Phóng viên danh dự

07.10.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Hai phóng viên danh dự Korea.net chụp ảnh lưu niệm cùng các khán giả tại chương trình. (Ảnh: Đặng Xuân Dương, Trần Hải Anh)

Hai phóng viên danh dự Korea.net chụp ảnh lưu niệm cùng các khán giả tại chương trình. (Ảnh: Đặng Xuân Dương, Trần Hải Anh)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Đặng Xuân Dương Trần Hải Anh

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Đoàn nghệ thuật New Seoul Opera đã tổ chức thành công vở nhạc kịch “Ngày lấy chồng - The Wedding day” (시집가는 날) dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA); Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc (ARKO) vào ngày 20/09/2022 vừa qua tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Buổi công diễn có sự tham gia của bà Hong Ji-won - Giám đốc đoàn nghệ thuật New Seoul Opera, TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa XI, XII, XIII, XIV, XV), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); ông Kim Ho Il - Hội trưởng Hội người cao tuổi Hàn Quốc; nhiều lãnh đạo cấp cao và đông đảo người dân hai nước.

“The Wedding Day” là một vở nhạc kịch opera đậm chất sáng tạo, lấy bối cảnh hôn lễ truyền thống “tạo tiếng cười nhưng vẫn mang tính giáo huấn”, nội dung nhấn mạnh ý nghĩa thực sự của tình yêu và sự thức tỉnh nhân tính bằng cách châm biếm ảo tưởng hư danh ham quyền thế, tập quán kết hôn cũ, sự vô nhân đạo của giai cấp xã hội xưa. Vở kịch gồm 3 màn:

Màn 1: Mae Jin-sa là một người tham lam, thích quyền lực và thích khoe khoang. Vì lợi ích của gia đình, ông định gả con gái mình là Gappuny cho Mi Un, con trai của nhà Kim Pan-seo ở Doraji. Ông ta chỉ chăm chăm suy nghĩ về việc kết thông gia với một gia đình quyền thế nên chấp nhận hôn ước mà không cần gặp mặt chú rể. Ông ta rất phấn khích với tham vọng của mình.

Màn 2: Tuy nhiên, một ngày trước đám cưới, nhà Kim Pan-seo đã cố tình tung tin đồn rằng chú rể Mi Un là người không bình thường để thử lòng nhà gái. Cả gia đình nhà gái đã bị náo loạn. Nhưng tình thế hiện tại không thể không tổ chức lễ cưới. Gappuny nhất quyết không chịu lấy chồng, Mae Jin-sa đang không biết phải làm thế nào bèn nghĩ ra một kế: Ippeuny thay thế Gappuny làm cô dâu, còn Gappuny được đưa đến nhà ông chú ở Unsan (Maenghyowon).

Màn 3: Vào ngày cưới, chú rể Mi Un đến nhà Mae Jin-sa nhưng anh ấy không phải là người khuyết tật, mà là người rất khôi ngô, tuấn tú. Mae Jin-sa vô cùng ngạc nhiên, cố gắng kéo dài lễ cưới để đưa Gappuny quay về lễ cưới kịp. Tuy nhiên, trong khi Sam-dol, một người hầu được cử đến Unsan để đón Gappuny, đám cưới đã được tổ chức theo sự thúc giục của ông Maeng già, cha của ông Mae Jin-sa, người không biết sự thật lúc đó. Ghét bỏ thói đạo đức giả của những người muốn cầu thân, Mi Un kết hôn với Ippeuny - một người hầu, bởi anh biết cô là người có tấm lòng nhân hậu. Hai người tổ chức lễ cưới và cô dâu theo chú rể về nhà chồng.

Một phân cảnh trong Màn 3: Đám cưới. (Ảnh: Trần Hải Anh)

Một phân cảnh trong Màn 3: Đám cưới. (Ảnh: Trần Hải Anh)



Vở kịch kéo dài gần 2 tiếng dưới sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả, để lại nhiều cung bậc cảm xúc và cả những bài học đầy ý nghĩa.

Phát biểu tại buổi công diễn, bà Hong Ji-won - Giám đốc đoàn nghệ thuật New Seoul Opera chia sẻ: “Năm 2022 là một năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam và Hàn Quốc. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hữu nghị Việt - Hàn, rất nhiều các sự kiện đang được tổ chức. Vở nhạc kịch Opera “Ngày lấy chồng”, kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, là vở opera sáng tạo của Hàn Quốc lấy bối cảnh đám cưới xưa, thể hiện một cách nghệ thuật nét đẹp truyền thống... Đây cũng là lần thứ 2 vở nhạc kịch được công diễn tại nhà hát lớn Hà Nội kể từ lần đầu tiên được diễn vào năm 2002 - kỉ niệm 10 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao của hai nước”.

