Xu hướng “Glocal” đang dần nổi lên, hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng du lịch được ưu thích nhất trong những năm tới. (Ảnh: Freepik, Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan
Hàn Quốc luôn là một trong những đất nước thu hút khách du lịch nhờ phong cảnh đẹp, những món ăn ngon, những văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc,... Ngoài những điểm đến nổi tiếng, quen thuộc ở Hàn Quốc như Seoul, Jeju,... thì xu hướng du lịch “Glocal” đang dần nổi lên, trở nên thịnh hành trong những năm gần đây và dần chứng minh sức hút của mình trong thời gian sắp tới.
Tháp Namsan tại Seoul là một địa điểm du lịch nổi tiếng và quen thuộc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Freepik)
Giới thiệu xu hướng du lịch “Glocal”
“Glocal” được ghép bởi hai từ là “Toàn cầu” (Global) và “Địa phương” (Local), nói về cách toàn cầu hóa một quốc gia khi làm nổi bật các đặc điểm của từng địa phương. Theo đó, du lịch “Glocal” chính là cách để công dân toàn cầu thưởng ngoạn nét lôi cuốn, nhiều màu sắc từ mọi ngóc ngách của các quốc gia trên thế giới.
Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều địa phương Hàn Quốc cũng gây ấn tượng nhờ những đặc trưng riêng của mình. Mỗi khu vực mang nét khác biệt, tiêu biểu thông qua những yếu tố như địa lý, khí hậu, lịch sử, văn hóa, ẩm thực,...
Nhờ đó du lịch địa phương đã góp phần thỏa mãn thị hiếu cho nhiều du khách quốc tế, từ những đối tượng thích du lịch vận động, tham quan di tích lịch sử, cho đến những đối tượng thích ẩm thực thì đều có thể khám phá những điểm mới lạ tại Hàn Quốc mà bản thân họ mong muốn.
Cầu Expo tại thành phố Daejeon, Hàn Quốc. (Ảnh: Freepik)
Nguyên nhân dẫn đến xu hướng du lịch “Glocal”
Xu hướng du lịch địa phương ngày càng thịnh hành khi nhu cầu của khách du lịch không chỉ gói gọn trong những tour du lịch phổ biến. Sự phát triển của du lịch địa phương có thể được tóm tắt bởi những nguyên nhân sau:
- Thứ nhất là sự thay đổi về nhu cầu du lịch. Nhu cầu du lịch quy mô nhỏ, du lịch gia đình, du lịch cá nhân, du lịch thiên nhiên, du lịch khám phá,... ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu đi du lịch quy mô lớn, trọn gói và theo nhóm hiện nay đang có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, nhu cầu lưu trú dài ngày và du lịch ngắn ngày càng mở rộng cùng với sự gia tăng không ngừng.
- Thứ hai, có sự thay đổi về nguồn cung du lịch. Loại hình du lịch O2O (*O2O: là viết tắt của từ tiếng anh “Online to Offline”, hay được dịch là “Trực tuyến tới trực tiếp”) đang dần mở rộng. Tức du lịch không chỉ theo đuổi cả trực tuyến và ngoại tuyến, mà còn đang dần mở rộng sang các hướng khác như du lịch định hướng nội dung câu chuyện. Nhờ đó mà khách tham quan có thể hiểu sâu thêm về những nơi mình khám phá thông qua những câu chuyện hấp dẫn bên lề về địa phương đó.
- Thứ ba, có sự thay đổi trong chính sách du lịch. Trước kia, nếu như các chính sách du lịch tập trung vào việc mở rộng số lượng thì ngày nay, nhiều chính sách đang thay đổi để cải thiện sự hài lòng và chất lượng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách thúc đẩy ngành du lịch địa phương tại Hàn Quốc cũng được ban hành. Nhờ đó mà các địa phương có thể phát triển một cách triệt để những ưu điểm, tài nguyên vốn có của mình để thu hút khách quốc tế.
- Thứ tư, nhờ hiệu ứng đến từ K-pop, K-drama,... mà hình ảnh Hàn Quốc cũng đã được đến gần với bạn bè quốc tế. Từ đó, mong muốn khám phá những nét riêng biệt, thú vị trên khắp mọi miền Hàn Quốc đã góp phần giúp ngành du lịch địa phương dần trở nên phổ biến. Ví dụ như nhờ những ảnh hưởng của bộ phim truyền hình “Hometown Chachacha” được phát sóng vào năm 2021 mà hình ảnh của làng chài Gongjin đã được khán giả quốc tế biết đến nhiều hơn. Chưa kể, số lượng người tới thăm ngôi làng này cũng tăng đáng kể sau khi bộ phim phát sóng.
