Hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc đã được tổ chức ngay tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Đặng Phương Thanh
Ngày 12/08, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam kết hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức hoạt động làm mặt nạ và múa mặt nạ Hàn Quốc. Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc do KCC tại Việt Nam tổ chức nhằm đưa văn hóa Hàn Quốc đặc biệt là văn hóa truyền thống đến các bạn trẻ.
Talchum (múa mặt nạ Hàn Quốc) là loại hình nghệ thuật truyền thống nổi bật, được người dân xứ sở Kim Chi luôn giữ gìn. Buổi trải nghiệm lần này được hướng dẫn bởi thầy Park Jung Yong đến từ Hàn Quốc. Với nhiều năm kinh nghiệm với loại hình nghệ thuật đặc sắc này, thầy đã đem đến những chia sẻ thú vị về Talchum.
Nội dung hoạt động trải nghiệm bao gồm:
◌ Múa mặt nạ là gì?
◌ Cùng học phách / nhịp múa mặt nạ!
◌ Trổ tài làm mặt nạ của riêng bạn.
◌ Cùng nhau học múa mặt nạ!
1) Múa mặt nạ là gì?
Theo chia sẻ của thầy Park Jung Yong, múa mặt nạ là một loại hình diễn kịch truyền thống Hàn Quốc, vừa đeo mặt nạn vừa múa theo nhịp. Trong tiếng Hàn, Talchum (tiếng Hàn:
탈춤) là sự kết hợp của từ Tal (
탈) có nghĩa là đeo mặt nạ và chum (
춤) có nghĩa là nhảy múa. Như vậy Talchum là hình thức nghệ thuật đeo mặt nạ và nhảy múa hay gọi đơn giản là múa mặt nạ.
Thầy Park Jung Yong trực tiếp biểu diễn múa mặt nạ. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Ở mỗi vùng có những điểm khác biệt trong văn hóa múa mặt nạ, đặc biệt thể hiện rõ nhất trong hình dạng của mặt nạ. Các mặt nạ của Hàn Quốc đi từ tả thực đến kì dị với đầy đủ những sắc thái khác nhau. Về hình dáng của những chiếc mặt nạ người Hàn Quốc cũng rất đa dạng và phong phú từ những chiếc mặt nạ hình tròn, hình bầu dục, một số khác thì lại có hình tam giác với phần cằm dài và nhọn.
Mình đặc biệt ấn tượng với những chiếc mặt nạ màu đỏ rực rỡ khi thầy giới thiệu về mặt nạ. Sau khi tìm hiểu thì mới biết rằng quan niệm của người Hàn màu đỏ có sức mạnh xua đuổi tà ma hoặc những điều xui xẻo nên những chiếc mặt nạ màu đỏ rực rỡ lại mang ý nghĩa xua đuổi những thứ không tốt lành hoặc đại diện cho thứ xấu. Hình dáng của các mặt nạ cũng rất đặc biệt, thu hút sự tò mò của nhiều bạn cùng tham gia tại trải nghiệm đó.
Sự đa dạng của loại hình nghệ thuật truyền thống này theo các vùng miền. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Mỗi người nghệ sĩ khi đeo chiếc mặt nạ nào thì sẽ thể hiện đúng dáng vẻ của người đó theo tuổi tác, giới tính, chức vị một cách châm biếm hoặc phóng đại.
2) Cùng học phách / nhịp múa mặt nạ!
Hai nhịp điệu được giới thiệu là nhịp Jajinmori với phách chạy nhảy thật nhanh và nhịp Taryeong được sử dụng để tạo cảm giác nhẹ nhàng, hưng phấn và vui nhộn. Tương tác với buổi học, mọi người cùng nhau luyện tập vỗ tay theo các nhịp / phách và cùng hô vang cổ vũ người biểu diễn.
Hoạt động này khiến cho không khí buổi học trở lên sôi động hẳn trong tiếng hò reo và vỗ tay của mọi người. Ngoài ra không thể kể đến năng lượng mà thầy Park Jung Yong đem đến buổi trải nghiệm thực sự rất vui vẻ, hài hước.
3) Trổ tài làm mặt nạ của riêng bạn
Ban đầu mình đã có suy nghĩ rằng đây sẽ là hoạt động duy nhất khiến mình hứng thú về buổi trải nghiệm này nhưng khi tham gia mình cảm thấy rằng hoạt động nào cũng làm mình hứng thú và mãi không muốn về. KCC tại Việt Nam đã kĩ lưỡng chuẩn bị đất sét màu và mặt nạ để chúng mình có thể thỏa sức sáng tạo làm mặt nạ. Mỗi người sẽ tự trang trí cho mình một chiếc mặt nạ xinh xắn, có thể thỏa sức sáng tạo. Từ các bạn nhỏ đến những bạn học sinh, sinh viên, phụ huynh cũng rất chăm chú tạo cho mình một sản phẩm “độc nhất vô nhị”. Sau khi hoàn thành tác phẩm, chúng mình còn đặt tên và chia sẻ ý nghĩa của chiếc mặt nạ của mình. Hầu hết mọi người đều mong một thế giới hạnh phúc, vui vẻ với nhiều mảng màu sắc rực rỡ trên chiếc mặt nạ của mình. Nhiều cái tên thú vị được đặt như “Hê Hê”, “Hapy hapy”, “Tom & Jeny”,...
Chiếc mặt nạ mạng tên “Hê Hê” khiến mọi người không khỏi thích thú và bật cười. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Tuy là một trong những bạn nhỏ tuổi tham gia nhưng ý nghĩa của chiếc mặt nạ khiến mọi người trầm trồ. Chiếc mặt nạ với màu đen và màu vàng của hoa hướng dương tượng trưng cho sự vươn lên tìm ánh sáng dù ở nơi tối tăm, với mong muốn mọi người luôn lạc quan, vui vẻ và tích cực. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
4) Cùng nhau học múa mặt nạ!
Hoạt động cuối cùng khiến mọi người không thể nào ngồi yên trên ghế được nữa. Tất cả người tham dự đều đứng lên, từ những bạn nhỏ đến những người lớn chúng mình hóa thân thành những đứa trẻ từ 1 đến 7 tuổi. Quên đi tuổi tác, từng độ tuổi có những bước đi, gương mặt khác nhau. Cùng với phần ống tay áo dài màu trắng giúp thể hiện từng động tác uyển chuyển khiến mọi người hóa thân vào nhân vật tốt hơn. Chúng mình đã có những cơ hội tương tác rất vui cùng nhau khi được cùng chơi, cùng tìm hiểu, cùng nhảy múa và chào nhau khi được hóa thân vào đứa trẻ 7 tuổi.
Sau khi hoàn thành mặt nạ thì mọi người hào hứng rời khỏi ghế đến với hoạt động múa mặt nạ sôi nổi. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Chiếc mặt nạ do chính tay mình làm và cuốn truyện được tặng sau hoạt động. (Ảnh: Đặng Phương Thanh)
Ngoài những món quà tinh thần, những kiến thức về môn nghệ thuật Talchum truyền thống thì tất cả người tham dự còn có những món quà mang về làm kỉ niệm đến từ KCC tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam. Hàn Quốc không chỉ được biết đến bởi văn hóa âm nhạc hiện đại như K-pop, Hàn Quốc với mình còn có những nét đẹp nghệ thuật truyền thống được lưu truyền đến tận ngày nay.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.