“Tôi hy vọng rằng thông qua buổi biểu diễn ngày hôm nay, sự giao lưu văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển trở thành cầu nối để chính phủ và người dân hai nước thêm hiểu nhau, gần gũi với nhau hơn. Ngoài ra, tôi mong rằng Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương hướng tới tương lai dựa trên những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua” - bà Hong cho biết thêm.

Tại đây, TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa XI, XII, XIII, XIV, XV), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng có bài phát biểu. Vào đầu thế kỉ thứ 13, gần 800 năm về trước, Hoàng từ Lý Long Tường của Việt Nam đã lưu lạc sang vùng Hwanghae, thuộc Cao Ly ngày ấy. Hoàng tử Việt Nam đã được nhà vua Cao Ly chở che, đùm bọc, sau này thì Hoàng tử cũng đã trở thành Hoa Sơn tướng quân của Hàn Quốc, đã có nhiều đóng góp vào những công cuộc vệ quốc vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ông cũng trở thành ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn (화산 이씨), là những công dân đầu tiên của đất nước Hàn Quốc mang dòng máu Việt Nam. “Có thể nói, Việt Nam và Hàn Quốc là anh em, bạn bè trước khi trở thành đối tác” - TS Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Ngày 20/09, hai phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội thưởng thức vở nhạc kịch Hàn Quốc “Ngày lấy chồng - The Wedding day” được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. (Ảnh: iclickart)

Ngày 20/09, hai phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội thưởng thức vở nhạc kịch Hàn Quốc “Ngày lấy chồng - The Wedding day” được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Trong buổi công diễn lần này, hai phóng viên danh dự của Korea.net Trần Hải Anh và Đặng Xuân Dương có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm. Chính vì vậy, hơn ai hết chúng mình đều mang trong mình những cảm nhận riêng.

“Đây là một vở opera có chủ đề vừa hài hước vừa mang tính giáo dục cao khi mà nội dung của nó nhấn mạnh ý nghĩa thực sự của tình yêu và sự phục hồi nhân cách bằng cách châm biếm sự thất vọng của gia đình, mâu thuẫn của chế độ hôn nhân cũ và sự phi nhân đạo của xã hội tầng lớp truyền thống Hàn Quốc. Trong kho tàng dân gian và văn hóa Việt Nam cũng có những câu chuyện, những bài học như vậy nên khi xem vở nhạc kịch mình thấy rất gần gũi, thân thuộc. Buổi biểu diễn không chỉ đem lại những giá trị thưởng thức chất lượng, tôn vinh thành tựu nghệ thuật đặc sắc của Hàn quốc nói riêng mà còn giúp khán giả tiếp cận đến dòng nhạc opera. Trong tương lai, mình hy vọng sự giao lưu văn hóa giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, nhân dân hai nước sẽ có cơ hội trao đổi văn hóa một cách tích cực và toàn diện hơn qua những buổi biểu diễn nghệ thuật tuyệt vời như thế này” - theo Phóng viên danh dự Korea.net Trần Hải Anh.

Phóng viên Korea.net Đặng Xuân Dương thì lại có cơ hội làm tình nguyện viên giúp đỡ Ban tổ chức trong khâu kiểm soát vé, phân phát sách giới thiệu về vở kịch tới tay các khán giả đến xem công diễn.

“Khi mình trực ở quầy vé và khu vực soát vé, mình thấy số lượng khán giả người Việt Nam đông hơn số lượng khán giả Hàn Quốc rất nhiều, đặc biệt là có nhiều các bạn trẻ Việt Nam cùng nhau đến xem công diễn. Các bạn có chia sẻ với mình là các bạn biết được thông tin buổi công diễn thông qua trang Facebook của Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam, thông qua thầy cô giáo người Hàn Quốc tại trường Đại học mà các bạn đang theo học. Có nhiều bạn lần đầu tiên được đi xem một buổi công diễn nhạc kịch Hàn Quốc. Tuy ai cũng đeo khẩu trang nhưng mình vẫn cảm nhận được qua ánh mắt của các bạn sự háo hức mong chờ, niềm vui khi được tận mắt xem và hiểu thêm về không chỉ nhạc kịch Hàn Quốc mà còn cả những bài học đầy nhân văn đằng sau đó nữa. Mình nghĩ rằng trong năm kỉ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn thì hai nước sẽ còn tổ chức rất nhiều các sự kiện giao lưu, mình hy vọng sẽ được góp sức mình giúp đỡ cho mọi người trong những sự kiện đó, và hơn hết là hy vọng sẽ được gặp nhiều hơn nữa các bạn trẻ có chung tình yêu với Hàn Quốc như mình”.