Công viên trung tâm Songdo tại thành phố Incheon, Hàn Quốc. (Ảnh: Pixabay)
Một số điểm sáng trong việc phát triển du lịch “Glocal”
Ngoài những yếu tố trên, các địa phương cũng đã khai thác triệt để những thế mạnh của địa phương mình để thu hút khách du lịch. Việc đầu tư quảng bá hình ảnh, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông,... cũng giúp cho ngành du lịch địa phương phát triển, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan. Chẳng hạn như ở huyện Yeongwol-gun, tỉnh Gangwon-do đã tạo ra một sự thay đổi trong du lịch địa phương bằng cách tích cực sử dụng chủ đề “Đặc khu Bảo tàng Goeul”. Huyện Yeongwol-gun đã thực hiện “Dự án Quảng bá Làng Bảo tàng” từ năm 2005 và đang nỗ lực rất nhiều để đảm bảo bản sắc địa phương.
Thành phố Suncheon (tỉnh Jeollanam-do), đã thúc đẩy du lịch địa phương thông qua du lịch sinh thái Vịnh Suncheon. Vịnh Suncheon đã phải trải qua nhiều thử thách trong quá trình phục hồi sinh thái, nhưng nó đã góp phần hồi sinh du lịch địa phương như ở pháo đài Nagan Eupseong và Làng trải nghiệm Hanok.
Thêm nữa, thành phố Jeonju của tỉnh Jeollabuk-do đã hàng năm thu hút lượng khách du lịch “khủng” thông qua việc bảo tồn ngôi làng Hanok đẹp và tận dụng các nguồn tài nguyên văn hóa. Trên thực tế, Jeonju còn được coi là một điểm đến du lịch tiêu biểu và nổi tiếng với danh hiệu “Thành phố văn hóa truyền thống đặc biệt”.
Đến Hàn Quốc, du khách nên tham quan, trải nghiệm những ngôi làng Hanok. (Ảnh: Freepik)
Trong những năm vừa qua, sự bùng phát dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị đình trệ đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, du lịch địa phương đã phải chịu nhiều ảnh hưởng mặc dù nó đóng vai trò quan trọng trong khu vực, trong sự phát triển kinh tế. Dẫu sao thì ngành du lịch địa phương vẫn không hề hạ nhiệt và tiếp tục chứng minh sức hút của mình trong năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương đã và đang nhận được sự chú ý với tư cách là một ngành có đóng góp lớn trong việc phục hồi nền kinh tế bằng cách kích thích tiêu dùng và tạo việc làm.
Nhận định của cá nhân về xu hướng du lịch “Glocal”
Quả thật, du lịch “Glocal” tại Hàn Quốc đang là một xu hướng được nhiều khách quốc tế quan tâm. Điều này chứng minh Hàn Quốc không chỉ là một điểm đến hấp dẫn mà còn có những cách thức quảng bá hình ảnh, văn hóa một cách thú vị, phát huy mọi tiềm lực sẵn có.
Về cá nhân mình, mình cũng thấy du lịch địa phương là một trải nghiệm rất hấp dẫn. Thông qua đó, mình có thể thăm thú nhiều địa điểm cũng như thưởng văn hóa, ẩm thực của các địa phương một cách đa dạng. Cách thức du lịch này rất phù hợp với những người thích tự làm chủ chuyến đi của mình, không gò bó và cũng không phải phụ thuộc vào một lịch trình bắt buộc nào. Chưa kể, việc các địa phương chú trọng phát triển cơ sở vật chất nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch cũng là một trong những điểm giúp người tham quan có thể khám phá một cách thuận tiện nhất.
Và nếu có dịp đến thăm Hàn Quốc, mình rất muốn được khám phá nước bạn theo phong cách “Glocal”. Chẳng hạn như Daejeon, nơi nổi tiếng với di tích lịch sử thời Baekje được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã khiến mình cực kỳ ấn tượng trước vẻ cổ kính. Hay như tỉnh Jeollanam-do gây tiếng vang nhờ biển đêm Yeosu và hoàng hôn vịnh Suncheon đầy lãng mạn. Và còn rất nhiều điều bất ngờ khác đến từ các địa phương Hàn Quốc đang chờ đón mình nói riêng và du khách nói chung đến tham quan, khám phá trong thời gian tới.
Tỉnh Jeollanam-do đang ngày càng thu hút khách du lịch nhờ những địa danh cùng cách thức quảng bá thú vị. (Ảnh: Pixabay)
Kết lại, mình nhận định du lịch “Glocal” là một cách thức du lịch vô cùng hữu ích. Bởi nó mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm Hàn Quốc cực kỳ phong phú, đa dạng. Nhờ đó mà mọi người có thể hiểu sâu hơn về xứ sở Kim Chi thông qua nhiều khía cạnh khác. Mình nhận định xu hướng du lịch địa phương sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một xu thế du lịch dẫn đầu trong năm 2023 và những năm kế tiếp.
Để tìm hiểu thêm về xu hướng du lịch “Glocal”, các bạn có thể truy cập vào các trang web dưới đây để cập nhập thông tin cũng như tìm hiểu về các địa phương, về những chuyến du lịch hấp dẫn tại các địa phương Hàn Quốc.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.