nghẹt thở của các cung thủ. Và không chỉ có ở kỳ thế vận hội lần này, các kỳ thế vận hội trước đây cũng như ở những giải thi đấu thế giới, các cung thủ của Hàn Quốc luôn thể hiện được vị trí số 1 ở bộ môn này.
Đối với những khán giả yêu thích phim truyền hình Hàn Quốc, chắc hẳn các bạn đã khá quen thuộc với bộ phim truyền hình nổi tiếng: “Truyền thuyết Jumong” được phát sóng trên kênh MBC vào năm 2006. Bộ phim xây dựng nhân vật người anh hùng Go Jumong, là vị vua sáng lập ra Cao Câu Ly, vương quốc phía Bắc trong thời tam quốc Triều Tiên (từ năm 37 TCN đến năm 668 SCN). Theo sử sách ghi chép lại thì Jumong là vị vua xuất chúng với tài năng hơn người, có tài bắn tên điêu luyện, ngay cả khi bị bịt mắt vẫn có thể bắn trúng hồng tâm. Có lẽ từ đây, đất nước Hàn Quốc đã sản sinh ra các thần tiễn thủ – hậu duệ của vua Jumong.
Bắn cung là môn thể thao đòi hỏi bản lĩnh và sự chính xác. Bắn cung còn tượng trưng cho sức mạnh, lòng kiêu hãnh dân tộc của người dân Hàn Quốc. Tại kỳ Thế vận hội diễn ra ở Brazil năm 2016, đội tuyển bắn cung Hàn Quốc đã ẵm cả bộ 4 tấm huy chương vàng các nội dung đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam và đồng đội nữ. Ở Olympic Tokyo lần này, đội tuyển bắn cung đã giành được 4 tấm huy chương ở các nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nữ và đôi nam nữ. 2 vận động viên xuất sắc của đội tuyển là An San và Kim Woojin đã thể hiện tài năng của bản thân khi đã có những lần liên tiếp bắn trúng hồng tâm để giành được điểm 10 tuyệt đối. Nếu như An San là cung thủ trẻ tuổi nhất với 3 lần bắn liên tiếp đạt điểm 10 trong trận tranh huy chương vàng với đối thủ đến từ Ủy ban Olympic Nga, thì với Kim Woojin (cung thủ từng là số 1 thế giới và cũng là người nắm rất nhiều kỷ lục tại bộ môn này) anh lại một lần nữa khiến thế giới phải thán phục trước tài năng của mình. Ở trận thi đấu loại trực tiếp với cung thủ người Malaysia Mohamad Khairul Anuar, cung thủ người Hàn Quốc đạt được điểm số tuyệt đối sau 9 lượt bắn (90 điểm) để chính thức giành quyền đi tiếp. Tại Olympic Rio 2016, anh đã lập kỷ lục thế giới với 700 điểm sau 72 lượt bắn (tối đa 720 điểm). Kỷ lục này có lẽ sẽ phải rất lâu sau mới có thể bị phá vỡ.
Các cung thủ Hàn Quốc mang về tổng cộng 4 huy chương vàng cho đất nước tại Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: KOLON INDUSTRIES)
Để có được sự thành công tất cả đều phải trải qua khổ luyện. Trẻ em Hàn Quốc tập bắn cung từ tiểu học, và những tài năng được huấn luyện liên tục trong nhiều năm để tìm ra những người giỏi nhất, bởi bắn cung là một nghệ thuật mà người thành công là người hiểu biết và nắm bắt được tất cả các quy luật của việc sử dụng cung tên. Các cung thủ Hàn Quốc được yêu cầu khối lượng tập luyện rất nặng, cũng như có phương pháp huấn luyện khác hẳn với các nước khác. Họ có thể mất hàng tháng để tập tư thế đứng cho đúng và sau đó mới là học cách nâng và bắn cung tên. Ngoài ra, sự vững mạnh về tài chính giúp Hàn Quốc có điều kiện đầu tư vào cơ sở vật chất lẫn nhân lực, tạo động lực cho các vận động viên miệt mài luyện tập và nỗ lực thi đấu.
Và một yếu tố khác cũng góp phần tạo nên sự thi đấu thành công đó chính là Tâm lý. Tại kỳ thế vận hội vừa qua, khi các cung thủ thi đấu, nhịp tim của họ được xuất hiện trên màn hình tivi để khán giả có thể theo dõi các vận động viên áp lực khi thực hiện phần thi của mình như thế nào. Yếu tố tâm lý kết hợp cùng với tài năng đã giúp các thần tiễn thủ xứ Hàn giành được rất nhiều huy chương tại các đấu trường khu vực cũng như trên thế giới. Có thể nói kỹ thuật sử dụng cung tên của người Hàn đã tới mức đỉnh cao và dẫn đầu thế giới ở bộ môn này.
Vào năm 2024 tới đây, thủ đô Paris sẽ là chủ nhà của kỳ Thế vận hội lần thứ 33. Đây cũng là năm đặc biệt đối với nước Pháp bởi đây sẽ là kỳ Thế vận hội đánh dấu tròn 100 năm Olympic trở lại với đất nước này, sau lần tổ chức gần nhất vào năm 1924.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.