Các khán giả của buổi công diễn. (Ảnh: NVCC, Biên tập: Đặng Xuân Dương)

Các khán giả của buổi công diễn. (Ảnh: NVCC, Biên tập: Đặng Xuân Dương)



Không chỉ vậy các phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội trò chuyện với các khán giả có mặt tại buổi công diễn.

Bạn Park Ji Eun - sinh viên khoa tiếng Việt, trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, hiện đang học tập tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - ĐH KHXH & NV - Đại học Quốc Gia Hà Nội, rất hào hứng khi có cơ hội thưởng thức vở kịch được biểu diễn bởi người Hàn Quốc ngay tại Việt Nam. “Về nội dung của vở kịch thì rất gần gũi vì nó được chuyển thể từ một câu chuyện dân gian mà bất kì người Hàn Quốc nào cũng đã từng nghe qua. Tuy nhiên, mình thấy đây là một cơ hội quý báu để nhắc nhở bản thân luôn nhớ về bài học “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Bên cạnh câu chuyện ý nghĩa được kể bằng âm nhạc thì những nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc như múa hoa sen, múa Mudangchum, Samulnori,... cũng được lồng ghép khéo léo, thu hút, tinh tế” - bạn Ji Eun chia sẻ.

Bạn Minh Thư - sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, đại học Thăng Long chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được xem một buổi công diễn opera, đặc biệt còn là nó đến từ Hàn Quốc - một đất nước mà em yêu mến và đang trong quá trình tìm hiểu. Em hoàn toàn bị thu hút bởi âm nhạc, diễn xuất nhập tâm của các diễn viên. Vở kịch này cho em biết thêm khá nhiều về văn hoá kết hôn của Hàn Quốc và điều khiến em bị thu hút hơn cả là bộ váy cưới truyền thống rất rực rỡ, lộng lẫy”.

Minh Thư cũng hy vọng hai nước sẽ có thêm nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân hai nước có thêm hiểu biết về văn hóa của nhau. “Biết đâu trong tương lai sẽ có những vở nhạc kịch của Việt Nam được công diễn tại Hàn Quốc và được đông đảo người dân đón nhận”.

Với niềm quan tâm dành cho nghệ thuật và văn hóa của Việt Nam - Hàn Quốc, với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quảng bá nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc tại Viện Gukak Quốc gia Busan, bạn Lim Ah Min cho biết buổi công diễn nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc là một chương trình mang đầy ý nghĩa với người dân hai nước.

“Mình cũng rất lo lắng cho các khán giả Việt Nam vì đây là vở opera lấy bối cảnh văn hóa truyền thống Hàn Quốc, được biểu diễn bằng tiếng Hàn nên phần nào sẽ khó hiểu với họ. Tuy nhiên, buổi công diễn kết thúc trong tràng vỗ tay nồng nhiệt, vẻ mặt thỏa mãn của khán giả đã cho thấy đó là một buổi biểu diễn thành công” - Ah Min thật lòng chia sẻ.

Ah Min cũng hy vọng về 1 “bức tranh” tương lai mà thế hệ nghệ sĩ của hai nước có nhiều cơ hội lưu diễn và cùng nhau phát triển, giao lưu văn hóa nghệ thuật hơn nữa và Ah Min sẽ hỗ trợ hết mình để “bức tranh” ấy được hoàn thiện trong thời gian gần nhất.

Trong 30 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển trên mọi lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, xã hội - văn hóa. Buổi công diễn vở nhạc kịch The Wedding Day cũng chính là một dịp để giúp sự giao lưu nhân dân hai nước được thêm phần gắn kết, là khoảng thời gian giúp khán giả Việt Nam có cơ hội tiếp xúc gần hơn với văn hóa Hàn Quốc dưới hình thức nhạc kịch - một cách tiếp cận mới lạ hơn so với phim ảnh, âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Một lần nữa, xin chúc mừng thành công của buổi công diễn và cảm ơn sự tận tâm, hết mình của các đơn vị liên quan trong quá trình chuẩn bị và tổ chức chương trình!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.